Trang chủ » Tranh luận » Xúc tiến du lịch: Ít tiền lại chưa biết tiêu

Xúc tiến du lịch: Ít tiền lại chưa biết tiêu

Tác giả:

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Phạm Trung Lương nhận xét.

“Ngôi nhà chung” như… chợ chiều

Từng tham dự 10 kỳ hội chợ du lịch quốc tế Berlin (ITB – Đức) và trực tiếp đẩy nhanh quá trình giải quyết sự cố gian hàng Tổng cục Du lịch dán nhầm ảnh phong cảnh Trung Quốc tại ITB 2013 đầu tháng trước, đại diện Công ty Thương mại – du lịch Trọng điểm nhận định đây là hệ quả của quảng bá không có quy trình bài bản, song chỉ là nhược điểm nổi bật mà thôi.

Trong ba tháng đầu năm, khách Đức vào Việt Nam (có đường bay thẳng thuận lợi, xúc tiến đều đặn) vẫn giảm mạnh tới 51,7% so với cùng kỳ 2012. Như mọi năm, ban tổ chức ITB mở cửa tự do cho dân địa phương tới tham quan trong hai ngày cuối rất đông.

Một số DN du lịch Việt Nam tham gia phàn nàn: Gian hàng các nước và vùng lãnh thổ Đông Nam Á, Đông Bắc Á gần đó tổ chức nhiều sự kiện náo nhiệt thu hút mọi người, còn “ngôi nhà chung Việt Nam” lặng lẽ như… chợ chiều, thậm chí ngày cuối rất nhiều DN vắng mặt! Giám đốc một DN bỏ về ngày cuối cùng giải thích đến ITB chủ yếu nhằm tiếp cận đối tác nước ngoài đã tới trong ba ngày đầu, còn ngày cuối ở lại gian hàng cũng vô ích vì chúng ta không có sự kiện gì để thu hút khách lẻ!

{keywords}
Một người Đức tới quầy của Vietnam Airlines bán tour cho khách lẻ.

Nhiều lần tham gia ITB cùng Tổng cục Du lịch, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Sang trọng Việt Nam, ông Phạm Mạnh Hà, bức xúc vì cứ tới hai ngày cuối lại gặp một người Đức tới quầy của Vietnam Airlines bán tour cho khách lẻ. Thậm chí, năm nay, người này ngang nhiên treo một tấm phông lớn với thương hiệu Indochina travel tại quầy Vietnam Airlines, quảng cáo tour đi năm nước Đông Nam Á! Đến lúc một DN Việt Nam gần đó tới cự cãi với người có trách nhiệm, người Đức kia mới miễn cưỡng dỡ tấm phông xuống, song vẫn ngồi bán tour.

Giám đốc một DN lữ hành khác phàn nàn ngay từ khâu chuẩn bị đã tắc trách: tối 5/3 khai mạc ITB nhưng chiều mùng 1/5 mới tổ chức họp đoàn! Gấp gáp là thế, song ma-két gian hàng cung cấp cho DN xem khác hẳn thực tế tại hội chợ.

Băn khoăn nghiên cứu thị trường

Hẳn rất nhiều người làm du lịch còn nhớ, chúng ta đã chi 300.000 USD để quảng cáo hình ảnh Việt Nam trên CNN năm 2007, hơn 400.000 USD quảng cáo trên kênh truyền hình BBC, CNN, dự tính quảng cáo 6 tháng trên 27 taxi tại London từ tháng 7/2009. Thế nhưng, việc này đã gây ra rất nhiều tranh cãi về tính hiệu quả.

Sang năm 2010, Tổng cục Du lịch chi gần một tỷ đồng để quảng cáo trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc. Song, theo kết quả khảo sát xu hướng du lịch nước ngoài tại Trung Quốc do Nielsen công bố, ngày càng nhiều du khách truy cập Internet để tìm thông tin. 61% khách du lịch tìm kiếm thông tin về điểm đến trước khi bắt đầu chuyến đi. Tiếp đó, 48% bàn luận về kế hoạch du lịch trên các diễn đàn trực tuyến… Quảng bá trên truyền hình, phát thanh đứng gần cuối trong tốp những kênh chính mà khách dùng để tìm kiếm thông tin.

