Trang chủ » Điểm nóng » Trở về từ chiến trường (Phần 2)

Trở về từ chiến trường (Phần 2)

Tác giả:

>> Trở về từ chiến trường (Phần 1)

Thật khó để những quân nhân giải ngũ xác
định chính xác những nguyên tắc cũ về sự
chính trực, lòng tin và lòng trung thành giờ
còn có thể áp dụng ở đâu ngoài quân đội
Ảnh: www.damtp.cam.ac.uk

1. Tôi đã đọc bài viết của Gillian với sự ngưỡng mộ và quan tâm trên quan điểm của một người từng chia sẻ hầu hết những kinh nghiệm và hoàn cảnh giống như của Alex dù rằng chúng tôi khác thế hệ.

Tại thời điểm lực lượng vũ trang băn khoăn rằng họ có thể hòa hợp với sự lối suy nghĩ về khả năng tự tiến bộ, chủ nghĩa duy vật và thuyết duy cảm của xã hội hiện đại hay không, thật khó để họ xác định chính xác những nguyên tắc cũ về sự chính trực, lòng tin và lòng trung thành giờ còn có thể áp dụng ở đâu ngoài quân đội.

Nhưng tôi lạc quan cho rằng họ có thể làm được vì sẽ luôn có cơ hội thành công trong kinh doanh cho những ai chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình bằng sự lắng nghe, tham vấn và cuối cùng đưa ra những quyết định đáng tin cậy dựa trên ba quy tắc kể trên.

Có khá nhiều ví dụ thực tế, như đương kim Chủ tịch của John Lewis[1] chẳng hạn. Những điều này cho tôi niềm tin rằng tất cả những ai đang nỗ lực hết sức mình trong những hoàn cảnh khó khăn, dù thường bị các chính trị gia của chúng ta đánh giá thấp, sẽ vẫn có cơ hội chứng tỏ được năng lực của mình và nhận được những lợi ích thỏa đáng trong cuộc sống đời thường.

Christopher

2. Những binh sĩ tinh nhuệ thuộc các đơn vị đặc biệt như SAS của Anh hay Delta Force[2] của Mỹ là những con người đặc biệt. Họ luôn rất sung sức, thông minh, khôn ngoan, dũng cảm và tháo vát. Các sĩ quan và đôi khi là binh lính từ những đơn vị đó có sự chuyển tiếp thành công sang nghiệp kinh doanh nhưng đa số các binh sĩ thường họ trở thành vệ sĩ.

Một số khác đánh đổi những bộ quân phục lấy những bộ vest để làm việc trong những công ty cung cấp dịch vụ phân tích rủi ro cho những Tập đoàn đa quốc gia. Đáng buồn là có nhiều binh sĩ không có được thành công sau giải ngũ. Họ dường như đánh mất sự nhiệt huyết, lòng khát khao và tình đồng đội thân thiết. Thật đang tiếc khi giới kinh doanh hầu như không nhận thấy tiềm năng rất lớn từ những con người này.

Các nghiên cứu đã cho thấy những cựu quân nhân “thông thường” cảm thấy khó hòa nhập với cuộc sống dân sự. Những người làm kinh doanh nên tích cực hơn nữa để tận dụng được những phẩm chất tuyệt vời mà môi trường quân đội đã tôi rèn nên ở những quân nhân.

James Davenport

3. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng những binh sĩ đã từng chiến đấu trong các lực lượng đặc biệt là những con người rất ấn tượng như Gill đã nói. Đa số họ sở hữu sự thông minh và tính trung thực hiếm có. Những đức tính đó vô cùng cần thiết trong kinh doanh.

Những phẩm chất tương tự cũng đều có thể tìm thấy ở những đơn vị quân đội tinh nhuệ khác như lính dù đặc nhiệm và thủy quân lục chiến vốn có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo hơn là chiến đấu. Chúng ta cũng không thể không đề cập tới khả năng của RAF[4] và Hải quân hoàng gia. Tất cả họ đều là những người vô cùng xuất sắc.

Có nhiều  binh sĩ không có được
thành công sau giải ngũ, vì nhiều lý do…
Ảnh: www.motherjones.com

Hầu hết các quốc gia phát triển đều có những lực lượng đặc nhiệm ấn tượng như vậy. Như một bạn đọc trước đã đề cập tới lực lượng Delta Force mà người Mỹ rất tự hào. Tôi xin được bổ sung thêm lực lượng hải quân SEALS[5].

