Trang chủ » Thế giới » 8 bài học cho kinh tế Việt Nam

8 bài học cho kinh tế Việt Nam

Tác giả:




Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới đang qua đi, nhưng vẫn còn có dự báo cho rằng, có nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới. Ông David Tak-Kei Sun – Đồng Chủ tịch Công ty Ernst& Young khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần rút ra những bài học để tránh “vấp ngã”.

 

– Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì sau khủng hoảng?

 

Ông David Tak-Kei Sun: Chúng tôi cho rằng, có 8 bài học dành cho các doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng. Một là, các doanh nghiệp phải tập trung đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình, những thách thức đối với mô hình đang sử dụng. Từ đó, tìm ra mô hình mới hiệu quả hơn, khả năng sinh lời tốt hơn trong tương lai.

 

 

“Nền kinh tế Việt Nam có những nét tương đồng như Trung Quốc. Theo tôi, có 4 giai đoạn để nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn là: tái cấu trúc: các công ty Trung Quốc thường phải bỏ đi bộ phận hay mảng kinh doanh không hiệu quả, không sinh lời; sắp xếp lại thành doanh nghiệp mới; công bố về thông tin về doanh nghiệp mới gồm: hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty; thu hút vốn bằng cách tham gia vào thị trường chứng khoán, tham gia phát hành trái phiếu trên thị trường trong nước hoặc thị trường chứng khoán châu Á, Mỹ. Trải qua quá trình này các công ty Trung Quốc sau khi cổ phần hóa trở nên rất cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và quốc tế” – ông David Tak-Kei Sun nói.

 

Hai là, trong quá trình vận hành, doanh nghiệp phải linh hoạt điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh, nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh và nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi trên thị trường trong thời gian tới. Tiếp đến, họ cần tìm cách thu hút vốn đầu tư, xem xét lại chiến lược về thị trường cho phù hợp với điều kiện mới. Họ có thể mở rộng thị trường ở những địa điểm mới, hoặc chú ý vào những phân khúc khách hàng, sản phẩm dịch vụ tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đảm bảo để các chủ trương, kế hoạch chiến lược của công ty được thực hiện khẩn trương và quyết liệt. Khủng hoảng xảy ra rất nhanh nên cần thực hiện các quyết định một cách nhanh chóng hơn để tận dụng những cơ hội ngày càng hiếm, từ đó đưa ra những điều chỉnh khi mà tình hình phát triển theo hướng không có lợi cho doanh nghiệp.

 

Sáu là, các doanh nghiệp cần đánh giá lại cách đối phó với rủi ro như: rủi ro về thị trường, tín dụng, hợp đồng, đối tác… để xây dựng một cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Nguồn lực con người cũng cần được quan tâm sau khủng hoảng. Các công ty cần tiến hành các biện pháp để giữ chân cũng như thu hút thêm nhiều nhân tài mới bởi họ sẽ là người giải quyết được những vấn đề phức tạp của thị trường. Cuối cùng, các bên lợi ích liên quan phải minh bạch về thông tin để đảm bảo niềm tin cho các cổ đông và các hoạt động liên quan đến tương lai của doanh nghiệp.

 

Trong số các bài học cho doanh nghiệp sau khủng hoảng kể trên, bài học nào là quan trọng nhất, thưa ông?

 

Ông David Tak-Kei Sun: Việc rút ra bài học nào phụ thuộc vào từng nền kinh tế, từng ngành kinh doanh và bản thân mỗi công ty. Chẳng hạn, trong khủng hoảng, một số công ty tập trung hơn vào huy động vốn, một số công ty chú trọng hơn đến việc nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực, nhân tài.

 

Đối với Việt Nam, có 2 vấn đề cần phải nhấn mạnh đó là phải tăng cường tính sáng tạo đổi mới và phải thực hiện tất cả các kế hoạch đề ra một cách nhanh chóng, quyết liệt, phản ứng thật nhanh đối với những thay đổi của thị trường.

 

Vẫn có cảnh báo về một cuộc suy thoái mới đối với kinh tế thế giới, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Ông David Tak-Kei Sun: Có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguy cơ của cuộc suy thoái mới nhưng tôi cho rằng, các nước châu Á đang có sự hồi phục kinh tế tốt hơn các khu vực khác trên thế giới. Chính phủ các nước châu Á đã điều hành kinh tế ra khỏi suy thoái sớm hơn và đạt tốc độ GDP tốt hơn các khu vực còn lại nhờ các gói kích cầu, các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế nên kinh tế đang phục hồi khả quan. Việt Nam là một điển hình.

 

 

Theo An ninh Thủ đô