Trang chủ » Điểm nóng » Bước đột phá trong dự án của Google?

Bước đột phá trong dự án của Google?

Tác giả:


Từ ý tưởng …

Một thời gian dài trước khi tập đoàn Apple[1] thâm nhập vào thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone[2], giới công nghệ thông tin đã xôn xao với kế hoạch trở thành một công ty tiềm năng trên thị trường di động của gã khổng lồ Google[3] – một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực cung cấp công cụ tìm kiếm.

Google, một đại gia trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng
cũng đang tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cho mình
Ảnh: www.hanoisoftware.com

Nhưng cho đến nay, chiến lược thâm nhập thị trường điện thoại di động của Google vẫn đang làm cho dư luận phải quan tâm, trong khi đó những người đam mê những phát minh mang tính phá cách lại tỏ ra khá thất vọng.

Dĩ nhiên, Google đã từng là một công ty mang tính cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh. Mô hình kinh doanh mới lạ của Google cũng đã biến đổi thị trường quảng cáo trên mạng Internet và nẫng tay trên các hợp đồng giá trị của nhiều công ty truyền thông đã thành danh.

… Đến thực tế

Trong hai năm trở lại đây, Google bắt đầu đưa vào thử nghiệm với loại hình quảng cáo qua radio (sóng phát thanh), qua các sản phẩm in ấn và qua video. Do đó, việc Google tập trung vào thị trường quảng cáo trên điện thoại di động mới nổi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chúng tôi tin rằng hiện nay ngành công nghiệp di động là một miếng mồi béo bở để các công ty tranh nhau chia phần. Dịch vụ kinh doanh điện thoại di động đang xuất hiện những dấu hiệu của việc thương mại hóa.

Hiện nay, ngành công nghiệp di động
là một miếng mồi béo bở để
các công ty tranh nhau chia phần
Ảnh: upload.wikimedia.org

Các công nghệ ứng dụng cung cấp dữ liệu cao cấp như video đã không còn thu hút được sự chú ý của đại đa số khách hàng. Thậm chí ngay cả khi bị phạt nặng vì chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, khách hàng cũng vẫn thường xuyên thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Phương pháp tiếp cận của Google dường như không mang lại cơ hội. Theo một bài báo đăng trên tờ New York Times[4] (Thời báo New York), Google hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà sản xuất điện thoại di động sẽ cài đặt hệ thống điều khiển do Google sản xuất vào trong sản phẩm máy điện thoại cầm tay của họ.

Hệ thống “nguồn mở” này sẽ cạnh tranh với các hệ thống độc quyền do các công ty khác như Microsoft[5] cung cấp. Hệ thống này sẽ có thể giúp Google dễ dàng đặt các tin quảng cáo vào máy điện thoại di động hơn.

Google cũng dự đoán rằng, hệ thống này cùng với những ứng dụng khác được Google tạo riêng cho dòng sản phẩm điện thoại di động, sẽ giúp công ty thâu tóm được quyền kiểm soát thị trường từ tay các nhà cung cấp dịch vụ.

Tình trạng chia rẽ thị trường xảy ra khi một công ty thâm nhập vào một thị trường hiện có với phương pháp tiếp cận không mấy thu hút các công ty đang chiếm lĩnh thị trường.

Trong trường hợp này, điều ngược lại là đúng: Các nhà cung cấp dịch vụ đã đặt cược lớn vào việc dự đoán doanh thu sẽ kiếm được từ hoạt động (dịch vụ) quảng cáo và các ứng dụng khác trong tương lai.

Đây cũng đồng thời là kế hoạch của Google. Những nhà cung cấp dịch vụ này dường như có động cơ lớn trong việc giữ chân Google và làm chậm nguy cơ cạnh tranh mà Google tạo ra.

Trong khi phương pháp tiếp cận của Google có thể là bước đệm hợp lý để công ty tìm hiểu kỹ hơn về ngành công nghiệp di động, có phương pháp tiếp cận thú vị hơn cho Google là trở thành một nhà cung cấp điện thoại di động miễn phí đi kèm với kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

Cung cấp dịch vụ kèm theo kinh doanh dịch vụ quảng cáo
 là chiến lược kinh doanh không còn mới mẻ
nhưng hết sức sáng tạo
Ảnh: www.aetnamoving.com

Ứng dụng của Công ty Blyk:

Trên thực tế, Công ty Blyk[6] có trụ sở đặt tại Châu Âu cũng đang thử áp dụng phương pháp tiếp cận này, cung cấp dịch vụ điện thoại di động miễn phí đi kèm với kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Chiến lược kinh doanh này mang tất cả các đặc điểm của tình trạng chia rẽ thị trường.

Đây có thể là một mô hình kinh doanh thực sự khác biệt nhưng lại không có sức thu hút đối với các công ty đang chiếm lĩnh thị trường hoặc với những công ty có mô hình kinh doanh dựa vào việc tính cước phí trên số phút sử dụng dịch vụ và trên khối lượng dữ liệu truy cập.

Google có nguồn lực mạnh và hoàn toàn có khả năng sáng tạo để tiến hành chia rẽ thị trường điện thoại di động. Công ty này cũng nhận ra cơ hội khi thâm nhập thị trường, nhưng bước đầu tiên trong chiến lược kinh doanh của Google xem ra có vẻ không có gì mới và hấp dẫn như mong đợi

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Scott Anthony[7]

Một ý kiến phản hồi trên trang Harvard Business Online

Theo quan điểm của một số chuyên gia tin học, thì chiến lược thâm nhập thị trường điện thoại di động của Google có vẻ thiên về việc mở rộng dịch vụ web và các ngôn ngữ lập trình áp dụng với các thiết bị điện thoại di động. Tất cả các ngôn ngữ lập trình của các thiết bị di động này đều cần thiết nếu đưa vào áp dụng rộng rãi.

 Hy vọng rằng những ngôn ngữ lập trình này sẽ hỗ trợ Google Gears trong các ứng dụng lướt web ngoại tuyến. Google có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của những ứng dụng trực tuyến đã được phân phối hiệu quả dựa vào vị trí địa lý, nhân khẩu học, công cụ tìm kiếm dựa vào định vị, xuất bản trên mạng, xây dựng hệ thống xã hội…

Nếu khách hàng hoặc các tổ chức sử dụng những ứng dụng này, Google sẽ thu được rất nhiều tiền từ thu cước dịch vụ của các doanh nghiệp.

Vì vậy tôi không cho rằng việc cạnh tranh với các công ty viễn thông nằm trong chiến lược của Google. Nhưng việc cạnh tranh với hãng Nokia và đối đầu với Symbian (một hệ điều hành điện thoại di động) chắc chắn là kế hoạch của Google.

Tương tự như vậy, mục tiêu cuối cùng của Google là đánh bại mô hình dựa chủ yếu vào khách hàng của Microsoft (đó là các ứng dụng không trực tuyến hoặc được phân phối trực tiếp), đặc biệt trên thị trường dịch vụ cho các doanh nghiệp.

Một điều quan trọng khác là ý định của Google không chỉ dừng lại ở việc gửi kèm các mục quảng cáo tới điện thoại di động của khách hàng. Trên thực tế, đó là hoạt động của các công ty quảng cáo.

Nhưng lợi ích của những mục quảng cáo này là dịch vụ phục hồi thông tin đối với khách hàng và theo cách mà họ tạo điều kiện cho sự phát triển của ứng dụng được phân phối trực tiếp, trực tuyến hoặc qua mạng di động.

Tôi không biết Google có lợi thế cạnh tranh gì khi thực hiện chiến lược kinh doanh giống Blyk. Nhưng có lẽ Google nên cố gắng thúc đẩy tăng trưởng của ngành với hệ thống dịch vụ phần mềm, mạng.

