Trang chủ » Điểm nóng » Wikipedia hoạt động như thế nào? (Phần I)

Wikipedia hoạt động như thế nào? (Phần I)

Tác giả:

Tóm tắt nội dung:

Andrew McAfee tham gia giảng dạy ở khoa quản lý công nghệ và vận hành tại trường Kinh doanh Harvard từ năm 1998. Ông đã nghiên cứu sâu sắc và tỉ mỉ về vấn đề làm sao để các nhà quản lý có thể có những sự thực thi và lựa chọn hiệu quả nhất, và cách họ sử dụng công nghệ thông tin để đạt được những mục tiêu kinh doanh. Công trình nghiên cứu của ông được chia thành ba loại: thứ nhất là sự khảo sát tỉ mỉ về cách ứng dụng công nghệ Web 2.0 vào suốt quá trình kinh doanh, thứ hai là nghiên cứu về việc công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò dẫn đầu trong hoạt động điều phối, và thứ ba là vấn đề công nghệ thông tin ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu các ngành công nghiệp Mỹ. Ônhg là người tung ra những nghiên cứu đầu tiên trong Blog của trường kinh doanh Harvard về ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với hoạt kinh doanh và lãnh đạo. Năm 1999, ông đã nhận được học vị tiến sĩ trong lĩnh vực quản lý kinh doanh tại trường Đại học kinh doanh Harvard. Hiện ông đang tiếp tục nghiên cứu nhằm giúp các công ty có thể định hình và đi vào thực hiện các chiến lược công nghệ thông tin. Ông được biết đến nhiều trong giới công nghiệp và thương mại. Phó giáo sư, Khoa quản lý Công nghệ và Vận hành tại Trường Kinh doanh Harvard.

Karim R. Lakhani Phó giáo sư Bộ môn quản lý Công nghệ và các vận hành tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông chuyên sâu vào nghiên cứu lĩnh vực quản lý đổi mới công nghệ và phát triển sản xuất trong các công ty. Nghiên cứu của ông tập trung vào các phương thức đổi mới và sự vận hành của các hoạt động cách tân trong các thời điểm khó khăn của các tổ chức. Ông đã xem xét một cách kĩ lưỡng và bao quát điểm nổi bật của các công ty đã mở ra “nguồn tài nguyên” phần mềm, tìm hiểu những chiến lược phát triển và sự cách tân độc đáo của họ. Ông cũng nghiên cứu tỉ mỉ về việc làm sao để những kiến thức đổi mới của từ các tổ chức có thể vận dụng vào cuộc đổi mới công nghệ sinh học, sinh học và các ngành liên quan cùng công nghiệp hóa chất.

 

Đối với giáo sư Andrew McAfee của HBS, Wikipedia[1] – trang bách khoa tri thức trực tuyến – là một sản phẩm chất lượng cao đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi khái niệm Enterprise 2.0[2] của ông xuất hiện trên trang Wikipedia – và rồi bị đề xuất là nên xoá bỏ – McAfee và đồng nghiệp Karim R. Lakhani biết rằng đã có những yếu tố cho một nghiên cứu sâu về sự cộng tác và thống trị trong thế giới số. Các nội dung chính bao gồm:

Mặc dù có hàng nghìn người tham gia, song Wikipedia hoạt động trong khuôn khổ một cấu trúc tham gia rất phức tạp và rõ ràng nhưng lại cho phép tạo ra một bách khoa tri thức trực tuyến được đánh giá rất cao.

Một nhóm người trong thế giới Wikipedia, có đặc điểm là “theo chủ nghĩa loại trừ” có thể làm giảm nhiệt huyết của người sử dụng qua việc tăng cường hàng rào để các bài viết của Wikipedia khó được tiếp nhận.

Các công nghệ chia sẻ thông tin như Wikipedia đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong thế giới doanh nghiệp, tuy nhiên các công ty phải hiểu rằng nếu quản trị các Wikipedia theo cách tiếp cận từ trên xuống chắc chắn sẽ dẫn tới sự diệt vong.

