Trang chủ » Điểm nóng » Việt Nam không thiếu gạo

Việt Nam không thiếu gạo

Tác giả:

Huỳnh Ngọc (tổng hợp)

Từ nay tới cuối năm, mỗi tháng nước ta đều có từ 300.000 – 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Cộng thêm lượng tồn kho của các doanh nghiệp là trên một triệu tấn, Việt Nam không thiếu gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

TIN LIÊN QUAN

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên tại cuộc họp báo về việc điều hành xuất khẩu gạo, diễn ra ngày 10/8. Ông Biên cũng cho biết, việc Trung Quốc nhập khẩu gạo qua tiểu ngạch không có gì bất ngờ và nằm trong kiểm soát của Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Gần đây, một số báo chí cho biết, do ảnh hưởng của lũ lụt, chỉ trong tháng 7, Trung Quốc đã thu mua tới 600.000 tấn gạo của Việt Nam. Không ít người dân đã lo ngại rằng giá gạo trong nước sẽ lại “sốt” như đã từng xảy ra vào năm 2008.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, con số 600.000 tấn gạo phía Trung Quốc thu mua của Việt Nam, là chưa chính xác. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong bổ sung, “con số này là các doanh nghiệp đã thu mua từ tháng 4 đến tháng 7”.

Mô tả ảnh.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: SGTT)

Ông Phong cũng khẳng định: "Không có cơ sở để nói Việt Nam thiếu gạo". Theo ông Phong, giá gạo bán lẻ tại phía Nam có tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg trong hai ngày qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước tin đồn thất thiệt trên thị trường.

Hiệp hội đã chỉ đạo các công ty lương thực bán gạo với số lượng không hạn chế, mức giá không thay đổi so với trước đây; đồng thời cũng đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết.

Hiệp hội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên đảm bảo lượng gạo dự trữ để bình ổn thị trường, không để biến động giá, nhất là tại các đô thị lớn. Hiện lượng gạo trong kho của hai Tổng công ty Lương thực và các doanh nghiệp thành viên là gần 1,4 triệu tấn, trong khi sản lượng lúa cả năm dự kiến tương đương, thậm chí vượt năm ngoái nên sẽ không có đột biến ở thị trường trong nước.

Giá lúa thu mua ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng khá nhanh, loại thấp cấp ở mức 4.100 – 4.200 đồng/kg; loại tốt từ 4.500 – 4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao từ 5.200 – 5.500 đồng/kg. Trong khi đó, các tỉnh khu vực này cơ bản đã thu hoạch xong lúa hè thu, hiện chỉ còn khoảng 350.000/1,6 triệu ha chưa thu hoạch.

Theo ông Biên, lý do giá thu mua lúa gạo tăng là vì Việt Nam vừa qua đã đàm phán được hợp đồng xuất khẩu gạo với Chính phủ Bangladesh. Lượng gạo đã ký được lên tới 220.000 tấn, chứ không phải là do Trung Quốc đẩy mạnh việc mua vào.

Ông Phong khẳng định, ngay từ đầu năm, tổ điều hành xuất khẩu gạo đã dự báo nhu cầu thu mua gạo từ Việt Nam của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng, do 5 tỉnh phía Nam của nước này bị hạn nặng, có tỉnh 300 ngày không qua không có một hạt mưa. Mới đây, nhiều tỉnh lại phải đối mặt với lũ lụt… Tuy vậy, về cơ bản Trung Quốc cũng không thiếu gạo, việc nhập khẩu chỉ là tiết kiệm chi phí vận chuyển gạo từ phía bắc xuống phía Nam.

Theo ông, đến nay hợp đồng xuất khẩu đã ký là 6 triệu tấn, đã giao 4,13 triệu tấn gao, đạt giá trị hơn 2 tỷ USD. Với sản lượng dự báo của Bộ NN&PTNT nói trên, cộng với lượng gạo tồn kho thì lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khá cao. VFA đang điều hành ở mức 6 triệu tấn cả năm và sẽ xem xét linh hoạt để tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc dự tính, sản lượng lương thực cả năm ước đạt 39 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường trong nước và đảm bảo kế hoạch xuất khẩu ban đầu là 6 triệu tấn gạo. Trong tháng 8 này các tỉnh miền Nam sẽ tiếp tục thu hoạch khoảng 400.000 ha lúa hè thu. Sang tháng 9, các tỉnh miền Bắc lại bắt đầu thu hoạch lúa hè thu…

“Từ nay đến cuối năm, tháng nào chúng ta cũng có từ 300.0000 – 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Như vậy, lượng gạo hàng hóa bổ sung lượng cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là khá dồi dào”, ông Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, với lượng tiêu dùng trong nước được dự báo không có đột biến, cộng thêm với việc bảy tháng đầu năm các doanh nghiệp đã tranh thủ mức giá thấp nhập khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì để phục vụ nhu cầu trong nước, thì nước ta không thiếu gạo phục vụ cho cả tiêu dùng nội địa cũng như kế hoạch xuất khẩu khoảng sáu triệu tấn gạo trong 2010.