Trang chủ » Tranh luận » DNNN thua lỗ: Cần “quẳng” gánh nặng ra khỏi nền kinh tế

DNNN thua lỗ: Cần “quẳng” gánh nặng ra khỏi nền kinh tế

Tác giả:

LTS: Theo ông Vũ Quốc Tuấn, thực tế, không phải doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nào cũng gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, mà khá nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, Nhà nước phải lấy tiền thuế của dân ra để ứng cứu. Một số doanh nghiệp nhà nước đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đất nước.

Chính vì vậy,cần tạo môi trường thực sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển, chứ không chỉ là lời nói suông và quá ưu ái các DNNN. Việc phát triển các tập đoàn, nếu là cần thiết, sẽ phải đa sở hữu, cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Đây là nội dung chủ đạo bài viết góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI của chuyên gia cấp cao Vũ Quốc Tuấn. Ông nguyên là chuyên viên Vụ Tổng hợp Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT),nay là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam.

Diễn đàn VNR500 xin trân trọng giới thiệu, mời bạn đọc cùng tranh luận. Mọi ý kiến xin gửi về: [email protected].

Nếu như chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường, thì cạnh tranh được coi là động lực chủ yếu của phát triển; không có cạnh tranh, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, không sức sống. Điều này đã được thực tiễn chứng minh trong quá trình phát triển đất nước từ khi công cuộc Đổi Mới được triển khai cho đén nay: nền kinh tế phát triển khá, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Thực tiễn cũng đã chứng minh: muốn có cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp, các tổ chức kinh tế cần được bình đẳng trong cạnh tranh. Dưới đây, xin góp một số ý kiến về vấn đề này trong các dựthảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng như sau.

Tình trạng bất bình đẳng trong thực tế

Trong thực tế, đang có tình trạng không bình đẳng, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Theo quan niệm hiện nay, kinh tế tư nhân nước ta bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân. Từ năm 1989, khái niệm “kinh tế tư nhân” được chính thức sử dụng trong văn kiện của Đảng (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng Khóa VI, tháng 3/1989).

Nghị quyết Đại hội IX (tháng 4/2001) khẳng định “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm” (Văn kiện Đại hội, tr. 98).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Khóa IX (tháng 3-2002) ghi tiếp “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” (Văn kiện Hội nghị, tr.58).

Thế nhưng, trong thực tế, từ những quy định trong văn bản pháp quy cho đến thực tế thi hành của các cơ quan chức năng, vẫn còn những sự kỳ thị, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân. Điều này cũng đã được chính cấc vị lãnh đạo Đảng và Chính phú xác nhận.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế (Nghị quyết số 14) do Văn phòng TƯ Đảng tổ chức ngày 6/4/2010 vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư đã nói: “Nhân thức về vai trò của kinh tế tư nhân có nơi, có lúc vẫn chưa được đầy đủ và còn thiếu nhất quán. So với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế” (TBKTVN số ra ngày 7/4/2010).

Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng, chính sách của Chính phủ là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực phát triển. Việt Nam đang quyết tâm xóa bỏ bằng được tâm lý kỳ thị đối với thành phần kinh tế tư nhân.

Đồng chí Ngô Văn Dụ,  Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cũng nhận định:”Vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp lo ngài kinh té tư nhân phát triển sẽ ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng. Thái độ ứng xử của một số cán bộ, công chức vẫn còn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế” (theo báo đã dẫn).

Thực tế cho thấy: kinh tế tư nhân còn rất nhiều tiềm năng chưa được phát huy; kinh tế tư nhân quy mô còn nhỏ bé, manh mún, kỹ năng kinh doanh còn nhiều yếu kém, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa còn thấp.

Đương nhiên, những yếu kém nói trên có nguyên nhân từ bản thân kinh tế tư nhân, nhưng nguyên nhân từ những sự phân biệt đối xử trong quản lý của Nhà nước đã có tác động rất quan trọng.

Cho đến nay, kinh tế tư nhân vẫn rất khó tiếp cận các nguồn lực phát triển, từ đất đai để mở rộng mặt bằng, tiếp cận tín dụng để có thêm vốn kinh doanh, đấu thầu để nhận các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước, nhận vốn ODA để thực hiện các công trình cho đến việc tham gia các hội chợ, triển lãm, tiếp cận thị trường, v.v…

Trên thực tế, từ thể chế cho đến tổ chức thực hiện, đang có biểu hiện rõ nét của sự không bình đẳng, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân.

