Trang chủ » Tranh luận » Sản xuất và môi trường – Cần cái nhìn chiến lược

Sản xuất và môi trường – Cần cái nhìn chiến lược

Tác giả:

 

Hội nghị hai tuần của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP) khai mạc hôm qua tại Copenhagen, Đan Mạch, được coi "bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". Hội nghị thu hút sự tham gia của 192 thành viên Liên hiệp quốc và đặc biệt có tới 105 nguyên thủ quốc gia.

Một hội nghị thu hút sự quan tâm của cả thế giới, chứng tỏ, vấn đề môi trường đã trở nên cấp thiết đến nhường nào. Hơn nữa, đó không chỉ còn là vấn đề, là trách nhiệm của những nước phát triển- những quốc gia đã đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế. Gìn giữ môi trường đã trở thành trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp và từng người dân. Bài học ở nhiều nước cho thấy, giá phải trả khi không áp dụng và thi hành luật môi trường về lâu dài sẽ là cao hơn nếu chỉ coi trọng phát triển phát sinh lợi nhuận trước mắt. Tác nhân thường lại không gánh chịu hậu quả mà là xã hội, người dân và thế hệ sau gánh chịu.

Tất nhiên, môi trường bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó, nguyên nhân chính yếu vẫn được xem là do sự phát triển của công nghiệp, mà cụ thể là quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Vì lợi nhuận tức thời, nhiều doanh nghiệp có thể bỏ qua vấn đề xử lý chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mọi góc độ khác nhau, việc đầu tư vào bảo vệ môi trường lại đem lại hiệu quả rất cao. Trước hết về thương hiệu.

Để xây dựng một thương hiệu mạnh, tạo lập được niềm tin trong lòng người tiêu dùng, doanh nghiệp cần cả một quá trình tích lũy lâu dài. Hơn nữa, giá trị của một thương hiệu và hình ảnh của thương hiệu qua sự nhận thức và cảm nhận của người tiêu dùng sẽ được tăng khi thương hiệu đó còn có những hoạt động xã hội. Do đó, trong xu hướng phát triển hiện đại, các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín đều gắn các sản phẩm, dịch vụ với danh hiệu “sản phẩm xanh”.

(Ảnh: electriccarsite)

                                                                                                 (Ảnh: electriccarsite)

Một công đôi việc, với việc sản xuất các “sản phẩm xanh”, doanh nghiệp vừa bảo vệ được môi trường, vừa khiến người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm chi phí mua sản phẩm. Ngược lại, có thể lấy vụ việc gần đây – Công ty Vedan Việt Nam – làm thí dụ. Trước khi xảy ra vụ việc “bức tử” sông Thị Vải, các sản phẩm của Vedan Việt Nam gần như thống lĩnh tại các gian bếp. Vụ việc xảy ra, ngoài những tác động xấu đến môi trường và phải ra “hầu tòa”, đã xảy ra một làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Vedan Việt Nam. Hậu quả, dù chưa có một con số chính thức về sự sụt giảm sản lượng, nhưng chắc chắn, trong thời gian qua, Vedan Việt Nam đã phải chịu thiệt hại không ít. Và đó cũng chính là cơ hội ngàn vàng đối với những đối thủ cạnh tranh của Vedan Việt Nam.

Ở góc độ lợi nhuận, so sánh chi phí đầu tư và lợi ích thu được từ việc đầu tư cho bảo vệ môi trường, các nghiên cứu về kinh tế cho thấy mặc dầu lúc ban đầu các doanh nghiệp bỏ ra một chi phí trong thời gian ngắn hạn nhưng lại có lợi ích dài hạn về sau cho cả nền kinh tế. Từ đó, lại ảnh hưởng tốt đến sự hoạt động của tất cả các doanh nghiệp. Hơn nữa, nhìn tổng thể, mỗi doanh nghiệp là một nhân tố góp phần hình thành nên xã hội, lợi nhuận của tổng các doanh nghiệp chính là lợi nhuận của cả xã hội. Do đó, nếu doanh nghiệp tìm được lợi nhuận trong khi giá trị xã hội, tài nguyên môi trường bị hao tổn thì thực chất, tổng lợi nhuận kia mang dấu âm đằng trước.
v.v…

Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều hướng tới cái đích lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận mà quên đi yếu tố môi trường thì hậu quả đối với chính doanh nghiệp sẽ là khôn lường. Để thu lợi trong dài hạn, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược. Trong đó, hai yếu tố sản xuất và bảo vệ môi trường phải phát triển song hành.

    • Diên Vỹ