Trang chủ » Điểm nóng » Cờ vua và quản lý

Cờ vua và quản lý

Tác giả:

Những nhà lãnh đạo giỏi quan tâm đến những lo lắng và nhu cầu chung của tất cả mọi người. Ngược lại, những nhà quản lý giỏi thể hiện năng lực của mình bằng cách tìm kiếm, phát triển và tán dương những điểm khác biệt của mỗi nhân viên làm việc dưới quyền họ. Hãy xem họ làm điều đó như thế nào.

Bạn là người như thế nào trong mắt nhân viên?

“Đó là ông sếp tốt nhất mà tôi từng có!” Câu nói này chắc hẳn chúng ta đã từng nghe hoặc thậm chí từng nói ra trong một vài thời điểm nào đó.

Bạn có là một nhà quản lý giỏi hay không?
Ảnh: lifetimetraining.com

Nhưng thực sự ý nghĩa của nó là gì? Điều gì phân biệt một nhà quản lý giỏi với một nhà quản lý tầm trung?

Trong giới văn chương tràn lan những lời lẽ hoa mĩ mô tả những phẩm chất cần có của các nhà quản lý và các nhà lãnh đạo, không kể sự khác biệt giữa họ.

Tuy nhiên, rất ít người nói tới việc – trong hàng ngàn những phản ứng và quyết định thường ngày – điều gì đã làm cho những người quản lý có thể khiến cho nhân viên của họ làm việc tận tâm và đạt hiệu quả cao nhất. Những nhà quản lý giỏi thực sự đã làm những điều gì để có những thành công đó?

Bài nghiên cứu của tôi (Marcus Buckingham) mở đầu bằng một cuộc khảo sát trên 80.000 nhà quản lý do Tổ chức Gallup (Gallup Organization) thực hiện và tiếp tục trong hai năm qua. Trong đó đã có những nghiên cứu chi tiết về một số người thực sự nổi bật.

Qua đây, tôi nhận thấy, mặc dù mỗi nhà quản lý có một kiểu điều hành riêng, nhưng vẫn có một phẩm chất giúp phân biệt những nhà quản lý giỏi và những đồng nghiệp còn lại.

Đó là: họ biết tìm ra những điểm riêng biệt của mỗi người và biết cách tận dụng triệt để chúng. Những nhà quản lý tầm trung chỉ biết chơi cờ đam [1], trong khi những nhà quản lý giỏi chơi thạo cả cờ vua.

Tại sao lại phải là cờ vua?

Điều đó có nghĩa là gì? Trong ván cờ đam, tất cả các quân cờ đều giống hệt nhau, có cách di chuyển như nhau và có thể thay thế lẫn nhau. Dĩ nhiên bạn vẫn cần suy tính và phối hợp các nước đi với nhau, nhưng rõ ràng chúng đều di chuyển với cùng một tốc độ và trên cùng một hướng.

Còn trong ván cờ vua, mỗi quân cờ có cách di chuyển khác nhau nên bạn không thể chơi nếu không nắm được các cách di chuyển này. Quan trọng hơn, nếu không suy tính kỹ càng trước mỗi nước đi, bạn sẽ không thể nào dành chiến thắng.

Những nhà quản lý giỏi nắm bắt được và coi trọng những khả năng đặc trưng, thậm chí cả những tính cách lập dị của mỗi nhân viên. Họ biết cách làm sao để kết hợp chúng vào nước đi tổng thể của mình một cách tốt nhất.

Những điều trên trái ngược hoàn toàn với những gì mà những nhà lãnh đạo giỏi cần phải làm. Những nhà lãnh đạo giỏi cần phải xác định và tận dụng những điểm chung giữa các nhân viên. Nhiệm vụ của họ là phải làm sao tập hợp mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung.

