Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: ‘Chợ’ ngân hàng – đạo đức và kỷ luật kinh doanh

Nói và làm: ‘Chợ’ ngân hàng – đạo đức và kỷ luật kinh doanh

Tác giả:

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thừa nhận hầu hết các ngân hàng đều có vi phạm trần lãi suất huy động. Còn nhìn vào thực tế này, cả những người ngoài cuộc lẫn người trong ngành đều thừa nhận, kinh doanh ngân hàng thời gian qua như một cái “chợ”. Và trong cái “chợ” đó mọi kỷ luật kinh doanh đều có thế dễ dàng bị bỏ qua và ngang nhiên vi phạm. Cũng trong cái chợ đó đạo đức kinh doanh của các ngân hàng cũng cho thấy một bản chất đáng buồn và sẵn sàng được đánh đổi bởi những đồng lợi nhuận.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp có những động thái quyết liệt chưa từng có để lập lại trật tự kinh doanh trong ngành ngân hàng. Đó là những yêu cầu về việc thực hiện ngiêm chỉ tiêu tín dụng tăng không quá 20% và đặc biệt là chỉ thị về việc thực hiện đúng trần lãi suất huy động 14%.

Thực ra, những yêu cầu này không hề mới, chỉ tiêu tăng tín dụng 20% và trần lãi suất huy động 14% đề ra từ đầu năm và nay vẫn tiếp tục được yêu cầu thực hiện đúng. Tuy nhiên, điểm mới và gây chấn động nhất đối với các ngân hàng chính là các biện pháp kỷ luật  được công bố rõ ràng và được chính người đứng đầu ngân hàng tuyên bố thẳng trước các ngân hàng thương mại là sẽ làm thật, làm nghiêm dưới sự giám sát của 3 bên: cơ quan quản lý, các ngân hàng tự giám sát, người dân và thị trường.

Sau động thái này, nhất loạt các ngân hàng đều đồng thuận giảm lãi suất, chỉ một ngày sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng đã có những văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống về việc chấp hành đúng quy định về trần lãi suất huy động. Đi kèm đó là các yêu cầu thực hiện nghiêm và biện pháp giám sát và xử lý việc chấp hành quy định lãi suất của riêng mình mạnh và cụ thể hơn yêu cầu của cơ quan quản lý.

Nhân dịp này, các ngân hàng đều “tung” ra ngoài để cho thấy việc nghiêm túc của mình để thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý. Tất cả tạo nên một “làn sóng” như để thấy được nỗ lực, đóng góp và cả hy sinh lợi ích vì mục tiêu chung cho ổn định thị trường và phát triển kinh tế. Trong những thông báo, những tuyên bố và trả lời báo chí, ngân hàng nào cũng tốt và sẵn sàng đi đầu, vượt khó để chia sẻ với DN, với thị trường và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường vất vả gần một năm thực hiện Nghị quyết 11 về chống lạm phát và ổn định vĩ mô thì thấy có nhiều điều không hẳn như đã thấy và đã nói.

Các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và trần lãi suất là một phần cực kỳ quan trọng để đáp ứng yêu cầu về chống lạm phát và ổn định vĩ mô. Các chỉ tiêu này được ghi rõ trong các nghị quyết điều hành của chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và thậm chí đã được luật hóa. Đi cùng đó là những yêu cầu về thực hiện và cảnh báo xử lý nếu vi phạm.

Tuy nhiên, điều này đã không được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc. Kỷ luật và cao hơn là pháp luật kinh doanh đã bị phá vỡ và lạ thay, tất cả các ngân hàng đều cùng nhau vi phạm, cùng nhau báo cáo dối và coi đó như “chuyện thường ngày ở huyện” và không lo sợ kỷ luật đã đề ra.

Với “cây gậy” mới của Ngân hàng Nhà nước, liệu trật tự thị trường ngân hàng có thực sự được lặp lại? Ảnh minh hoạ: VnEconomy

Chính ngân hàng Nhà nước thừa nhận, hầu hết các ngân hàng đều huy động vượt trần. Còn trước đó, thì có ít nhất khoảng gần một chục ngân hàng không đảm bảo chỉ tiêu tín dụng phi sản xuất theo yêu cầu… Nhưng tất cả cũng coi đó là chuyện thường. Trên thực tế, không ai bị xử lý nên các ngân hàng càng nhờn, các ngang nhiên vi phạm. Vì lợi nhuận cao nhất họ sẵn sàng bỏ qua và thách thức các quy định.