Phân tích cụ thể
Giáo sư Andy McAfee của HBS có một số hoài nghi về
Wikipedia – trang bách khoa toàn thư trực tuyến – do các tình nguyện viên sáng lập và duy trì. “Tôi không nghĩ Wikipedia có thể hoạt động hiệu quả hoặc trở thành một trang bách khoa tri thức trực tuyến tốt. Tuy nhiên, khi bắt đầu tra cứu và đọc những bài viết đưa lên đó, tôi đã phải thốt lên rằng: Đây quả là một điều đáng kinh ngạc!”.

Vì vậy, khi khái niệm Enterprise 2.0 — một thuật ngữ do McAfeea đặt ra dựa trên ý tưởng chung về việc đưa ứng dụng các công nghệ Web 2.0 vào trong kinh doanh — xuất hiện trên Wikipedia, McAfee tươi cười: “Tôi vô cùng tự hào khi nghiên cứu của tôi phát triển đến mức được đưa vào Wikipedia”!

Tuy nhiên, sau đó “vận may” bị thay đổi. Một “Wikipedian” (người tham gia vào diễn đàn của Wikipedia) đã đề xuất xoá bỏ bài viết đó vì nó không xứng đáng với các tiêu chuẩn của trang bách khoa tri thức này đề ra. McAfee nghĩ: “Đến ý tưởng như vậy mà còn không đủ hay để đưa lên Wikipedia ư?”

Ông bỏ qua những cuộc họp ngoài lề để tham dự vào một cuộc thảo luận trực tuyến xem nên giữ lại hay xoá bỏ bài viết này. Đây cũng là thời điểm mà cuối cùng đã dẫn đến một nghiên cứu của HBS, về cách Wikipedia quản trị như thế nào và Wikipedia phải đối mặt với những thách thức ra sao?

Những nguyên tắc của Wikipediam rất gay gắt, chứ không nhẹ nhàng.

—Andy McAfee

Đề tài nghiên cứu này tạo cho sinh viên cơ hội tìm hiểu về các vấn đề như: cách hình thành và duy trì văn hoá trực tuyến, sức mạnh của các tổ chức tự quản trị, câu hỏi cần được giải đáp đó là liệu rằng dịch vụ này có đang phát triển dựa trên các nguyên tắc cơ bản của nó hay không và liệu rằng một khái niệm giống như Wikipedia có thể hoạt động trong môi trường kinh doanh hay không? (Tham khảo câu chuyện có liên quan dưới đây).

Trí tuệ tập thể

Thậm chí theo các tiêu chuẩn về hiện tượng trực tuyến, Wikipedia là một trường hợp đặc biệt. Website này được Jimmy Wales khởi tạo vào năm 1999 trên cơ sở tiếp nhận website có tên là Nupedia, hiện website này đã có tới 1.8 triệu bài viết bằng tiếng Anh, 4.8 triệu người đăng ký sử dụng và 1.200 tình nguyện viên thường xuyên biên tập các bài viết trên Wikipedia.

Bất kỳ ai cũng có thể gửi hoặc biên tập bài viết cho Wikipedia, điều này khiến cho Wikipedia bị chỉ trích là thông tin thiếu chính xác. Chẳng hạn như một tác giả giấu tên đã viết về tiểu sử của nhà báo John Seigenthaler Sr.: “Người ta cho rằng ông này đã tham gia trực tiếp vào vụ John và em trai Bobby ám sát Kennedy”. Không đến mức như vậy, một bức tranh châm biếm gần đây đã giễu cợt: “Wikipedia: Chúc mừng 300 năm nước Mỹ giành được độc lập!”

Wikipedia – trí tuệ đám đông
Nguồn: i.a.cnn.net/

Tuy nhiên Wikipedia cũng sử dụng nhiều quá trình hiệu đính dựa trên cơ sở đồng thuận để đảm bảo thông tin chính xác, rõ ràng, được xây dựng từ nguồn tin đáng tin cậy và loại trừ quan điểm cá nhân.

Cũng giống như việc bất kỳ ai có thể đăng bài, bất kỳ ai cũng có thể khởi xướng một quá trình xem xét “Bài viết để loại bỏ” (AfD) nếu như họ cho rằng bài viết đó không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Sau mỗi cuộc tranh luận trực tuyến về giá trị của bài viết, người quản trị Wikipedia sẽ xem xét các luận cứ và quyết định “số phận” của bài viết: Giữ nguyên hay gỡ bỏ.

Sức ép mà họ cần phải đối mặt là làm sao để càng có nhiều chỗ hở càng tốt.