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] Apple Inc. (NASDAQ: AAPL, LSE: ACP) là tập đoàn công nghệ máy tính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại thung lũng máy tính (Silicon Valley) ở Cupertino, bang California. Apple được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1976 dưới tên Apple Computer, Inc., và đổi tên vào đầu năm 2007. Với lượng sản phẩm bán ra toàn cầu hàng năm là 13,9 tỷ USD Mỹ (2005), và có 14.800 nhân viên ở nhiều quốc gia, sản phẩm là máy tính cá nhân, phần mềm, phần cứng, thiết bị nghe nhạc và nhiều thiết bị đa phương tiện khác. Sản phẩm nổi tiếng nhất là Apple Macintosh, iPod nghe nhạc và chương trình nghe nhạc iTunes, nơi bán hàng và dịch vụ chủ yếu là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh.

[2] iPhone là sản phẩm ĐTDD mới nhất của Apple, sử dụng phím điều khiển cảm ứng, chơi nhạc, lướt web và chạy hệ điều hành Macintosh, hứa hẹn sẽ tạo một cuộc cách mạng trong thế giới ĐTDĐ. iPhone được nhà cung cấp Cingular Wireless của AT&T phân phối độc quyền vào tháng 6 – 2007. Phiên bản 4GB có giá 499 USD và bản 8GB có giá 599 USD.

[3] Google là một công ty Internet tầm cỡ thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1998. Sản phẩm chính của công ty này là công cụ tìm kiếm Google, được nhiều người đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet. Trụ sở của Google tên là “Googleplex” tại Mountain View, California. Google có trên 3000 nhân viên, Giám đốc của Google là Tiến sĩ Eric Schmidt, trước đây là giám đốc công ty Novell. Tên “Google” là một lối chơi chữ của từ googol, bằng 10100. Google chọn tên này để thể hiện sứ mệnh của công ty là sắp xếp số lượng thông tin khổng lồ trên mạng. Googleplex, tên của trụ sở Google, có nghĩa là 10googol.

[4] The New York Times (Thời báo New York) là một tờ nhật báo, thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1851 bởi Henry Jarvis Raymond và George Jones. Ngày nay, tờ báo được xuất bản tại Thành phố New York bởi Arthur O. Sulzberger Jr. và được phân phối ở khắp Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Nó trực thuộc Công ty New York Times, công ty đó cũng xuất bản khoảng 40 tờ báo khác, trong đó có International Herald Tribune và The Boston Globe. Đây là một trong những tờ báo danh giá nhất của Hoa Kỳ.

[5] Microsoft là công ty phần mềm lớn nhất thế giới của Mỹ do Bill Gates làm Chủ tịch, với doanh số hàng năm vài chục tỷ USD và gần 60.000 nhân viên trên hơn 90 quốc gia trên thế giới. Microsoft có trụ sở chính tại Redmond, Washington, Mỹ. Microsoft nổi tiếng với hệ điều hành Microsoft Windows. Đầu năm 2007, Microsoft đã cho ra mắt bản Windows Vista, bản Microsoft Office.

[6] Blyk là một công ty chuyên về các dịch vụ viễn thông cung cấp các dịch vụ điện thoại di động miễn phí đi kèm với kinh doanh dịch vụ quảng cáo có trụ sở chính tại Helsinki, Phần Lan.

[7] Scott Anthony là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tư vấn sáng tạo Innosight. Ông đã lấy bằng BA về Kinh tế từ Trường Dartmouth và MBA từ Trường Harvard. Ông cũng có nhiều bài báo được đăng tải trên các tờ báo khá nổi tiếng như: Wall Street Journal, Harvard Business Review, Sloan Management Review, Advertising Age, Marketing Management và PressTime đồng thời ông cũng là Biên tập cho tờ Chiến lược & Đổi mới (Strategy & Innovation) – một trang tin được xuất bản bởi Công ty Innosight.