Trang chủ » Kinh tế 24h » Vận tải tăng cước, siêu thị đòi tăng giá

Vận tải tăng cước, siêu thị đòi tăng giá

Tác giả:

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nói: “Giá cả các mặt hàng sẽ tăng là khó tránh khỏi, bởi đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này khá mạnh”.

Tuy nhiên, theo ông Phú, việc giá tăng ở mức nào cho hợp lý đang rất cần các cơ quan quản lý về giá của Bộ Tài chính giám sát để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng và tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

“Hiện các siêu thị đều có hàng tồn kho từ trước, với độ trễ 15 – 20 ngày nên không thể nói tăng giá xăng là tăng giá hàng hóa khác ngay, nhưng thời gian sau đó giá cả các mặt hàng sẽ điều chỉnh tăng lên vì đầu vào tăng” – ông Phú nói.

Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc BigC cho biết, việc tăng giá xăng dầu sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế tới giá hàng hóa nói chung vì nhiên liệu chỉ chiếm 5-7% của đa số các ngành sản xuất; còn lại là chi phí nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao…; nếu tính tổng giá thành sản phẩm thì chỉ còn 1-2% mà thôi. Nhưng thời gian tới, theo ông Dũng, các siêu thị khó tránh khỏi tăng giá hàng hóa bởi chi phí vận tải tăng và các nhà cung cấp tăng giá.

Trong khi đó, ngay khi giá xăng dầu được điều chỉnh thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi đã đề nghị tăng giá cước. Ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp taxi về điều chỉnh tăng giá cước. Các doanh nghiệp kiến nghị tăng cước phí từ 500 – 1.000 đồng/km. Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cho biết, giá cước taxi của hãng này sẽ tăng thêm 6%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN cho hay, trong lần điều chỉnh này, mức tăng của giá xăng là khoảng 10%, như vậy, chi phí đầu vào của loại hình vận tải hành khách bằng taxi sẽ tăng thêm khoảng 5%. Với vận tải hành khách, theo ông Hùng, những ngày tới các doanh nghiệp cũng sẽ tính toán được chi phí xăng dầu tăng lên làm đội giá bao nhiêu.

“Theo tính toán của tôi, giá cước của các phương tiện chạy dầu diesel tăng lên 2 – 3% vì giá dầu tăng 5%. Nếu mỗi chuyến xe tốn khoảng 400 lít dầu, thì với 10 chuyến xe, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi thêm 4 triệu đồng tiền dầu. Nếu giá xăng dầu điều chỉnh tăng hoặc giảm trên 1.000 đồng/lít, thì giá cước vận tải sẽ tăng hoặc giảm 3,8%” – ông Hùng nói.