Trang chủ » Điểm nóng » Bộ trưởng TT-TT: 5 giải pháp để quản game online

Bộ trưởng TT-TT: 5 giải pháp để quản game online

Tác giả:




Hà Phương (thực hiện)

(VNR500) – Trao đổi riêng với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp khẳng định: “Thế giới họ quản lý được game online thì mình làm được, thậm chí phải tự tin là mình làm tốt hơn họ”.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho biết, ngay trong tháng 8, Bộ sẽ áp dụng 5 nhóm giải pháp đồng bộ với 15 giải pháp cụ thể để hạn chế triệt để những mặt trái của game online.

Doanh nghiệp ủng hộ quản lý game online
Mạnh tay với game online: Cần đồng thuận hơn “cãi lý”
Game online: “Không thể thấy khó quản lý thì cấm”
Giãi bày của một chủ tiệm game
Không thể đổ hết mọi tội lỗi lên game online
Game online có thực sự là tội ác

Nóng vội là sai lầm

Trao đổi về quan điểm quản lý đối với lĩnh vực trò chơi trực tuyến, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nêu rõ: Mục tiêu quan trọng là phải chuyển đổi được nhận thức của cả xã hội, gia đình, doanh nghiệp và cơ quan quản lý về game online để nhận thức được đúng đắn mặt tốt – xấu của loại hình giải trí này.

Phải phân tích được mặt lợi – hại. Mặt nào có lợi là chúng ta phải phát huy tối đa, nhược điểm thì phải khắc phục triệt để. Đó là việc của quản lý!” – Bộ trưởng Hợp nói.

Theo Bộ trưởng, thế giới nhiều quốc gia đã thành công trong việc quản lý trò chơi trực tuyến thì Việt Nam cũng sẽ làm được. “Việt Nam đã hội nhập, đã là thành viên của thế giới, họ có gì, mình phải có đó. Họ quản lý được game online thì mình cũng làm được, thậm chí phải tự tin là mình làm tốt hơn họ”.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng lưu ý: “Không chỉ với game online, bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự bình tĩnh trong quản lý. Nóng vội thường đi với sai lầm”.

http://vnr500.vietnamnet.vn/dataimages/image/Bo-truong-Le-Doan-Hop_jpgdep.jpg
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp

Theo phân tích của Bộ trưởng, mọi vấn đề trong xã hội đều có tính 2 mặt, trò chơi trực tuyến cũng vậy, có 4 cái lợi: Là trò chơi giải trí tiêu khiển bằng trí tuệ và công nghệ; Giúp kích thích phát triển trí não trẻ thơ; Mở rộng tầm nhìn cho trẻ (nếu nội dung trò chơi tốt); Giúp giữ trẻ ở trong nhà, không bị ảnh hưởng tiêu cực trên đường phố và ngoài xã hội.

Tuy nhiên, có 3 cái không tốt của trò chơi trực tuyến phải kiên quyết khắc phục bằng cách quản người chơi, quản giờ chơi và quản lý nội dung chơi. Vì trò chơi trực tuyến dễ gây “nghiện” với trẻ thơ và khi nghiện thì không làm chủ được thời gian, ảnh hưởng đến công việc, đến học tập, đến sức khỏe…

 

Hai là phải trả tiền để chơi, trẻ không có tiền dễ sinh ra trộm cắp, móc túi, thậm chí là cướp giật… Nếu nội dung chơi không tốt sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của người chơi.

Vì lợi ích cộng đồng

Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ra quyết định yêu cầu cơ quan cấp phép của Bộ và các doanh nghiệp phải thực hiện ngay ba giải pháp tình thế trong tháng 8 để bảo vệ số đông trẻ em và người dân, đó là: Tạm dừng cấp phép Trò chơi trực tuyến để rà soát lại cơ chế, chính sách, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Sau đó xây dựng chủ trương mới.

Khóa đường truyền đến các đại lý Internet ngay sau giờ đóng cửa do chính quyền địa phương quy định từ 23h đêm đến 6h sáng. Các đối tượng khác như cơ quan, doanh nghiệp, gia đình… không thuộc diện này.

Thực ra đây không phải là giải pháp mới, bản chất là thực thi quy định đã có trong Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Nghị định 97 đã giao các địa phương quy định giờ đóng cửa các đại lý Internet (từ 23h đêm đến 6h sáng) nhưng các đại lý không tự giác thực hiện, buộc các cơ quan hành chính nhà nước phải triển khai thêm biện pháp kỹ thuật để thực thi.

