Trang chủ » Tranh luận » Tiếp câu chuyện truyền hình bóng đá: Chưa hết rào cản

Tiếp câu chuyện truyền hình bóng đá: Chưa hết rào cản

Tác giả:

Thuận Hải (Tổng hợp)

Tin vui đến với người hâm mộ bóng đá VN là vài ngày trước khi giải Ngoại hạng Anh chính thức khởi tranh, K+ đã thỏa thuận gần như xong xuôi với một số đài về việc chia sẻ tiếp sóng.

TIN LIÊN QUAN

Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, K+ và các đối tác đã ngồi lại với nhau để thống nhất một lần nữa các điều kiện hợp tác. Cho đến thời điểm hiện tại, điều kiện về kinh doanh đã được hoàn tất. Nghĩa là K+ và các đài đã thỏa thuận được với nhau về điều kiện thương mại theo phương thức “hai bên cùng có lợi”.

Còn điều kiện về kỹ thuật, các bên cần phải bàn thêm nhưng nguồn tin cho hay, chắc hẳn mọi việc sẽ ổn thỏa để các đài kịp phát sóng giải Ngoại hạng Anh đúng vào ngày 14/8. Cũng chính vì quá trình đàm phán đang gần đi đến hồi kết nên lãnh đạo K+ chưa đồng ý phát ngôn về vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Thêm tin vui cho người hâm mộ bóng đá.

Nhà cung cấp bản quyền MP&Silva đã có công văn cho phép K+ được hợp tác với các đài tại VN. Tuy nhiên, các đài này bắt buộc phải thỏa mãn những yêu cầu về phương diện kỹ thuật thì mới được K+ chia sẻ việc tiếp sóng. Cho đến hết ngày hôm qua, K+ đã làm việc với HTVC (Đài truyền hình TP.HCM), SCTV và FPT (điện thoại).

Những đơn vị này sẽ phát tất cả các gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh mà K+ có, bao gồm cả gói ngày Chủ nhật (Super Sunday). Hệ thống IPTV của Vinaphone là My Tivi do không tương thích về kỹ thuật nên không thể hợp tác cùng K+. Tương tự, Bóng đá TV, Thể thao TV và HTV Hà Nội cũng không được phát sóng gói ngày Chủ nhật mà chỉ phát ngày thứ bảy và các ngày khác theo đúng hợp đồng mà VCTV đã ký với MP&Silva.

Như vậy, sẽ có thêm một số người hâm mộ bóng đá Việt Nam có được cơ hội xem đầy đủ giải bóng đá ngoại hạng Anh mà không phải mua thiết bị và thuê bao kênh K+. Đây là tin vui cho thêm một số khán giả nhờ sự vào cuộc của công luận và sự can thiệp kịp thời, kiên quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhưng, có một lượng khán giả, tuy không chiếm số đông nhưng lại là những vị khách đáng để cho chúng ta phải quan tâm vì họ là những du khách quốc tế và cả những người nước ngoài đang làm ăn và sinh sống tại Việt Nam sẽ chỉ được xem giải Ngoại hạng Anh “vô tiếng hữu hình”. Và sự bất bình của những khán giả này sẽ mang hình ảnh một nước Việt Nam đang chủ động tích cực hội nhập với thế giới.

Theo Tamnhin.net, một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết sắp tới “Đại lễ 1000 năm Thăng Long”, công ty đã đầu tư nhiều đầu thu K+ để lắp cho các phòng nghỉ VIP phục vụ nhu cầu khách nước ngoài đến viếng thăm Hà Nội nhưng vẫn xem được những trận cầu của giải Ngoại hạng Anh, sau khi lắp đặt xong công ty mới tá hỏa vì sắp tới khách VIP nước ngoài chỉ có thể thưởng thức Giải ngoại hạng Anh bằng … tiếng Việt.

Gọi điện thoại đến 19001592- Tổng đài chăm sóc khách hàng của K+ thì được biết: “Khác với những năm trước khán giả có thể thưởng thức Giải ngoại hạng bằng hai ngôn ngữ: Tiếng Việt qua kênh thể thao VCTV3 của Truyền hình cáp và kênh thể thao của VTC; Tiếng Anh qua kênh thể thao quốc tế ESPN và Star Sport thì hiện nay truyền hình K+ sẽ cung cấp cho khán giả giải Ngoại hạng Anh hoàn toàn bằng tiếng Việt.”

Cách đây vài ngày, khi 2 kênh truyền hình Star Sport và ESPN công bố lịch phát sóng Giải ngoại hạng Anh ở Việt Nam, K+ đã lên tiếng phản pháo buộc 2 kênh truyền hình trên phải gỡ bỏ lịch phát sóng khỏi trang web chính thức của họ. Nếu 2 kênh truyền hình nước ngoài này được phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam thì phần lớn người tiêu dùng sẽ chấp nhận xem Giải ngoại hạng bằng tiếng Anh thay vì dùng sản phẩm của K+ là được xem giải Ngoại hạng bằng Tiếng Việt mà phải trả phí quá cao, vì lợi ích K+ phải lên tiếng.

Việc loại 2 kênh truyền hình nước ngoài khỏi cuộc chơi cũng đồng nghĩa với việc K+ không thể tiếp sóng giải Ngoại hạng Anh của 2 kênh đó và cũng đồng nghĩa luôn với việc K+ sẽ không phát sóng giải Ngoại hạng Anh bằng Tiếng Anh.

Trong tương lai K+ có thể thành lập thêm 1 kênh mới, mời bình luận viên nước ngoài về. Tuy nhiên, phương án này có chi phí rất tốn kém và lãng phí, hiện tại K+ chỉ có thể cung cấp sản phẩm về ngôn ngữ có chất lượng bằng một nửa của sản phẩm năm trước. Những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam dù có trong tay đầu thu K+ thì cũng phải đành ngậm ngùi xem giải Ngoại hạng Anh qua internet.

Truyền hình trả tiền đang là chiếc bánh ngon, trong đó giải Ngoại hạng Anh là miếng bánh hấp dẫn nhất mà các nhà đài đang tranh giành. Hiện nay, các nhà đài trong nước cũng đang tranh nhau miếng bánh làm cho miếng bánh cuối cùng còn lại có chất lượng rất nghèo nàn, trong khi đó thì nhà thầu nước ngoài đã cất được mẻ tiền lớn rồi.

Như vậy, dù K+ đã có những nhượng bộ san sẻ quyền phát sóng đầy đủ giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Nhưng vẫn còn hai rào cản khiến cho một lượng khán giả lớn vẫn ngậm ngùi đứng ngoài cuộc chơi độc quyền của họ. Đó là những đài truyền hình không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật truyền dẫn do K+ bị (hoặc để cho?) đối tác ràng buộc và những khán giả người nước ngoài chưa nghe được tiếng Việt Nam.

Dẫu sao, theo các nguồn tin thăm dò xã hội của VNR500 thì các chủ quán giải khát, ăn đêm đang là những người cũng hưởng lợi ngoài K+ : nhiều quán đã mua thêm bàn ghế, đồ dùng để đón tiếp thêm một lượng thực khách gia tăng đáng kể vào lúc 23 giờ Chủ nhật hàng tuần trong mùa bóng tới với trận cầu tâm điểm giữa Liverpool và Asenal diễn ra đêm Chủ nhật 15/8./.