Trang chủ » Thế giới » Nhật Bản: Được và Mất

Nhật Bản: Được và Mất

Tác giả:

“Thập kỷ mất mát” nhưng không mất mát

Nước Nhật cho rằng họ đang mắc phải một căn bệnh kinh tế với tên gọi “bi quan về cấu trúc”. Nếu quan sát, ta cũng có thể thấy một xu hướng rằng nước Nhật giống như một điểm báo trước những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu – mặc dù những dữ liệu kinh tế mới được công bố vào ngày 14/11 vừa qua cho thấy nền kinh tế Nhật vẫn tăng trưởng 6% trong quý III, phục hồi nhanh chóng từ sau thảm họa sóng thần và hạt nhân hồi tháng 3.

Nhìn vào những gì mà nền kinh tế Nhật đã thể hiện trong mười năm qua. Mặc dù được gọi là “thập kỷ mất mát thứ hai” nhưng thực tế không quá bi quan như vậy. Hầu hết những vấn đề của Nhật Bản hiện tại đến từ dân số già – khi một nửa dân số có độ tuổi trên 45, và các chính sách mà chính phủ Nhật sử dụng để đối phó với nó. Và dù phải đối mặt với những khó khăn như vậy, hầu hết người Nhật vẫn trở nên giàu có hơn trong vòng 1 thập kỷ qua.

Tổng thể, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độc bằng một nửa của Mỹ trong giai đoạn từ 2001 đến 2010. Tuy nhiên, khi đánh giá tăng trưởng GDP trên đầu người trong giai đoạn này, Nhật Bản tỏ ra vượt trội hơn so với Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đó là bởi dân số của Nhật đã giảm đi trong khi dân số Mỹ lại tăng lên.

Tăng trưởng trong năng suất lao động của Nhật giảm nhẹ so với Mỹ trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008, nhưng chỉ số TFP (total factor productivity), chỉ số để tính một quốc gia sử dụng vốn và nhân công như thế nào, lại tăng nhanh hơn. Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật cao hơn so với thời điểm năm 2000, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với mức của Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh nỗi lo ngại về sự trì trệ, còn hai vấn đề khác của nền kinh tế Nhật thường được nhắc đến đó là tỉ lệ nợ và giảm phát. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể đã bị phóng đại. Nhiều người cho rằng Nhật Bản là một quốc gia mắc nợ. Thực tế, đây là chủ nợ lớn nhất thế giới, khi sở hửu tới 253 nghìn tỉ yên (3,3 nghìn tỉ USD) tài sản nước ngoài.

Thực sự, chính phủ nước này là một con nợ lớn, khi nợ ròng chia theo GDP đứng ở mức cao nhất trong nhóm các quốc gia thuộc OECD. Tuy nhiên, theo IMF, các khoản nợ công đã được tích lũy không phải là những khoản chi tiêu lãng phí và vô ích, mà dùng để chống lại sự già đi của dân số. Chi phí bảo đảm an ninh xã hội tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2010 để dùng vào việc trả lương hưu và tăng cường chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó các khoản thuế lại bị thu hẹp.

Việc nguồn thu từ thuế bị giảm thực sự là một vấn đề. Nhưng bất chấp điều này, Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia có một mức thuế thấp nhất trong OECD, chỉ chiếm 17% GDP. Điều này giúp Nhật có nhiều phương án hơn khi cần vận động giải quyết vấn đề. Takatoshi Ito, nhà kinh tế học tại Đại học Tokyo cho biết, nếu mức thuế tiêu thụ được tăng lên 20% – ngang hàng với các quốc gia châu Âu, thay vì 5% như thời điểm hiện tại, ngay lập tức sẽ giúp Nhật Bản cắt giảm được 50 nghìn tỉ yên thâm hụt ngân sách.

Việc tăng thuế là một giải pháp khắc nghiệt. Và vấn đề dân số lại đóng một vai trò quan trọng. Các giới chức nói rằng người già không muốn các khoản thuế cao hơn hay cắt giảm trợ cấp của mình, còn những ngươi trẻ tuổi, hiện chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số, lại không đủ quyền lực chính trị để thúc đẩy những lợi ích lâu dài.

David Weinstein, giáo sự về kinh tế Nhật Bản tại Đại học Columbia, New York cho biết người lớn muốn cho tiền cho con cái của mình hơn là tính chúng vào trong các khoản thuế. Điều này có nghĩa là những khoản trợ cấp có thể bị cắt giảm trong tương lai. “Nếu muốn trợ cấp tăng cùng với thu nhập, cần phải tăng mạnh mức thuế lên thêm 10% GDP”, ông nói.

“Vấn đề dân số cũng là nguyên nhân của tình trạng giảm phát tại Nhật”, ông này cho hay.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, nền kinh tế Nhật Bản có tể giải quyết tốt tình trạng dân số già hiện nay. Nhưng nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thì không có gì đảm bảo cho điều này. Các nhà kinh tế học cho rằng có nhiều cách để tăng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật, cũng như làm giảm gánh nặng nợ nần của mình.

Vấn đề của một xã hội già hóa

Tuần trước, thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, đã lên kế hoạch cải cách, khi ông phát biểu rằng Nhật Bản cần lên bắt đầu tham gia vào các quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây là khu vực tự do thương mại được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên những người nông dân cao tuổi, bác sĩ và doanh nhân nhỏ có vẻ không đồng tình với kế hoạch này.

Những cải cách trên các lĩnh vực khác, như hệ thống thuế và phúc lợi xã hội, sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chính phủ cung cấp cho người dân Nhật một cách nhìn khác: Nền kinh tế của Nhật Bản không bị sa lầy trong trì trệ. Đơn giản, nó chỉ đang phản ánh những thăng trầm của tình trạng xã hội già hóa, và tất cả mọi người dù già hay trẻ cũng cần phải hy sinh bớt lợi ích của mình.

Tuy nhiên, vấn đề là những tư tưởng trước về một nền kinh tế Nhật Bản sa lầy đã ăn sâu vào tâm trí người dân. Các quan chức chính trị hàng đầu của Nhật Bản hiện tại, bản thân những doanh nhân lớn cũng đều ở tuổi trung niên. Nhiều người trong số họ tin rằng mình đã hy sinh đủ cho nền kinh tế Nhật trong giai đoạn những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển như vũ bão.

Weinstein cho rằng nước Nhật đang lâm vào hội chứng “giảm sút khổng lồ” và lo lắng khi nhìn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, thay vì nhìn vào Trung Quốc, nếu so sánh mình với Mỹ hay châu Âu, Nhật Bản có thể cảm thấy đủ phấn khởi để dũng cảm thực hiện những cải cách cần thiết nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại.