Trang chủ » Điểm nóng » Trở về từ chiến trường (Phần 1)

Trở về từ chiến trường (Phần 1)

Tác giả:

Từ chiến trường đến… thương trường và chính trường

Từ chiến trường trở về, những người lính
phải đối mặt với khó khăn khi muốn
hòa nhập với cuộc sống?
Ảnh: www.cdv-sevenm.sk

Người dân Anh quốc lấy tháng 11 hàng năm làm tháng tôn vinh và bày tỏ lòng kính trọng đối với lực lượng quân đội.

Đó là khoảng thời gian mà người dân quốc gia này tưởng nhớ tới sự cống hiến và lòng quả cảm của các lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, bầu không khí đó bị xáo trộn bởi những cuộc xung đột đang diễn ra mà Anh có lược lượng tham chiến.

Ngoài những con số thương vong về con người vẫn tăng lên không ngừng, người ta còn đang phải lo ngại bởi thái độ của cộng đồng đối với những quân nhân trở về sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong một chương trình phát thanh, một sĩ quan quân đội đã kể lại việc anh ta từng bị từ chối bán cho đồ uống cho một quán rượu chỉ vì anh ta đã “chiến đấu cho một cuộc chiến bất công” ở Iraq.

Tồi tệ hơn, một Cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh ở Iraq cho biết anh cảm thấy mình hầu như không thể tìm được một công việc thuộc lĩnh vực dân sự vì mức độ lan rộng của tư tưởng phản chiến trong xã hội đã rất lớn.

Những Cựu quân nhân ngày nay đang phải đối mặt với thái độ lạnh lùng hơn rất nhiều so với những người trở về từ các cuộc chiến trước kia.

Ví dụ: Sau cuộc Chiến tranh Thế giới II, các Cựu quân nhân đã được trao quyền nắm giữ những vị trí kinh tế quan trọng và trở thành những người đứng đầu và quản lý các công ty của Anh và Mỹ.

Sự gắn kết gần gũi giữa quân đội và kinh tế vẫn còn biểu hiện rất rõ trong cơ cấu thứ bậc ở các công ty cũng như trong cách sử dụng những cụm từ vốn bắt nguồn từ quân đội như “chỉ huy và kiểm soát”, “cuộc chiến tìm kiếm nhân tài” hay “thái độ trơ lỳ”.

Ngay cả những từ được sử dụng rộng rãi ngày nay như: “Chiến thuật”, “sách lược” và “sự lãnh đạo” cũng đều có nguồn gốc từ chiến trường.

Tôi (Gill Corkindale) vẫn luôn cảm thấy khó hiểu về việc những Cựu quân nhân ngày nay khó hòa nhập vào thế giới cộng đồng, vì tôi tin rằng họ vẫn có nhiều khả năng cống hiến. Tôi mới chỉ gặp một số ít Cựu quân nhân từng gặt hái được thành công trên thương trường, nhưng con đường đi tới thành công của mỗi người đều làm tôi hết sức ấn tượng.

Hãy giúp đỡ những quân nhân giải ngũ
tái hòa nhập với cuộc sống
Ảnh: media.ky3.com

Thành công nhờ áp dụng những kinh nghiệm thực tế từ chiến trường

Một trong số họ là Alex – một Thiếu tá 33 tuổi của lực lượng SAS[1] – Lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của Anh – người đã từng tham chiến tại Iraq, Afghanistan và Bosnia. Khi quyết định rời bỏ quân ngũ, Alex đã không xác định được mình có thể làm gì và không biết nên giới thiệu bản thân như thế nào.

Khi tôi bắt đầu làm việc với Alex, tôi đã cảm nhận được rất rõ rằng Alex đã phải nỗ lực chiến đấu với sự thiếu tự tin cũng như những định kiến của xã hội đối với quân đội.

Tôi sớm nhận thấy Alex có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất cá nhân của một lãnh đạo giỏi theo đúng nghĩa của nó. Việc đơn giản còn lại chỉ là làm sao phải giới thiệu được khả năng của Alex một cách hiệu quả nhất và chuyển những cụm từ quân đội Alex vẫn quen dùng sang thứ ngôn ngữ đại chúng hơn.

Alex đã vạch ra chiến lược, xử lý các tình huống khó khăn, quản lý một đội ngũ nhân viên trên 100 người. Alex được giao phó cho những dự án phức tạp, ra quyết định trong những tình huống không chắc chắn, gánh chịu rủi ro và tổng hợp và báo cáo về các trường hợp khủng hoảng.

