Trang chủ » Tranh luận » Chúng tôi không quyết định thứ hạng trong VNR500

Chúng tôi không quyết định thứ hạng trong VNR500

Tác giả:

“Chính những con số, dữ kiện về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ quyết định họ đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng VNR500, chứ không phải chúng tôi”.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, cho biết trong câu chuyện về “hậu trường” sau 3 năm thực hiện xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt nam (VNR500).

Ai cũng có “thẩm quyền giám khảo”

– Vụ scandal Vedan vừa qua đã khiến dư luận mất niềm tin vào các giải thưởng, danh hiệu doanh nghiệp. Ông có lo ngại việc công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) sắp tới sẽ bị cộng đồng doanh nghiệp thờ ơ hay hoài nghi hay không?

Qua vụ Vedan vừa qua, tôi cho rằng đó là tín hiệu tốt cho công tác trao giải thưởng và danh hiệu hiện nay. Thực tế, việc “xã hội hóa” lĩnh vực trao giải sẽ có lợi cho người tiêu dùng và xã hội.
Đầu tiên, VNR500 hoàn toàn không phải là một giải thưởng. Đây là một bảng xếp hạng doanh nghiệp theo độ lớn về doanh thu trong một năm. Chính những con số, dữ kiện về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ quyết định họ đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng VNR500, chứ không phải chúng tôi.
Thứ hai là, không chỉ kết quả mà cả các tiêu chí xếp hạng, quy trình đánh giá, các thông số liên quan… đều được công khai, minh bạch trên trang web của VNR500.
Độc giả, các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành và các doanh nghiệp có thứ hạng thấp hơn trong bảng xếp hạng nếu nghi ngờ đều có thể kiểm tra, so sánh, đối chiếu. Nói cách khác, bất cứ ai cũng có “thẩm quyền giám khảo” vì mọi quy trình đều được công khai, minh bạch hóa.
Thứ ba là, việc xếp hạng được diễn ra độc lập dựa trên các cuộc điều tra, nghiên cứu hàng năm của chúng tôi về các doanh nghiệp có quy mô lớn trên toàn quốc. Doanh nghiệp hoàn toàn không phải đóng bất cứ một khoản lệ phí nào để được tham gia xếp hạng. Ngay cả kết quả xếp hạng, doanh nghiệp cũng chỉ nhận được thông báo sau khi đã chính thức công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, Doanh nghiệp được đưa vào Bảng xếp hạng VNR500 hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng về đẳng cấp đã được xác nhận.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report
– “Làm giải thưởng, danh hiệu” đang là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Tại sao dư luận phải tin vào sự minh bạch, độc lập và hoàn toàn phi lợi nhuận của VNR500?

Việc xếp hạng doanh nghiệp là hoàn toàn miễn phí, cần phải đảm bảo sự độc lập và minh bạch để không ai có thể can thiệp vào kết quả.
Dĩ nhiên, VNR500 không phải là bảng xếp hạng ra để cho vui. Nhu cầu tìm kiếm thông tin đánh giá độc lập về doanh nghiệp rất nhiều. Ngay trên thị trường chứng khoán dù đã có các bản cáo bạch, nhưng nhiều bản cáo bạch rất khô khan và thiếu sự am hiểu thị trường. Hơn nữa, thông tin độc lập từ bên thứ ba vẫn vô cùng cần thiết.
Do vậy, VNR500 hướng tới cung cấp các dữ liệu tham khảo độc lập và bản cáo bạch độc lập cho các DN chuẩn bị niêm yết. Chúng tôi định vị sẽ tiệm cận và phát triển từ đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sau đó sẽ dần đi vào phân khúc tư vấn chuyên về pháp lý, nhân sự, tài chính.
Nói cách khác, khách hàng của VNR500 không phải là các doanh nghiệp được xếp hạng mà là những nhà đầu tư, đối tác có nhu cầu làm ăn với những doanh nghiệp đó.
Hiện 80% khách hàng của chúng tôi là đối tác nước ngoài như các nhà đầu tư, hay quỹ đầu tư… Tham khảo đánh giá độc lập từ bên thứ ba là một tập quán kinh doanh phổ biến trên thế giới.

– Hiện nay có ý kiến cho rằng có hiện tượng “lạm phát”các giải thưởng, danh hiệu. Ông có nghĩ điều đó sẽ khiến uy tín của VNR500 bị giảm sút lây?