Hãng dược phẩm Walgreen đạt được nhiều thành công
trong kinh doanh bởi có nhiều quản lý giỏi
Ảnh: farm2.static.flickr.com

Họ chỉ có thể thành công khi vượt qua được những khác biệt về sắc tộc, giới tính, tuổi tác, quốc tịch và tính cách, những câu chuyện đã được dựng lên, những cá nhân kiệt xuất đã được ca ngợi, để rồi tiếp cận được tới những mối quan tâm chung nhất mà mọi người đang cùng chia sẻ.

Trong khi đó, nhiệm vụ của các nhà quản lý là làm sao để mỗi nhân viên có thể phát huy khả năng của mình một cách tối ưu nhất. Họ sẽ chỉ thành công khi phát hiện ra và tối ưu hóa được những điểm riêng của mỗi người và kích thích họ thể hiện năng lực theo cách của riêng mình.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là một nhà lãnh đạo giỏi thì không thể là một nhà quản lý giỏi hay ngược lại. Nó cho thấy rằng để thành công trên một hoặc cả hai cương vị, bạn cần nắm rõ được những kỹ năng khác nhau mà mỗi công việc đòi hỏi.

Môn cờ vua và việc ứng dụng “quân cờ” trong tay người quản lý.

Thực tế công việc và môn cờ vua có liên hệ với nhau như thế nào? Khi tôi tới gặp Michelle Miller – người quản lý phụ trách cửa hàng thứ 4000 của Hãng dược phẩm Walgreen – tôi thấy trên bức tường trong văn phòng của cô dán đầy những lịch làm việc.

 

Luôn suy nghĩ và đưa ra những
ý tưởng mới để quản lý tốt hơn
Ảnh: resources.prufrock.com

Cửa hàng của Michelle nằm ở Redondo Beach, California, cô đã thuê những nhân viên có kỹ năng và tính cách rất khác biệt, thậm chí là đối lập nhau để làm việc ở đây.

Vì thế, một phần rất quan trọng trong công việc của cô ấy là phải bố trí họ vào những vị trí và ca làm việc phù hợp nhất, đảm bảo cho họ có thể phát huy khả năng đồng thời tránh cho những người có tính cách xung khắc làm việc cùng nhau.

Từ quân “Tốt” phong thành quân “Hậu”

Trong cửa hàng có một nhân viên tên là Jeffrey. Đây phải nói là “một gã rocker tởm lợm” với mái tóc húi sạch về một bên còn bên kia lại để dài che quá mặt. Ban đầu Michelle không có ý định tuyển người này vì thậm chí hắn ta còn chẳng buồn nhìn cô trong suốt buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên, do anh ta đăng ký đảm nhận làm ca đêm vốn rất khó tuyển người Michelle đã quyết định cho anh ta một cơ hội.

Sau hai tháng, Michelle nhận thấy rằng khi cô giao cho Jeffrey một yêu cầu không thực sự rõ ràng, như “Hãy dựng thẳng hàng hóa trên tất cả các kệ!”, anh ta sẽ phải mất cả đêm để thực hiện thay vì chỉ là 2 tiếng như mọi người.

Tuy nhiên nếu cô giao công việc cụ thể hơn, như “Hãy dựng đứng hết những kệ hàng dọc để bán hàng trong mùa Giáng Sinh” thì những kệ hàng dọc sẽ được dựng rất cân đối, đúng hàng, giá cả và nhãn hiệu ấn định rõ và tất cả đều được quay ra phía khách hàng một cách chuẩn xác.

Như vậy, chứng tỏ Jeffrey rất bối rối với những yêu cầu chung chung nhưng lại thực hiện rất tốt những yêu cầu cần sự chuẩn xác và tính toán kỹ lưỡng. Michelle kết luận đó chính là điểm mạnh của Jeffrey. Như một một nhà quản lý chuyên nghiệp, cô đã nói với Jeffrey những gì cô suy nghĩ và dành cho anh ta rất nhiều lời khen.

