Trang chủ » Tranh luận » DN xăng dầu bức xúc Bộ Tài chính về hoa hồng

DN xăng dầu bức xúc Bộ Tài chính về hoa hồng

Tác giả:

Sau cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra 4 doanh nghiệp xăng dầu (Petrolimex, PVOil, Petimex và SaigonPetro) hôm 19/12, các doanh nghiệp xăng dầu đều bức xúc vì những nhận định khắt khe của Bộ Tài chính.

Tính cả năm hoa hồng vẫn thấp

Trong khi Bộ Tài chính kết luận rằng, các doanh nghiệp xăng dầu lỗ, hoặc cố tình biến lãi thành lỗ vì đã để thù lao hoa hồng cho đại lý quá cao, khiến chi phí kinh doanh vượt xa định mức 600 đồng/lít là không hợp lý, các doanh nghiệp xăng dầu đều cho rằng, chi phí hoa hồng thực chất là thấp.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, nếu Nhà nước tính chi phí hoa hồng bình quân để biết doanh nghiệp kinh doanh ra sao, có lãng phí không thì phải nhìn vào tổng thể trong cả một thời gian, nhiều vùng địa bàn kinh doanh chứ không thể ở 1 thời điểm ngắn hạn.

Đối với Tổng công ty Petrolimex, 6 tháng đầu năm 2011, chiết khấu hoa hồng mặt hàng xăng chỉ ở mức từ 260-  364 đồng/lít cho đại lý và tổng đại lý, đối với dầu cũng chỉ nằm trong khoảng từ 229- 285 đồng/lít. Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 7-8, thù lao hoa hồng của Petrolimex cũng tăng cao theo xu hướng chung của các doanh nghiệp, với mức trên 700 đồng/lít.

Nhưng khi tính chung 9 tháng, khoản chi này dành cho đại lý, tổng đại lý vẫn thấp hơn so với 600 đồng định mức kinh doanh, như xăng là 307- 403 đồng/lít, dầu diesel là 329-427 đồng/lít.

“Petrolimex có mức chi hoa hồng thấp nhất trong tất cả các đầu mối xăng dầu. Và mọi số liệu này đều từ Kiểm toán độc lập”, ông Vương Thái Dũng khẳng định.

Bình luận về đánh giá của Bộ Tài chính, ông Dũng bày tỏ: Ai cũng hiểu chi phí hoa hồng càng ít thì doanh nghiệp càng có hiệu quả lợi nhuận nhưng về nguyên tắc, đây không phải là khoản Nhà nước bắt buộc quy định cứng cụ thể là bao nhiêu. Đây là việc mỗi doanh nghiệp ứng xử khác nhau căn cứ vào điều kiện cụ thể từng doanh nghiệp mà thỏa thuận với đại lý.

Đồng quan điểm với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho hay, trong một chuỗi kinh doanh 12 tháng, không thể lấy riêng một khoảng thời gian 1-2 tháng để đánh giá các đơn vị đã chuyển lãi thành lỗ, không tiết giảm giá thành. Muốn xem các doanh nghiệp đã chi cao hay thấp cho đại lý thì cần tính trung bình cả năm 2011 để có cái nhìn tổng thể, toàn diện.

Cũng từ góc  nhìn này, ngay bản kiểm tra của Bộ Tài chính đối với SaigonPetro cũng cho thấy chiết khấu thù lao cho đại lý bình quân 5 tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 263 đồng/lít, từ ngày 27/8 đến ngày 15/9, chỉ ở mức 239,2 đồng/lít. Chín tháng đầu năm, SaigonPetro chi chiết khấu hoa hồng cho các đại ý chỉ ở mức 438 đồng/lít, thấp hơn nhiều so với khoảng 600 đồng/lít định mức chi phí kinh doanh nói chung.

SaigonPetro chỉ chi hoa hồng cao ở tháng 6 và khoảng thời gian từ 1/7-26/8 lại cao, lần lượt là mức 714,3 đồng/lí và 782,7 đồng/lít. Đây cũng là tình trạng chung của PVOil, Petimex… Trong khi đó, hầu hết đánh giá của về việc chi hoa hồng bất hợp lý của Bộ Tài chính lại chỉ căn cứ vào quãng thời gian này, thay vì nhìn cả năm kinh doanh.

Bởi vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi chỉ nhìn 2 tháng là tháng 6 và 8 thì tưởng là doanh nghiệp vung tay chi hoa hồng nhưng nhìn 7 tháng còn lại, rõ ràng các doanh nghiệp đều co kéo khoản này cả. Nhìn tổng hòa 9 tháng đầu năm hay 12 tháng,  bức tranh chi phí hoa hồng của các đầu mối không đến mức như thông điệp của bộ Tài chính công bố.

