Trang chủ » Thế giới » Việt Nam: Mặt tích cực của suy thoái

Việt Nam: Mặt tích cực của suy thoái

Tác giả:

Đường phố Sài Gòn với vài cơn mưa nguồn tháng 12 làm khí trời dịu mát hơn khi bước vào một mùa Giáng sinh mới. Các hàng quán trang trí cây thông và ông già Noel cùng với đèn kim tuyến xanh đỏ hình như với một mức chi phí khiêm tốn hơn mọi năm, báo hiệu một xu thế thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm hơn, chắt chiu hơn trong tiêu dùng và đầu tư trang điểm, sửa soạn trong những ngày cuối năm.

Một số thống kê trên thế giới cho thấy, 2011 là một năm không vui cho thu nhập của hầu hết người dân và hộ gia đình tại rất nhiều quốc gia.

Thu nhập của hộ gia đình được dùng chi tiêu cho các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho đời sống của mỗi hộ gia đình, phần còn lại chính là mức độ tiết kiệm của mỗi hộ gia đình.

Nếu mức độ tiết kiệm của hộ gia đình ngày càng cao hơn, thể hiện một nền tảng giàu có của quốc gia đó trong dài hạn, trong khi nếu mức tiết kiệm của người dân hay mỗi hộ gia đình suy giảm thể hiện trong ngắn hạn một biểu hiện nghèo đi của người dân.

Ngược lại, nếu mức độ tiết kiệm bị âm, nghĩa là hộ gia đình đang chi nhiều hơn thu, làm không đủ ăn, có thể phải vay nợ, mượn nợ ngân hàng và bạn bè.

Mức độ tiết kiệm của hộ gia đình và người dân sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách an sinh xã hội quốc gia, chính sách về chăm sóc sức khỏe y tế, hưu trí, chính sách thuế và các sắc thuế của nhà nước tại mỗi quốc gia, vì các chính sách này đang tác động trực tiếp hay gián tiếp đến thu nhập của người lao động.

Dĩ nhiên, các yếu tố như phong tục tập quán tiêu dùng, nền tảng chính trị – địa lý, văn hóa – xã hội của quốc gia, thiên tai – địch họa nếu có, dân số già trẻ qua các thời kỳ, khả năng vay mượn tín dụng ngân hàng dễ hay khó, mức độ giàu có thịnh vượng lâu đời, thuận lợi – khó khăn của mỗi quốc gia cũng tác động đến thái độ tiêu dùng hay hành vi để dành tiết kiệm của mỗi người dân trong quốc gia đó.

Cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2007-2008 để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Nó ăn mòn sự kiên nhẫn của các doanh nghiệp và mỗi cá thể trong từng quốc gia bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng của nó sẽ còn được nhắc đến nhiều trong hàng chục năm tới.

Mức độ phục hồi được cho là khả quan trong năm 2009, nhưng sau đó rất tiếc lại là đà đi xuống của kinh tế thế giới với nhiều tác động kinh tế – chính trị đan xen, dường như vẫn tiếp tục dò đáy, mà một điểm đi xuống chính là năm nay 2011.

Thực tế cho thấy, khi người dân có ý thức “tích cốc phòng cơ” cao để đối phó với các khủng hoảng thì họ sẽ biết tiết kiệm hơn, biết để dành nhiều hơn chi tiêu. Nguồn lực tiết kiệm hay “của để dành” này được tích lũy qua các thời kỳ gian khó, có thể trở thành nguồn lực tái đầu tư cho phát triển quốc gia trong dài hạn khi thời cơ thuận lợi hơn xảy đến.

Người dân cũng cần tiết kiệm trong thời khủng hoảng để chuẩn bị tái đầu tư cho chu trình phát triển mới (ảnh SGTT)

Nhật Bản là quốc gia luôn có định hướng tiết kiệm cao, có thể có nguồn gốc từ nền tảng văn hóa xã hội hoặc hoàn cảnh lịch sử lâu đời, hay thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II. Họ có một nguồn lực kinh tế mạnh từ tính tiết kiệm của người dân. Đầu tư ra nước ngoài của Nhật luôn mạnh mẽ và mang về một nền tảng thu nhập quốc gia GNP (Gross National Products) cao hơn nhiều so với thu nhập nội địa GDP (Gross Domestic Products).

Khả năng đầu tư sử dụng nguồn lực tiết kiệm nội địa luôn mang lại lợi ích sống còn tốt hơn là vay mượn đầu tư từ bên ngoài, ít nhất là ít phải phụ thuộc vào các yếu tố ngoại sinh hơn.