— Karim R. Lakhani

Kết quả: Wikipedia trở thành một địa chỉ tra cứu thông tin thậm chí của cả những trí thức cấp cao. Cuối năm 2005, tờ nhật báo khoa học Tự nhiên (Nature) tiến hành một nghiên cứu so sánh 42 bài viết khoa học trên Wikipedia với Encyclopaedia Britannica[3].

Khảo sát cho thấy Encyclopaedia Britannica có 123 lỗi sai còn Wikipedia có 162 lỗi (trung bình trên một bài viết của Encyclopaedia Britannica có 2.9 lỗi sai và của Wikipedia là 3.9 lỗi). Theo các nhà biên tập của Britannica, tỷ lệ như vậy là rất sát.

Thành công của Wikipedia đã khiến McAfee – người chuyên nghiên cứu các ứng dựng công nghệ vào trong kinh doanh – và Lakhani – chuyên gia về sáng kiến phát triển – quan tâm đến.

“Chúng tôi đã có những quan tâm hoàn toàn trùng hợp như vậy và đang xem xét ý tưởng có thể viết về trường hợp Wikipedia như thế nào, có thể tiến hành những nghiên cứu gì: Đâu là cách thức phù hợp để tiếp cận hiện tượng này?” McAfee nhớ lại. “Chúng tôi đã rất may mắn vì đây cũng là lúc bài viết về khái niệm Enterprise 2.0 của tôi được đăng trên Wikipedia”.

“Đâm phải bụi gai”

Tháng 5 năm 2006 – một người mà McAfee không quen biết – sau khi đọc bài viết của ông mang tựa đề “Enterprise 2.0: Bình minh của sự cộng tác mới” đăng trên Tạp chí Quản lý (MIT Sloan Management Review), đã đăng một bài viết trên Wikipedia dài 34 từ — tóm lược nội dung cần thiết để những người khác bắt đầu xây dựng ý tưởng dựa trên khái niệm này.

Bài viết của McAfee nêu cụ thể cái được gọi là các công nghệ Web 2.0 như: blog, wiki và group messaging (gửi tin trong nhóm), được sử dụng trong môi trường kinh doanh có thể khuyến khích cộng tác tri thức một cách tự nhiên hơn.

Logo Wikipedia
Nguồn: share.skype.com

Tuy nhiên, ngay sau khi bài viết được đăng tải, một người sử dụng Wikipedia có tên “Artw” đã đề xuất loại bỏ bài viết, cho rằng bài viết này như “cách diễn đạt mới cho một tiện ích không rõ ràng”.

Cuối cùng, một nhà quản trị đã xoá bỏ bài viết này nhưng khái niệm về “Enterprise 2.0” lại được đăng tải trở lại trong một bài viết dài hơn. AfD lại một lần nữa được đề xuất cho bài viết này và lại tiếp tục những cuộc tranh luận mới.

“Vậy là chúng tôi phải xem xét cụ thể và riêng rẽ quá trình quản trị đối với một chủ đề mà tôi rất quan tâm” McAfee nhớ lại, “Tôi tham gia vào quá trình xem xét cách thức để xóa bỏ bài viết và bắt đầu hiểu được cách thức hoạt động của Wikipedia với tư cách một Wikipedian!” Cuối cùng, chúng tôi nói rằng: “Ngoài những nghiên cứu khác mà chúng ta tiến hành với Wikipedia, chúng ta có ở đây một trường hợp thực sự, thực sự hay cho việc giảng dạy”.

Wikipedia hoạt động ra sao?

Nhìn từ bên ngoài, Wikipedia trông có vẻ như không tuân theo một quy tắc nào. “Khi người ta nhìn vào một hiện tượng như kiểu Wikipedia, họ hiểu nhầm rằng đây là sự vô nguyên tắc” – Lakhani nói. “Tất cả những người này, hàng nghìn người, chắc họ chẳng có quy tắc gì cả! Tuy nhiên, ở đây lại có một cơ cấu quản lý rất cẩn thận và rõ ràng khi tham gia. Một trong những tìm hiểu lớn của chúng tôi là để thực sự đi sâu vào cơ cấu đó: Vậy cơ cấu cho phép những người tạo ra nguồn tài nguyên lớn như vậy là gì?”

