Trang chủ » Tranh luận » Chiến lược cần sát với quan tâm của đa số dân chúng

Chiến lược cần sát với quan tâm của đa số dân chúng

Tác giả:

 

TIN LIÊN QUAN

LTS: Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, GS.Trần Văn Thọ cho rằng, những mục tiêu nêu trong bản Dự thảo Chiến lược chưa đi sát với những yêu cầu thiết thân của người dân bình thường. Bài đã đăng trên TBKTSG ngày 23/9/2010, được sự đồng ý của tác giả và xét thấy đây là một góp ý đáng suy ngẫm, VNR500 trân trọng giới thiệu tới độc giả.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 của Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn chung, có thể tán thành nhiều điểm liên quan đến đánh giá về thực trạng của kinh tế Việt Nam. Một số quan điểm và mục tiêu phát triển được bản Dự thảo Chiến lược đề ra nhìn chung cũng có thể hiểu được.

Tuy nhiên, tôi thấy những mục tiêu nêu trong bản Dự thảo Chiến lược chưa đi sát với những yêu cầu thiết thân của người dân bình thường. Chính sách, biện pháp để đạt các mục tiêu cũng chưa được mổ xẻ phân tích và đưa ra các chính sách, biện pháp khả thi.

Thứ nhất, mục tiêu mới chỉ nói đến trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế cần hướng tới chứ chưa cho thấy cuộc sống của người dân sẽ thay đổi ra sao. Tuy bản Dự thảo Chiến lược có nói đến phát triển phải đi đôi với công bằng xã hội nhưng công bằng xã hội cụ thể là gì và cần chính sách, biện pháp gì để thực hiện?

GDP đầu người tăng gần gấp 3 trong 10 năm tới sẽ cải thiện được đến đâu tình hình khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục hiện nay của đại đa số dân chúng?

Vào năm 2020 có còn phụ nữ lấy chồng người nước ngoài vì lý do kinh tế không, có còn người đi lao động nước ngoài bất đắc dĩ không? Sự chênh lệch quá lớn về tài sản, cụ thể liên quan đến tình trạng sở hữu bất động sản, có được cải thiện không và bằng cách nào?

Tại sao trong thể chế thị trường đồng bộ và hiện đại lại cần những tập đoàn kinh tế đa sở hữu (ảnh minh hoạ)

Thứ hai, Dự thảo Chiến lược chưa cho thấy những chính sách, những nỗ lực cần thiết để khắc phục những vấn nạn của thực trạng kinh tế, để đạt các mục tiêu đề ra. Nói chính xác hơn, bản dự thảo có nói đến những chính sách, những nỗ lực nhưng là những điểm chung chung, không có gì bảo đảm chắc chắn sẽ được thực hiện.

Chẳng hạn, dự thảo chủ trương phải hoàn thiện thể chế thị trường nhưng không cho thấy thể chế thị trường hiện nay còn tồn tại vấn đề gì, lộ trình để cải cách là gì? Đặc biệt thị trường lao động, thị trường đất đai và thị trường vốn hiện nay ra sao, cần cải thiện như thế nào? Tại sao lao động nông thôn còn dư thừa nhưng nhiều khu công nghiệp ở các thành phố lớn lại thiếu lao động? Chính sách gì để điều chỉnh giá đất, giá nhà ở các thành phố lớn đã lên cao tới mức dị thường? v.v..

Thứ ba, một số chính sách nêu ra trong Dự thảo Chiến lược có chỗ mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn Dự thảo Chiến lược cho rằng việc hoàn thiện thể chế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nhưng lại nhấn mạnh sự cần thiết phải hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu trong đó sở hữu nhà nước chi phối.

Tại sao trong thể chế thị trường đồng bộ và hiện đại lại cần có những tập đoàn kinh tế đa sở hữu trong đó sở hữu nhà nước chi phối?

Một mặt chủ trương phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhưng chưa thấy rút kinh nghiệm về sự lãng phí với quy mô ngoài sức tưởng tượng tại một trong những tập đoàn lớn gần đây, chưa cho thấy biện pháp khắc phục những khuyết điểm có tính cơ chế đó mà vẫn tiếp tục chủ trương xây dựng các tập đoàn thì làm sao dân chúng tin tưởng được là nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng hiệu quả?.

Cũng liên quan đến việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chủ trương phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc – Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế cũng làm người đọc Dự thảo Chiến lược khó hiểu.

Các chuyên gia đã tốn nhiều bút mực để chứng minh tính không khả thi của dự án đường sắt cao tốc, sự lãng phí quá lớn nếu thực hiện dự án ấy và chỉ ra những lãnh vực khác cần ưu tiên đầu tư. Tại sao Dự thảo Chiến lược lại có chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam mà không có một lời giải thích?

Thứ tư, một số mục tiêu đưa ra trong Dự thảo Chiến lược không dễ hiểu và có tính máy móc vì không thấy được những biện pháp khả thi kèm theo.

Chẳng hạn chủ trương tăng giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP (sản phẩm công nghệ cao không rõ được định nghĩa như thế nào) và yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 35%. Dự thảo có nhấn mạnh sự quan trọng của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và xem như là những yếu tố cần thiết để đạt các mục tiêu nói trên.

Nhưng người dân chưa yên tâm để tin tưởng các chủ trương này sẽ được thực hiện và thực hiện có hiệu quả vì từ hơn 10 năm trước đã có chủ trương xem giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng những gì diễn ra trong thời gian qua đã làm người dân lo lắng.

Trong thời gian qua, chủ trương chạy theo số lượng đã làm giảm chất lượng nghiêm trọng trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nhưng tinh thần của Dự thảo Chiến lược vẫn chú trọng số lượng khi chủ trương tăng tỷ lệ sinh viên đạt 450 trên vạn dân vào năm 2020 mà không cho thấy cơ sở nào để vừa đạt chỉ tiêu đó vừa giải quyết vấn đề kém chất lượng đang làm nhức nhối xã hội hiện nay.

Thứ năm, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại là mục tiêu lớn, quan trọng nhất trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 nhưng chưa được đặt trong một khung phân tích hoàn chỉnh để có thể đưa ra các chính sách, biện pháp cụ thể và có tính khả thi. Không thể nói chung chung là cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, tăng nhanh hàm lượng nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu; và cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Khung phân tích hoàn chỉnh đòi hỏi phải định vị công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới ở Đông Á mà điểm nhấn phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc, của trào lưu mậu dịch tự do, và phải chỉ ra được những yếu kém của các chủ thể kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa vừa qua, từ đó mới đưa ra được chiến lược công nghiệp hóa thích hợp.

Dự thảo có nói về bối cảnh quốc tế hiện nay nhưng rất chung chung, chẳng hạn xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước sẽ mạnh hơn; sự bất ổn của kinh tế thế giới và những tiến bộ của khoa học, công nghệ vừa mang lại rủi ro, thách thức vừa tạo ra các cơ hội cho các nước, v.v.. trong khi thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và trong trào lưu mậu dịch tự do, Việt Nam đang dần dần bị xem là thị trường tiêu thụ chứ không phải vươn tới thế mạnh như là một cơ sở sản xuất hàng công nghiệp của thế giới.

Tóm lại, qua Dự thảo Chiến lược, người dân chưa hình dung cụ thể về một nước Việt Nam có thể công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020, những băn khoăn của họ về một ngày mai không phải lo âu về y tế, giáo dục, việc làm và về một cuộc sống sung túc hơn hiện nay vẫn chưa thấy rõ câu trả lời.