Trang chủ » Tranh luận » Giám đốc nhà nước – Giám đốc tư nhân

Giám đốc nhà nước – Giám đốc tư nhân

Tác giả:

Có hai điều khác nhau rất cơ bản giữa Doanh nghiệp Tư nhân và Doanh nghiệp Nhà nước: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh chạy vào túi Giám đốc. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì Giám đốc phải nộp toàn bộ lợi nhuận đó. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt sâu sắc của cùng một chức danh Giám đốc nhưng hai đối tượng: Tư nhân và Nhà nước.

Khi đặt chân vào bản doanh của các đại DNNN, nếu để ý quan sát ta sẽ thấy từ người bảo vệ, người giữ xe, người tiếp tân, cho đến công nhân viên, cán bộ, và cả khung cảnh chung quanh có cái gì đó trầm lắng, trang nghiêm đến đìu hiu. Hình như “cơn bão thương trường” ít quét qua đây thì phải!

DNTN thì hoàn toàn khác, chỉ cần có người khách xuất hiện là gặp sự đón tiếp vồn vã của mọi người. Những người làm việc trong DNTN ý thức rằng: khách hàng là người đem tiền đến, vì sự sống còn của bản thân và doanh nghiệp, mọi thành viên cùng có nghĩa vụ móc tiền ra khỏi túi khách hàng. Có lẽ vì vậy mà từng ngọn cỏ, cơn gió, hương hoa, cộng với ly nước mát cứ níu chân khách lại và… khách “bị dụ khị” lúc nào không hay!

…“Xin lỗi, vị Giám đốc Nhà nước đâu rồi?” – À, vị Giám đốc thường xuyên bị lịch vây kín, ông bận rộn lắm. Đầu tuần, ông họp trên Thành phố, giữa tuần, ông họp cấp Quận – Huyện, cuối tuần Ông còn phải đi dự mấy cái hội thảo, hội nghị của Trung Ương. Hội nghị, hội thảo về đề tài gì? – Về cải cách hành chính, cải cách tiền lương, đổi mới doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm…; đó là chưa kể ông phải theo học các lớp, như: bồi dưỡng lý luận, học Nghị quyết, học tại chức, nâng cao nghiệp vụ.. v.v… Khách nhủ: “Quả là Giám đốc Nhà nước bận rộn thật, tối mắt tối mũi đi chứ!”.
…“Còn chị là ai?”. Tôi là Giám đốc tư nhân! – “Trông chị có vẻ nhàn nhã quá, chị không có việc gì làm à?”. Dạ, tôi ít khi làm, tôi nghĩ là chính. Suy nghĩ chứ không phải là nghĩ ngợi lung tung. Thỉnh thoảng, tôi cũng lao vào làm đêm làm ngày với các cộng sự của mình, nhưng chỉ là những đợt cao điểm mang tính thời vụ, còn công việc chính của một Giám đốc tư nhân vẫn là định hướng chiến lược, phát triển công ty. Tôi phải tính trước một bước hoặc nhiều bước để mọi thành viên trong công ty liên tục có việc làm và làm đúng việc, đúng hướng. Ông bà mình dạy: một người tính bằng chín người làm, nếu Giám đốc mà chạy lăng xăng như gà kiếm ổ thì lấy ai mà tính?

… Và sau khi đi tìm, hai vị Giám đốc gặp được nhau:
Giám đốc Nhà nước tâm sự: Tôi đang có ý định xin thôi việc Nhà nước. – “Để làm gì?”. Tôi đi học để hệ thống lại kiến thức của mình và sau đó là đi dạy hoặc có thể sẽ đi làm thuê cho một Công ty liên doanh nào đó. Cuộc sống của tôi và gia đình không dư dả mấy, tôi lại không thể bán rẻ lương tâm, lợi dụng chức quyền, chiếm của công làm của tư, như một số Giám đốc Nhà nước hiện nay. – “Anh đã chuẩn bị đội ngũ kế thừa chưa mà nói chuyện nghỉ ngơi đơn giản vậy?”. Tôi đã chuẩn bị và đào tạo từ lâu rồi, nhưng quyền quyết định nhân sự kế thừa không phải ở tôi, mà là ở cấp khác. Biết sao được, tôi đã dốc hết tâm sức và dành hơn nửa đời người cho sự nghiệp chung, giờ thì phải chuẩn bị cho quãng đời còn lại của mình thôi chị ạ.

Tôi thì khác – Vị Giám đốc tư nhân nói – Kế hoạch năm tới công ty của tôi sẽ trở thành Công ty mẹ có nhiều Công ty con. Điều tôi lo lắng nhất là nhân sự, nhưng không sao. Tôi chỉ yêu cầu đội ngũ kế thừa có nền tảng phẩm chất và đạo đức tốt, còn thì tôi hoàn toàn có thể gởi họ đi đào tạo ở trong nước và cả nước ngoài. Riêng những người đã có sẵn kiến thức, chuyên môn và cái tâm tương hợp, tôi sẽ mời họ về Công ty, giữ họ với đồng lương hấp dẫn và tấm lòng trân trọng. Tôi đang nghĩ đến chuyện biến Công ty của tôi thành Công ty cổ phần và biếu cổ phiếu cho mọi thành viên để quyền lợi của họ gắn liền với sự phát triển của Công ty.

Chị Giám đốc tư nhân nói thêm: “Trước đây tôi hay phân bì, cùng hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng DNNN được Lãnh đạo Nhà nước xem là con ruột, cưng hết biết; còn DNTN thì bị đối xử giống như con ghẻ, tủi thân lắm…”. Bây giờ tôi ngộ ra một điều: “Giám đốc Nhà nước giống như thiếu gia nhà giàu: ăn, nói và làm theo khuôn khổ định sẵn của người bảo dưỡng”. Nuôi như thế thì lớn lên dễ bị “ghét gió kỵ mù sương” và cũng không loại trừ hệ tương lai của một số “thiếu gia” diễn biến xấu như “tối trăng thì đi ăn trộm, sáng trăng thì đi o mèo!”. Nếu là tôi bị nuôi trong hoàn cảnh đó, sớm muộn gì tôi cũng bỏ nhà đi bụi.

Câu chuyện của hai vị Giám đốc đậm tính bùi ngùi, chia sẻ, bịn rịn, tình thương mến thương; cảm động hết biết…
Cuối buổi nói chuyện, chị Giám đốc tư nhân đưa ông Giám đốc Nhà nước về nhà (của Ông) bằng xe của mình, vì hôm nay là ngày nghỉ, ông Giám đốc Nhà nước không có xe riêng.

Thế đấy!

  • Tạ Thị Ngọc Thảo