Một số kiến nghị cụ thể

1. Về môi trường cho kinh doanh bình đẳng.

Nghiên cứu các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng, chúng tôi rất phấn khởi khi thấy trong Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã ghi: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đã viêt “Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân  để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường  đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh”.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng đã ba lần nhấn mạnh tinh thần cạnh tranh bình đẳng, đó là: “Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng” (trong Phần II. Quan điểm phát triển); “Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi pháp luật bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế” (trong Phần IV. Định hướng phát triển; và “Tôn trọng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế” (cũng trong Phần IV. Định hướng phát triển).

Thế nhưng, cũng ngay trong các dự thảo văn kiện, vẫn thấy mệnh đề “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cũng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (Dự thảo Cương lĩnh); “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (Dự thảo Báo cáo chính trị); “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển” (Dự thảo Chiến lược).

Cần tạo bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế phát triển (ảnh  VOV)

Xin đề nghị xem xét:

– Việc coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có những điểm không rõ về nội dung: kinh tế nhà nước gồm những yếu tố gì; thế nào là vai trò chủ đạo?

– Thực tiễn cho thấy: một khi nhấn mạnh vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế, đã đi đễn xem nhẹ vai trò của thành phần kinh tế khác, cũng tức là công nhận sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; cũng tức là không có sự cạnh tranh theo đúng nghĩa.

– Khi kinh tế nhà nước đã giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước thường ỷ  vào lợi thế của mình, đương nhiên sẽ không có động lực để nâng cao sức cạnh tranh của mình, điều này hạn chế ngay việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ công nhân viên chức doanh nghiệp nhà nước;

– Và cuối cùng, trong thực tế, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, mà khá nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, Nhà nước phải lấy tiền thuế của dân ra để ứng cứu. Một số doanh nghiệp nhà nước đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đất nước.

Về kiến nghị xem lại nội dung “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, trên báo chí đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng, xin không nhắc lại. Chỉ xin nhấn mạnh rằng: chúng ta nói rằng các thành phần kinh tế được bình đẳng trong kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Thế nhưng, làm sao có thể cạnh tranh bình đẳng, nếu như có những doanh nghiệp này được ưu ái hơn những doanh nghiệp khác, nếu như doanh nghiệp tư nhân còn phải chịu những sự vòi vĩnh, sách nhiễu của cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường, quản lý giao thông … và phải chịu những “chi phí bôi trơn” làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa?

Mà đã không có môi trường cạnh tranh bình đẳng, thì không có kinh tế thị trường, cũng tức là không kuyến khích những tìm tòi, sáng tạo của dân, hạn chế sự phong phú, sinh động của nền kinh tế đất nước.

Nếu như cần có những “quả đấm mạnh” làm đầu tàu cho nền kinh tế, cạnh tranh với thế giới, có thể thành lập những tập đoàn kinh tế ở một số ngành chủ chốt, nhưng đây phải là những tập đoàn đa sở hữu, có các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia một cách tự nhiên theo quy luật kinh tế, kinh doanh theo các quy luật của kinh tế thị trường.

2. Đối với kinh tế tư nhân

Những năm gần đây, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước.

Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội ngày 6/4/2010 đã khẳng định: những năm gần đây, kinh tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, có vai trò và vị trí ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội đất nước; đóng góp gần 50% GDP, giải quyết việc làm cho trên 70% lao động xã hội, trên 11% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, v.v…

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000-2008, vốn đăng ký của doanh nghiệp tư nhân đã đạt 2.110 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn FDI cùng kỳ; vốn đăng ký bình quân tăng 61,5%.

Đó là chưa kể hết số vốn của gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khá nhiều hộ có quy mô vốn và lao động lớn nhưng do nhiều nguyên nhân đã không đăng ký lập doanh nghiệp.

