Trang chủ » Tranh luận » Cựu chủ tịch Coca-Cola viết sách dạy thất bại

Cựu chủ tịch Coca-Cola viết sách dạy thất bại

Tác giả:




Cựu chủ tịch hãng Coca-Cola nói ông "không thể" đưa ra một bí quyết thành công nào hết, cái ông có thể viết sẽ là một bản "hướng dẫn" thất bại.

 

Cựu chủ tịch hãng Coca-Cola đã viết một cuốn sách khác biệt: một cuốn sách dạy thất bại

 

Có vô số những cuốn sách dạy thành công trên thị trường với những nội dung na ná như nhau, sự thừa mứa của các kiểu bí quyết đã khiến người đọc bội thực.

 

Donald R.Keough, cựu chủ tịch hãng Coca-Cola (từ năm 1981 tới năm 1993) khẳng định phũ phàng ngay từ đầu: ông "không thể" đưa ra một bí quyết thành công nào hết, cái ông có thể viết sẽ là một bản "hướng dẫn" thất bại.

 

Vậy nhưng, bản hướng dẫn này của Donald lại được những doanh nhân hàng đầu giới thiệu: Bill Gates, Jack Welch, Warren Buffet, Ropert Murdoch… Hiếm có cuốn sách nào trên thế giới có được vinh dự ấy.

 

Tất nhiên, không phải chỉ vì giá trị mà ngần ấy tên tuổi phải lao vào chiến dịch ủng hộ nó, họ đều là bạn của Donald R.Keough. Và chỉ riêng cái tên Donald cũng đủ khiến người Mỹ tìm đọc sách của ông.

 

Donald Keough từng là một cái tên nổi bật trong giới quản trị cấp cao ở Mỹ, từng là chủ tịch của Coca-Cola, Columbia Pictures và nằm trong Ban điều hành những công ty hàng đầu như McDonald, Washington Post, Home Depot, Berkshire Hathaway…

 

Với sự nghiệp lừng lẫy trong 60 năm ở những vị trí điều hành các tập đoàn hàng đầu thế giới, ông già Donald nay đã 83 tuổi có dư trải nghiệm và sự khôn ngoan để hướng dẫn người khác làm thế nào để thành công. Nhưng rồi ông già ấy lại chỉ khiêm tốn nói rằng: muốn thành công thì trước hết hãy học cách tránh vết xe đổ của những người thất bại. Hãy học cách thất bại trước…

Donald đưa ra 10 điều răn, cụ thể hơn là 10 công thức mà "ai theo đúng những hướng dẫn này chắc chắn sẽ thất bại". Trong đó, tự cô lập và tự mãn là hai lỗi lầm "kinh niên" của các nhà lãnh đạo mà theo Donald, chắc chắn sẽ dẫn họ tới thất bại.

 

Chứng tôn thờ bản thân

Tuy hai mà một, tự cô lập và tự mãn chỉ là hai triệu chứng của cùng một căn bệnh mà Donald đã "bắt mạch" ra: đó là "chứng tôn thờ bản thân".

 

Tôn thờ bản thân nghĩa là luôn tự nghĩ rằng mình cao hơn, giỏi hơn, siêu hơn, trội hơn người khác trong khi thực tế chưa hẳn đã như vậy.

 

Tôn thờ bản thân dẫn người lãnh đạo tới việc tự cô lập trong tháp ngà xa hoa của mình, cách xa với số đông nhân viên phía dưới.

 

Tôn thờ bản thân để "lập nên một tập thể những nhà tư vấn và những nhân viên được trả lương chỉ để nghĩ rằng bạn tuyệt vời" và chỉ nói những điều mà lãnh đạo muốn nghe.

 

Tôn thờ bản thân nên coi thường cấp dưới, tạo ra một môi trường đầy sợ hãi bằng cách "la hét và nổi cơn tam bành", "mắng mỏ, chỉ trích những người mắc sai lầm trước mặt những người khác", "tự hào về những đòi hỏi thái quá mà họ đưa ra cho nhân viên cấp dưới", "tự hào vì đã đối xử với nhân viên một cách thô lỗ, tồi tệ".

 

Tôn thờ bản thân nên khi có "việc gì đó đáng được khen thưởng", luôn vơ tất cả "vinh dự đó về mình".

 

Tôn thờ bản thân là ít khi thừa nhận sai lầm mà luôn tìm cách "đổ lỗi cho một vài ngoại lực nào đó, hoặc cho một ai đó."

 

Tôn thờ bản thân là say sưa trong những vinh quang giả tạo mà không nhận ra rằng tất cả chỉ là "những ánh hào quang được bao quanh bởi một cái chụp đèn mờ."

 

Tất cả những biểu hiện ấy tạo ra một môi trường nơi người có năng lực muốn nói thật những "tin xấu" bị bỏ rơi, còn kẻ nịnh thần ton hót những "tin tốt" được trọng dụng.

 

Hitler cả cuộc đời không bao giờ muốn nghe tin xấu, đến những giờ phút cuối cùng của Quốc Xã, ông ta vẫn nghĩ rằng mình chiến thắng. Ngược lại, Churchill thành lập hẳn một Ban chuyên báo cáo cho mình những tin xấu. Churchill mới là chiến thắng cuối cùng trong Thế chiến II.

 

Hitler là một bệnh nhân nặng của chứng tôn thờ bản thân, vĩ cuồng, một vài thành công trong giai đoạn ngắn không thể cứu nổi thực tế rằng, căn bệnh đó là con đường chắc chắn đưa đến thất bại.

 

Hóm hỉnh và sâu sắc, ông già Donald tóc bạc trắng đã viết một cuốn sách nhẹ nhàng về nghệ thuật thất bại, nhưng lại chính là để chia sẻ những kinh nghiệm thành công, và hơn thế, chia sẻ triết lý làm người.

 

Khánh Duy (Tuần Việt Nam)