Trang chủ » Điểm nóng » Hiểu rõ sức mạnh của ngôn ngữ

Hiểu rõ sức mạnh của ngôn ngữ

Tác giả:


Từ ý tưởng

Liệu bạn có thể ngay lập tức phát hiện ra một đồng nghiệp hoặc một nhân viên tài năng hay không?

Hầu hết chúng ta đánh giá năng lực của người khác, cũng như sự tự tin và vị trí của người đó – qua cách họ nói chuyện. Dựa vào những gì nghe được, chúng ta xác định xem liệu ý kiến của cấp trên, của người đồng cấp hay nhân viên cấp dưới cần được ưu tiên quan tâm như thế nào để quyết định xem chúng ta cần ủng hộ và chú ý tới ý kiến đó tới mức nào.

Làm thế nào để phát hiện ra một nhân viên tài năng trong số này?
Ảnh:
http://www.diario.com.mx

Tuy nhiên, có một vấn đề luôn nảy sinh trong quá trình này: đó là chúng ta đang nói những “ngôn ngữ” khác nhau. Chúng ta gán những ý nghĩa khác nhau cho các hành vi ngôn ngữ như hỏi, xin lỗi, cách nói chuyện vòng vo trước khi đi vào vấn đề chính…

Kết quả là gì?

Kết quả là sự phán đoán sai về người khác – chúng ta có thể phớt lờ hay bác bỏ thẳng thừng ý kiến của một người nào đó vì cho rằng họ thiếu năng lực.

Thế nhưng, sự thành công của một công ty lại phụ thuộc nhiều vào khả năng của người quản lý trong việc nhận biết và thực thi được ý những tưởng tốt. Khi đánh giá thấp và bác bỏ những ý tưởng nào đó do sự hiểu nhầm cách thể hiện ngôn ngữ của người trình bày, chúng ta đã tước đi cơ hội công ty có thể hưởng lợi từ những ý tưởng đó.

Sự khác nhau giữa cách thể hiện ngôn ngữ đặc biệt thấy rõ giữa nam và nữ. Trong môi trường kinh doanh ở Mỹ, khi phong cách nói chuyện của người đàn ông thắng thế, người phụ nữ sẽ thường bị khước từ, ngắt lời. Người phụ nữ cũng phải chịu tình trạng phải bỏ lỡ những cơ hội thăng tiến- thậm chí ngay cả khi họ rất có năng lực.

Làm thế nào ta có thể chắc chắn rằng những nhân viên có năng lực của mình được lắng nghe, được công nhận và hoàn thành được công việc của họ – cho dù họ sử dụng loại “ngôn ngữ “nào đi chăng nữa?

Hãy lắng nghe nhân viên
Ảnh: www.charlotte24-7.com

  • Hãy ý thức rõ rằng những người khác nhau sử dụng những ngôn ngữ khác nhau và định hướng nhận xét, quan điểm của mình phù hợp với từng cách nói chuyện – “ngôn ngữ” của những người khác nhau.
  • Sau đó, hãy phát triển những phương pháp đánh giá linh hoạt trong các cuộc họp, các buổi đào tạo, tư vấn và trong các bản đánh giá kết quả công việc.
  • Cuối cùng, hãy điều chỉnh phong cách của mình cho phù hợp với những người mà bạn giao tiếp.

Hãy nhớ rằng: Phản ứng một cách linh hoạt với những phong cách giao tiếp khác nhau là điều đặc biệt quan trọng trong môi trường kinh doanh toàn cầu và đa dạng về văn hoá như ngày nay

…Tới thực tế

Dưới đây chỉ ra những ví dụ về các phong cách nói chuyện (cũng như giả định về đặc điểm của mỗi phong cách) và những hậu quả không mong muốn mà công ty có thể gặp phải do những sai lầm thường gặp khi tìm hiểu những khác biệt trong phong cách giao tiếp của mỗi người.

