Trang chủ » Thế giới » Mỹ: Các siêu tỉ phú cam kết dành nửa tài sản cho từ thiện

Mỹ: Các siêu tỉ phú cam kết dành nửa tài sản cho từ thiện

Tác giả:

Các siêu tỉ phú của Mỹ đã cùng nhau tham gia vào một động thái hào phóng chưa từng có trong lịch sử. Bốn mươi tỷ phú Mỹ đã ký cam kết dành ít nhất một nửa tài sản của mình để làm từ thiện theo một chiến dịch từ thiện được khởi xướng bởi Warren Buffett và Bill Gates.

Trong cam kết tập thể chưa từng thấy này, các nhân vật hàng đầu bao gồm cả thị trưởng New York Michael Bloomberg, người thừa kế khách sạn Hilton Barron Hilton, ông chủ CNN Ted Turner, đạo diễn Star Wars George Lucas đã ghi tên mình vào một sáng kiến có tên “cùng cam kết”, sáng kiến này được khởi động sáu tuần trước để khuyến khích các gia đình giàu nhất nước Mỹ ủng hộ tiền nhằm giải quyết các các vấn đề xã hội bức xúc nhất.

Cam kết này không phải là một hợp đồng ràng buộc pháp lý nhưng được mô tả như là một cam kết đạo đức. Lấy cảm hứng từ Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ từ thiện đã “bơm” hàng tỷ đôla vào việc chống lại bệnh tật ở các nước đang phát triển, cam kết này không quy định rõ bất kỳ lĩnh vực từ thiện đặc biệt nào nhưng là một tuyên bố mang tính nguyên tắc.

Buffett, nhà đầu tư chứng khoán lão luyện 79 tuổi có biệt danh nhà hiền triết Omaha, người nắm giữ 47 tỉ đôla tài sản, cho biết mục đích của cam kết này là để tạo áp lực số đông, khuyến khích các tỷ phú có động thái tích cực hơn đối với vấn đề từ thiện. "Chúng tôi đang hy vọng Mỹ, vốn đã là xã hội hào phóng nhất trên trái đất, nay sẽ còn trở nên rộng rãi hơn nữa trong tương lai," ông nói.

Để tăng cường tinh thần đồng đội, Buffett lên kế hoạch gặp gỡ tập thể các tỷ phú, khởi động bằng một loạt những buổi ăn tối cho 15-20 người tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ mùa thu này.

Trên danh nghĩa, tổng số tiền quyên góp được sẽ khổng lồ. Trong số những người cam kết góp tiền có cả ông trùm kinh doanh phần mềm Oracle Larry Ellison, với tài sản ước tính theo tạp chí Forbes là 28 tỉ đôla, chủ ngân hàng David Rockefeller (2,2 tỉ đôla), trùm dầu lửa Boone Pickens (1,1 tỉ đôla) và nhà tài phiệt chuyên góp vốn tư nhân Pete Peterson (2 tỉ đôla).

Bill và Melinda Gates với Warren Buffett (bên phải) quyết định dành phần lớn tài sản làm từ thiện (Ảnh: Spencer Platt/ Getty Images)

Ngoài ra trong danh sách còn có doanh nhân truyền thông Barry Diller và nhà thiết kế thời trang Diane von Furstenberg, vợ của ông. Một ông chủ của ngân hàng Citigroup trước đây, Sandy Weill, đã đăng ký tham gia, và cả bạn đồng nghiệp phố Wall của ông là David Rubenstein, người đồng sáng lập của tổ hợp góp vốn tư nhân Carlyle.

Nhiều người đang tò mò không biết có bao nhiêu khoản tiền mới được cam kết lần này, bởi có nhiều người cũng đã cam kết đóng góp cho các Quỹ từ thiện từ trước rồi.

"Tôi nghĩ điều đáng chú ý là rất nhiều người đã đồng ý công khai cam kết của họ", ông Stacy Palmer, biên tập viên của tờ Biên niên ký từ thiện tại Washington DC cho biết. "Nhưng tôi càng ngày càng tin rằng đây thực sự là một chương trình từ thiện thật sự khác biệt khi trong danh sách có những người hoàn toàn không ngờ là họ sẽ tham gia."

Buffett và Gates là người đánh trống khai mạc cho sáng kiến này bằng cách liên hệ với các tỷ phú, từng người một, yêu cầu họ vào ghi tên mình vào danh sách. Cho đến nay, khoảng một nửa số trong số 70-80 cá nhân được tiếp cận đã đồng ý quyên tiền, với một số con số đầy hứa hẹn ít nhất là hơn 50% của cải của họ.

Bloomberg, người đã tích lũy được 18 tỉ đôla thông qua đế chế truyền thông tài chính cùng tên, cho biết, sự giàu có đã đạt đến một điểm khi đó tỷ phú có quá nhiều tiền và họ chỉ đơn giản là không thể chi tiêu hết được. Không hợp lý lắm nếu để hết số tiền đó cho con cái, vì thế họ quyết định trở thành thành viên của CLB may mắn này”.

"Nếu bạn thực sự quan tâm đến gia đình của bạn, tốt nhất là làm gì đó để thế giới trở thành một nơi tốt hơn cho con cháu bạn, thay vì cho chúng tiền bạc", Bloomberg nói. Ông vốn là nhà từ thiện rất quan tâm tới các chiến dịch chống hút thuốc lá và an toàn đường bộ.

Một loạt những doanh nhân hàng đầu của Mỹ đã tham gia cam kết lần này bao gồm cả nhà tài phiệt xây dựng Eli Broad, cựu chủ tịch hãng điện tử Cisco John Morgridge và chủ quỹ phòng hộ Julian Robertson.

Những người vắng mặt đáng chú ý

Bốn trong số 10 người Mỹ giàu có là thành viên của triều đại Walton đã sáng lập ra cửa hàng bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart, nhưng không ai trong số những người thừa kế chuỗi cửa hàng này đăng ký tham gia cam kết. Không có những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, họ có tài sản lên tới 30 tỉ đôla thông qua việc kết hợp tìm kiếm Internet và quảng cáo.

Một số người hoài nghi về cách Gates và Buffett đang tạo ra một tầng lớp tinh hoa từ thiện công cộng nổi bật như vậy.

Pablo Eisenberg, một viên chức cao cấp của Viện Chính sách Công cộng Georgetown, tại Đại học Georgetown, Washington DC, cho biết các nhà tài trợ cực kỳ giàu có xu hướng quyên tiền cho giáo dục đại học, nghệ thuật và các chương trình y tế đã định hình, trong khi rất tí chú ý tới giảm nghèo, khuyết tật hoặc các cộng đồng thiểu số khó khăn. Tỷ phú nói chung đã quyên tiền cho các Quỹ được miễn thuế.

"Những Quỹ khổng lồ này, thường là những doanh nghiệp gia đình làm ăn hiệu quả nhưng không có trách nhiệm thuế má, đang ảnh hưởng không nhỏ lên các các ưu tiên chính sách công của đất nước", Eisenberg nói. "Tôi không chắc rằng họ không làm tốt việc đáp ứng nhu cầu của người cần trợ giúp hơn những nhà từ thiện khác."

Trang Thư dịch