Trang chủ » Tranh luận » Dở khóc, dở cười tham gia bán hàng đa cấp

Dở khóc, dở cười tham gia bán hàng đa cấp

Tác giả:

Cay đắng hơn, mặc dù đang là “con nợ” nhưng lúc nào cũng phải ăn diện cho thật chỉn chu, phải thể hiện được được hình ảnh một người thành đạt, giàu có  thì… mới thêm phần thuyết phục được người khác tham gia mạng lưới của mình.

Người viết bài này đã từng chứng kiến nhiều cảnh “dở khóc, dở cười” xung quanh câu chuyện bán hàng đa cấp. Xin nêu ra đây một vài dẫn chứng có thực và cũng rất dễ kiểm chứng khi mà vấn đề bán hàng đa cấp đã gây ra không ít phẫn nộ cho những người đã từng tham gia hay được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Đã từng có nhiều người vốn đang thất nghiệp lại rất khó khăn về tài chính phải đi vay mượn tiền bạc, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để mua hàng và trở thành thành viên của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nên từ chỗ túng quẫn lại gánh thêm nợ nần chồng chất. Cay đắng hơn, mặc dù đang là “con nợ” nhưng lúc nào cũng phải ăn diện cho thật chỉn chu, phải thể hiện được được hình ảnh một người thành đạt, giàu có, … và tất nhiên là phải như thế thì … mới thêm phần thuyết phục được người khác tham gia mạng lưới của mình.

Cũng đã từng chứng kiến nhiều cảnh éo le khi bạn bè, anh em, dì cháu, … phải “không thèm nhìn mặt nhau” khi bị đối  phương “dụ dỗ” mua những món hàng với lời quảng cáo chất lượng vượt trội, tính năng vô cùng hấp dẫn nhưng sau khi sử dụng thì mới biết rằng mình đã bị lừa với giá bán trên trời, tiền mất nhưng tật vẫn phải mang.

Bán hàng đa cấp là tên gọi thông dụng tại Việt Nam, còn tên gọi quốc tế thường hay sử dụng là kinh doanh theo mạng (Network Marketing), là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua nhà phân phối là chính nhân viên của mạng lưới. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Rất nhiều chuyên gia đã thừa nhận đây là một phương thức kinh doanh ưu việt và đã từng được áp dụng thành công ở nhiều nước do những ưu điểm như tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa, … Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.

Đây là phương thức kinh doanh tận dụng mối quan hệ cá nhân của các thành viên cũng là những nhà phân phối và đồng thời tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh.

Các nhà phân phối có vai trò như những đại lý. Họ dùng những kết quả sử dụng của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng. Qua việc làm đó họ đem về lượng khách hàng cho công ty và bản thân họ. Ngoài ra họ còn có thể tìm kiếm những đối tác khác để có thể trở thành nhà phân phối cùng làm việc với mình.

Tranh minh hoạ: Tuổi trẻ

Những người mới bắt đầu bước chân vào mạng lưới bán hàng đa cấp thường thông qua sự giới thiệu của những người đi trước. Họ được tập trung tại các hội trường sang trọng, hào nhoáng để giới thiệu về các sản phẩm cần bán nhưng chủ yếu vẫn là những lời hứa hẹn về khoản thu nhập hấp dẫn mà người tham gia mạng lưới có thể nhận được.

Ngoài ra, họ còn được trang bị những kỹ năng thuyết phục khách hàng và quan trọng nhất là phải luôn luôn xuất hiện với phong thái lịch lãm, tự tin, sành điệu. Có một số trường hợp còn chuẩn bị “đồ nghề” là những bức hình chụp cảnh đang nhận các khoảng tiền tượng trưng với các con số ấn tượng để thêm phần thuyết phục khi chèo kéo người khác tham gia.

Trong quá trình tìm kiếm, lôi kéo người khác cùng tham gia mạng lưới của mình, có một quy tắt bất thành văn. Đó là chỉ biết nói tốt về công ty, về sản phẩm mà mình đang phân phối, đặc biệt không ai được nói rằng mình đã bị lừa.

