Trang chủ » Thế giới » Doanh nghiệp lớn rồi thì phải tập trung lo cho cái mạnh

Doanh nghiệp lớn rồi thì phải tập trung lo cho cái mạnh

Tác giả:

Sự phân bổ nguồn lực méo mó của Việt Nam đã được phản ánh trung thực trong bức tranh 500 DN lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu mở rộng những tiêu chí xếp hạng, làm hiển lộ những tiêu chí về hiệu quả, chất lượng, VNR500 sẽ mang nhiều ý nghĩa thiết thực hơn.

VNR500: Đi tìm thương hiệu Việt.

DN lớn nhưng có mạnh?

Nhìn vào bảng xếp hạng của VNR500, điều các chuyên gia kinh tế có thể khẳng định ngay: đó là bức tranh thực về sự méo mó trong phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Có tới 50% các DN trong bảng xếp hạng là DN nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty lớn. Thậm chí có trường hợp, cả tập đoàn và công ty thành viên đều góp mặt trong danh sách các đại gia của Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 24% trong nhóm các đại gia, trong khi chiếm 95% số lượng các DN, nhưng phần đông lại là các DNNN mới được cổ phần hóa. Số các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, tập đoàn hình thành từ khu vực tư nhân mà lên, trải qua các giai đoạn từ công ty gia đình, DN nhỏ, DN vừa và DN đại gia chỉ rất giới hạn, chỉ vài cái tên như Kinh Đô, Trung Nguyên, Hòa Phát…

DNNN không phải phần đông chỉ một màu đen, quen cơ chế xin – cho, được dung dưỡng và trao vị thế độc quyền. Nhiều DN đã có chuyển biến. Thực tế làm việc với DN cho thấy, có những trường hợp dù được độc quyền nhưng họ đã có động thái xác định chiến lược về sau khi ưu đãi không còn. – ông Vũ Đăng Vinh – TGĐ VietnamReport nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người nhiều năm gắn bó với DN Việt Nam quan ngại những con số đó phản ánh thực tế, DN Việt Nam lớn nhất là nhờ hưởng ưu đãi nhiều nhất, hỗ trợ lớn nhất từ nhà nước. Các DN lớn về doanh thu, về tài sản bởi họ là nơi chiếm dụng nguồn lực nhiều nhất. Đó không chỉ là tài sản vật chất: đất đai, tài nguyên, nhà xưởng, tín dụng, vốn liếng… mà cả tài sản quyền kinh doanh, quyền nhận các dự án lớn, các hạng mục đầu tư mà nhà nước trao tặng hoặc ưu ái.

Với những ưu ái vốn có dành cho các đối tượng DNNN, theo bà Chi Lan, việc họ đạt thứ hạng top 500 thậm chí top 10 trong bảng xếp hạng của VNR cũng là điều bình thường, thậm chí không cần cố gắng.

Chính các DN phải tự ý thức mình đứng ở đâu, cái lớn của họ là nhờ nhân tố nào.


DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng góp mặt đáng kể trong danh sách các đại gia DN Việt Nam, nhờ nguồn lực của công ty mẹ và chính các ưu đãi mà nhà nước Việt Nam dành cho họ. Nhà nước ngoài cần thấy họ đứng được ở vị trí đó có phần của các ưu ái của Việt Nam: cả về đất đai, quyền kinh doanh, quyền phân phối… So với DN tư nhân Việt Nam, họ thuận lợi hơn nhiều.

"Cấu trúc của nhóm VNR500 cho thấy, DN muốn lớn phải được ưu đãi, bảo hộ. Cũng là DNNN, nhưng ngành nào cạnh tranh cao hơn trên thị trường thì vị trí trong danh sách cũng thấp hơn, kể cả trong lĩnh vực dịch vụ. Những đại gia top đầu đều hoặc một mình một thị trường, hoặc chỉ vài DN tham gia".

Bà Chi Lan đặt vấn đề, "nếu lớn nhờ được ưu đãi, bảo hộ, nhờ đặc quyền, thì cái lớn đó của DN có vững chắc không? Mỗi DN phải tự đặt câu hỏi, liệu mình có thể tự thân phát triển, tự lớn bằng khả năng cạnh tranh được hay không? Liệu DN mình lớn nhưng có thực sự mạnh? Nếu buông những đặc quyền, ưu đãi, liệu DN mình có đủ sức cạnh tranh được ngay giữa họ với nhau, chưa nói tới ra bên ngoài?"

