Trang chủ » Điểm nóng » Chúng ta đã từng “sợ” internet như game online

Chúng ta đã từng “sợ” internet như game online

Tác giả:

Cao Nhật

(VNR500) – “Rõ ràng, đó là những thành tựu của nhân loại, mình lẩn tránh hay cấm đoán là không nên” – GS. TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm về quản lý internet và game online.

“Game online không sinh ra để hủy hoại tuổi trẻ!”
Bộ trưởng TT-TT: 5 “vòng kim cô” để quản game online
Doanh nghiệp ủng hộ quản lý game online
Mạnh tay với game online: Cần đồng thuận hơn “cãi lý”
Game online: “Không thể thấy khó quản lý thì cấm”
Game online có thực sự là tội ác

Đừng nghĩ tuyên bố cấm là mọi chuyện tốt đẹp

Ông Đào Trọng Thi nói: “Game online nói riêng cũng như internet nói chung có cả phần tích cực và tiêu cực, nhưng tôi cho tích cực là chính, vì vậy khi giải quyết vấn đề này phải quan làm sao hạn chế được tiêu cực nhưng mặt khác phải phát huy được những tích cực của nó”.

Điều này theo ông Thi là không dễ làm, tuy nhiên “rõ ràng, đó là những thành tựu của nhân loại, mình lẩn tránh hay cấm đoán là không nên. Nếu là giải pháp lâu dài thì không nên dùng biện pháp hành chính hạn chế, cấm đoán”.

Ông Đào Trọng Thi đánh giá, game online cũng mang lại nhiều tác động tích cực, đặc biệt là cho năng lực sử dụng CNTT của giới trẻ tốt lên.

Ông lưu ý: “Chính chúng ta có một thời rất sợ internet. Mà thế hệ người nhiều tuổi hiện nay không biết sử dụng internet cũng là một điều đáng tiếc, trong khi điều này hiện nay lại là một thế mạnh của giới trẻ”.


GS.TSKH Đào Trọng Thi (ảnh Cao Nhật)

Hơn nữa, ông Thi cho rằng, bây giờ chúng ta muốn cấm thì cũng khó, bởi thực tế vẫn có rất nhiều game lậu.

Đừng nghĩ tuyên bố cấm một cái là mọi chuyện tốt đẹp, là ngăn chặn được hết. Phải nói rằng những biện pháp quản lý hành chính cấm đoán là những giải pháp dễ nhất. Tuy đó chỉ là giải pháp là tình thế nhưng trong từng thời điểm, phải cân nhắc kỹ để không cản trở mặt tốt mà hạn chế được mặt tiêu cực”.

Cho rằng những hành vi bạo lực hiện nay trong giới trẻ không chỉ có nguyên nhân từ game online, nhưng Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nhắc nhở: “Tuy vậy, tôi nghĩ game online cũng là một lý do quan trọng”.

Giải pháp quản lý ở một số nước phát triển thường thiên về mặt kỹ thuật và xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp. “Các nước phát triển họ không quản lý bùng nhùng như của chúng ta. Theo tôi, hướng giải quyết cho vấn đề này là mình phải có cách quản lý định hướng sao cho các nhà cung cấp game online làm ra những game vừa hấp dẫn lại vừa tích cực, lành mạnh hơn cho giới trẻ”.

Vắng sân chơi cho trẻ

Để cho giới trẻ đừng quá mê mệt vào game thì mình phải có những hình thức giải trí khác về cả tinh thần và thể chất. Phải thừa nhận là sân chơi cho trẻ đang rất thiếu” – ông Thi nói.

Ông Lương Phan Cừ (ảnh C.N)

Cũng đồng quan điểm với Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta hiện đang thiếu sân chơi cho trẻ em, tôi cho đó là một nguyên nhân hết sức lớn mà chúng ta cần quan tâm”.

Ông Cừ nhìn nhận: “Chúng ta cần phải có những đánh giá khách quan, không thể đổ lỗi hết những hành vi bạo lực của trẻ cho game online. Nó là tổng hòa, trong đó trách nhiệm nhà trường cũng có, trách nhiệm xã hội cũng có và trách nhiệm gia đình cũng có. Xã hội tạo môi trường cho các em có những sân chơi đa dạng cho các em thì nó sẽ khác”.

Trẻ em cần phải được giáo dục, phát triển một cách toàn diện, cả trí não và thể chất. Phải có nhiều sân chơi thì các em mới có nhiều cơ hội được phát triển toàn diện.

Vì vậy, “phải tạo được một sân chơi cân bằng cho trẻ em thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề, chúng ta đừng có đổ lỗi hoàn toàn cho game online, bởi trong game cũng có nhiều tác dụng về giáo dục, giải trí chứ không phải không” – ông Cừ đề xuất .

Đã có nhiều bài học về “CẤM”

Nói về quan điểm quản lý game online, Phó Chủ nhiệm Lương Phan Cừ nhấn mạnh: “Quản lý phải khách quan và có chiều sâu của nó, chúng ta lâu nay trong quản lý cứ cái gì thấy khó quản lý thì bắt đầu cấm… Trước đây chúng ta cũng đổ lỗi cho karaoke chẳng hạn. Nó chẳng có tội gì cả và tôi nghĩ game online cũng vậy.

Game online cũng có cái tốt, cái chưa tốt, chúng ta phải thừa nhận điều đó nên các cơ quan quản lý cần tìm cách hạn chế được mặt tiêu cực và phát huy được những mặt tích cực“.

Phải có giải pháp quản lý game online chứ không bỏ lỏng được, nhưng cũng đừng quản lý theo cách hành chính quan liêu, phải nghĩ cách khoa học hợp lý. Từ trong thời kỳ bao cấp, bao nhiêu cái chúng ta sợ không quản lý được nên cứ cấm hết. Cách làm này thường không thành công, chúng ta có nhiều bài học rồi” – ông Cừ nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Lương Phan Cừ nêu giải pháp: Cần định hướng cho các nhà cung cấp game online trong nước bằng cách đặt ra tiêu chí, yêu cầu về các sản phẩm trò chơi trực tuyến và kiểm soát qua những nội dung đó./.