Trang chủ » Thế giới » Trung Quốc: “Bong bóng” bất động sản làm tăng giá hàng hoá

Trung Quốc: “Bong bóng” bất động sản làm tăng giá hàng hoá

Tác giả:

“Bong bóng” bất động sản sắp nổ tung ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác trên thế giới. Ngành xây dựng đang phát triển ồ ạt của Trung Quốc tạo ra nhu cầu lớn, khiến giá cả nhiều mặt hàng như nhôm, sắt và đồng đỏ tăng mạnh.

Tin liên quan:

>> Vì sao bong bóng Trung Quốc vẫn phì đại

>> Nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản Trung Quốc

Không có gì đáng ngạc nhiên, một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng hơn 2/3 đất nước Trung Quốc hy vọng “bong bóng” bất động sản sẽ sớm nổ tung. Nhiều người cho rằng chủ nghĩa tư bản do chính phủ kiểm soát của Trung Quốc còn lâu mới trở thành một nền kinh tế thị trường có khả năng tự điều chỉnh.

Hồi tháng Tư năm nay, giới lãnh đạo chính trị đã phản ứng khi họ cố gắng kiềm chế cơn sốt đầu cơ bằng cách chỉ dẫn các ngân hàng chấp nhận những khoản cho vay thế chấp ít hơn. Tại cùng thời điểm, khoản thanh toán tối thiếu bắt buộc khi mua những căn nhà lần thứ hai tăng lên 50%. Chính phủ cũng đang nghĩ đến việc trong tương lai sẽ đánh thuế chủ sở hữu nhà.

Nhưng những biện pháp này đều mạo hiểm. Bên cạnh hạn chế đầu cơ, những biện pháp này cũng làm cản trở phần còn lại của nền kinh tế. Ngành bất động sản chịu trách nhiệm về 20% vốn đầu tư cố định, có thể dẫn đến một hệ quả không mong muốn: Nếu Trung Quốc bắt đầu xây dựng ít nhà ở và chung cư hơn, các ngành công nghiệp khác như sắt, kính, xi măng có thể sẽ thừa công suất.

Một công trường xây dựng tại Trường Trị, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Sụp đổ hay hạ cánh mềm

Những người khét tiếng bi quan không phải là những người duy nhất vẽ nên những viễn cảnh này. Thậm chí Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây đã thừa nhận: “Với những giải pháp kinh tế vĩ mô, Trung Quốc đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn ngoài mong đợi". Những nguy cơ chủ yếu đã được phản ánh trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, nơi những tài sản của ngân hàng và bất động sản chiếm ¼ giá trị vốn hoá thị trường. Chỉ số chứng khoán giảm 27% trong nửa đầu năm nay.

Nhưng nguy cơ sụp đổ thị trường bất động sản Trung Quốc là không thể tránh khỏi, hoặc những nhà hoạch định kinh tế của nước này sẽ dẫn thị trường đến một cuộc hạ cánh mềm?

Ông Cao Jianhai của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh ví kinh tế Trung Quốc giống như “một núi lửa trước khi phun”. Tuy nhiên, ông không tin chính phủ của Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ để cho một cuộc sụp đổ xảy ra trước khi nhiệm kỳ này kết thúc vào năm 2012 – các chính quyền địa phương quá phụ thuộc vào sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Theo ông Cao, Bắc Kinh bằng mọi giá sẽ bơm tiền vào hệ thống tài chính và kích thích một đợt sóng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Nhưng trong hai năm nữa, “bong bóng” sẽ nổ tung, ông Cao nói, và sau đó nó phụ thuộc vào những người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để điều chỉnh tình hình. Ông còn tiên đoán, trong tình huống xấu nhất, sẽ xảy ra sự sụp đổ quy mô lớn đối với các ngân hàng đó. "Trong bốn nghìn tỉ nhân dân tệ của gói kích thích kinh tế Trung Quốc, thực tế là ba nghìn tỉ đến từ những chính quyền địa phương – và họ vay tiền từ các ngân hàng”.

"Bản sao" tháp Eiffel ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Nhiều người tiên đoán "bong bóng" bất động sản Trung Quốc sắp sửa nổ tung giống như "bong bóng" bất động sản Nhật Bản những năm 1980.(Ảnh: AFP)

Một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa?

Có một so sánh mang tính lịch sử thú vị đối với bong bóng mới của Trung Quốc. Với việc xây dựng nhiều quá mức, như những biệt thư xa hoa, những công viên vui chơi giải trí, và những sân golf, bong bóng bất động sản Trung Quốc sắp sửa nổ tung giống như bong bóng bất động sản ở Nhật Bản những năm 1980. Khi đó, bất động sản mà cung điện hoàng đế ở Tokyo chiếm lĩnh được cho là giá trị lớn ngang cả bang California – trên giấy.

Phải thừa nhận là, có nhiều khác biệt giữa đảo quốc lâu đời Nhật Bản và thị trường khổng lồ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, mỗi năm có hơn 10 triệu người di cư từ những khu vực nông thôn ra những thành phố lớn, thực tế, số lượng lớn người di cư làm tăng nhu cầu nhà ở. “Nhưng cuộc bùng nổ hiện tại không cho thấy nhu cầu thật sự”, ông Cao nói, “ Những công nhân di cư nghèo và không thể mua được những căn hộ mà phần lớn có giá quá đắt”.

Sau khi bong bóng vỡ tung, Nhật Bản đã gánh chịu cái được gọi là khủng hoảng kinh tế, theo sau là một thập kỷ khủng hoảng lần thứ hai. Ông Cao cũng tin rằng Trung Quốc sẽ trả một giá đắt cho sự phụ thuộc của họ vào sự bùng nổ bất động sản: “Kết quả là, sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc sẽ chậm lại 10 năm”.

Thùy Dương dịch từ Spiegel Online