Nói cách khác, DN Việt Nam lớn nhất chưa hẳn đã tỉ lệ thuận với DN mạnh nhất, có khả năng cạnh tranh cao nhất.

Những cơ chế ưu đãi đó đã hạn chế sự sáng tạo, năng lực phát triển tự thân của các DN. Thực tế cho thấy, các đăng ký sáng chế gần đầy tăng nhanh ở khu vực DN vừa và nhỏ, trong khi DNNN hầu như không có. Họ "vẫn còn nhiều lợi thế do cơ chế cũ để lại, họ chỉ cần khai thác các lợi thế đó để kinh doanh là đủ", nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển quan ngại.

Để phát triển, DNNN cần đổi mới mô hình quản trị, đồng thời cần có sự hỗ trợ của nhà nước bằng hệ thống hành lang pháp lý, chính sách, cho DN chủ động xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị, không phải áp dụng cách quản trị dựa vào mệnh lệnh hành chính khá phổ biến hiện nay – ông Vũ Đăng Vinh – TGĐ VietnamReport nói.

Theo ông Tuyển, "các DN nhà nước, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cũng phải đặt trong môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế".

Thực tế cho thấy, cùng với mở cửa hội nhập, mức độ bảo hộ kém đi, hàng Việt Nam bị đẩy lùi ở nhiều lĩnh vực, tỷ suất lợi nhuận cũng giảm tương ứng. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy các DN đứng được và đứng ở vị trí cao nhờ vào bảo hộ nhiều hơn là làm ăn giỏi, dù không phủ nhận có những DN nỗ lực tự thân khá lớn.

Câu lạc bộ VNR500 phải đi vào bề sâu

Với DN, mục tiêu lợi nhuận là cao nhất. Tài năng, hiệu quả của một DN thể hiện trước hết ở tỷ suất lợi nhuận cao, chứ không phải chỉ nằm ở con số doanh thu, số tiền góp thuế. Báo cáo kiểm toán nhiều DNNN cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của DN Việt Nam rất thấp, ngay cả những DN ở hàng đại gia.

Có DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc để bán trên thị trường, doanh thu rất lớn, tiền thuế nộp cho nhà nước rất cao, nhưng giá trị tăng thêm được bao nhiêu?

Xếp hạng DN lớn nhất có thể là tham số quan trọng để DN soi mình, nhưng theo bà Chi Lan, chính các DN phải tự ý thức mình đứng ở đâu, cái lớn của họ là nhờ nhân tố nào. "Khi mình đã lớn rồi thì phải biết lo cho cái mạnh, không để hào quang làm lóa mắt. Khi đó, xếp hạng sẽ là tiêu chí để DN soi chiếu để làm tốt hơn, mạnh hơn, nâng vị trí của mình cao hơn theo thời gian.

Chiếc bánh nguồn lực được nhà nước ưu ái dành cho DNNN phần nhiều. Ảnh: msnbc.com


Ngược lại, nếu chỉ muốn bành trướng ra để có thứ hạng, dùng thứ hạng đó để tìm kiếm đối tác dễ dàng, trong khi chưa chuẩn bị năng lực tương ứng, thì liệu DN có được hưởng lợi gì? Ngược lại, nguy cơ bị thâu tóm, trở thành DN nước ngoài lại ngay trước mặt.

Câu lạc bộ các DN lớn nhất VNR500 đã được hình thành và đi vào hoạt động. Sau một năm mày mò, làm quen, theo bà Lan, đã đến lúc CLB phải đi vào bề sâu. Câu lạc bộ phải là nơi nêu những cảnh báo, những hạn chế của các DN, mổ xẻ vấn đề theo từng nhóm ngành, bên cạnh những yếu kém chung. Các DN có thể tận dụng diễn đàn đó để trao đổi, học tập, giúp nhau thành công hơn. Đồng thời, các đại gia cũng có thể trao đổi, hợp tác với nhau để cùng đi ra bên ngoài cạnh tranh với DN nước ngoài.

"Các DN phải là quả đấm thép bằng thép thực của nền kinh tế, không chỉ là quả đấm lớn!".

