Trang chủ » Tranh luận » Huy động vàng: Thách thức từ tính bảo thủ

Huy động vàng: Thách thức từ tính bảo thủ

Tác giả:

Cuộc khủng hoảng kéo dài từ 2009 cho tới nay chưa dứt. Hàng loạt các doanh nghiệp lao đao vì thiếu vốn, ngân hàng kém thanh khoản là giọt nước tràn ly khiến Chính phủ phải nhanh chóng tính chuyện huy động khoản vốn từ nguồn vàng khổng lồ trong dân.

Ý tưởng là hay, vừa là để có vốn vừa để quản lý ổn định thị trường vàng, nhưng việc thực thi không hề dễ. Để huy động được vàng cần củng cố niềm tin và mang lợi ích cho người có vàng.

Vàng trong dân: Hàng trăm tấn

Không có số liệu chính xác nhưng số vàng cất giữ trong dân rất lớn. Theo ước tính đưa ra đầu năm 2012 của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì con số này khoảng 300-500 tấn. Còn theo ước tính của một số chuyên gia trước đó thì có thể lên tới cả 1.000 tấn.

Ước tính của NHNN là dựa trên số liệu vàng xuất nhập chính ngạch trong nhiều năm qua. Con số cao hơn đưa ra lại dựa trên lượng vàng thẩm thấu lậu qua biên giới do nhu cầu nắm giữ vàng của người dân Việt Nam luôn đứng ở mức cao và giá vàng Việt Nam thường cao hơn thế giới.

Giả sử con số thực tế là 500 tấn và cả nước có 15 triệu hộ gia đình thì trung bình mỗi gia đình cất giữ khoảng 8 chỉ vàng – một con số khá lớn.

Nếu tính số vàng trong dân là 300 tấn thì đây vẫn là một số vốn đáng mơ ước mà bất kỳ một nền kinh tế  nào đều cần đến để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Đề án huy động vàng từ trong dân là một ý tưởng hay. Nó đáng ra đã phải được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, ngay cả đến thời điểm hiện tại, việc triển khai đề án này không hề dễ dàng. Tính khả thi cũng chưa biết được bao nhiêu phần trăm mặc dù nhiều phương án, nhiều cách thức đã được NHNN tính đến.

Người nắm giữ vàng rất bảo thủ

Một điều thường thấy ở người dân, kể từ những người nông dân cho tới người làm công ăn lương, hay thậm chí là một số doanh nhân…, cứ chắt chiu được đồng tiền nào là lập tức mua vàng. Họ mua vàng là để tích trữ, để chống lạm phát vốn thường xuyên ở mức cao và hơn nữa là đây là một mặt hàng có tính thanh khoản hơn tất cả các loại tài sản khác, trừ tiền đồng.

Trong quan niệm của họ (từ khi vàng trở nên quen thuộc tại Việt Nam), vàng chưa bao giờ mất giá. Thực tế thì vàng đã liên tục tăng, mà là tăng mạnh trong 10 năm qua. Hầu hết những người nắm giữ vàng trong vài năm qua đã thắng lớn, hơn nhiều kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản… có nhiều rủi ro như giá trị sụt giảm, cần vốn lớn, bị giam vốn, rồi là tính thanh khoản kém, quy đổi ra tiền mặt chậm.

Gửi ngân hàng có những lúc lãi suất khá cao nhưng nhìn lại “xem ra vẫn không bằng vàng” bởi lạm phát có lúc vọt lên 18-20%. Hơn thế, nhiều người còn lo ngại về khả năng mất thanh khoản tại các tổ chức tín dụng, cho dù đây chỉ là sự lo sợ trong một bộ phận người dân.

Với nhiều người, vàng mới thực sự có giá trị. Họ không cần sinh lời mà đơn giản, với họ, vàng là tài sản mang tính cất giữ và được họ để trong hòm.

Đây có thể là thách thức lớn nhất đối với đề án của NHNN.

Khủng hoảng và cơ hội nào?

Trước khi xây dựng đề án, NHNN đã lường trước được khó khăn này. Như một chuyên gia đã từng nói, khó không có nghĩa là không làm được. Việc huy động vàng là một hướng đi đúng đắn. Nó giúp huy động được nguồn vốn nhàn rỗi để phát triển kinh tế nước nhà. Thói quen cất giữ của người dân cũng có thể thay đổi được.

Theo những thông tin ban đầu được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng (TCTD), hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng.

Mặt khác, với nhiều công cụ như kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ.

Về cơ bản, cùng với công cụ lãi suất, các TCTD cũng sẽ huy động vàng như huy động tiền đồng hay USD.

Tuy nhiên, có thể thấy, huy động vàng là khó khăn hơn nhiều bởi vàng là những đồng tiền “căn cứ cuối cùng” của người dân. Hơn thế, cũng có không ít người không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”. Và khả năng huy động vàng lãi suất sẽ không cao, cũng chỉ ngang hoặc hơn USD một chút.

Vấn đề nằm ở chỗ, các TCTD cho dù là đại lý cho NHNN nhưng uy tín của họ mới là cái quyết định để có thể huy động được những đồng tiền dưới dạng vàng – những đồng tiền cuối cùng của người dân hay không?

Trong những tháng vừa qua, có khá nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động tiền đồng (cho dù nhiều khả năng trần lãi suất sắp được hạ xuống) thì việc huy động vàng chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.

Cuộc khủng hoảng kéo dài trong hai năm qua là cái khiến người dân trở nên tỉnh táo hơn trong việc bảo vệ đồng tiền của mình. Nó cũng là cơ hội để các TCTD tái cấu trúc và được tái cấu trúc nhanh chóng nhằm cải thiện hình ảnh của mình để có thể huy động được các nguồn vốn trong dân.

Ý tưởng là hay, vừa là để có vốn vừa để quản lý ổn định thị trường vàng, nhưng việc thực thi không hề dễ. Để huy động được vàng cần củng cố niềm tin và mang lợi ích cho người có vàng.