Một yếu tố được người sáng lập Wales thấm nhuần là nguyên tắc tự quản trị và tôn trọng người khác. Trong nhiều cộng đồng trực tuyến – các cá nhân mà thường là thanh niên và những kẻ nặc danh – tự do đưa ra những lời nhục mạ cá nhân.

Tuy nhiên các Wikipedian không thích đả kích cá nhân. “Các nguyên tắc của Wikipedia rất gay gắt, chứ không nhẹ nhàng. Đồng thời, tôi không được phép gọi ai đó là bíp/bleep” – McAfee nói.

Mội lý do khác khiến cho cơ cấu quản trị này có hiệu quả, Lakhani nói thêm, chính là tính minh bạch — người khác có thể xem và nhận xét lời biên tập của bất kỳ ai.

Tuy nhiên, cơ sở thực tế của quản trị Wikipedia là tập hợp các chính sách và những hướng dẫn đã được xây dựng qua nhiều năm để xác định mọi thứ, từ các tiêu chuẩn đánh giá bài viết cho đến các quy ước xung quanh việc tranh luận.

“Khi tôi tham gia vào quá trình xem xét để loại bỏ bài viết, họ cứ trích dẫn sách vở và đưa các chính sách và hướng dẫn cho tôi xem” – McAfee nói. Điều này thật sự cho thấy các Wikipedian dựa nhiều vào các nền tảng này ra sao—đó thực sự là các nền tảng mà Wikipedia sử dụng.

“Vậy là bạn đã có một bộ tiêu chuẩn rất rõ ràng để nói cho những người bạn Wikipedian của bạn: Đây là bài viết đóng góp của tôi, đây là lý do vì sao bài viết của tôi có giá trị và cần được đăng tải ” – McAfee tiếp tục. “Bây giờ, bạn có thể lập luận về cách dùng từ và cấu trúc của bài viết, miễn là bài viết trả lời được câu hỏi trọng tâm về nội dung nếu đảm bảo được những yêu cầu đó thì gần như mọi việc đều được giải quyết”.

Liệu khái niệm về “Enterprise 2.0” có được bàn luận đúng theo các quy tắc này hay không?

Wikimedia hoạt động như thế nào?
Nguồn:
www.smh.com

Hồi kết của trò chơi

Thực ra, McAfee nghĩ rằng bài viết về “Enterprise 2.0” đạt được những tiêu chuẩn mà Wikipedia đề ra.

Vậy thì tại sao người ta lại xem xét việc loại bỏ nó? Khi các cuộc tranh luận tiếp diễn, McAfee bắt đầu cảm thấy việc tranh luận này có thể nghiêng về một cái gì đó khác hơn là chỉ về một bài viết.

“Tôi thấy dường như một số người tranh cãi chống lại bài viết này rất bảo thủ và họ sử dụng các chính sách của Wikipedia như là cánh cửa, là rào chắn, chứ không sẵn sàng tham gia vào một cuộc tranh luận thực sự về các chính sách này. Vì vậy, các chính sách trở thành cách thức để họ loại bỏ những bài viết mà cá nhân họ không thích”.

Mặc dù Lakhani tin rằng nguyên do của sự bảo thủ này chính là vì do có một Giáo sư của Harvard tham gia tranh luận — “Tôi nghĩ rằng điều xảy ra là người ta đã có thái độ thậm chí còn cứng rắn hơn” — Lakhani đồng ý rằng các quy tắc thường được sử dụng để ngăn chặn và loại bỏ. “Giờ thì câu hỏi đặt ra là liệu những gì chúng ta thấy chỉ là một vấn đề trong phạm vi hẹp, hay nó cho chúng ta biết thêm một điều thú vị nào khác? Tôi cho rằng vấn đề này cho ta biết một điều thú vị thực sự”.

Căng thẳng đang diễn ra với Wikipedia được coi là căng thẳng giữa những người theo chủ nghĩa bao hàm và những người theo chủ nghĩa loại trừ.

Những người theo chủ nghĩa bao hàm lập luận rằng một trong những giá trị cơ bản của Wikipedia là nó rộng mở đối với tất cả các ý tưởng và rằng sự thật có thể phát triển từ nhiều hướng khác nhau. Đưa vào còn tốt hơn là loại bỏ.

Những người theo trường phái loại trừ thì cho rằng thuyết vị lợi của Wikipedia sẽ mất đi nếu như có quá nhiều thông tin vớ vẩn che lấp những thông tin có giá trị ở bên trong.