{keywords}
Suy thoái kinh tế, DN rất cần những nghiên cứu về sự biến động khách du lịch đến VN.

Sang năm 2012, Bộ VH-TT&DL lại có sáng kiến quảng cáo du lịch trên 32 xe buýt ở thủ đô Úc trong một tháng. Một số DN lữ hành quốc tế băn khoăn, không rõ đợt quảng cáo này nằm trong kế hoạch tổng thể phát động điểm đến nào, nhằm mục tiêu gì? Đặc biệt, sau khi lượng khách Úc sang Việt Nam tăng nhanh, chúng ta có sản phẩm nào mới, hấp dẫn, phù hợp với thông điệp quảng cáo trên xe buýt và mang tính cạnh tranh so với các nước khác?

Ông Phạm Mạnh Hà lại kỳ vọng sự cố gian hàng Việt Nam treo nhầm ảnh Trung Quốc tại Hội chợ du lịch Berlin 2013 giống như “giọt nước làm tràn ly”, buộc cơ quan quản lý phải xem xét thay đổi căn bản cách thức quảng bá du lịch Việt ra nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, những nghiên cứu mới nhất về tác động của suy thoái kinh tế đến thị hiếu khách biến động ra sao, nên khai thác phân khúc khách nào đạt hiệu quả nhất… đang rất cần thiết với các DN.

Nên tiêu tiền quảng bá sao cho hiệu quả?

Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia, ông Victor Wee, cho rằng, Việt Nam ít kinh phí xúc tiến ra nước ngoài thì phải biết cách quản lý, sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất, dựa trên sự thông minh và khả năng sáng tạo. Không nên quảng bá bừa bãi mà tập trung vào một số trọng điểm phù hợp với kế hoạch khai thác thị trường.

Bản thân ông thừa nhận cá nhân mình không thích xem tivi: “Có giai đoạn, chúng tôi quá phụ thuộc vào quảng cáo trên tivi mà chưa đầu tư thỏa đáng cho Internet. Đó mới là kênh quảng bá du lịch cực kỳ hữu hiệu, đôi khi tốt hơn cả tivi, song chi phí rất thấp”!

Còn ông Phạm Mạnh Hà ngao ngán khi chứng kiến trang web của Tổng cục Du lịch lâu nay vẫn đăng lại thông tin từ báo chí. Trong khi du lịch Thái Lan, Singapore tận dụng tối đa các website, trang mạng xã hội để quảng bá dưới nhiều hình thức phong phú, hình ảnh đẹp mang tính định hướng rõ rệt, hỗ trợ khách tra cứu thông tin và ra quyết định.

Theo ông Chang Chee Pey, Giám đốc phát triển thương hiệu thuộc Tổng cục Du lịch Singapore, cơ quan này khi xây dựng trang web đã tận dụng tối đa tiện ích của kỹ thuật số để đáp ứng những thay đổi về thói quen du lịch mang tính toàn cầu, hỗ trợ mỗi du khách tự quyết định những trải nghiệm cá nhân và độc đáo cho mình.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, cơ quan quản lý TƯ vẫn quảng bá chung chung hình ảnh điểm đến, không theo một kế hoạch dài hạn khiến nhiều DN cảm giác “có tiền thì làm, hết lại nghỉ”. Theo quan điểm của ông Phạm Mạnh Hà, đã đến lúc cần tập trung tiếp thị những sản phẩm hấp dẫn: Ẩm thực tuyệt vời, phong cảnh đẹp và đa dạng; các loại hình du lịch biển – văn hóa lịch sử – hội nghị chất lượng cao – mạo hiểm; truyền thống và cuộc sống hàng ngày của 54 dân tộc đầy hiếu khách.., theo kế hoạch dài hơi 3-5 năm.