Bán hàng đa cấp được phát triển bởi nhà hóa học người Mỹ Karl Renborg (1887-1973) vào những năm 1940, trãi qua rất nhiều khó khăn cũng như phải đối mặt với rất nhiều tranh cãi, thậm chí đã từng có công ty tại Mỹ phải hầu tòa suốt 4 năm liền từ 1975 – 1979 nhưng cuối cùng Bộ luật đầu tiên về kinh doanh đa cấp cũng đã ra đời tại Mỹ vào năm 1979.

Mặc dù bán hàng đa cấp được du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 21 nhưng đến ngày 24/08/2005, Chính phủ mới chính thức ban hành Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn khá mới mẽ này.

Theo nghị  định trên thì  “Nhà nước nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khoá học, khoá đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…”.

Tuy nhiên những quy định trên đây đều không được các công ty bán hàng đa cấp thực hiện nghiêm túc. Hiện tượng bắt buộc phải mua hàng để được tham gia mạng lưới vẫn diễn ra và được ngụy trang dưới hình thức tự nguyện hoặc được những người mời chào lý giải rằng đây là khoản đầu tư, tích trữ, khi khách cần là có thể bán ngay(?).

Trước đây, công ty Sinh Lợi hay một vài doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ hay rút giấy phép hoạt động nhưng họ vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại bằng nhiều hình thức khác, dưới những cái tên khác, thậm chí có những doanh nghiệp hoạt động mà không cần đến giấy phép như công ty Qivana VN với hình thức hoạt động tương tự như công ty Agel VN vừa rút khỏi thị trường Việt Nam.

Mặc dù đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng dường như những hứa hẹn đầy mê hoặc từ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã khiến nhiều người lóa mắt.

Theo phản ánh của báo Tuổi trẻ thì mới đây, chỉ sau một đêm, Công ty TNHH Agel VN ký hợp đồng thuê nhà 73 Tràng Thi (Hà Nội) làm trụ sở từ cuối năm 2008, đã thu dọn toàn bộ đồ đạc tại ngôi nhà rồi “biến mất” đến tận bây giờ. Và để lại hậu quả vô cùng lớn khi những đại lý cỡ nhỏ đã không nhận được hoa hồng, thậm chí không nhận được cả hàng hóa mà mình đã bỏ tiền ra mua, trong đó đáng kể nhất là nhiều “thủ lĩnh” của đường dây này cho biết, mỗi người đã có hàng trăm thành viên trong nhánh của mình bị hại với số tiền khoảng 15 triệu đồng mỗi người. Và đến nay vẫn chưa biết được những thiệt hại của mình được xử lý như thế nào.

Xem ra, trong quá trình quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khe hở để các doanh nghiệp này lách luật và chắc chắn danh sách những người bị hại do tham gia bán hàng đa cấp chưa phải dừng lại ở đây. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhìn nhận, quan tâm đúng mức và nên có những quy định, chế tài chặt chẽ hơn nữa đối với loại hình kinh doanh này.

Xu hướng phát triển của hình thức bán hàng đa cấp là xu thế khó cưỡng lại được, tuy nhiên những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn quá sơ sài. Trong khi tại Mỹ đã có một bộ luật hẳn hoi cách đây đã hơn 30 năm thì đến nay tại Việt Nam văn bản pháp lý cao nhất vẫn chỉ là nghị định nói trên lại được ban hành khá lâu, không bắt kịp với những biến tướng có thể phát sinh.

Ngoài ra, hầu như chưa có ai đứng ra kiểm tra, giám sát chặt chẽ về các tiêu chuẩn chất lượng thật của các loại hàng hóa mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phân phối. Chất lượng sản phẩm kém, không đúng như những gì đã giới thiệu cũng là một đặc điểm nổi bật trong thời gian qua.

Lợi dụng những khe hở của pháp luật, các doanh nghiệp bán hành đa cấp  đã vô tư thu lợi bất chính từ nhiều năm qua. Từ những kết cục cay đắng của người trong cuộc kết hợp với khoảng cách về chất lượng trong quá trình giới thiệu sản phẩm so với thực tế đã làm cho nhiều người đang có những ác cảm nhất định đối với loại hình kinh doanh này.

Đối với những người đã, đang và sẽ đầu quân cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì trong khi đợi những đột phá trong công tác quản lý từ các cơ quan nhà nước, với sự sáng suốt cần thiết hãy biết tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi của mình trước khi quá muộn.