Chưa bao giờ người ta lại cần những binh sĩ từ các lực lượng đặc nhiệm trong vai trò những chuyên gia chiến đấu và bảo vệ trực tiếp như ngày nay. Khi mà thế giới đang ngày càng trở nên nguy hiểm, các chính phủ, doanh nhân, cơ quan cứu trợ và giới truyền thông đã tìm đến những người này để bảo vệ những lợi ích của họ.

Những gì là tin xấu cho chúng ta hóa ra lại là tốt đối với những cựu chiến binh từ các lực lượng đặc nhiệm. Hãy nhìn sang Iraq, nơi có hàng chục nghìn những người như vậy đang làm việc trong vai trò “hậu cần”.

Còn những binh sĩ trong các lực lượng đặc nhiệm không có mong muốn sử dụng các kỹ năng quân đội của mình trong cuộc sống đời thường thì sao? Ở đây tôi nghĩ là giới kinh doanh nên tích cực hơn nữa.

Những người làm kinh doanh nên xây đắp mối liên kết với các lực lượng đặc nhiệm để có thể tìm được những sĩ quan và binh lính phù hợp với yêu cầu công việc của họ. Một mối quan hệ tiến triển như vậy cũng sẽ tạo điều kiện cho các binh sĩ có khả năng tìm hiểu thêm về kinh doanh.

Chúng ta không nên coi thường sự khác biệt văn hóa giữa hai bên. Giới doanh nhân thường không thích tuyển những người giống họ. Trong khi các binh sĩ cần có thời gian để thích ứng với công việc bàn giấy, nơi mà vũ lực không bao giờ là một giải pháp.

Các doanh nhân ngày trước đã sử dụng một vài ngôn ngữ của quân đội vì họ cảm thấy rất phù hợp khi coi mình là các chiến binh. Những từ ngữ dùng chung đó đã ngụy trang cho nhiều khác biệt sâu sắc giữa hai khu vực dân sự và quân sự.

– P Wells

4. Có rủi ro nào đi kèm với hoạt động của Afterburner không? Gắn kết những phẩm chất của quân đội như tính đồng đội, lòng trung thành và sự vị tha vào hoạt động kinh doanh rõ ràng là đáng mong đợi. Điều tôi quan tâm là những công ty đó khi giới thiệu bản thân lại sử dụng những thuật ngữ quân sự to tát như “phi công yểm trợ”.

Phải chăng là có nguy cơ là các lãnh đạo nam – nữ giới thường không bị ảnh hưởng – sẽ nhìn nhận bản thân mình theo những thuật ngữ không phù hợp như thế? Điều gì xảy ra nếu một người quản lý cấp trung, vốn vẫn đang cần cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình, sau khi bước ra khỏi phòng họp ở Afterburner lại cảm thấy mình như một con át chủ bài của công ty.

… Một trong những lý do đó là sự khác biệt về
văn hóa giữa quân đội và dân sự
Ảnh: upload.wikimedia.org

Cái tôi của đàn ông thường rất lớn. Rất nhiều những quản lý nam thích tự coi mình là anh hùng trong doanh nghiệp. Cũng có thể là tôi đang lo lắng quá mức chăng? Sẽ rất tuyệt nếu tôi được nghe ý kiến của một ai đó đã từng làm việc cho các công ty như Afterburner trả lời về vấn đề này.

– Sarah Maxwell

5. Trong những cuộc xung đột lớn trước kia, người ta có điều động một lượng quân nghĩa vụ để hỗ trợ cho lực lượng bộ binh, hải quân và không quân thường trực ít ỏi. Khi những cuộc xung đột đó kết thúc, rất nhiều binh sĩ đã được cho giải ngũ. Chế độ quân dịch trong thời bình đồng nghĩa với sự kết hợp của xã hội và quân đội.

Những quân nhân chuyên nghiệp trong thế giới phát triển ngày nay được tách biệt khỏi xã hội mà họ phục vụ. Những ai rời bỏ quân ngũ khi còn trẻ đều gặp khó khăn khi thuyết phục những người chủ doanh nghiệp trao cho họ cơ hội. Điều đó thật đáng tiếc khi mà những người từng phục vụ trong quân ngũ sở hữu những phẩm chất hiếm có trong cuộc sống thường ngày.

Mọi việc chỉ còn tùy thuộc vào giới kinh doanh có trao cho những người đã từng phục vụ Tổ quốc cơ hội để gây dựng sự nghiệp mới của họ hay không mà thôi.

– Rajiv

6.
Gill đã đặt câu hỏi rằng quân đội có phải là môi trường rèn luyện tốt cho kinh doanh không? Câu trả lời của tôi là có, dựa trên kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của mình. Những bạn đọc khác đã nhận xét rất đúng đắn rằng quân đội giúp tôi rèn khả năng làm việc nhóm, lòng trung thành, sự trung thực và tính kỷ luật.