Dừng lại ở đó đã có thể coi là một nhà quản lý giỏi, nhưng Michelle cảm thấy mình có thể còn làm được hơn thế trong trường hợp của Jeffrey. Cô đã phân công lại trách nhiệm trong toàn bộ cửa hàng theo một cơ cấu cho phép tận dụng được tốt nhất điểm mạnh của mỗi người.

Nước cờ đem lại thành công cho người chơi

Điều chỉnh và sắp xếp nhân viên vào những vị trí phù hợp
cũng giống như việc chơi một ván cờ
Ảnh: eastonsd.org

Mỗi cửa hàng Walgreen luôn có một vị trí gọi là “điểu chỉnh và làm mới”. Việc “điều chỉnh” – tức cung cấp hàng mới lên các quầy – là một công việc thường diễn ra cùng lúc với những thay đổi có thể dự tính về thói quen mua sắm của khách hàng. Ví dụ: vào cuối hè, các cửa hàng sẽ thay thế kem dưỡng da và dầu thoa môi bằng các loại thuốc chữa dị ứng.

Việc “làm mới” thì ít tiêu tốn công sức hơn nhưng đòi hỏi phải thường xuyên hơn. Chẳng hạn việc thay thế những tấm hình quảng cáo thuốc đánh răng bằng các loại mới và đẹp hơn; hay việc bày những loại thuốc tẩy mới lên cuối một ngăn hàng nào đó. Cứ ít nhất một tuần thì các quầy hàng lại cần phải “làm mới” một lần.

Trong hầu hết các cửa hàng Walgreen, mỗi nhân viên phải phụ trách một dãy hàng. Tại đó họ phải chịu trách nhiệm không chỉ trong việc phục vụ khách hàng mà còn bài trí sản phẩm, giữ cho các quầy hàng được sạch sẽ và ngăn nắp, đánh dấu các mặt hàng bằng máy quét Telxon (Telxon gun) cũng như đảm nhận việc “điều chỉnh” và “làm mới”.

Cách bố trí này đơn giản nhưng hiệu quả và nó khiến nhân viên ý thức được trách nhiệm của mình hơn. Tuy nhiên, do Jeffrey đặc biệt giỏi trong việc “điều chỉnh” và “làm mới” mà lại chẳng thích thú gì việc đối thoại với khách hàng, nên Michelle đã quyết định để Jeffrey đảm nhận việc “điều chỉnh” và “làm mới” tại tất cả mọi quầy hàng.

Bố trí nhân viên vào vị trí phù hợp với năng lực
là điều mà một quản lý giỏi nên làm
Ảnh: kaizen-ventures.com

Đó quả là một thử thách. Không phải dễ dàng gì để có thể “làm mới” trong suốt một tuần, nhưng Michelle có lý lẽ riêng của mình. Cô cho rằng điều đó không chỉ tốt cho Jeffrey vì anh ta được thử thách và rèn luyện để tiến bộ hơn, mà nó còn tốt cho các các nhân viên khác vì họ không phải làm những công việc vặt vãnh trước đây nữa và có thêm thời gian để chào mời và phục vụ khách hàng.

Cuối cùng, kết quả kinh doanh của cửa hàng đã chứng minh cho sự đúng đắn của Michelle. Sau khi tái cơ cấu, Michelle không chỉ nhận thấy sự tăng trưởng trong doanh số và lợi nhuận mà còn là sự thỏa mãn của khách hàng, một thước đo quan trọng về hiệu quả. Sau bốn tháng, hệ thống phản hồi từ khách hàng của Walgreen đã đánh giá cửa hàng của Michelle ở mức “Hoàn hảo”!

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Marcus Buckingham –

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Checkers (hay Draughts): Một trò chơi của người phương Tây chơi trên bàn cờ vua (8×8 ô). Trong đó, mỗi bên có 12 quân y hệt nhau. Bên thua là bên bị hết quân trước.