Ngoài ra, Alex còn giải quyết xung đột nội bộ, quản lý ngân quỹ khoảng 3 triệu bảng Anh, giám sát các chuỗi cung cấp, giao nhận và vận hành, tổ chức những hoạt động sinh hoạt tập thể và khuyên bảo cũng như hỗ trợ về tinh thần đối với nhân viên cấp dưới…

Không những hòa nhập tốt với cộng đồng, nhiều quân nhân
giải ngũ đã dần tự khẳng định mình một cách rất ấn tượng
Ảnh: www.avizora.com

Tôi không thể nhớ liệu có ai trong số những người tôi đã hướng dẫn có được một bề dày kinh nghiệm và sự trưởng thành được như vậy hay không. Sự chuyên nghiệp trong khả năng làm việc nhóm của Alex đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới kinh doanh.

Alex từng kể với tôi rằng những binh lính thuộc SAS có một niềm tin tuyệt đối vào sự phối hợp đồng đội, họ phải tác chiến trong các đơn vị nhỏ dưới áp lực rất cao. Nếu một thành viên trong đội hy sinh, các thành viên còn lại phải tái lập đội ngay lập tức nếu muốn duy trì hiệu quả.

Trong thực tế, điều đó có nghĩa là mọi người phải có khả năng xử lý được công việc của những người khác, vì thế mọi tính toán và ý kiến của người khác trong đội đều phải được lắng nghe.

Người chỉ huy quân đội tiếp thu quan điểm của mọi người tại thời điểm chỉ thị tác chiến ban đầu và thời điểm báo cáo kết thúc nhiệm vụ. Anh ta có thể là người nắm quyền chỉ huy, nhưng anh ta biết coi trọng quan điểm của mọi người lúc khởi đầu và sẵn sàng học hỏi từ những phân tích của các thành viên trong đội về những sai lầm của họ.

Thật thú vị là đặc tính đồng đội ấy còn phát triển và vượt ra ngoài các đơn vị chiến đấu. Alex còn kể cho tôi việc các binh sĩ, sau một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, đã trở về căn cứ với thương tích và sự mệt mỏi nhưng cảm thấy mãn nguyện như thế nào.

Những người thành công là những người
biết ứng dụng những kinh nghiệm thực tế
từ quan đội vào cuộc sống
Ảnh: customersrock.files.wordpress.com

Họ rất thèm một cốc nước nhưng vẫn chờ cho tới khi tất cả mọi người tham gia vào nhiệm vụ (từ các thợ máy, sĩ quan truyền thông và đơn vị vận tải) trở về. Chỉ khi nào cả đội đã tập hợp lại với nhau họ mới cùng nhau ăn mừng chiến thắng.

Khẳng định mình

Alex tiếp tục gặt hái được thành công trong vai trò tư vấn chiến lược và tôi cũng đã gặp một vài người nữa có được sự chuyển tiếp hoàn hảo như vậy.

Một người trở thành chủ ngân hàng và thể hiện rất xuất sắc trong vai trò gây dựng đội ngũ và quan hệ với khách hàng.

Một người khác trở thành Giám đốc bán hàng của một hãng dược nổi tiếng; người thứ ba là Giám đốc điều hành của một Công ty viễn thông quốc tế.

Tôi cũng từng biết một số công ty rất đáng quan tâm được lập nên bởi những cựu quân nhân.

Trong đó có Afterburner, một công ty có trụ sở tại Mỹ, chuyên tuyển dụng những Cựu phi công chiến đấu làm nhiệm vụ như những “phi công yểm trợ” cho cấp lãnh đạo và giám sát quan hệ đội nhóm trong doanh nghiệp.

Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều những ví dụ khác về các cá nhân và doanh nghiệp đạt được thành công khi chuyển tiếp từ quân đội sang kinh doanh. Bạn có phải là một trong số đó không?

Bạn có làm việc cùng hay biết tới ai đó đã từng phục vụ trong quân đội không? Và bạn có cho rằng quân ngũ là môi trường rèn luyện tuyệt vời để người ta đạt được thành công trong kinh doanh ngày nay không?

– Tóm tắt ý tưởng chính từ bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review của Gill Corkindale –

Một số bài viết cùng tác giả:

>> Nguồn gốc xuất thân và văn hóa làm việc nhóm

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.


[1] SAS (Special Air Squadron) được coi là đội đặc nhiệm rắn nhất Anh quốc, chuyên thực hiện những nhiệm vụ mang tính bí mật và nhanh gọn.