Trang chủ » Điểm nóng » Các tổ chức theo kiểu “thuận cả đôi đường”

Các tổ chức theo kiểu “thuận cả đôi đường”

Tác giả:

Từ ý tưởng…

Làm cách nào để có thể phát triển các ý tưởng mang tính đột phá giúp công ty tiếp tục giữ được khả năng cạnh tranh trong khi vẫn duy trì các lĩnh vực kinh doanh truyền thống?

Câu trả lời là: Hãy xây dựng các bộ phận hoạt động độc lập với các hoạt động truyền thống của công ty nhưng vẫn có được sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác ở cấp độ quản lý bậc cao.

Các công ty cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các bộ phận ở cấp độ quản lý bậc cao
Ảnh: www.actonemanagementgroupllc.com

Các tổ chức theo kiểu “thuận cả đôi đường” tách biệt các bộ phận sáng tạo khỏi các bộ phận truyền thống của công ty, khuyến khích các bộ phận đó phát triển quy trình, cơ cấu và văn hóa riêng của mình.

Nhưng tại cấp độ quản lý bậc cao, các bộ phận này vẫn có sự gắn kết chặt chẽ với các bộ phận khác. Sự gắn kết này bảo đảm cho các bộ phận mới hình thành có thể tiếp cận với nguồn lực vững chắc từ công ty như: tài chính, nhân lực, khách hàng. Đồng thời nó được bảo vệ để không bị các hoạt động kinh doanh theo lối “kinh nghiệm” tác động làm hạn chế quá trình đổi mới.

Trong khi đó, các bộ phận còn lại của công ty do không bị các xáo trộn của việc hình thành các bộ phận mới có thể tập trung vào cải tiến hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, và phục vụ khách hàng.

Các công ty áp dụng cơ cấu theo kiểu “thuận cả đôi đường” có khả năng tạo ra sản phẩm và quy trình mới mang tính đột phá cao gấp chín lần những công ty sử dụng kiểu cơ cấu tổ chức khác trong khi vẫn duy trì hoặc nâng cao các hoạt động kinh doanh hiện tại.

… Đến thực tế

Hãy xem xét một số ví dụ về các tổ chức theo kiểu “thuận cả đôi đường” đã thành công trong quá trình tiên phong áp dụng những đổi mới mà vẫn bảo đảm mục tiêu lợi nhuận cho các ngành kinh doanh vốn đã có uy tín từ lâu:

Báo USA Today

USA Today thành công nhờ
áp dụng chiến lược mới
Ảnh: digital-lifestyles.info

Thập kỉ 90, khi người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng ti vi và Internet, báo USA Today (Nước Mỹ Ngày nay) – một tờ báo có số lượng người đọc hàng ngày nhiều nhất ở Mỹ – hiểu rằng: Để có thể tồn tại được, họ cần phải làm nhiều hơn việc dừng lại mảng kinh doanh báo in truyền thống.

Ban đầu, họ đã triển khai dịch vụ xem tin tức trực tuyến USAToday.com. Nhưng do hoạt động tách biệt với báo in, USAToday.com đã rơi vào tình trạng thiếu nguồn tài trợ, dẫn đến kết quả làm việc yếu kém và bắt đầu mất dần các nhân viên tài năng của mình.

Chủ tịch Tom Curley đã cho áp dụng một “chiến lược mạng” mới. Đó là sự kết hợp các yếu tố xem trực tuyến, ti vi và báo in để thúc đẩy hoạt động chia sẻ nội dung qua các phương tiện truyền thông.

Trên thực tế, các bộ phận này hoạt động một cách riêng rẽ và có mô hình, văn hóa cũng như phương pháp hoàn toàn khác nhau. Nhưng Curley nhấn mạnh rằng cả ba bộ phận có sự kết hợp ở cấp quản lý cao nhất.

Các nhà lãnh đạo của ba bộ phận gặp gỡ nhau hàng ngày để xem lại nội dung các bài báo và cùng chia sẻ ý kiến. Họ cũng đào tạo những phóng viên làm việc tại các bộ phận phát thanh, truyền hình và Web, trang bị cho họ camera để họ có thể đồng thời gửi các bài báo trên nhiều phương tiện.

Một biên tập viên mạng được tuyển dụng để giúp đỡ các phóng viên truyền tải nội dung bài viết trên các phương tiện truyền thông. Những nhà quản lý không ủng hộ chiến lược mới sẽ bị sa thải.

Thay cho việc khen thưởng những hoạt động hướng tới thành tích riêng của mỗi bộ phận, họ đã có những hình thức khích lệ các hoạt động phục vụ mục tiêu phát triển chung và khuyến khích thái độ tự nguyện chia sẻ nội dung thông tin.