Cấm quảng cáo trò chơi trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng

Đồng thời với  các giải pháp tình thế, Bộ sẽ triển khai 3 giải pháp cần thiết: Thay thế Thông tư số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về việc Quản lý trò chơi trực tuyến bằng 1 quyết định pháp lý cao hơn của Chính phủ. Hiện nay Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trò chơi trực tuyến trong tháng 6/2010. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo cần bổ sung thêm phần quản lý trò chơi không trực tuyến do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quản lý.

Vì vậy hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung thêm phần quản lý trò chơi không trực tuyến, hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo này trong tháng 8/2010.

Chỉ đạo sản xuất các chương trình trò chơi thuần Việt, kết hợp giải trí với giáo dục, quảng bá truyền thống lịch sử văn  hóa dân tộc, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Nâng nhận thức để hành động đúng, chuyển nhận thức toàn xã hội để hành động đồng bộ hơn.


Sẽ tham mưu để có Luật an toàn thông tin trên mạng

Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ triển khai ba giải pháp cơ bản để hoàn thiện khung pháp lý, đó là: Đề xuất với Chính phủ để trình lên Quốc hội cho xây dựng Luật an toàn thông tin trên mạng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quản lý vì Trò chơi trực tuyến vốn là một vấn đề xã hội mới mang tính toàn cầu.

Lập cơ quan chuyên trách để lo an toàn thông tin trên mạng bằng việc thành lập Cục an toàn thông tin để đủ cơ sở pháp lý “lo” vấn đề an ninh trên mạng.

Tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng. Mới đây Việt Nam vừa trở thành thành viên thứ 42 tham gia sáng kiến hợp tác về an toàn thông tin của Liên minh viễn thông thế giới – ITU với Nhóm đối tác đa phương quốc tế về chống các nguy cơ mạng – IMPACT, tổ chức này giúp chia xẻ kinh nghiệm và hợp tác để ngăn chặn các thông tin độc hại trên mạng Internet, qua đó tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật quản lý bảo vệ trẻ em truy cập Internet để có thể áp dụng ngay từ năm 2011.

Ba trọng điểm thanh kiểm tra, Bộ sẽ làm quyết liệt hơn, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trọng điểm thứ nhất là thanh kiểm tra việc thực hiện các giấy phép Trò chơi trực tuyến đã được cấp. Nếu doanh nghiệp triển khai tốt thì duy trì, nếu không tốt thì rút giấy phép theo cơ chế 2 thẻ vàng 1 thẻ đỏ.

Thanh tra các cơ sở sản xuất Trò chơi trực tuyến, nếu sản xuất trò chơi bạo lực, kích dâm, cờ bạc sẽ bị thu hồi thậm chí rút giấy phép hoạt động.

Kiểm tra đại lý Internet, Bộ sẽ chỉ đạo Sở TTTT các địa phương đồng hành kiểm tra các đại lý, tập trung kiểm tra, xử lý những đại lý có dấu hiệu hoạt động không tốt.

Gia đình không thể đứng ngoài cuộc

Bộ trưởng đề cập đến ba trách nhiệm phối hợp hành động đó là trách nhiệm của các Bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và gia đình – đoàn thể. Trong đó, Bộ trưởng khẳng định: Gia đình không thể đứng ngoài cuộc trong việc giáo dục và quản lý trẻ em.

Trước hết, cần có sự phối hợp của 5 Bộ, ngành, trong đó, Bộ TTTT chịu trách nhiệm 4 việc: Hoàn chỉnh thể chế đủ để hành động; công nghệ và kỹ thuật để ngăn chặn; chỉ đạo sản xuất Trò chơi trực tuyến lành mạnh; chỉ đạo các Sở cùng UBND các cấp tăng cường thanh kiểm tra.

Bộ Công an chịu trách nhiệm ngăn chặn đường truyền từ máy chủ đặt tại nước ngoài đưa nội dung không lành mạnh vào Việt Nam.

 

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch kiểm tra băng đĩa trôi nổi trên thị trường.

 

Bộ Công Thương ngăn chặn các băng đĩa có nội dung xấu nhập lậu từ bên ngoài vào Việt Nam qua đường bộ, đường biển, đường không, đường du lịch…

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn bộ đường truyền vào trường học và máy tính trong Ký túc xá.

 

Trách nhiệm phối hợp thứ 2 là chính quyền 3 cấp: tỉnh, huyện, xã phải tăng cường kiểm tra đại lý. Đại lý nào tốt cho hoạt động, đại lý nào không tốt cảnh cáo, cần thiết phải rút giấy phép.

 

Trách nhiệm thứ 3 là gia đình và các đoàn thể phải giáo dục con em, phải lên lịch hàng ngày và quản lý theo lịch (giờ học, giờ nghỉ, giờ thể thao và giờ giải trí..)