Trang chủ » Tranh luận » Tái cấu trúc DNNN: Nhiều kiến nghị bị lãng quên

Tái cấu trúc DNNN: Nhiều kiến nghị bị lãng quên

Tác giả:

Vấn đề tái cấu trúc DNNN chậm tiến độ đã được mổ xẻ nhiều tại Buổi công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 2012 ngày 24/5 của Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Kinh tế Hà Nội.

DNNN không nên là công cụ điều tiết vĩ mô?

Theo rất nhiều chuyên gia, tái cơ cấu DNNN là vấn đề quan trọng của cuộc cải cách lớn hiện nay vì các nghiên cứu cho thấy các điểm trừ của nền kinh tế Việt Nam như mất cân đối vĩ  mô, nợ nần, rủi ro đạo đức và bành trướng nợ công đều liên quan trực tiếp đến khu vực DNNN này.

Cho đến nay, có  tới 3 chương trình tái cấu trúc DNNN đang được triển khai, một là của Ban đổi mới DNNN thuộc Văn phòng Chính phủ, hai là chương trình của Bộ KHĐT và  gần đây là đề án của Bộ Tài chính. Nhiều chương trình, cơ quan và tất nhiên đi kèm đó rất nhiều đề xuất, giải pháp nhưng xem ra những tiến triển trên thực tế vẫn không được như mong đợi.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm VEPR, chủ biên của báo cáo kinh tế Việt Nam 2012 bày tỏ, nếu chúng ta tiếp tục cho DNN là chủ đạo của phát triển kinh tế, theo quan điểm chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, đầu tư công, nguồn vốn lớn thì  tái cấu trúc nhóm doanh nghiệp này sẽ rất khó  khăn.

“Ngay cả quan điểm tư duy đặt vai trò của DNNN như một công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô cũng là không phù hợp”, ông Thành nói.

Theo TS Thành, chúng ta phải đặt mục tiêu cải cách khu vực này thật rõ ràng. Đã đến lúc, cần phải từ bỏ vai trò của DNNN trong việc đảm bảo từ nguồn thu ngân sách cho đến nhiệm vụ bình ổn vĩ mô, cho đến kỳ vọng vào việc chi phối chủ đạo nền kinh tế, có thể dẫn dắt được nền kinh tế.

TS Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng bày tỏ: với quan điểm trên. Ông cho rằng: “không nên sử dụng DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô nhưng cần thêm vào vế là sử dụng “vì mục tiêu phi kinh tế”.

Theo đó, “đã là DNNN, tức là DN của NN thì đương nhiên nhà nước phải sử dụng. Trước đây, nhiều khi ta sử dụng DNNN như một mục tiêu chính trị, hay xã hội mà chưa đặt vào mối quan hệ giữa NN và DN. Nếu NN đảm bảo chi trả, bù đắp chi phí, đảm bảo giá thành các DN thì câu chuyện sẽ khác. Hiện nay, ta giao cho họ làm nhiệm vụ đó nhưng phần lỗ thì anh tự lo để bù vào. Ví dụ, giao cho DN viễn thông làm ở hải đảo, vùng sa nhưng phần bù lỗ lại phải do DN tự trang trải. Đó là điều không hợp lý”, TS Vũ Viết Ngoạn phân tích.

Trong cơ cấu DN, vì không rõ các tiếu chí nên việc đánh giá chất lượng không được quan tâm. Gần đây, Bộ Tài chính đang dự thảo một văn bản đánh giá hoạt động của DN, nếu không có tiêu chí đánh giá, có cơ quan chịu rách nhiệm giám sát thì sẽ  không có hệ thống khuyến khích DNNN. Anh làm tốt, làm kém đều được lương thưởng như nhau, có anh làm kém mà do quan hệ lại còn được đánh giá tốt hơn.

“Nếu khắc phục được những điểm yếu đó mới có thể khắc phục tồn tại của DNNN. Ta phải đi vào chiều sâu của cơ chế quản lý NN đối với DN”, ông Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Đề xuất cũ không làm, không cần thêm đề xuất mới

TS Thành cho biết, có thể chia 4 nhóm trong DNNN này để tái cấu trúc. Trong đó, 2 nhóm đầu tiên nhà nước không thể buông, cần nắm 100% như quốc phòng, sản xuất  hóa chất độc hại, hay khoảng 65-85% vốn nhằm khống chế một số ngành nhạy cảm. Đây là hai nhóm NN chi phối sâu nhưng cần nâng cao hiệu quả quản trị.

Nhóm thứ ba là nhóm doanh nghiệp kinh doanh ngành có lợi nhuận, NN vẫn đang giữ đến 30% – 51% thì NN cần rút chân dần để nhà đầu tư bên ngoài tham gia. Lộ trình thoái vốn này cần rõ ràng hơn. Nhóm cuối cùng là NN không cần nắm, có thể bán 100% cổ phần ra ngoài.

Cũng theo TS Thành, nhóm nghiên cứu đề xuất tới 15 giải pháp, chia làm 3 nhóm khuyến nghị chính sách lớn cho tái cấu trúc khu vực DNNN. Trong đó, có 6 khuyến nghị tinh giản hệ thống DNNN, 6 khuyến nghị cho tăng cường quản trị và 3 khuyến nghị chống độc quyền, cải cách tính cạnh tranh.

Những giải pháp khá quen thuộc đã được hệ thống tại đây như cổ phần hóa, nghiên cứu lại mô hình của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, cải cách cơ chế đại diện chủ sở hữu, minh bạch hóa thông tin…

Câu chuyện tái cấu trúc DNNN không phải không biết nguyên nhân và giải pháp sử dụng kém nguồn lực nhưng vấn đề là biết nhưng không lựa chọn giải pháp hợp lý, giải pháp đúng mà chọn giải pháp không khắc phục  được vấn đề, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương bày tỏ.

Nhấn mạnh tới trụ cột tái cấu trúc DNNN, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, tái cấu trúc DNNN cũng chính là mở  ra khu vực tư nhân vào tiếp quản nên khả năng mở thêm cơ hội cho người lao động. Tuy nhiên, đáng buôn là lâu nay, hình thức này vẫn làm theo kiểu mỡ nó rán nó. Càng lo lắng về các vấn đề này càng làm chậm tái cơ cấu DNNN.

Ông cũng tâm tư: “Giải pháp nhiều năm nay đã kiến nghị rồi, nhưng nhiều giải pháp đúng, trúng, khả thi nhưng vì sao vẫn không được thực hiện?. Nay, nhóm nghiên cứu đề xuất thêm 15 giải pháp là không cần thiết. Chúng ta cần bàn luận vì sao các giải pháp trước đó đã kiến nghị không được thực hiện và nên làm như vậy vì những báo cáo của cơ quan khác không có điều kiện làm được.