“Bất kỳ cộng đồng hoặc tổ chức xã hội nào cũng luôn có xu hướng tạo ra “hàng rào” như thế này và quyết định xem nên đặt mọi thứ ở trong hay ở ngoài” – Lakhani nói. “Điều này có thể đang diễn ra ở những nơi biệt lập trong Wikipedia. Sức ép mà họ cần phải đối mặt là làm thế nào để giữ cho hàng rào nguyên tắc đó càng có nhiều chỗ hở càng tốt”.

“Có chỗ hở là tốt” – Lakhani nói – “bởi vì đa phần nội dung mới trên Wikipedia có vẻ bắt nguồn từ phía ngoài của cộng đồng, từ những người giấu tên hoặc tham gia không thường xuyên (Luôn có khoảng 1.200 tình nguyện viên thường xuyên biên tập các bài viết và “chăm sóc” Wikipedia). Nếu những người theo trường phái loại trừ làm cho những đóng góp từ bên ngoài khó có thể đăng tải trên Wikipedia, thì yếu tố đặc biệt của Wikipedia có thể bị mất đi”.

Kẻ thắng người thua
Nguồn:
www.seashell.com

“Sự cứng nhắc như vậy, nếu xảy ra, có thể thực sự nguy hiểm hơn” – McAfee nói. “Nhưng tôi lại cảm thấy rằng cuộc tranh luận sống còn giữa những người theo trường phái bao hàm và những người theo trường phái loại trừ này sẽ không làm suy yếu Wikipedia. Tuy nhiên, cái mất ở đây là một số người nhiệt tình đóng góp — chẳng hạn như tôi là một người trong số họ — bị những người theo trường phái loại trừ gạt ra ngoài và cố tình đóng “cánh cửa” ngay trước mặt chúng tôi”.

Tuy nhiên, trong thời gian 8 năm tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau, Wikipedia đã cho thấy rõ ràng nó mở rộng đối với việc phát triển các quy tắc. Lakhani cho biết: “Họ liên tục điều chỉnh các quy tắc mỗi khi gặp phải các tình huống mới”.

Kẻ thắng, người thua

Sau khi xem xét cuộc tranh luận dài 17 trang về việc loại bỏ bài viết và cuối cùng người quản trị Wikipedia – đóng vai trò là chủ toạ – đã quyết định giữ lại “Enterprise 2.0”. Thế nhưng thành công này kéo dài không được bao lâu!

“Sau đó” – McAfee cho biết: “một trong số những người ở bên kia “chiến tuyến” của cuộc tranh luận đã tự ý cắt ngắn bài viết và thay đổi tên của nó. Tôi cũng đã gửi cho anh ta một lời nhắn với nội dung: “Này, thế anh không thấy kết luận là: “Giữ lại bài viết” hay sao?”. Anh ta trả lời tôi rằng: Xem đó, môi trường phát triển tự do của Wikipedia là như vậy đấy. Đó là việc mà tôi thích làm. Nếu anh không thích, cứ tự nhiên mà thay đổi nó đi. Điều này làm tôi không hài lòng, tôi phải nói như vậy”.

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Wikipedia: Là một Bách khoa toàn thư nội dung mở bằng nhiều ngôn ngữ trên Internet. Wikipedia được viết và xây dựng do rất nhiều người dùng cùng cộng tác với nhau.

[2] Enterprise 2.0: Sự phát triển của CNTT cho phép xây dựng các trang web mà ở đó người lướt web có thể tự đưa thông tin lên (thường được gọi là thế hệ web 2.0); nói cách khác, người lướt web có thể tự tạo nội dung cho trang web của người khác. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí cá nhân, đã xem tiện ích này là một phương thức kinh doanh mới.

[3] Encyclopædia Britannica: Là bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh lâu đời nhất và được nhiều người cho là có thẩm quyền nhất. Tên của bộ bách khoa toàn thư này nghĩa là “Bách khoa toàn thư Anh”. Bộ đầu tiên được xuất bản trong những năm 1768-1771. Tuy nó vẫn giữ tên Britannica (tiếng Latinh của đảo Anh), nó được xuất bản bởi Encyclopædia Britannica Inc. ở Chicago, Illinois (Hoa Kỳ).