Quân đội là một môi trường rèn luyện tốt nhất
cho phương pháp làm việc nhóm
Ảnh: www.greendevils.pl

Tất cả chúng đều rất hữu ích trong kinh doanh. Chúng ta cũng nên xem xét những phẩm chất đặc biệt của mỗi cá nhân. Một binh sĩ xuất sắc thuộc lực lượng đặc biệt sẽ có khả năng trí tuệ và thể chất cao hơn một binh sĩ thông thường trong một trung đội thông thường.

Bất cứ doanh nhân nào muốn tuyển người từ quân đội cũng phải xem xét những thói quen, cả tốt và xấu, đã in sâu vào những nhân viên tiềm năng này trong quân đội.

Cần phải có những khoản trợ cấp và tạo ra những cơ hội để các Cựu quân nhân có thể thích ứng được với môi trường kinh doanh mới mẻ đối với họ.

– Will Buckingham

7. Nhằm bổ sung vào ý kiến của P. Wells, tôi muốn đề cập tới Ban giám đốc của một công ty mới rất thành công với lĩnh vực chuyên cung cấp các dịch vụ từ phân tích rủi ro tới bảo vệ trực tiếp cho những nhân vật cấp cao tại những quốc gia có nhiều nguy hiểm.

Ví dụ này khẳng định lại rằng các kỹ năng quân đội có thể được chuyển giao rất thành công sang kinh doanh. Do đã có cam kết từ trước tôi xin không đưa tên của công ty đó lên đây. Chỉ biết rằng đối tác của công ty này lại là các giám đốc của công ty đến từ ngành ngân hàng, luật, dịch vụ thể thao – giải trí và khu vực dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên những người chủ chốt nhất – người đóng góp các ý kiến chuyên môn chủ yếu cho công ty – lại đến từ Lực lượng đặc nhiệm. Họ đã rời quân ngũ để chuyển sang làm kinh doanh. Một giám đốc trong số đó từng phục vụ trong quân đội Anh 25 năm, trong đó có 17 năm thuộc SAS.

Những người này đã chứng tỏ các kỹ năng quân đội riêng biệt của mình ứng dụng vào đời sống hiệu quả như thế nào. Giới doanh nhân nên biết tận dụng tài năng của những cá nhân xuất sắc này.

– Ivor Cornell

8. Ngay từ khi đọc những dòng đầu tiên trong bài viết của Gill tôi đã lập tức nhìn xem có phải mình đang ở một trang “.com” hay “.com.uk” hay không. Tôi đã để ý rằng bài viết có nguồn gốc từ London và có đề cập đến lực lượng SAS chứng tỏ rằng Gill là người Anh? Điều này có gì quan trọng?

Nội dung câu chữ cho thấy ở một số khu vực họ không hề được chào đón.

Giới doanh nhân nên biết tận dụng tài năng
của những cá nhân xuất sắc có nguồn gốc
xuất thân từ quân đội
Ảnh: www.xsltblog.com

Một quân nhân hiện đại giờ đây được đào tạo sâu về những kỹ thuật và thực tiễn kinh doanh hiện đại nhất. Trong nhiều trường hợp, không giống như người đồng nhiệm ở xã hội dân sự, quân nhân đó có cơ hội ứng dụng những kỹ năng trong những điều kiện căng thẳng và thiếu thốn.

Sự thích ứng và thuần thục của một binh sĩ, thủy thủ hay phi công kết hợp với lòng khát khao thành công, khiến họ trở nên hết sức có giá trị.

Cách sử dụng từ ngữ và văn hóa làm việc có thể khác biệt giữa hai bên, nhưng một quân nhân thay đổi nơi làm việc sau 3 đến 5 năm, luôn được tái đào tạo để thích ứng với môi trường mới sẽ có khả năng dễ dàng hòa nhập và làm việc hiệu quả tại bất cứ tổ chức dân sự nào. Liệu một điều tương tự có thể xảy ra theo cách khác không?

Khi tuyển nhân viên từ quân đội bạn có thể muốn xem xét hiệu quả ban đầu về mặt thương mại đối với việc kinh doanh. Nhiều công ty có xu hướng giữ những cựu quân nhân ở bộ phận phòng thủ trong công ty. Bằng cách đó họ có thể đảm bảo và hoàn thành các chương trình đang thực hiện nhưng thực ra họ đang lãng phí một tài sản có tiềm năng lớn đem về cho công ty nguồn lợi thực sự.

