Trang chủ » Thế giới » Lobby ở VN rầm rộ như Mỹ nhưng thiếu minh bạch

Lobby ở VN rầm rộ như Mỹ nhưng thiếu minh bạch

Tác giả:

PV.VEF đã phỏng vấn TS. Trần Sĩ Chương liên quan đến chủ đề này.

Rầm rộ nhưng thiếu minh bạch

– Những kiến nghị, tác động của nhiều hiệp hội, tổ chức đến các bộ, ngành, quan chức Nhà nước nhằm tạo sự thay đổi về chính sách thời gian qua ở Việt Nam, theo ông có thể gọi đó là lobby?

TS. Trần Sĩ Chương: Đúng rồi, họ đang lobby đấy chứ! Việc lobby ở Việt Nam đang được làm và làm rất mạnh, rất rầm rộ. Nếu so sánh cường độ thì lobby ở Việt Nam không thua kém gì Mỹ cả. Lobby ra đời đầu tiên ở Anh nhưng lại phát triển sôi động nhất ở Mỹ. Tại Việt Nam, hoạt động này cũng đang rất sôi nổi dù chưa được pháp luật công khai thừa nhận.

– Nếu so sánh với các nước trên về nội dung thì hoạt động lobby ở nước ta đang đứng ở đâu, thưa ông?

–  Chuyện lobby ở Việt Nam là đang có chứ không phải chưa có nhưng hoạt động này được vận hành theo trật tự riêng của nó. Vấn đề là, khi so sánh với hoạt động lobby ở Mỹ là để mình xem người ta có cái gì hay, phù hợp, để áp dụng, cải thiện hệ thống của mình.

Nói về mức độ, vị trí là rất khó vì khi so sánh ta phải dựa trên một cái khung chung, nhưng ở đây là hai cái khung khác nhau. Cũng như việc không nên so sánh cây táo với cây cam, xem cây nào ngon hơn, nặng hơn. Điều đáng nói là ở Việt Nam, hệ thống lobby chủ yếu là qua quan hệ cá nhân, qua những đường không chính thức, không có tính minh bạch nên xã hội không thể xem xét các hoạt động này. Nó có những tiêu cực mà xã hội không biết.

Đây chính là vấn đề mức độ và sự minh bạch trong thông tin. Khi mà chúng ta hệ thống hóa được vấn đề lobby rồi, tính cạnh tranh sẽ khiến nó càng minh bạch. Bởi lẽ, ai phát hiện ra những cái sai sót về chất lượng sản phẩm mà một công ty đưa ra? Phải là các đối thủ cạnh tranh của công ty đó, họ thấy được và đưa lên báo chứ!

Cần có hệ thống trách nhiệm cá nhân!

– Vậy theo ông, để tiến tới đưa ra được một quy chuẩn cho hoạt động lobby, Việt Nam cần phải làm những gì?

Điều thứ nhất mà Nhà nước cần làm là tổ chức hành chính sao cho gọn nhẹ, để người dân có thể tiếp cận được với quan chức Nhà nước dễ dàng, được phản hồi tốt và có hiệu quả.

Muốn làm được điều đó, cần phải có một hệ thống trách nhiệm cá nhân. Nghĩa là dân đến làm việc với quan chức theo luật thì trách nhiệm của vị quan chức đó phải làm cái gì. Nếu họ làm tốt thì được thưởng, làm không tốt thì bị phạt. Còn ở chúng ta hiện nay, trách nhiệm cá nhân nhiều khi không quy ra được mà chỉ quy vào trách nhiệm tập thể nên khó giải quyết được vấn đề.

Điều thứ hai là phải làm cho các tổ chức, hiệp hội mạnh hơn, quyền tự chủ cao hơn và tài lực của họ phải dồi dào để bảo vệ được lợi ích cho các hội viên. Muốn vậy, luật hiệp hội phải rõ ràng, lãnh đạo hiệp hội phải có trách nhiệm cụ thể để thi hành nhiệm vụ một cách đúng đắn, các hội viên phải có ý thức trách nhiệm đóng góp cho hiệp hội.

Tóm lại, hiệp hội yếu thì không ai đem thông tin đến Nhà nước, mà quan chức Nhà nước vô cảm, không nghe, không làm thì cũng như không. Rõ ràng, một trong hai vế trên mà yếu thì không thể bắc được cái cầu qua đó được!

