Trang chủ » Điểm nóng » Những “gã khổng lồ” vươn mình thức giấc (Phần II)

Những “gã khổng lồ” vươn mình thức giấc (Phần II)

Tác giả:


Thực tế và những bài học

Năm 2003, Mahindra & Mahindra tung ra sản phẩm ôtô thể thao chuyên dụng với kiểu dáng thiết kế sang trọng có tên Scorpio. Chỉ vài tháng sau, chương trình BBC World’s Wheels của hãng CNBC Ấn Độ và các chương trình khác đã trao giải thưởng Chiếc xe của năm cho loại xe SUV này.

SUV Scorpio đạt được thành công vang dội
chỉ sau vài tháng ra mắt
Ảnh: www.vicky.in

Một thành tích đáng nể phục

Với M&M – hãng vốn chỉ chuyên sản xuất máy kéo tại một số nước với sản phẩm tập trung chủ yếu vào thị trường nông thôn và bán thành thị Ấn Độ, giải thưởng này là dấu hiệu cho thấy họ cũng có thể cạnh tranh với những hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới.

Scorpio đã đánh bại các dòng xe đa năng như Innova của Toyota hay Chevy Tavera của GM tại thị trường trong nước. Cùng lúc đó, M&M bắt đầu xúc tiến đưa dòng xe SUV này thâm nhập vào thị trường Nam Phi và Tây Ban Nha.

M&M – Công ty Ấn Độ với số vốn 1,73 tỷ USD đang từng bước trở thành “người chơi chính” trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô thế giới. Thế nhưng M&M không phải là công ty duy nhất ở các nước đang phát triển khiến cả thế giới phải kinh ngạc về “sức bật” của mình!

Làn sóng tự do hóa thương mai vẫn
chưa xóa bỏ nổi hàng rào bảo  hộ ở
các nước đang phát triển
Ảnh: www.sunspace.ltd.uk

Trong vòng hơn hai thập kỷ qua, mặc dù làn sóng tự do hoá thương mại đã lan rộng trên toàn thế giới, nhưng hàng rào bảo hộ ở các nước đang phát triển vẫn chưa được xoá bỏ hết. Khi các nước đang phát triển dần hội nhập với nền kinh tế thế giới thì những tập đoàn đa quốc gia đến từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung đổ xô vào các thị trường này.

Kết quả: Nhiều công ty trong nước mất dần thị phần, đứng trước nguy cơ phá sản hoặc bán rẻ các cơ sở kinh doanh của mình cho đối thủ cạnh tranh. Nhưng nhiều công ty đã chọn giải pháp “phản công” lại.

Bằng cách cải tổ lại các hoạt động kinh doanh cũng như sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, những công ty “mới nổi” đã đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty ngoài quốc gia. Họ biết tận dụng các cơ hội mới, từng bước tạo thành các công ty, tập đoàn kinh tế mang đẳng cấp thế giới và buộc các đối thủ trước đây phải tham gia vào một cuộc đua mới.

Ví dụ cụ thể về một số công ty “mới nổi” thành công và có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới:

  • Hãng Ambew của Brazil (Sáp nhập với Interbrew của Bỉ với cái tên mới InBew năm 2004)

  • S.A.C.I Falabella của Chile

  • Các công ty Trung Quốc như: Baosteel; Galanz; Tập đoàn Lenovo và Huawei Technologies (công nghệ Huawei)

  • Các công ty Ấn Độ như: Dr.Reddy’s Laboratories; Infosys; NIIT; Ranbaxy; Satyam; Tập đoàn Tata và Wipro

  • Hãng dược phẩm Teva của Israel; Cemex của Mehico

  • Công ty thực phẩm Jollibee của Philippine và SAB Miller của Nam Phi.

  • Một số công ty, tập đoàn khác hoạt động chủ yếu trên thị trường nội địa như Tập đoàn Wahaha của Trung Quốc; Bharti Tele Ventures và ITC Limited của Ấn Độ; Tập đoàn kinh doanh Kog và Dogus của Thổ Nhĩ Kỳ

Những công ty, tập đoàn này đã sử dụng những chiến lược gì để vượt qua vô số những trở ngại trong kinh doanh?

Tại sao và làm như thế nào mà các công ty, tập đoàn này có thể chuyển từ vị trí thống trị thị trường trong nước sang kinh doanh trên toàn cầu?

Các công ty, tập đoàn mới nổi ở các nước đang phát triển có cần phải theo chân họ không?

Những công ty “đã và muốn trở thành khổng lồ” cần thực hiện các bước cần thiết nào để vững mạnh và thành công hơn tại thị trường trong nước hoặc vươn ra thị trường nước ngoài?

Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu kinh tế đã nghiên cứu sự hình thành và phát triển của một số công ty tại các nước đang phát triển khi họ bắt đầu thiết lập cơ sở kinh doanh ở nước ngoài và tham gia vào thị trường thế giới:

  • Giáo sư Louis T. Wells (con) của trường kinh doanh Harvard đã phổ biến khái niệm Third World Multinationals – Các tập đoàn đa quốc gia đến từ thế giới thứ ba từ năm 1983.

  • Năm 2000, Giáo sư Alice H.Amsden của học viện MIT có nghiên cứu về các công ty tại các thị trường đang phát triển và gọi họ là Những công ty nổi lên từ phần còn lại của thế giới (Companies that rise from the rest)

Ngày càng có nhiều công ty mới nổi
nhảy vào cuộc chiến kinh tế
Ảnh: www.investorscompete.com

Đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các công ty có khả năng cạnh tranh toàn cầu không phải là chính sách kinh tế mà vấn đề đặt ra ở đây là chiến lược và mô hình kinh doanh của họ mới là điều đáng lưu tâm.