Trong bối cảnh khủng hoảng, những anh lớn như 3 đại gia ô tô Mỹ còn đứng trước nguy cơ sụp, huống hồ là DN lớn Việt Nam chỉ ngang bằng với tầm DN vừa và nhỏ của thế giới, do đó, càng không thể chủ quan với cái lớn của mình. Thua lỗ là vấn đề lớn nhất cả DN hiện nay, mà thua lỗ là vấn đề của hiệu quả, gắn với năng suất lao động, trình độ quản lý, công nghệ, kỹ năng, không chỉ tiền thuế và doanh thu.

Đo chất lượng hay chỉ đo số lượng?

Cùng với vấn đề đặt ra cho DN, bản thân báo cáo xếp hạng cũng cần phải đổi mới chính mình. Nhìn vào thực tế "loạn giải thưởng" tới mức người được giải đường đường chính chính cũng bị mang tiếng lây vì tính chất giải thưởng, giống như sự lẫn lộn tiến sĩ giấy và tiến sĩ thật trong giáo dục, người làm báo cáo cũng phải nâng chất lượng, làm mạnh chính mình cùng với quá trình hỗ trợ DN làm mạnh.

Gắn với lợi ích sát sườn của DN là điều đảm bảo cho một bảng xếp hạng đứng vững. Danh sách Fortune500 có thể làm mưa làm gió, khuynh đảo thị trường thế giới, liệu danh sách VNR500 có thể làm được gì ở ngay thị trường Việt Nam và từng bước vươn ra bên ngoài?

Bà Chi Lan tư vấn, VNR500 cần phải bổ sung và hoàn thiện tiêu chí, đo chả chất lượng DN chứ không chỉ nhìn vào bề nổi. Nếu không, nguy cơ về "bệnh của Việt Nam": bệnh thành tích, quan tâm số lượng mà quên chất lượng cũng dễ biểu hiện trong chính bảng xếp hạng này. Đó không chỉ là bệnh của kinh tế vĩ mô mà còn là bệnh của các DN, bà Lan nhận xét.

Để tạo thế đứng trong lòng DN và uy tín cho bảng xếp hạng, VNR500 cần đưa ra các tiêu chí khiến cho DN phải tìm tới mình để tham khảo để cải thiện, nâng hiệu quả. Muốn thế, VNR 500 cần đo được điểm yếu và điểm mạnh, yếu do đâu, mạnh thế nào, để hỗ trợ DN xây dựng chiến lược phát triển cho mình.

Hiện nay, những chỉ số về chất lượng, hiệu quả: tỷ suất lợi nhuận, mức độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh… hầu như bị ẩn đi.

Làm hiển lộ được những chỉ số đó, VNR500 sẽ thành nguồn tư liệu tham khảo cho giới nghiên cứu và hoạch định chính sách để nhìn bức tranh thực của nền kinh tế qua sức khỏe của từng DN, để cân nhắc đầu tư và chi tiêu đồng vốn đầu tư, từ ngân sách cũng như các nguồn khác.

Trong thời điểm Việt Nam đang đòi hỏi quyết liệt về chất lượng, phê phán bệnh thành tích trong giáo dục và kinh tế, VNR500 cần đi bước tiên phong trong xu hướng nhằm vào chất lượng, nếu muốn phát triển về lâu dài. Bước khởi đầu sẽ khó khăn, nhưng cách làm hoàn toàn khả thi, chỉ cần nỗ lực mày mò. Những cản trở do sự thiếu minh bạch thông tin và sự e dè của DN sẽ tự nó gỡ bỏ cùng với uy tín của bảng xếp hạng. Văn hóa minh bạch, công khai về hiệu quả sẽ được hình thành từ những nỗ lực dò dẫm xếp hạng như vậy.
 

Bức tranh 500 DN lớn nhất trong nền kinh tế VN

Để vào bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất năm 2008, doanh thu của các DN khoảng 850 tỷ đồng trở lên (năm 2007, con số này là 670 tỷ đồng), chỉ vào hàng DN vừa và nhỏ của thế giới.

Chiếm lượng nhỏ trong hơn 150 ngàn DN, VNR500 đóng góp phần lớn GDP. Tổng doanh thu của các DN này chiếm hơn 1,5 lần GDP Việt Nam năm 2007.

50 DN lớn nhất trong nhóm này đóng góp 20% tổng doanh thu ngân sách năm 2007.

Trong 500 DN lớn nhất, hơn 50% là DNNN, 24% DN tư nhân, hơn 20% DN có vốn đầu tư nước ngoài.


  • Ngân Hạnh