Các tập đoàn – quả đấm mạnh cho nền kinh tế, phải là đa sở hữu (ảnh Hanoi conner)

Thế nhưng, trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI, vấn đề kinh tế tư nhân chỉ được đề cập một cách mờ nhạt, không “mặn mà” như các văn kiện của Đại hội hoặc Hội nghị Trung ương trước đây, như đã nhắc lại ở phần trên.

Dự thảo Cương lĩnh viết “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”. Dự thảo Báo cáo chính trị viết “Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”. Dự thảo Chiến lược cũng chỉ viết “Phát triển mạnh kinh tế tư nhân”. Như vậy là chưa đánh giá đúng mức vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta trong thời kỳ hiện nay cũng như trong những năm tới.

Chính vì vậy, xin đề nghị  nhấn mạnh hơn nữa vị trí của kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất gia đình, các doanh nghiệp làng nghề.

Đó là những tổ chức sản xuất, kinh doanh đang và sẽ thu hút phần rất lớn lao động, nhất là lao động nông thôn, nhiều nơi đang thiếu việc làm do tốc độ đô thị hóa, mà ở những nơi lao động không có việc làm, tệ nạn xã hội đang có điều kiện phát triển.

Kinh tế thị trường phát triển, chắc chắn các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, trở thành động lực chủ yếu phát triển của nền kinh tế.

Vì vậy, xin kiến nghị khẳng định trong văn kiện: “Kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu phát triển của nền kinh tế. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Cần xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh không hạn chế về quy mô trong những lĩnh vực có lợi cho quốc kế, dân sinh”.

Đồng thời, để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, điều có ý nghĩa thiết thực hiện nay là đẩy mạnh cải cách hành chính. Chính phủ đang thực hiện cuộc cải cách thủ tục hành chính, tích cực cắt giảm những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; điều này là rất cần thiết.

Song, cơ bản hơn, chính là việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, cũng tức là xem xét và xác đinh rõ sự “phân vai” của ba tác nhân trong kinh tế thị trường: Nhà nước – Thị trường – Xã hội dân sự.

Từ đó, xác định rõ Nhà nước cần làm những gì và không nên hoặc không cần làm những gì, mà nên chuyển giao cho thị trường hoặc các tổ chức xã hội dân sự thực hiện, nhự vậy sẽ đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn, tránh lãnh phí, thất thoát.

Cũng không kém phần quan trọng là chấn chỉnh, làm trong sạch đội ngũ công chức, bởi vì trong thực tế, ngoài những quy định thành văn do các văn bản quy phạm pháp luật quy định, có những quy định “bất thành văn” mà không ít công chức thoái hóa, biến chất tự đặt ra để nhũng nhiễu, hạch sách người dân và doanh nghiệp, trước hết là với các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

Những quy định “bất thành văn” này mới có tác dụng thực sự trong cuộc sống, người dân và doanh nghiệp vẫn phải miễn cưỡng thi hành, nhưng lại rất khó quy kết, quy thành tội danh và xử lý.

Chính vì thế, rất cần xác định rõ công chức “chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”, tăng cường trách nhiệm của công chức, tăng cường việc kiểm tra hoạt động cômg vụ của mỗi công chức, kịp thời chấn chỉnh những hành vi bất hợp pháp của những công chức gây khó cho dân và doanh nghiệp để xoay xở, kiếm chác.

Cuối cùng, để công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không cần sách nhiễu doanh nghiệp, cần thực hiện một bước đột phá trong cải cách tiền lương công chức.

Đây cũng là một biện pháp chủ yếu để góp phần chống tham nhũng.

Hiện nay, tiền lương chính thức quá thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30-40% nhu câu cho đời sống của, công chức) là một nguyên nhân chủ yếu buộc công chức phải tìm cách bổ sung thu nhập, tromg đó có những khoản thu hợp pháp, song có khá nhiều khoản thu bất hợp pháp; những thu nhập bất hợp pháp này nhiều khi gấp nhiều lần thu nhập chính thức.

Do vậy, mặc dù lương thấp, một số công chức vẫn có những biệt thự đắt tiền, xe hơi cao cấp, có tiền cho con du học nước ngoài, v.v… – tình trạng đang gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền. Vì vậy, việc cải tiến tiền lương một cách cơ bản là một việc cần thực hiện gấp, không thể trì hoãn, nếu muốn xây dựng một Nhà nước thực sự “của dân, do dân và vì dân”.