– Andrew

9. Nhận xét hết sức trí tuệ vừa rồi của Adrew – người mà tôi đoán là một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan cao cấp – đã cho thấy quan điểm của những bạn đọc trước đó phân biệt giữa các sĩ quan với những người trong lực lượng đặc nhiệm và những binh sĩ thông thường. Các sĩ quan trong các lực lượng vũ trang chuyên nghiệp ngày nay nhận được sự giáo dục tốt và toàn diện.

Hầu hết trong số họ không gặp phải khó khăn khi trở về đời sống dân sự. Nhưng những binh sĩ trong lực lượng đặc nhiệm thì khác. Do họ được tuyển chọn từ các đơn vị thông thường nên họ cũng gặp phải những khó khăn và bất lợi chung giống như các binh sĩ bình thường. Quân đội đã lấy đi của họ tiềm năng để trở nên khác biệt. Nếu họ không nhập ngũ thì điều đó đã không xảy ra.

Chúng ta cần quan tâm tới bản thân mình hơn so với số đông bình thường. Đa phần những người đăng ký nhập ngũ ở Châu Âu và Bắc Mỹ đều xuất thân từ các gia đình nghèo với trình độ học vấn ít ỏi.

Họ gia nhập quân đội với hy vọng chạy trốn khỏi nghèo đói, sự thất nghiệp và phạm pháp. Trong quân đội họ cũng được học về thương mại để có thể áp dụng trong cuộc sống đời thường. Vì lẽ đó những kỹ thuật viên không quân thường được các chủ doanh nghiệp ưu ái hơn những lính bộ binh chiến đấu.

Những lính chiến đấu thông thường luôn cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống dân sự. Liệu những chủ doanh nghiệp có nhận ra các phẩm chất tốt mà những người này có như: Sự thích ứng, lòng dũng cảm và lòng trung thành hay không?

Hay thay vào đó lại tỏ ra định kiến với họ? Và liệu các chính phủ đã thể hiện đủ sự quan tâm tới những quân nhân giải ngũ để họ có thể đảm bảo cuộc sống của mình hay chưa?

– Phillip Mortenson

– Trích đăng các phản hồi của bài “Trở về từ chiến trường” đăng trên trang Harvard Business Online của Gill Corkindale –

  • HBV-TVN

Đề nghị ghi rõ “Bản quyền @Harvard Business School Publishing”, hoặc “Bản quyền tiếng Việt @Công ty phần mềm và truyền thông VASC” khi trích dẫn lại thông tin này trên các tài liệu in ấn và photocopy, và ghi rõ “Trích từ trang Harvard’S-TVN” khi xuất bản trực tuyến.



[1] John Lewis là một cựu thiếu tá lục quân Anh, hiện là thương nhân bán lẻ hiện đang làm việc cho siêu thị Waitrose – một chi nhánh thuộc tập đoàn bán lẻ John Lewis, và công ty dịch vụ khách hàng Greenbee. Hiện Tập đoàn John Lewis có trụ sở tại London, Anh.

[2] Delta Force là lực lượng đặc nhiệm Mỹ được thành lập khoảng năm 1962, nhưng cốt lõi lính được tuyển từ các sư đoàn dù 82 của lục quân. Lực lượng này khá tinh nhuệ, được trang bị đủ loại súng từ súng trường M.16, M.4 đến súng phóng lựu, súng máy và cả cối 60mm. Trong chiến tranh Iraq vừa qua, lực lượng này đã được trực thăng vận chuyển đến phía Tây Iraq nhằm chiếm các căn cứ quân sự.

[3] SBS là lực lượng đặc biệt Hải quân Anh (Special Boat Squadron).

[4] RAF (Royal Air Force – Không quân Hoàng gia Anh) là lực lượng Không quân thuộc quân đội Anh. RAF được thành lập ngày 01/04/1918 bởi sự hợp nhất của các quân đoàn không quân hoàng gia và lực lượng phục vụ không quân – hải quân hoàng gia. Đây cũng là lực lượng Không quân lâu đời nhất trên thế giới. RAF đã đóng vai trò quan trọng trong Lịch sử quân sự Anh, chiếm vị thế cao trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 cũng như trong các cuộc xung đột như chiến tranh ở Iraq.

[5] SEALS là lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ, SEALs (viết tắt của các từ trên biển, trên không và đất liền) được đào tạo nghiệp vụ do thám, tìm kiếm và giải cứu trong hoàn cảnh chiến tranh không theo kiểu truyền thống. Tất cả các biệt kích Hải quân phải qua một thời kỳ huấn luyện kham khổ 26 tuần, trước khi được vào đội này. Hiện SEALs có khoảng 2.200 thành viên, căn cứ tại Coronado (California) và Little Creek, (Virginia).