Hoa hồng và chuyện cá nhỏ rỉa cá lớn

Trở lại các kết quả kiểm tra 4 doanh nghiệp, bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu cần giảm chiết khấu cho đại lý ở giai đoạn từ tháng 1/6 đến 26/8 vì đây là thời gian giá thế giới giảm, giá trong nước chưa giảm. Nếu làm điều này, các doanh nghiệp đã có thể có lãi để bù lỗ giai đoạn trước đó. Việc các đơn vị vẫn chi hoa hồng cao hơn cả khoản 600 đồng/lít quy định định mức chi phí kinh doanh, nhằm điều chuyển thu nhập về các Tổng đại lý, đại lý hoặc công ty con là bất hợp lý.

Tuy nhiên, nhận định này đã bị các doanh nghiệp phản ứng nhiều nhất.

Lãnh đạo SaigonPetro bày tỏ bức xúc: nguyên tắc đầu tiên trong kinh doanh xăng dầu là khi giá thế giới đang giảm, hàng tồn kho là hàng nhập giá cao thì các doanh nghiệp phải mau chóng đẩy hàng ra, khi đó, buộc phải tăng hoa hồng, hoặc giữ hoa hồng cao thì đại lý mới nhập hàng.  Nếu hoa hồng thấp, hoặc giảm hoa hồng trong khi bán lẻ lỗ, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Nói cách khác, khi giá thế giới giảm, tưởng như doanh nghiệp có dư địa để giảm các chi phí khác nhưng đây chính là lúc bắt đầu cuộc đua ngầm chi hoa hồng để đẩy hàng tồn giá cao ra thị trường.

Nhận định của Bộ Tài chính đã không quan tâm đến đặc thù này của kinh doanh xăng dầu.

Ngược lại, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú phân tích: đây là thời điểm cá nhỏ rỉa cá lớn trên thị trường xăng dầu. Doanh nghiệp càng bé thì chi hoa hồng càng cao, Petrolimex to nhất thì hoa hồng lại chi ít nhất.

Kịch bản thường thấy là, khi giá thế giới cao, các doanh nghiệp nhỏ, yếu sợ bị lỗ vì tồn hàng giá cao sẽ thường phải đẩy hàng bán ra. Muốn vậy, các ông nhỏ này chỉ còn cách là tăng hoa hồng cho đại lý. Để đảm bảo thị phần, các doanh nghiệp lơn buộc phải tăng hoa hồng theo.

Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp nhỏ có số lượng đại lý ít nên việc tăng mạnh hoa hồng  tính trên mỗi lít xăng dầu sẽ không ảnh hưởng lớn tới chi phí kinh doanh tổng thể. Trong khi nếu là doanh nghiêp lớn, thị phần lớn, tăng hoa hồng nhiều là thiệt hại lớn.

Nhưng khi thuận lợi, giá thế giới giảm, doanh nghiệp nhỏ không bao giờ giảm hoa hồng đại lý trước vì giảm là mất thị phần, đại lý sẽ “chạy sang” nhập xăng nơi khác có hoa hồng cao hơn.

Ông doanh nghiệp lớn như Petrolimex khi bị Bộ Công Thương “gõ đầu” nhắc nhở phải giảm thì mới giảm. Vì lý do đơn vị này sở hữu 2000 cây xăng, nên nếu giảm hoa hồng, các đại lý này phải tuân theo, “không chạy” đi đâu được.

Trên thực tế, thông điệp mà Bộ Tài chính muốn “nhắc” nhở chính là ở việc cần tiết giảm tối đa những khoản chi mà doanh nghiệp có thể chủ động can thiệp được. Nếu không bị phát sinh lỗ tỷ giá (do Nhà nước điều hành), các doanh nghiệp có thể tiết giảm khoản này tối đa để đảm bảo kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, quan điểm của SaigonPetro cho rằng, Bộ Tài chính đang nắm các công cụ như thuế, phí, Quỹ bình ổn xăng dầu và hiện, nắm cả quyền định giá bán lẻ. Doanh nghiệp chỉ có 900 đồng/lít (300đồng/lít lợi nhuận định mức và 600 đồng/lít chi phí kinh doanh định mức) là dư địa để điều tiết lợi nhuận của mình. Nếu doanh nghiệp làm không tốt thì lỗ, doanh nghiệp chịu và điều này không ảnh hưởng gì với giá bán lẻ của người tiêu dùng. Cắc cớ gì mà Bộ Tài chính phải “soi” hoa hồng đại lý, rồi lo lãi lỗ của doanh nghiệp? Đây là cách điều hành kiểu cha- con”!

Các doanh nghiệp cũng cho biết thêm, cho tới thời điểm này, Bộ Tài chính không gửi kết luận kiểm tra tới doanh nghiệp. Vì thế, các số liệu của Bộ này công bố, so sánh, tính toán trên cơ sở nào, doanh nghiệp không biết.