Trang chủ » Thế giới » Trung Quốc có thể mất thế độc quyền đất hiếm

Trung Quốc có thể mất thế độc quyền đất hiếm

Tác giả:

Với mỏ mới phát hiện này, Mỹ có thể phá vỡ độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm, kim loại quan trọng không thể thiếu trong ngành công nghệ cao.

Mỏ đất hiếm này có trữ lượng khoảng 4,9 triệu tấn, đủ để đáp ứng 25% nhu cầu công nghiệp toàn cầu về đất hiếm trong vòng 20 năm tới. Đây là khu mỏ urani đã đóng cửa từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Trước đó, hôm 29/12, Bloomberg dẫn thông tin từ tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Chính phủ nước này cho phép xuất khẩu 14.446 tấn đất hiếm trong đợt cấp hạn ngạch xuất khẩu loại khoáng sản này đầu tiên trong năm 2011. Khối lượng xuất khẩu trên được phân bổ cho 31 doanh nghiệp.

Trong năm 2010, ở đợt cấp phép đầu tiên, Bắc Kinh cho phép xuất khẩu 22.282 tấn đất hiếm, và ở đợt thứ hai cho xuất 7.976 tấn. Mỗi năm, Trung Quốc thực hiện cấp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm 2 lần.

Đất hiếm là một loại nguyên vật liệu đầu vào không thể thiếu đối với hàng loạt sản phẩm công nghệ cao.

Việc Trung Quốc – nước chiếm hơn 90% nguồn cung đất hiếm của thế giới – cắt giảm 72% hạn ngạch xuất khẩu khoáng sản này trong 6 tháng cuối năm nay đã khiến giá đất hiếm trên thị trường quốc tế tăng vọt.

Chẳng hạn, giá của loại đất hiếm có tên neodymium oxide dùng cho nam châm trong điện thoại BlackBerry hoặc tai nghe của máy nghe nhạc iPod đã tăng hơn 4 lần, lên mức 88,5 USD/kg từ 19,12 USD/kg vào năm 2009.

Trung Quốc bị cho là ngừng hoạt động xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản từ tháng 9 năm nay, sau những căng thẳng gia tăng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Là quốc gia tiêu thụ đất hiếm lớn nhất thế giới, Nhật Bản đã phải xoay sở đủ mọi cách để tìm nguồn hàng thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị cho là ngừng các chuyến hàng đất hiếm sang Mỹ và châu Âu trong một thời gian, làm dấy lên những ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang sử dụng “con bài” đất hiếm như một thứ “vũ khí chính trị”.

Trong một tuyên bố khác phát đi cùng ngày 29/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các cơ quan thuộc Chính phủ nước này vẫn đang thảo luận về hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của cả năm.

Theo tuyên bố này, mức hạn ngạch công bố cho lần cấp phép đầu tiên không nên được xem là cơ sở để dự báo mức hạn ngạch của cả năm. Thay vào đó, mức hạn ngạch cho cả năm sẽ phụ thuộc vào sản lượng đất hiếm trong nước và nhu cầu của thị trường quốc tế, cũng như tính bền vững của ngành khai thác đất hiếm tại Trung Quốc.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt hoạt động khai thác đất hiếm, áp dụng hạn ngạch khai thác để hỗ trợ giá khoáng sản này.

Tháng 7/2009, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm mạnh hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm với lý do phải ưu tiên nhu cầu trong nước và hạn chế những thiệt hại về môi trường mà hoạt động khai thác đất hiếm gây ra. Trên thực tế, hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm đã bị Trung Quốc giảm dần từ năm 2005.

Trong tháng 12 này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tăng thuế xuất khẩu đối với một số loại đất hiếm lên mức 25% từ năm tới. Khi đó, thuế xuất khẩu đối với neodymium, loại đất hiếm dùng cho pin xe chạy nhiên liệu tổ hợp (hybrid) như Prius của Toyota hay Insight của Honda, sẽ tăng lên 25% từ 15% hiện nay.

Bloomberg nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu đất hiếm có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ. Tuần trước, Washington tuyên bố có thể kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì những hạn chế đối với nguồn cung khoáng sản này.

Mới đây, phía Mỹ cũng phát đi tín hiệu sẽ điều tra xem liệu Trung Quốc có vi phạm các nguyên tắc của WTO trong việc trợ cấp xuất khẩu năng lượng sạch và hạn chế xuất khẩu năng lượng sạch.

Với 17 nguyên tố quý giá có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất, như Yttrium và lanthanum, đất hiếm có vai trò ngày càng lớn đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới.

Người ta dùng 17 nguyên tố trong đất hiếm để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện, nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ.

Đất hiếm còn là nguyên liệu quan trọng đối với việc phát triển các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường. Theo tờ The Christian Science Monitor, những năm đầu thập niên 40, đất hiếm là thứ mà rất ít người biết.

Nhưng sau khi Frank Spedding, một nhà hóa học người Mỹ, tìm ra cách phân tách và tinh chế từng nguyên tố thì giới khoa học mới chú ý tới nó. Những tác dụng của đất hiếm bắt đầu được khám phá trong thập niên 60.

Mặc dù được gọi là đất hiếm, song trên thực tế những nguyên tố trong đất hiếm khá sẵn trong tự nhiên. Mức độ phổ biến của chúng tương đương với mạ kền hay thiếc. Thế nhưng chúng không phải là những thứ dễ khai thác và chiết tách.

Các mỏ đất hiếm tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Cục Địa chất Mỹ nhận định tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu lên tới 99 triệu tấn, trong đó Trung Quốc có 36 triệu tấn và Mỹ có 13 triệu tấn.

Mỹ và một số nước là nguồn cung cấp đất hiếm chủ yếu trong 50 năm qua. Nhưng nhờ chi phí lao động thấp và sự thiếu vắng những quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, Trung Quốc trở thành nước bán đất hiếm với giá thấp nhất trên thế giới.

Cục Địa chất Mỹ khẳng định những mỏ đất hiếm chưa được phát hiện trên thế giới có trữ lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của loài người trong tương lai.

Tuy nhiên, giới khoa học không dám chắc liệu những mỏ mới sẽ được phát hiện kịp thời để đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt hay không. Theo Cục Địa chất Mỹ, nguồn cung đất hiếm sẽ thấp hơn cầu khoảng 40 nghìn tấn trong vòng 5 năm tới.