Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: Giá xăng điện, giữ lâu rồi tăng ‘sốc’?

Nói và làm: Giá xăng điện, giữ lâu rồi tăng ‘sốc’?

Tác giả:

Cuối tuần qua, giá xăng được điều chỉnh thêm hơn 400 đồng/lít. Đây không phải là mức tăng lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa kịp mừng khi giá điện chưa tăng vào 1/7 thì lại tiếp tục “sống trong sợ hãi” vì xăng dầu tăng giá.

Việc tăng giá xăng dầu diễn ra sau hai tuần Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các DN không được tăng, cho phép trích quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau hai tuần, xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, DN kêu thua lỗ, không thể tăng mức trích quỹ bình ổn cao hơn và khó giảm thuế trong điều kiện ngân sách hiện nay… nên tăng giá là giải pháp được lựa chọn.

Diễn biến này khiến người ta nhớ lại cú sốc với mức tăng giá xăng 1.430 đồng/lít, đẩy giá xăng lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít vào cuối tháng 3 vừa qua. Đó dường như là kết quả tất yếu sau 4 tháng liên tục cố giữ giá xăng dầu kể từ 11/2012. Giai đoạn cuối 2012 – đầu 2013, cơ quan quản lý đã nhiều lần thực hiện nhiều biện pháp như tăng trích quỹ bình ổn giá, giảm thuế, yêu cầu DN chưa tính lợi nhuận định mức… để giữ giá.

{keywords}

Đỉnh điểm là vào cuối tháng 2/2013, khi giá bán lẻ xăng dầu lẽ ra phải tăng 1.000 – 2.300 đồng thì Bộ Tài chính vẫn cố giữ. Nhưng, mọi thứ đều có giới hạn và việc tăng giá sốc sau đó dường như là một tất yếu.

Trong lịch sử điều hành giá xăng dầu, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận vài tháng 3/2011 với mức tăng 2000 đồng/ lít xăng, 2.800 đồng/lít diiezen. Việc điều chỉnh tăng giá đó diễn ra sau nhiều tháng liền cơ quan quản lý quyết giữ giá nhưng đến khi giữ không nổi thì đã buộc phải tăng một mức rất mạnh. Sau quyết định tăng giá đó, Bộ Tài chính đã có rất nhiều lý giải cho biết, để giữ giá, ngoài việc không thu được đồng thuế nào, ngân sách nhà nước sẽ phải bù thêm cả chục ngàn tỷ đồng và nếu tình trạng này kéo dài thì ngân sách sẽ không chịu nổi con số cả trăm ngàn tỷ.

Đối với giá điện, dù EVN đã khẳng định không tăng giá điện vào 1/7 nhưng với những diễn biến từ cuối năm ngoái tới nay thì việc tăng giá gần như là khó tránh khỏi.

Hiện tại, sau khi đưa ra dự thảo các mức giá điện mới, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục tính toán để điều chỉnh giá bán than cho điện đủ bù 100% giá thành trong năm nay so với mức 80% giá thành sau khi tăng giá hồi tháng 4 vừa qua.

Giá thành đầu vào tăng, trong khi EVN vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục treo khoản nợ hàng chục ngàn tỷ sẽ phân bổ dần vào giá điện trong tương lại, cùng với đó là sự thiếu hụt vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Chưa kể đến khoản nợ hàng ngàn tỷ của EVN đối với PVN chưa biết bao giờ mới trả được.

Với thực tế này, ngay sau khi được phép tự điều chỉnh giá điện dưới mức 5%, nửa cuối năm 2012, EVN đã tạo ra tiền lệ một năm hai lần tăng giá điện. Tuy nhiên, chừng đó có vẻ như chưa đủ bù đắp những khoản lỗ, nhu cầu vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ nên đầu 2013, EVN đã nhiều lần bóng nói đến tăng giá điện ở mức tối đa 13% trong năm nay.

{keywords}

Dù chưa một lần khẳng định chính thức nhưng việc tăng giá điện gần như là chắc chắn khi EVN có thêm lý do tăng giá than đầu vào. Và những thông tin tăng giá, rồi lại chưa tăng gần đây cũng chỉ là những cữ tập dượt tâm lý mà thôi. Hơn nữa, với yêu cầu kinh doanh có lãi được Chính phủ đề ra, việc tăng giá là hy vọng lớn nhất. Rất có thể sau thời gian chờ đợi giá điện biết đâu lại tăng ở mức cao hơn.

Dự đoán về vấn đề này, một chuyên gia đến từ Học viện Tài chính cho rằng, khoảng thời gian dễ chịu khi lạm phát xuống thấp sẽ không kéo dài. Có thể từ đầu tháng 9, giá cả sẽ vào một chu kỳ tăng mới. Việc tăng giá sẽ được DN tính sớm và tính đủ cho kỳ vọng tăng giá trong năm 2013. Khi quỹ thời gian 2013 đã đi quá nửa, việc tăng giá nếu đúng kỳ vọng, rất có thể sẽ ở mức khá cao trong thời gian còn lại.

Với tất cả những con số được đưa ra và một lộ trình giá thị trường đang được thúc đẩy, việc tăng giá là điều tất yếu. Và dù trước hay sau rồi giá cũng sẽ tăng, càng giữ giá lâu thì đến lúc càng tăng mạnh.

Tuy, trong khi việc tăng giá được xem là tất yếu thì yêu cầu minh bạch giá thành, công khai tiêu chí về năng suất, chi phí và hiệu quả của các DN độc quyền trong các lĩnh vực nhạy cảm này dường như chưa bao giờ đầy đủ để thỏa mãn người tiêu dùng. Chính vì thông tin chưa đầy đủ và minh bạch, cộng với cách điều hành theo sức ép muc tiêu ngắn hạn hay giật cục và gây sốc nên tăng giá dù biết là khó tránh khỏi nhưng mỗi lần như thế đều gây ra nhiều tranh cãi. Và thực tế, việc cố giữ giá qua thời điểm nóng rồi tăng mạnh là điều khiến người tiêu dùng luôn cảm thấy bức xúc và đặt nhiều dấu hỏi.