Trang chủ » Kinh tế 24h » Chưa có kế hoạch tăng giá điện

Chưa có kế hoạch tăng giá điện

Tác giả:

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định thông tin: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được đề xuất nào của EVN về phương án điều chỉnh giá điện”. Do đó, Tổng Cục cũng chưa có cơ sở nào để công bố về kế hoạch có tăng giá điện trong thời gian tới hay không?

Đây luôn là mối quan tâm nóng bỏng của hầu hết người tiêu dùng kể từ khi cơ chế “thả nổi” giá điện một phần theo Quyết định 24 của Thủ tướng bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2011. Quyết định này cho phép, mỗi quý, EVN được điều chỉnh giá điện một lần nếu như các yếu tố đầu vào thay đổi, như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng các nguồn điện… Mức giá mà EVN có thể tự động tăng, không cần sự phê duyệt của Thủ tướng mà chỉ cần báo cáo tới Bộ Công Thương- Tài chính là 5%. Trên thực tế, ngày 19/12/2011, EVN đã bất ngờ tăng giá theo cơ chế tự động này.

Ngày 1/3/2011, EVN đã tăng 15,28% giá bán bình quân, tương ứng 1.242 đồng/kWh nhưng trên thực tế, các hộ gia đình phải chịu mức tăng giá từ 25-30% cho điện sinh hoạt, giá bình quân phải là 2.000 đồng/kWh. Nói cách khác, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt tính theo lũy tiến của EVN hiện nay đang khiến cho người dân phải chịu mức tăng giá điện cao hơn rất nhiều so với mức tăng giá bình quân.

Trước thông tin này, ông Đinh Thế Phúc cho rằng, theo biểu giá sinh hoạt mới, người dân dùng đến 100kWh sẽ áp mức giá là 1.242 đồng và tăng dần lũy tiến. Nếu dùng trên 300kWh/tháng, người dân mới phải chịu mức giá hơn 2.000 đồng. Vì thế, “nếu trung bình các hộ gia đình chỉ dùng điện từ 200-300 kWh mỗi tháng thì giá điện bình quân sinh hoạt không thể lên tới 2.000 đồng/kWh được”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị quan chức này cũng cho biết thêm, điện tự dùng của EVN hiện chỉ tính cho các nhà máy sản xuất điện, phục vụ cho các khâu như chạy máy nghiền than, băng tải than… . Điện tự dùng này không bao gồm điện văn phòng hay các trạm điện 110-220kV. Tất cả các nơi cơ quan, trạm điện này đều có công tơ đo đếm và phải trả tiền điện như bình thường.

Liên quan đến những nghi ngại về tài chính của EVN đã được hưởng lợi lớn nhờ tăng giá, ông Phúc đánh giá, doanh thu năm 2011 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)  năm 2011 tăng xấp xỉ 27%. Đây là mức tăng hợp lý, bao gồm cả phần tăng về giá là 15,28% nhân với phần tăng về sản lượng điện tăng gần xấp xỉ 10%.

“Năm 2010, Việt Nam đã xảy ra thiếu điện nhưng năm 2011, tình trạng này đã không xảy ra. Năm 2012, tổng công suất thiết kế của toàn hệ thống điện quốc gia là 24.000MW, cộng với trữ lượng nước thủy văn hiện nay thì cơ bản, ngành điện sẽ đáp ứng nhu cầu điện cho cả nước. Nếu như không có đột biến lớn thì có thể đảm bảo điện ổn định cho cả năm”, ông Phúc chia sẻ thêm.