Trang chủ » Thế giới » Vượt bão để tìm cơ hội thăng hạng

Vượt bão để tìm cơ hội thăng hạng

Tác giả:

 – Ngày 17/7 mới diễn ra nhưng hiện tại Hội nghị VNR500 năm 2009 với chủ đề “Chiến lược quản trị tài chính – Tận dụng cơ hội sau suy thoái” tại TP.HCM đã thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp.

Trao đổi với VietNamNet trước thềm hội nghị, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) khẳng định, VNR500 Summit không chỉ là nơi để chia sẻ các bài học “vượt bão” từ thực tế, mà còn cung cấp cho doanh nghiệp (DN) dự báo về "thời tiết kinh doanh" trong ít nhất là 6 tháng tới.

Ông Vũ Đăng Vinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

– Xin ông cho biết những vấn đề chính sẽ được bàn thảo tại hội nghị VN500 sắp tới?

– Khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa biết đâu là “đáy”, nhưng bối cảnh của Việt Nam lại cho thấy đây chính là thời điểm thích hợp nhất để các DN tự làm mới mình và chủ động đón bắt các cơ hội.

Tôi muốn nhấn mạnh là có những cơ hội chỉ có thể tốt nhất hoặc chỉ có thể đến khi có khủng hoảng như tái cơ cấu, hoạch định lại chiến lược, mua bán sáp nhập doanh nghiệp…

Đơn giản là trong khủng hoảng, việc thay đổi và “cải tổ chính mình” bao giờ cũng diễn ra dễ dàng hơn, được sự hợp tác, ủng hộ từ nhiều phía cổ đông, kênh phân phối, người lao động…

Chưa kể, trong bối cảnh “thời tiết” kinh doanh thay đổi thì dù muốn hay không, DN cũng phải thay đổi cách chèo lái để có thể tiếp tục trụ vững và đi tới.

– Nhưng tại sao lại chỉ tập trung vào “Chiến lược quản trị tài chính” mà không phải là chủ đề khác, thưa ông?

– Khủng hoảng bắt nguồn từ vấn đề tài chính. Do đó, chúng tôi quyết định chọn chủ đề tài chính và nhận diện điểm yếu của DN từ góc độ tài chính.

Tôi cho rằng, khi đã nhận diện được điểm yếu, điểm mạnh, ban lãnh đạo mới có thể đưa ra những đối sách kinh doanh phù hợp với môi trường đang biến động, cũng như chớp được thời cơ tái cơ cấu, bảo đảm vị thế cạnh tranh trong trung hạn.

– Ông cho rằng, những cơ hội nào là hiển hiện nhất xuất hiện trong khủng hoảng?

– Tôi nghĩ là cơ hội luôn có, kể cả trong rủi ro, vấn đề là nhận diện và tận dụng ra sao để biến thành cơ hội. Đây là một trong những nội dung mà VNR500 Summit 2009 sẽ thảo luận rất kỹ.

Chẳng hạn, không phải ai cũng nhớ ra, thời điểm hiện tại đang là thị trường của người mua, là lúc có “hàng tốt giá mềm” nhất. DN có thể tận dụng lợi thế này để tiến hành mua bán sáp nhập (M&A). Đây là bước nhanh nhất để mở rộng thị trường thay vì đầu tư mới, đa dạng hóa kinh doanh mà không phải làm từ đầu.

Khủng hoảng cũng là cơ hội DN tự làm mới mình, tái cấu trúc để tập trung vào năng lực cốt lõi, hoạch định lại chiến lược…

Nhưng cơ hội chỉ có thể đến khi các DN chủ động xây dựng kế hoạch quản trị rủi ro. Đây là vấn đề còn khá mới ở Viêt Nam. Đó cũng là lý do các diễn giả của chúng tôi đều là những người đến từ “tâm bão” của khủng hoảng tài chính.

Câu chuyện của họ với những kinh nghiệm thất bại, cách họ vượt qua khó khăn hay nắm bắt cơ hội mới… đều là trải nghiệm thực sự và “nóng sốt”. Tôi tin rằng, DN nào cũng cần và học hỏi được nhiều từ những chia sẻ thực tế đó.

– Xin ông cho biết thêm về những người đến từ “tâm bão”?

