Trang chủ » Tranh luận » Từ DN lớn trở thành DN trụ cột: Khó khăn nhiều chiều

Từ DN lớn trở thành DN trụ cột: Khó khăn nhiều chiều

Tác giả:

Với cơ chế kinh tế thời mở cửa, doanh nghiệp dân doanh đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình, dần trở thành trụ cột của kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn và cần có được sự trợ giúp của một chính sách tích cực – theo như báo cáo thường kỳ của VNR500

Hiện nay, có khoảng 300.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có 8.500 dự án FDI và trên 2.000 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2010, Việt Nam cần có thêm trên 200.000 doanh nghiệp tư nhân nữa được đăng ký hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp tư nhân cả nước lên xấp xỉ 500.000 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dân doanh ngày càng khẳng định được
vai trò trụ cột của mình đối với nền kinh tế
Ảnh: www.kls.vn

Không chỉ phát triển nhanh chóng về số lượng, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang có những tiến bộ đáng ghi nhận về hiệu quả và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và có sức cạnh tranh cao đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các ngành kinh tế quan trọng của đất nước, với các điển hình như công ty FPT, Thép Việt, Ngân hàng thương mại Á Châu, Ngân hàng Sacombank, tập đoàn Tôn Hoa Sen, Prime Group, Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn Hoà Phát…

Tuy nhiên, con đường phát triển xa hơn nữa của các doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn đương nhiên mà doanh nghiệp lớn của các nước đang phát triển đều gặp phải như vốn, nhân sự hay công nghệ, còn một khó khăn đặc thù ở Việt Nam, đó là nhận thức và quan điểm xã hội. Dư luận xã hội vẫn có nhiều bất lợi cho sự tự khẳng định của các doanh nghiệp tư nhân lớn. Về mặt quan điểm chính sách, liệu các doanh nghiệp tư nhân lớn có được khuyến khích trở các doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế hay không, khi mà mục tiêu chính sách vẫn là duy trì "vai trò chủ đạo" của kinh tế nhà nước?

Vai trò đã được định hình

Tại Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2007 – do Công ty Vietnam Report nghiên cứu dựa trên mô hình Fortune 500 của Hoa Kỳ, số lượng doanh nghiệp tư nhân có mặt là 103 doanh nghiệp, chiếm 21% tổng số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. VNR500 quy tụ hầu hết các doanh nghiệp thành công nhất của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, với các ngành nghề sản xuất kinh doanh đa dạng, từ sản xuất sắt thép, kim loại, buôn bán vàng bạc, kim loại quý đến các trung gian tài chính, ngân hàng, hóa mỹ phẩm, giày dép, dệt may…

Xét trên góc độ doanh thu, trong giai đoạn 3 năm từ 2005 – 2007, tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân trong tổng doanh thu các doanh nghiệp VNR500 đã có chiều hướng tăng nhẹ, từ 11% năm 2005 lên 13% năm 2007. Tỷ trọng lợi nhuận cũng thêm 3% trong hai năm gần đây. Trong năm 2007, các doanh nghiệp tư nhân trong VNR 500 đã đóng góp trực tiếp cho ngân sách trên 10.000 tỷ đồng và thu hút được hơn 100,000 lao động.

Như vậy, có thể thấy rằng, các DN tư nhân quy mô lớn đang dần khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của các DN tư nhân được xem là có quy mô lớn trong VNR 500 vẫn vào tăng trưởng GDP vẫn còn rất nhỏ. Trên thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế Nhà nước vẫn đang giữ vai trò là động lực của cả nền kinh tế khi mà đóng góp vào GDP của khu vực này vẫn tương đối cao, gần 40% trong nhiều năm qua. Chưa có một doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn nào có đóng góp vượt quá 5% cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Từ doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp trụ cột: Khó khăn nhiều chiều

Tuy nhiên, họ cũng gặp phải rất nhiều
khó khăn thách thức trên con đường
trở thành DN trụ cột của nền kinh tế
Ảnh: www.depressedchild.org

Như trên đã nói, mặc dù đã và đang khẳng định từng bước vai trò của mình trong cộng đồng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nhưng các DN tư nhân quy mô lớn cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức trên con đường trở thành DN trụ cột và đầu tàu của nền kinh tế.

Cản trở đầu tiên có lẽ là cản trở từ nhận thức của dư luận xã hội và của cơ quan quản lý đối với các doanh nghiệp tư nhân. Đó đây trong xã hội, vẫn còn có sự kỳ thị ác cảm đối với bọn "tư thương", bọn phe phẩy, và đặc biệt đối với các chủ doanh nghiệp lớn. Tâm lý "trọng nông ức thương" tuy đã phai nhạt nhiều, nhưng môi trường xã hội vẫn kỳ thị sự thể hiện nổi bật của các doanh nhân giầu có.

Ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước, tâm lý phân biệt "con nuôi, con đẻ", giành thuận lợi cho DNNN và giành khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân vẫn còn hiện diện. Các DN tư nhân quy mô lớn còn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ ngay những DNNN, các Tập đoàn và TCT lớn. Tình trạng độc quyền còn tồn tại trong một ngành kinh tế như bưu chính viễn thông, điện lực, hàng không, khoáng sản… vẫn đang tạo ra sự cản trở lớn đối với các DN tư nhân quy mô lớn nếu muốn tham gia vào các phân khúc thị trường này.

Trong bối cảnh tâm lý xã hội như vậy, hoài bão phát triển của nhiều chủ doanh nghiệp dần dần bị thui chột. Những bài học thất bại nặng nề và vướng vào vòng lao lý của một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong quá khứ cũng là một dấu hiệu cảnh tỉnh các chủ doanh nghiệp.Thay vì những mục tiêu hoài bão, đa phần các doanh nghiệp phải luôn vừa phát triển, vừa nghe ngóng. Tâm lý e ngại "nuôi lớn để thịt" của các chủ doanh nghiệp chưa hoàn toàn được loại bỏ.

Bên cạnh trở ngại về nhận thức, bài toán khó của các doanh nghiệp là bài toán về vốn. Tiếp cận nguồn vốn vẫn đang là vấn đề các DN “kêu” nhiều nhất trong suốt thời gian qua. Lãi suất cho vay của ngân hàng và một loạt các thủ tục hành chính cho vay đang là những rào cản chính đối với việc tiếp cận nguồn vốn vay của các DN tư nhân quy mô lớn trong VNR 500. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch phát triển kinh doanh của DN, bởi xét cho cùng, ngân hàng hiện vẫn là kênh huy động vốn chủ lực của DN, khi mà các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán vẫn chưa được DN “đặt cửa” cho hoạt động đi vay và huy động của mình.

Bên cạnh vấn đề vốn, DN tư nhân quy mô lớn trong VNR còn phải đối mặt với các khó khăn về lao động và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Biến động lao động trong thời gian qua, đặc biệt là biến động nhân sự cao cấp đặt ra cho doanh nghiệp nhiều thách thức. Trên thực tế, khi bước vào nền kinh tế thị trường, người lao động được quyền tự do thay đổi công việc để tìm được một công việc phù hợp và đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của mình.

Tuy vậy, việc thay đổi lao động làm cho doanh nghiệp, nhất là các DN tư nhân quy mô lớn sẽ phải đối mặt với việc phải bỏ ra chi phí và thời gian để đào tạo lại người lao động nếu không tìm được nhân sự thích hợp về kinh nghiệm và trình độ. Trong trường hợp có tìm được nhân sự đáp ứng kinh nghiệm và trình độ, DN sẽ lại phải giải quyết tốt vấn đề thu nhập và đãi ngộ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu biến động lao động diễn ra thường xuyên trong phạm vi doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển: cần sự trợ giúp về chính sách

Cần phải có sự trợ giúp về chính sách
để kích thích các doanh nghiệp tư nhân
phát triển hơn nữa
Ảnh: www1.istockphoto.com

Như vậy có thể nhận thấy rằng cùng với sự phát triển và hội nhập của toàn bộ nền kinh tế, các DN tư nhân quy mô lớn đã và đang khẳng định rõ nét vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào bộ mặt kinh tế chung của quốc gia. Tuy nhiên, khi quy mô doanh nghiệp ngày càng được mở rộng và phức tạp, sẽ nảy sinh một loạt vấn đề trong quản trị công ty, đường lối phát triển, chính sách ưu đãi của chính phủ, cơ chế giám sát…

Để một DN tư nhân lớn có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế và xã hội, thực sự trở thành những đầu tàu kinh tế, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ là quan trọng hơn bao giờ hết.

Liệu các DN tư nhân có “được phép” phát triển “qua mặt” các “đàn anh” là các DNNN, các Tập đoàn và TCT Nhà nước hay không? Và liệu các DN tư nhân có được trao nhiều cơ hội để phát triển thành các tập đoàn đa quốc gia có sức mạnh trong khu vực và trên thế giới hay không?

Vẫn biết rằng cơ hội một phần là do bản thân Doanh nghiệp tự tìm kiếm và tiếp nhận, nhưng vai trò của Chính phủ, của những nhà lập chính sách là vô cùng cần thiết để tạo hành lang “thông thoáng” cho khối DN tư nhân quy mô lớn phát triển. Khi nào giải quyết triệt để các bài toán về chính sách hỗ trợ phát triển, chính sách ưu đãi, nhân sự, quản trị công ty, độc quyền và cạnh tranh, lúc đó con đường trở thành doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế mới có thể rộng mở đối với các DN tư nhân lớn.

  • Lê Anh Đức