– Cho đến nay, tồn tại rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về hoạt động lobby. Cách hiểu đúng mà đơn giản về vấn đề này là gì, thưa ông?

Lobby là hoạt động phổ biến, quen thuộc như là… thở! Chỉ cần 2 người là đã có lobby. Nó là sự trao đổi, thuyết phục để cùng nhau đạt được mục tiêu nhưng lobby chuyên nghiệp ở Việt Nam thì chưa có. Một cách đơn giản, lobby chính là vấn đề chuyển tải thông tin. Thông tin cần phải thông suốt, được chuyển tải một cách chính xác, có hiệu quả.

Nghĩa là người dân muốn truyền đạt nguyện vọng, lợi ích của mình đến Nhà nước thì phải có một hệ thống để thực hiện việc này một cách chuyên nghiệp, để người làm chính sách có sự cân nhắc giữa lợi ích chung và lợi ích riêng của một nhóm người, nhóm lợi ích trước khi ra quyết định.

Ví dụ như mình bị một luật nào đó làm thiệt hại rất lớn thì mình thuê người có kinh nghiệm và có uy tín trong làm việc với Nhà nước để chuyển tải vấn đề của mình, chứ Nhà nước làm sao nắm được luật của họ có tác động như thế nào đến toàn bộ người dân?

Cũng như việc có bệnh tật thì tới bác sĩ, có vấn đề về pháp lý thì tới luật sư, sau này, có vấn đề gì với chính sách Nhà nước, mình cũng phải tới một chỗ mà ở đây có người chuyên nghiệp làm cái này chứ. Vì xã hội mình bây giờ người dân đã có tổ chức hơn, nền kinh tế thị trường làm nảy sinh các vấn đề mới, do đó người dân phải có cách tiếp cận vấn đề có hiệu quả hơn.

Đây là một nhu cầu mới của xã hội. Khi mình có nhu cầu thì cần có chuyên viên để giúp mình chuyện đó.

Và ý thức dùng người chuyên nghiệp

– Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, luật về lobby ở Việt Nam là không khả thi do còn rất nhiều vướng mắc, có chăng là nên thực hiện luật phản biện chính sách, quan điểm của ông ra sao về điều này?

Theo tôi, vấn đề của xã hội ta hiện nay chưa chắc là cần có luật về lobby vì thực tế Nhà nước đâu có cấm người dân lên tiếng và cũng không ai cấm ai tiếp cận với quan chức Nhà nước để nêu lên những nguyện vọng của mình. Song, điều đáng nói là người dân vẫn chưa có ý thức dùng người chuyên nghiệp để giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp.

Bây giờ mình đã đưa ra được chuẩn mực cho các ngành chuyên môn rồi. Như luật sư, bác sĩ, quy ra được cái gì họ làm được, cái gì không làm được. Đó là cái khung chuẩn mực, chứ đừng nói là luật.

– Nói đến lobby ở Việt Nam vẫn khiến nhiều người dè dặt, cho là mờ ám, “đi đêm”, “chạy chọt”…, nếu được đưa vào quy chuẩn, khuôn khổ thì chuyện tiêu cực trong lobby sẽ được hạn chế thế nào, thưa ông?

– Bất cứ một cải cách, thay đổi mình không thể hy vọng là có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Việc chuẩn hóa hoạt động lobby cũng vậy, dù có yêu cầu minh bạch cao như thế nào thì nó vẫn không giải quyết hết được chuyện tham nhũng. Nhưng cái tổng mà nó mang lại vẫn là số dương, vẫn hiệu quả hơn vì nó có tổ chức.

Cái “đi đêm” ở đâu cũng có thôi. Ngay cả bên Mỹ, nếu người làm lobby cần phải tiếp cận với ông nghị sĩ mà cả ngày ông bận hết thì cũng phải đợi đến 10h, nửa đêm mới rủ ông ra ngoài bar nói chuyện được. Mà ngay cả khi ông ta có nhu cầu đi chơi, du lịch ở đâu đó để nói chuyện thì mình cũng phải đưa ông đi chứ.

Những con người làm lobby cũng vậy. Ai khéo thì làm được việc mà không phải vi phạm những quy chuẩn về đạo đức. Do đó mới cần những người chuyên nghiệp vì người chuyên nghiệp biết xử lý công việc một cách đúng đắn mà không phải làm bậy. Những người làm bậy phần lớn là họ thiếu hoặc không có khả năng!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!