– Họ đều là các chuyên gia kinh tế đến từ những ngân hàng, tổ chức tài chính như HSBC,  Standard Chartered, Ernst & Young… Những DN đã và đang phải trải qua khủng hoảng.

Ông Loic Faussier, Giám đốc Quản lý rủi ro – Ngân hàng HSBC Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm vượt bão và cách thức biến rủi ro thành cơ hội từ chính kinh nghiệm của HSBC. 

VNR500 Summit 2009 đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. (Ảnh: VNN)

Phó Tổng Giám đốc Bộ phận dịch vụ kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, Tom Chong, sẽ có bài thuyết trình về nhận diện cơ hội trong khủng hoảng hiện nay và những khuyến nghị cho các DN VN.

Ở góc độ toàn cảnh, ông Cheung Tai Hui, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered sẽ chia sẻ báo cáo nghiên cứu và dự báo về kinh tế Việt Nam và đưa ra những thử thách mà DN Việt Nam phải đối mặt giai đoạn 2009-2010.

Trong nước, T.S Lê Quang Bính, Vụ trưởng Vụ Kiểm toán, sẽ có chuyên đề sâu về kiểm toán nội bộ, làm sao quản trị tài chính nội bộ và nhận diện giúp cho ban lãnh đạo DN cơ hội trong khủng hoảng, cách cơ cấu nguồn tiền vào đâu cho hiệu quả…

– Được biết ngay trong hội nghị sẽ có một khảo sát về tác động khủng hoảng đối với DN Việt Nam. Mục đích của khảo sát đó là gì, thưa ông?

VNR500 Summit 2009 là một trong những hoạt động “offline” thường niên của CLB VNR500 bên cạnh các hoạt động “online” như gửi các bản tin, dự báo, phân tích về thời sự kinh doanh và từng ngành hàng chuyên biệt.

Sau 3 năm hoạt động, CLB VNR500 đã thu hút được 300 hội viên thuộc Top 500 DN lớn nhất Việt Nam.

200 đại biểu đến từ Top 500 DN đã đăng ký tham gia VNR 500 Summit 2009 ngày 17/7 tại khách sạn Caravel, TP.HCM.

– Đúng vậy, tuy hội thảo chỉ gói gọn một ngày, nhưng chúng tôi sẽ làm một khảo sát “nóng” tại chỗ để cập nhật tình hình thời sự về đời sống kinh doanh.

Họ đã vượt qua khủng hoảng thế nào trong 6 tháng qua và trong 6 tháng tới họ sẽ làm gì.

Các câu hỏi sẽ đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ trong tài chính, DN tập trung nhất vào vấn đề gì, quản trị hay đi tìm nguồn vốn, rồi có khó khăn về nhân lực, công tác lập kế hoạch ra sao khi môi trường kinh doanh thay đổi…

Ở góc độ vĩ mô, DN nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế và các kịch bản kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Kết quả sẽ được công bố ngay trong hội nghị nhằm cung cấp cho DN một bức tranh toàn cảnh về tình hình thời sự kinh doanh của cộng đồng.

Một khi DN nắm được “thời tiết kinh doanh” đang và sắp diễn ra như thế nào, họ sẽ dễ dàng hoạch định hướng đi hơn và dễ đi xa hơn trong các quyết định.

– Ông dự đoán khủng hoảng sẽ làm thay đổi thứ bậc trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay như thế nào?

– Dự kiến tháng 11 tới, chúng tôi sẽ công bố Top 500 DN lớn nhất năm 2009. Đây là hoạt động quan trọng nhất và được cộng đồng DN rất quan tâm.

Tôi cho rằng, năm nay bảng xếp hạng sẽ có biến động nhiều. Nhiều DN sẽ bứt phá do tận dụng được gói kích cầu, nhưng cũng sẽ có nhiều DN khó khăn.

Cụ thể, tôi cho rằng, thay đổi chủ yếu diễn ra ở các DN nhỏ và vừa và chủ yếu thuộc khối tư nhân. Còn những DN lớn có doanh số trên 300 tỷ thì biến động không nhiều.

– Xin cảm ơn ông!

  • Phan Hùng (thực hiện)