Trang chủ » Điểm nóng » Miễn dịch cho các tổ chức (Phần I)

Miễn dịch cho các tổ chức (Phần I)

Tác giả:

Phần I: Văn hóa và sự thay đổi

Trước đây, tôi đã từng có ý định trở thành bác sĩ nên tôi có niềm say mê rất lớn về y học. Chẳng hạn như, tôi đặc biệt hứng thú với hệ thống miễn dịch ở người. Đây là một loạt các tế bào phức tạp nhưng có hiệu lực kháng thể và cơ chế tín hiệu giúp ta chống lại các vi khuẩn hoặc vi rút gây bệnh.

Liệu hệ thống miễn dịch ở người có gì khác so với”hệ thống miễn dịch” của một tổ chức?
Ảnh: images.amazon.com

Càng làm việc nhiều với các tổ chức, tôi càng nhận thấy hệ thống miễn dịch là một phép ẩn dụ hữu hiệu giúp ta hiểu rõ những thách thức đối với:

  1. Sự thay đổi mang tính tiên phong
  2. Sự ngăn ngừa những rủi ro có thể dự đoán.

Trong bài viết này, tôi sẽ bàn về những thách thức đầu tiên: Sự thay đổi mang tính tiên phong. Thách thức thứ hai sẽ được nói đến trong bài sau.

Theo tôi biết, chức năng của hệ thống miễn dịch ở người là phân biệt giữa cái “của ta” và cái “không phải của ta”, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của những sinh vật bên ngoài. Để thực hiện được điều này, hệ thống miễn dịch phải giữ được trạng thái cân bằng mỏng manh giữa sự thiếu hụt và dư thừa của các phản ứng.

Nếu hệ thống này bị hư hại hoặc suy yếu, nó có thể không chống đỡ được một loại vi rút nào đó hoặc để cho một tế bào đã bị xâm hại phát triển thành một dạng ung thư. Kết cục là bạn sẽ chết. Ngược lại, nếu hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá, nó có thể tác động trở lại cơ thể, gây ra dị ứng hoặc các tình trạng tự miễn dịch như viêm khớp mãn tính hay xơ cứng tế bào. Trong trường hợp này, bạn có thể chết hoặc tàn tật nặng.

Văn hóa và mạng lưới chính sách của một tổ chức hoạt động theo cơ chế giống với hệ miễn dịch của cơ thể con người. Khi hoạt động hiệu quả, chúng ngăn chặn “những ý nghĩ xấu” hoặc “những cá thể xấu” xâm nhập và gây nguy hại đến các tổ chức. Một nền văn hóa vững mạnh sẽ cung cấp một mức độ đề kháng cần thiết đối với những ý tưởng từ bên ngoài và những cá nhân có thể phá vỡ các cơ chế phù hợp.

Hệ thống miễn dịch là một phép ẩn dụ  giúp ta hiểu rõ những thách thức đối với thay đổi tiên phong. Ảnh: images.google.com.vn

Tuy nhiên, cũng như hệ miễn dịch của cơ thể người, nó cần phải được duy trì ở một trạng thái cân bằng chính xác và cố định. Nếu hệ miễn dịch của tổ chức không đủ mạnh thì sự lãnh đạo kém cỏi sẽ ảnh hưởng lớn và gây những tác hại nghiêm trọng đến tổ chức. Đồng thời, có những tổ chức mà hệ miễn dịch quá mạnh lại khiến cho không một tác nhân đến từ bên ngoài nào có thể tồn tại.

Chẳng hạn như trong một công ty tài chính mà tôi từng làm việc, người ta thường đùa rằng, khi ai đó mới được tuyển vào thì có một viên đạn đã nhắm sẵn mà anh ta khó lòng có thể tránh được. Các tổ chức mà những người đứng đầu là một nhóm có sự dính kết chặt chẽ thường rơi vào trường hợp này. Nguyên nhân là họ thường cho rằng những người mới “không bao giờ đền đáp được những gì mà chúng tôi đã mang lại cho anh” và “không thể có những mối quan hệ mật thiết mà chúng tôi đã xây dựng nên”.

Làm thế nào để các lãnh đạo có thể vận dụng các khái niệm của miễn dịch vào tổ chức để thực hiện tốt hơn vai trò của mình?

Trước hết, cần nhận thấy rằng thiết lập một môi trường văn hóa tốt phần nào có thể khuyến khích hệ thống miễn dịch loại trừ những cái xấu. Đóng vai trò là những người đi đầu, các nhà lãnh đạo cần khích lệ cũng như ngăn chặn một số hành vi nhất định vì như vậy nghĩa là họ đang góp phần bảo vệ tổ chức của mình.

Những nhân viên mới được coi như DNA trong hệ thống miễn dịch của công ty
Ảnh: www.lecb.ncifcrf.gov

Sau nữa, nếu bạn là người mới được tuyển dụng vào, cần nhận thấy rằng bạn đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công và tiêu diệt bởi chính hệ miễn dịch của tổ chức. Như tôi đã đề cập trong bài “Tưởng niệm về Robert Zoellick – Tân Chủ tịch của Ngân hàng Thế Giới”, để nỗ lực đưa ra những phương án mới bạn cần quan tâm hơn đến việc tạo sự ổn định cho quá trình đồng hóa (nghĩa là quá trình được chấp nhận như một phần của tổ chức). Về phương diện này, những nhà lãnh đạo tài giỏi có thể ví như những loại virus tinh vi nhất: Họ đánh lừa hệ miễn dịch và có thể đưa vào các DNA[1] mới mà không hủy diệt chủ thể.

Thứ ba, cần biết rằng một vài kỹ thuật cụ thể sẽ giúp bạn điều khiển hệ miễn dịch, hạn chế nó hoạt động theo chiều hướng có hại. Dưới đây là một số ví dụ: Đừng để bị ấn tượng là đã chuẩn bị sẵn câu trả lời; Không nên nói về việc mọi thứ có thể được giải quyết tốt hơn ở tổ chức trước đây của bạn; Không nên tạo ấn tượng rằng bạn nghĩ ở đây “không được tốt”… Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bạn cần bỏ thời gian để xem xét tình thế, hiểu rõ văn hóa và xây dựng những mối quan hệ quan trọng trước khi bạn chuẩn bị tạo nên một sự thay đổi nào đó.

Bạn đã bao giờ chứng kiến các lãnh đạo đâm sầm vào “hệ miễn dịch” của chính tổ chức họ?

Bạn có cách nào để tránh cho việc này xảy ra?

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Michael Watkins[2]

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.


[1] DNA (viết tắt của tiếng Anh deoxyribonucleic acid) là một phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởngphát triển của các dạng sống bao gồm cả virus. DNA thường được coi là vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử tham gia quyết định các tính trạng. Trong quá trình sinh sản, phân tử DNA được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau.

[2] Micheal Watkins, Chuyên gia về sự chuyển đổi lãnh đạo – Giáo sư danh dự ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Harvard