Chiến lược và mô hình kinh doanh đóng một vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, một số nước đang phát triển thực hiện chính sách mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh và đầu tư.

Chính sách mở cửa khiến các công ty trong nước luôn phải đối mặt với những khó khăn lớn. Sẽ khó khăn hơn nếu muốn trụ vững trong môi trường kinh doanh mới có nhiều thách thức, nhưng cơ hội mở ra trong kinh doanh và phát triển lại hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Qua phân tích số liệu từng công ty, chiến lược kinh doanh cho đến những biến động của công ty trên thị trường chứng khoán…, các nhà nghiên cứu đã xác định được 134 tập đoàn lớn đến từ 10 nước đang phát triển: Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Mêhicô, Ba Lan, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những mô hình kinh doanh mới của các tập đoàn kinh tế này cung cấp cho chúng tôi một số phát hiện khá thú vị.

Từ lợi thế thành bất lợi 
Sự thất bại của các tập đoàn đa quốc gia tại các nước đang phát triển

Thoạt tiên, tưởng như các công ty ở Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang nắm lợi thế gần như tuyệt đối và không ai có thể vượt qua họ trong kinh doanh tại các nước công nghiệp mới. Bởi họ nắm trong tay những thương hiệu nổi tiếng, hệ thống quản lý và công nghệ cải tiến hoàn thiện, kỹ thuật tinh vi và được tiếp cận với nguồn tài chính và nhân lực khá dồi dào.

Ví dụ: Các công ty tại Châu Âu và Mỹ có thể huy động nguồn vốn lớn với chi phí thấp nhờ thị trường tài chính của họ đã tồn tại lâu đời. Bên cạnh đó, họ có thể dễ dàng tuyển chọn được đội ngũ kỹ sư giỏi vì chất lượng lao động ở cả hai lục địa Âu – Mỹ đều rất cao.

Phần lớn các nước đang phát triển đều thiếu hạ tầng cơ sở thuận lợi để giúp thị trường vận hành hiệu quả, như chúng ta đã chỉ ra trong các bài báo đăng trên HBR (Ví dụ bài Tại sao chiến lược tập trung có thể sai khi áp dụng vào thị trường các nước đang phát triển? số ra tháng 7 – tháng 8 năm 1997 – Chúng tôi sẽ giới thiệu bài này trong thời gian sớm nhất có thể).

Vì những khiếm khuyết của thị trường: Thiếu các tổ chức trung gian chuyên nghiệp, hệ thống các qui định, cơ chế ràng buộc theo hợp đồng…, các công ty ở những nước đang phát triển này không thể tiếp cận nguồn vốn và nhân lực một cách dễ dàng và ít tốn kém như ở Mỹ và các nước Tây Âu. Điều này đã khiến họ gặp khó khăn trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay trong việc xây dựng các nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Các công ty mới nổi thường gặp rất nhiều khó khăn trong
lĩnh vực nghiên cứu và phát triển
Ảnh: www.cabe.org.uk

Bài học

Tuy nhiên, họ có thể vượt qua những rào cản trên với ba lý do sau:

Thứ nhất: Khi các tập đoàn đa quốc gia từ các nước phát triển thâm nhập thị trường các nước đang phát triển, họ cũng phải đối mặt với những khiếm khuyết tương tự như các tập đoàn nội địa, do ban điều hành của các công ty này vốn đã quen với môi trường hoạt động được phát triển đầy đủ nên không trang bị đủ để đối phó với những bất lợi này.

Ví dụ: Các công ty ở các nước Tây Âu luôn tin tưởng ở số liệu của các công ty điều tra thị trường, dùng số liệu này để tạo sản phẩm và trao đổi chiến lược để cạnh tranh trên nhiều thị trường khác nhau. Họ cũng trông cậy vào nhà cung cấp để sản xuất và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng mà không tiêu tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên khi thâm nhập vào thị trường mới – nơi luôn thiếu các nhà cung cấp đáng tin cậy cũng như nhà nghiên cứu thị trường lão luyện, họ cảm thấy rất khó có thể triển khai các mô hình kinh doanh truyền thống của mình.

Thứ hai: Trong khi các công ty nước ngoài còn đang lúng túng với sự thiếu thốn đó, nhà điều hành doanh nghiệp tại các nước đang phát triển lại biết cách xử trí hợp lý với những tình huống trên vì họ đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh như vậy.

Sự quen thuộc của những doanh nghiệp tại các nước đang phát triển với thị trường và bối cảnh kinh doanh địa phương đã cho phép họ xác định và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Thứ ba: Các tập đoàn Tata của Ấn Độ, Ayala của Philippine và Kog của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra được khả năng huy động vốn và phát triển nhân lực.

Ví dụ: Họ có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước khi giao dịch bằng uy tín của mình. Họ có thể giảm chi phí đào tạo quản lý ngay trong nội bộ công ty bằng cách điều các nhà quản lý đi các nơi để mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ…

Với những khả năng như vậy nhiều công ty trong nước có thể cạnh tranh hiệu quả với các “đại gia” nước ngoài.

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Tarun Khanna và Krishna G.Palepu –

Tin bài liên quan:
Những “gã khổng lồ” vươn mình thức giấc (Phần I) – Hiện tượng


  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.