Trang chủ » Tranh luận » Thuế TNCN: Đau đáu khoản chi không thể giảm trừ

Thuế TNCN: Đau đáu khoản chi không thể giảm trừ

Tác giả:

22 triệu tiền thuế và gánh nặng gia đình

Không phản đối chính sách thu thuế thu nhập cá nhân nhưng nhiều cán bộ, chuyên viên trẻ, lương cao nghìn USD vẫn không khỏi băn khoăn trước các mức đóng thuế cũng vào dạng cao ngất ngưởng. Lý do không phải vì tiếc số tiền phải nộp trên dưới chục triệu mỗi năm tiền thuế, mà bởi, có hàng loại khoản chi tiêu gắn liền với hàng loạt trọng trách trong gia đình, họ hàng mà cơ quan thuế không tính đến cho mỗi cá nhân nộp thuế.

Anh Trần Văn Đường, phụ trách PR-Marketing cho một công ty bất động sản có trụ sở ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, tổng thu nhập hàng tháng của anh là  14,075,375 đồng, sau khi trừ tiền bảo hiểm là 408.000 đồng, thì tổng thu nhập chịu thuế của anh là 13,667,375 đồng.

Vì chưa lập gia đình, cũng chưa có ai phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh, nên anh Đường chỉ được giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng mỗi khi nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, mỗi tháng, anh phải chi hết 716.738 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tính ra cả năm cũng nộp hết hơn 8,5 triệu đồng.

“Tình hình lạm phát những năm gần đây liên tục cao, với mức khởi điểm chịu thuế 6 triệu mà Bộ Tài chính đề xuất cho 2014 tôi thấy vẫn còn ít. Cá nhân tôi cho rằng mức khởi điểm là 8-9 triệu đồng thì hợp lý hơn”, anh Đường nói.

Anh Đường cũng chia sẻ thêm về việc quản lý thuế thu nhập cá nhân ở nước ngoài đó là tiền thuế này họ đưa vào một quỹ phúc lợi riêng chỉ phục vụ riêng vào mục đích phục vụ người dân. Người dân giám sát quỹ đó công khai, vì vậy ở nước ngoài họ tự hào mỗi khi nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nhận được bảng thống kê số tiền phải nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2011, chị Phạm Thị Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết xót xa vì số tiền nộp khá lớn lên đến gần 22 triệu đồng. “Nếu chia đều ra, mỗi tháng cũng nộp hết gần 2 triệu đồng, khoản tiền thuế này chiếm một khoản không nhỏ trong tổng thu nhập của mình hiện nay”.

Theo chị Hòa, với thu nhập bình quân hiện nay của chị là hơn 15 triệu đồng/tháng nghe thì cao nhưng thực tế so với cuộc sống bây giờ thì mức thu nhập này lại không hề cao. Bởi, chị không có ai phụ thuộc để được giảm trừ khi nộp thuế thu nhập cá nhân nên mức đóng khá cao. Trong khi, thực tế chị vẫn giúp bố mẹ nuôi em ăn học đại học. Với cơ quan thuế, thật khó mà chứng minh rằng, em chị là trường hợp người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh. Vì theo quy định, nếu không phải là bố mẹ, con cái, người phụ thuộc phải là người tàn tận, mất khả năng lao động hoặc không nơi nương tựa.

Chỉ tính riêng tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, điện thoại, tiền ăn mỗi tháng của hai chị em cũng, tính tiết kiệm nhất cũng đã hết chục triệu đồng. Số tiền còn lại dành cho các khoản chi phí khác cho công việc.

“Như vậy, thực ra, thu nhập cao cũng khó dành dụm được nhiều cho tương lai vì chi phí ở thành thị quá cao, giá cả đắt đỏ… “, chị Hòa ngao ngán nói. Cuộc sống của chị Hòa gần như chỉ tạm đủ xoay xở cho các nhu cầu tối thiểu của 2 chị em chứ không thể để dành được đồng nào làm vốn cho tương lai. Nói cách khác, như chị, nếu trong gia đình có phát sinh đau ốm, đám cưới, sửa nhà cũng sẽ khiến chị  chóng mặt và đi vay là điều đương nhiên. 22 triệu đồng/năm tiền thuế vì lẽ đó, đối với chị là một khoản to lớn và có thể, đỡ đần cho gia đình chị khá nhiều khoản, ít nhất là khoản ăn học của người em. Chị không phản đối nghĩa vụ nộp thuế, nhưng với một người còn nhiều gánh nặng gia đình như chị thì ngưỡng nộp thuế như vậy là quá cao.

Các bà nội trợ phải cân nhắc chi tiêu thời lạm phát (ảnh Đất Việt)

Còn đâu dành dụm cho tương lai?

Có lẽ, điều đau đáu nhất của những cán bộ, nhân viên trẻ tuổi trong các tính toán thu nhập, đó là việc dành dụm tiền cho tương lai. Tuy nhiên, dường như, phần nộp tiền thuế thu nhập cá nhân lên tới 8-9 triệu/năm cũng đã phần nào làm trì hoãn kế hoạch dành dụm vốn liếng này.

Phấn đấu mới đạt được mức lương 10 triệu đồng/tháng, chị Trần Bằng, làm kế toán cho một công ty chuyên cung cấp hệ thống thông gió của Hàn Quốc tại Bình Dương chia sẻ: Mức thu nhập này nếu là ở quê, hay ở tỉnh, thành phố lớn nhưng không phải đi thuê nhà cửa để ở thì cũng dễ chịu hơn. Đằng này, hàng tháng riêng tiền thuê nhà đã chiếm mất một khoản thu nhập, khiến chất lượng cuộc sống cũng ảnh hưởng ít nhiều.

“Vì vậy, mức giảm trừ cá nhân 4 triệu như hiện nay hoặc 6 triệu như đề xuất trong tương lai, theo tôi vẫn còn rất thấp. Bởi với thu nhập như vậy, tôi đang có nguy cơ không đủ chi tiêu trong tương lai chứ chưa nói đến phải trừ đi số thuế phải đóng”, chị Bằng tâm sự…

Theo cách tính của chị Bằng thì thu nhập hàng tháng hiện nay là 10 triệu đồng, nộp bảo hiểm 850.000 đồng, còn lại 9.150.000 đồng là tổng thu nhập chịu thuế. Như vậy, tính ra mỗi tháng chị phải đóng 422.500 đồng, suy ra số thu nhập thực lĩnh còn lại: 8.727.500 đồng.

Dù không phải đóng thuế nhiều, hay chịu chi phí cao như ở thành phố lớn như anh Đường và chị Vân nhưng chị Bằng cho biết, mỗi tháng chỉ phải trích một khoản để trả nợ vay sinh viên là 1 triệu đồng, hỗ trợ em gái học đại học 1.500.000 đồng. Số còn lại là 6.227.500đồng dùng để chi tiêu cá nhân (như tiền xăng, tiền nhà, tiền ăn, điện thoại, tiền sinh hoạt đi lại, bạn bè, cưới hỏi, khánh tiết…) nhưng nhiều lúc cũng không đủ xài.

Để có được thu nhập cao, nhiều người đã phải nỗ lực hết sức học tập hoặc làm việc rất vất vả trong một thời gian dài, và khi có thu nhập họ cần phải giúp đỡ lại hoặc chia sẻ cho người thân của họ. Như vậy, với những trường hợp người nộp thuế không có người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh, nhưng thực tế họ vẫn phải giúp gia đình,…phải chăng Bộ Tài chính nên cân nhắc tính toán lại để tạo điều kiện cho họ?