Trang chủ » Kinh tế 24h » Hàng loạt tập đoàn cắt giảm 5-10% chi phí

Hàng loạt tập đoàn cắt giảm 5-10% chi phí

Tác giả:

Chiến dịch này được coi là nhằm khởi động đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Theo lịch trình này, Tập đoàn Tài chính Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tiên sẽ bị “soi xét” vào hôm nay 14/2. Kế tiếp, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam vào 16/2, với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào 21/2, với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam vào 23/2 và với Tập đoàn Than Khoáng sản vào 24/2 tới.

Tại lễ ký cam kết thực hiện cắt giảm chi phí diễn ra sáng nay (14/2), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt, ông Lê Quang Bình, cho biết, kế hoạch hành động cụ thể cắt giảm 5-10% chi phí quản lý đang được tập đoàn này tập trung xây dựng. Ngoài ra, Bảo Việt sẽ tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đề phòng hạn chế tổn thất trong các lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư; rà soát để triển khai đầu tư các dự án hiệu quả.

Nếu cắt giảm 5-10% chi phí, tổng số tiền mà tập đoàn này tiết kiệm được vào khoảng 145 tỷ đồng chi phí, doanh thu sẽ vẫn được đảm bảo như kế hoạch đề ra. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận năm nay của Tập đoàn Bảo Việt sẽ được tăng thêm 145 tỷ đồng – Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.

Tập đoàn Bảo Việt và các DN thành viên cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết kiệm chi phí (ảnh Ng.H)

Tại những cuộc họp tiếp theo, các tập đoàn, tổng công ty sẽ ký giao ước thi đua, thực hiện các biện pháp cụ thể để đạt mục tiêu giảm từ 5-10% chi phí quản lý trong năm 2012, qua đó, giảm giá thành, tiết kiệm đầu vào, nâng cao hiệu quả  sản xuất kinh doanh nói chung.

Năm 2011, trong số các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam có kết quả kinh doanh thua lỗ. Nhiều nghiên cứu đã đồng loạt đánh giá các DNNN nói chung và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có hiệu quả kinh doanh thấp. Một trong những nguyên nhân là các đơn vị đã duy trì một mô hình còn nhiều khâu lãng phí, tuy thua lỗ nhưng vẫn trả lương cho cán bộ văn phòng công ty mẹ cao như trường hợp EVN.

Bộ trưởng Huệ giải thích, chọn con số 5-10% là trong chi phí quản lý doanh nghiệp có 2 loại, đó là chi phí trực tiếp (cơ bản) cấu thành lên giá thành sản phẩm và chi phí gián tiếp (quản lý, gồm lễ tân, tiếp khách, hội nghị… ) –  có thể cắt giảm được ngay mà không ảnh hướng đến giá trị hàng hóa tạo ra.

Hơn nữa, yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP là không chỉ tiết giảm chi phí quản lý mà còn phải nâng cao được năng suất lao động, rà soát và giảm các hao phí.