Giải thưởng hay danh hiệu là sự biểu trưng ghi nhận giá trị cũng như những đóng góp của một cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức cho cộng đồng. Vì vậy, xét về mặt nào đó nó cũng bị hiện tượng “lạm phát” giống như đồng tiền nếu như ta “phát hành” quá nhiều.
Theo quan điểm của tôi, hãy để công chúng và thị trường tự xếp hạng, đánh giá các hoạt động trao giải thưởng và danh hiệu hiện nay. Suy cho cùng, cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp sẽ tự quyết định đến việc lựa chọn giải thưởng hay danh hiệu làm hình ảnh thể hiện giá trị của họ trước cộng đồng, cũng giống như “bàn tay vô hình” của thị trường tác động đến việc lựa chọn sử dụng đồng tiền thanh toán hay giá trị thanh toán trên các thị trường ngoại hối. Thực tế cho thấy, giải thưởng hay danh hiệu của doanh nghiệp nếu được đánh giá và thực hiện công tâm sẽ làm gia tăng tài sản thương hiệu cho doanh nghiệp.

Không phụ thuộc ý kiến doanh nghiệp

– VNR500 đến năm nay sẽ được 3 năm. Ông có thể cho biết sự phản ứng từ các doanh nghiệp, “đối tượng” được xếp hạng?

Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi không chỉ từ các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng mà cả những doanh nghiệp ngoài bảng xếp hạng. Nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc họ không có tên trong bảng xếp hạng, mặc dù họ làm ăn khá tốt và đã được trao nhiều giải thưởng khác nhau. Do vậy họ cho rằng việc xếp hạng là không chính xác.
Thực tế, đúng là có nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt và nhận được nhiều giải thưởng khác nhau và không được vào bảng xếp hạng. Bởi mỗi chương trình đều có cách đánh giá và tiêu chí khác nhau.
Qua nghiên cứu thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, dưới sự tư vấn của GS John Quelch, phó hiệu trường Kinh doanh Harvard, chúng tôi đã quyết định áp dụng mô hình Fortune 500, xếp hạng doanh nghiệp theo doanh số đạt được. Hơn nữa, chúng tôi cũng xếp hạng các doanh nghiệp trong VNR500 theo các tiêu chí khác như tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế, số lao động …để làm thông tin tham khảo.
Vẫn biết nếu chỉ dùng doanh thu, thì cũng chưa thể phản ánh chính xác được thứ hạng của các doanh nghiệp trong một nền kinh tế. Song, mô hình của Fortune 500 là một mô hình khá đơn giản và hiệu quả, rất phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là ở những nền kinh tế có hệ thống hạch toán khác biệt với Hoa Kỳ.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay theo chúng tôi doanh thu là chỉ tiêu đáng tin cậy nhất đo lường quy mô của doanh nghiệp tại Việt Nam, và phù hợp với thông lệ đánh giá doanh nghiệp trên thế giới.

– Các con số, dữ kiện hay cơ sở để đánh giá doanh nghiệp, các ông tập hợp từ nguồn nào? Việc đó có khó khăn không?

Chúng ta đang quá chú trọng đến các dữ liệu đánh giá doanh nghiệp thông qua việc thẩm định dựa trên các con số thống kê công bố từ các cơ quan chức năng hay từ các doanh nghiệp (thẩm định, đánh giá định lượng) mà bỏ qua việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu định tính, phỏng vấn người tiêu dùng…
Song hành với nguồn thông tin từ các cuộc điều tra, khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp, chúng tôi còn tham khảo các nguồn số liệu chính thức từ các cơ quan chức năng. Mặt khác, chúng tôi cũng tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn, điều tra nghiên cứu thị trường theo từng ngành để lấy thông tin đánh giá định tính và định lượng để thẩm định một cách độc lập.
Ngành dữ liệu doanh nghiệp của Việt Nam rất hạn chế vì nhiều doanh nghiệp không muốn công bố thông tin. Thông tin nếu có cũng thiếu đồng bộ. Ngay hệ thống tài chính kế toán của mình cũng không đồng nhất, nên khi tập hợp số liệu, chúng tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Hiện nay có nhiều công ty của Việt Nam đã biết sử dụng các dịch vụ nghiên cứu thị trường để đánh giá, xác định vị thế của mình trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh và thị trường và từ đó đưa ra các quyết sách hợp lý.

– Vậy đã có trường hợp nào doanh nghiệp đòi rút tên ra khỏi bảng xếp hạng không?

Có chứ. Năm đầu tiên chúng tôi công bố, cũng có một vài doanh nghiệp đòi rút khỏi bảng xếp hạng với lý do không muốn công bố thông tin. Đôi khi đó chỉ là tâm lý “sợ minh bạch” hay tâm lý ngại thừa nhận mình giầu đã ăn sâu vào một số doanh nhân Việt Nam.
Thực tế, sau khi tìm hiểu kỹ về mục đích, tiêu chí chương trình, nhiều doanh nghiệp đã ủng hợp và hợp tác với chúng tôi khá hiệu quả.

– Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh (thực hiện)