Tuy nhiên, các khoản tiêu dùng nội địa cũng có yếu tố tích cực của nó, thậm chí một sự cổ vũ cho văn hóa tiêu dùng tại các quốc gia như Anh, Mỹ ..v..v.. lại có tác dụng đóng góp vào sự khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng GDP sau khủng hoảng. Đó là lý do khiến cho một số quốc gia luôn chú trọng yếu tố “kích cầu”, kích thích tiêu dùng để khôi phục nền sản xuất và phân phối hàng hóa trong nước.

Tại nước ta, thời kỳ kinh tế khó khăn cũng không nằm ngoài quy luật chung của thế giới. Tạm bỏ qua các yếu tố chủ quan tác động từ bên trong trước giờ, do năng lực quản lý kinh tế vĩ mô hay bản thân nền kinh tế đang chuyển đổi từ bao cấp, tập trung chỉ huy sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều điều khó khăn mới, các thử thách chưa từng có, chúng ta có cơ hội nhận ra các điểm yếu kém có tính hệ thống của nền kinh tế để tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Các góc khuất khó chịu của nền kinh tế sớm muộn sẽ có dịp phơi bày trong lịch sử phát triển kinh tế của mỗi quốc gia như một quy luật tất yếu.

Sự thiếu hiệu quả, thua lỗ của các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước; giải quyết vấn đề độc quyền nhà nước và xung đột lợi ích trong kinh doanh xăng dầu, năng lượng, điện lực, viễn thông, ngân hàng;

Nguy cơ các bong bóng bất động sản vỡ kéo các ngân hàng vào mối nguy nợ xấu; tình trạng duy trì lãi suất rất cao trong thời gian dài, được xem như để chống lạm phát (?), khiến các nguồn lực sản xuất bị co cụm, tổn thương, doanh nghiệp thua lỗ, phá sản rất nhiều mà tiếp theo sẽ là hệ quả nợ xấu ngân hàng gia tăng, rủi ro suy giảm uy tín doanh nghiệp trong và ngoài nước;

Đồng tiền Việt Nam mất giá dẫn tới việc người dân mất lòng tin vào giá trị VND nên đổ xô tìm chỗ trú ngụ vào vàng và các ngoại tệ mạnh; tâm lý không muốn đầu tư sản xuất kinh doanh vì càng làm nhiều càng lỗ nhiều, tiền lời không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng dẫn đến nghịch lý “gửi tiết kiệm cho chắc ăn” hoặc “mua vàng cất tủ”, có thể “tiết kiệm” hay “kinh tế” nhất vào hôm nay hay thời kỳ này, nhưng lâu dài sẽ gây đình trệ cho nền kinh tế sau thời kỳ lạm phát cao như hiện nay;

Thị trường bất động sản đóng băng lâu, thị trường chứng khoán suy giảm nặng nề, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư thua lỗ, sẽ làm giảm giá trị tài sản của mỗi người dân và quốc gia cũng như cơ hội thu hút đầu tư trong tương lai;

Các bộ luật cơ bản của nền kinh tế – xã hội vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện..v.v.. rất nhiều việc phải làm.

Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế (*) và tái cấu trúc (**) các doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thể xem như một thách thức lớn và là điểm tích cực trong cơn khó khăn, suy thoái, bên cạnh mặt tích cực khác chính là ý thức của mỗi người dân về mặt tiết kiệm nguồn lực nhằm vượt qua thời khủng hoảng, chuẩn bị việc tái đầu tư cho một chu trình phát triển mới.

16 December 2011
___________________

Ghi chú: (*) Cơ cấu – Mechanism; (**) Cấu trúc – Structure

Hai từ khác nhau với ý nghĩa khác nhau. Các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô cần làm rõ ở đâu và cái gì được tái cơ cấu và cái gì được tái cấu trúc. Ví dụ: một ngôi nhà được “tái cơ cấu” được hiểu là số lượng phòng, số lượng cột, móng, số tầng cao .v.v. thay đổi hẳn. Còn “tái cấu trúc” cho ngôi nhà có thể là giữ nguyên số lượng phòng ốc, cột, móng, tầng nhưng thay đổi loại đá ốp tường, giấy dán tường, thay gạch lát tường, thay đổi chức năng sử dụng các phòng ban,..v.v.

Đối với ví dụ khác, trường hợp Vinashin. Nếu thay đổi hẳn “cơ cấu” của Vinashin có khác với chỉ thay đổi “cấu trúc” của Vinashin (?). Vậy liệu có thể hiểu rõ, làm rõ cái gì, việc gì cần tái cơ cấu và/hoặc tái cấu trúc?

Có thể xem tái cơ cấu là thay cả “bình rượu” và tái cấu trúc chỉ là thay chất lượng loại rượu trong bình, rượu mới – ngâm hương thuốc mới một chút, nhưng bình đựng rượu thì vẫn cũ?