Bởi vậy, trong suốt giai đoạn thoái trào của Internet, khi lợi nhuận của các tờ báo khác giảm mạnh, USA Today vẫn đạt mức 60 triệu USD.

Công ty sản xuất kính mắt Ciba vision

Ciba vision thành công vượt bậc
nhờ quyết định sản xuất một loạt
các sản phẩm mang tính đột phá
Ảnh: www.aclens.com

Để có thể giành thắng lợi trước đối thủ khổng lồ Johnson & Johnson, công ty chuyên sản xuất kính mắt Ciba Vision quyết định cho sản xuất một loạt các sản phẩm mang tính đột phá trong khi vẫn duy trì các ngành kinh doanh truyền thống.

Chủ tịch Glenn Badley đã cho thành lập các đơn vị tự quản tương ứng với sáu dự án mới. Mỗi dự án có bộ phận làm chức năng nghiên cứu và phát triển, tài chính và marketing riêng. Đồng thời Ciba Vision cũng có một quy chế riêng về tuyển dụng, phát triển và lương thưởng.

Để các dự án mới có thể nhanh chóng trở thành một bộ phận của các lĩnh vực kinh doanh hiện hành, các nhà lãnh đạo của những dự án mới sẽ chịu trách nhiệm trước chủ tịch phòng nghiên cứu và phát triển.

Chủ tịch phòng nghiên cứu và phát triển là những người quản lý hoạt động sáp nhập và giải quyết những xung đột giữa các lĩnh vực kinh doanh cũ và mới. Ban lãnh đạo dự án cũng tham gia vào những cuộc gặp gỡ giữa đội ngũ lãnh đạo của dự án mới với những người đứng đầu các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bradley cũng đưa ra một tuyên bố mang tầm nhìn mới: “đôi mắt khỏe mạnh dành tặng cuộc sống”. Tuyên bố này đã truyền cảm hứng cho các bộ phận phối hợp với nhau thông qua việc nhấn mạnh mối quan hệ giữa các sáng kiến mới mang tính đột phá với những hoạt động truyền thống.

Ciba Vision cũng thay đổi lại phương thức khích lệ nhân viên của mình bằng cách thưởng cho các giám đốc dựa trên tình hình hoạt động của toàn công ty chứ không phải trên tình hình hoạt động của từng bộ phận đơn lẻ .

Những thành công mà phương pháp “thuận cả đôi đường” của Ciba đã đạt được là: Giới thiệu thêm một vài loại kính mắt mới, giải quyết được bệnh thoái hóa điểm vàng và xây dựng được một quy trình sản xuất với chi phí thấp, trong khi vẫn kinh doanh có hiệu quả các loại mắt kính thông thường.

Ciba đã vượt Johnson & Johnson tại một số phân khúc thị trường và trong khoảng 10 năm tiếp theo, doanh thu hàng năm của công ty tăng từ 300 triệu USD lên đến hơn 1 tỷ USD.

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Charles A. O’Reilly III[1] và Michael L. Tushman[2]

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Charles A. O’Reilly III là Giáo sư quản lý của Trung tâm phát triển khả năng lãnh đạo và là nghiên cứu tại trường Kinh doanh tại Stanford. Ông bắt đầu giảng dạy môn hóa học tại Trường Đại học ở El Paso Texas từ năm 1965. Từ khóa 1999 – 2000, ông bắt đầu giữ chức Giáo sư tại Harvard Business School. Một số tác phẩm của ông: Winning through Innovation: a Practical Guide to Leading Organizational Change and Renewal (TD: Chiến thắng trong quá trình đổi mới: Hướng dẫn thực hành về lãnh đạo thay đổi và khôi phục tổ chức, viết cùng Mike Tushman, Harvard Business School Press, 2002) và Hidden Value: Getting Extraordinary Results with Ordinary People (TD: Giá trị tiềm ẩn: Đạt được điều phi thường tù khả năng bình thường của con người, viết cùng Jeff Pfeffer, Harvard Business School Press, 2000).

[2] Michael L. Tushman là Giáo sư Quản trị Kinh doanh, giảng viên lớp MBA tại Harvard Business School. Những công trình nghiên cứu về sự đột phá và thay đổi liên quan đến đề tài quản lý và lãnh đạo của ông được Quốc tế công nhận. Một số tác phẩm của ông: Winning Through Innovation: A Practical Guide to Leading Organizational Renewal and Change (TD: Chiến thắng trong quá trình đổi mới: Hướng dẫn thực hành về lãnh đạo thay đổi và khôi phục tổ chức, viết cùng Charles O"Reilly) và Competing by Design: A Blueprint for Organizational Architectures (TD: Phác thảo kế hoạch thay đổi: Một kế hoạch thay đổi về kiến trúc toàn cầu, viết cùng David Nadler).