Nhìn lại thời gian qua, các ngân hàng đã thường xuyên không tuân thủ và đáp ứng các quy định, từ chuyện lớn như: tăng vốn điều lệ, tuân thủ tăng trưởng chi tiêu tín dụng đến chuyện nhỏ hơn là cho vay bất động sản chứng khoán cao, thu lệ phí ngoài quy đinh, cho vay sai đối tượng  tín dụng ưu đãi… Xảy ra nhiều nhưng xử lý chỉ là “ai không may bị lộ”, còn lại đều có lý do để khách quan, thậm chí là không tìm thấy chứng cứ để xử lý. Kỷ luật và pháp luật kinh doanh bị phá vỡ và coi thường.

Không chỉ là vấn đề chấp hành pháp luật trong kinh doanh và sâu hơn, nhìn vào thực trạng này, lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính đã nhiều lần ngao ngán cho biết “chợ đen” đang xâm lấn và hình thành ngay trong lòng ngân hàng. Đó là một điều đáng sợ vì đạo đức kinh doanh đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Vị lãnh đạo này cho rằng, bên cạnh pháp luật, đạo đức kinh doanh là yếu tố vô cùng quan quan trọng.

Nước Mỹ với một thị trường tài chính lâu năm, hệ thống quản lý dày đặc và tình vi nhưng vẫn để xảy ra khủng hoảng mà nguyên nhân sâu xa nhất chính là do rủi ro đạo đức. Chính vì lợi nhuận mà người ta đã sẵn sánh đánh giá tốt cho các khoản nợ để tạo điều kiện chứng khoán hóa và đẩy nó ra thị trường chứng khoán. Từ đó, tạo ra những nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt các định chế tài chính gây ra khủng hoảng.

Thực tế, dù ở đâu, có nhiều cơ chế kiểm soát nhưng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào còn người. Dưới góc độ này, đạo đức kinh doanh chính là điểm quyết định và cốt lõi. Thực tế ở Việt Nam có thể thấy, những chuyện ngân hàng sẵn sàng vì lợi nhuận, bất chấp mọi quy định và lợi ích chung để làm điều mình muốn.

Có thể thấy, khi thị trường có nhu cầu cao, họ sẵn sàng bán USD với giá cao hơn quy định để “ăn chặn” của DN, từ đó khiến cho cả thị trường ngoại tệ náo động và tăng lên, gây sức ép cho quản lý ngoại hối; sẵn sàng huy động vượt trần để hút vốn, bấp chấp những hậu quả gây ra cho sự ổn định của tiền tệ và gây ra khó khăn cho cộng đồng DN khi cho vay với lãi suất quá cao. Thậm chí, để lách luật và kiếm thêm lợi họ sẵn sàng bày ra đủ thứ phí ngoài quy định để kiếm lời. Họ vận dụng nhiều thủ thuật cao cấp trong kinh doanh tài chính để dồn ép doanh nghiệp, lách luật đối phó với cơ quan nhà nước… để cuối cùng vui mừng công bố những mức lợi nhuận ngàn tỷ, cổ phiếu cao giá mà quên đi những hệ lụy để lại cho thị trường tiền tệ, các DN và cả nền kinh tế.

Nói về thực tế thời gian qua, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh lớn đã thừa nhận thực tế “như cái chợ vỡ” không tuân theo một tiêu chí nào cả của các ngân hàng. Ông này hy vọng, những biện pháp mạnh mẽ đánh vào quyền lợi trực tiếp của các ngân hàng, cá nhân người điều hành thì sẽ lập lại được trật tự. Ai cũng sợ và ai cũng lo cho mình mà không dám làm sai nữa.

Dưới góc độ nào đó, có thể thấy những biện pháp mới đã có hiệu quả khi khiến các ngân hàng phải sợ mà theo. Nhưng nhìn rộng hơn, ngân hàng là một trong những cộng đồng kinh doanh đòi hỏi sự nhiều tiêu chuẩn cao, giám sát chặt cả về pháp lý và đạo đức. Vì thế, người ta gọi ngân hàng là một hệ thống quan trọng của nền kinh tế.

Nhưng tiếc thay, hệ thống đó đã bị phá vỡ nhiều mảng khi các ngân hàng không tôn trọng kỷ luật và xuống cấp về đạo đức như những biểu hiện của thời gian qua. Hy vọng, những biện pháp mới này chỉ là sự khởi đầu cho quá trình kiên trì và quyết liệt để lập lại kỷ luật và nâng cấp đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực này. Đó có thể hy vọng là một quá trình cải cách và đổi mới cho hệ thống ngân hàng?