Phong cách: Chia sẻ sự tin cậy

Đặc điểm: Người này thường sử dụng từ “chúng tôi” thay vì dùng từ “tôi” để nói về kết quả công việc
Tại sao vậy? Vì họ cho rằng từ ”tôi” mang tính chất tự đề cao bản thân

Hậu quả không tính trước: Người nói không được ghi nhận những kết quả công việc mà anh ta đã đạt được và trong tương lai, anh ta có thể do dự khi đưa ra những ý kiến hay

Phong cách: Cư xử chừng mực

Đặc điểm: Người này thường cố tình làm giảm tính chắc chắn trong lời nói, thay vì lẽ ra nên tìm cách làm giảm thiểu sự nghi ngờ về kết quả hoạt động trong tương lai của anh ta. Tại sao vậy? Anh ta cho rằng thái độ tự tin dễ bị hiểu lầm là quá kiêu căng
Hậu quả không tính trước: Người nói có vẻ thiếu tự tin và do đó, có vẻ thiếu năng lực; những người khác sẽ phản bác lại những ý kiến hay của anh ta

Phong cách: Hay đặt câu hỏi

Đặc điểm: Người này thường hay đặt ra câu hỏi một cách thoải mái. Tại sao vậy ? Vì anh ta cho rằng những câu hỏi giúp gợi ra những kiến thức cần thiết

Hậu quả không tính trước:: Người nói tỏ ra phớt lờ những người khác; nếu như công ty không khuyến khích họ đưa ra những câu hỏi thì công ty sẽ không khai thác được hết những kiến thức giá trị mà họ có.

Luôn xin lỗi là quan tâm tới người khác?
Ảnh: www.istocksphoto.com

Phong cách: Thường xuyên xin lỗi

Đặc điểm: Luôn xin lỗi. Vì người nói cho rằng lời xin lỗi bày tỏ sự quan tâm của anh ta với người khác

Hậu quả không tính trước: Người nói sẽ tỏ ra thiếu uy quyền

Phong cách: Hay nhận xét

Đặc điểm: Chỉ nhấn mạnh những điểm yếu sau mỗi lần nêu lên điểm mạnh. Tại sao vậy? Vì anh ta cho rằng việc giảm nhẹ tính chất của lời chỉ trích sẽ giữ thể diện cho những cá nhân tiếp nhận sự phản hồi

Hậu quả không tính trước: Người bị nhận xét, phản hồi sẽ cho rằng những vấn đề cần phải cải thiện không quan trọng

Phong cách: Tránh đối đầu trong lời nói

Đặc điểm: Người này tránh việc thách thức những ý kiến của người khác cũng như do dự khi nêu ra ý kiến của bản thân. Anh ta cho rằng sự đối đầu trong lời nói có thể báo hiệu những “cuộc chiến”thực sự.

Hậu quả không tính trước: Những người khác có thể nhận xét người nói có những ý kiến không đủ sức thuyết phục.

Phong cách: Khiêm tốn

Đặc điểm: Người này thường tránh nói quá nhiều về những kết quả công việc của mình với cấp trên.

Tại sao vậy ? Anh ta cho rằng việc kể lể những thành quả đạt được với cấp trên dễ bị cho là sự kiêu căng

Hậu quả không tính trước: Người quản lý nhận xét rằng người nói không làm được gì nhiều và vì vậy không xứng đáng được khen thưởng hay thăng tiến

Phong cách: Hay nói vòng vo

Đặc điểm: Người này thường hay nói vòng vo chứ không thẳng thừng khi yêu cầu nhân viên thực hiện chỉ thị. Anh ta cho rằng việc ra lệnh một cách thẳng thừng với người khác sẽ làm cho anh ta có vẻ hách dịch

Hậu quả không tính trước: Nhân viên cấp dưới kết luận rằng người quản lý là người thiếu quyết đoán, quan điểm không rõ ràng. Vì thế, họ sẽ cho rằng những chỉ dẫn của người quản lý đó không quan trọng.


Tóm tắt ý tưởng chủ đạo trong bài viết HBR của Deboral Tannen –

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.