Trang chủ » Thế giới » 5 gói kích thích lãng phí nhất nước Mỹ

5 gói kích thích lãng phí nhất nước Mỹ

Tác giả:

Chuyện đề xuất những dự án lãng xẹt chỉ để giải ngân tiền nhà nước vẫn được báo chí Việt Nam phê phán hóa ra không chỉ ở Việt Nam. Newsweek vủa Mỹ đã xem xét 5 gói kích thích kinh tế lãng phí nhất trong báo cáo mang cái tên của một bài hát quen thuộc “Summertime Blues”.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Coburn và John McCain dường như đã khám phá ra nghệ thuật “liệt kê” – mà các hãng báo chí phổ biến đã tổ chức thông tin thành các danh sách xếp hạng như “5 cách tốt nhất để làm phẳng chiếc bụng của bạn”, hay “10 địa điểm trân châu ngon nhất trong thị trấn”. Trong trường hợp này, các thượng nghị sĩ hiểu biết truyền thông đã đưa ra một báo cáo với nhan đề “Summertime Blues”, vạch ra những gì họ coi là 100 dự án kích thích lãng phí nhất.

Một vài trong số các chương trình nghe có vẻ rất lực cười. (Rush Limbaugh sẽ có một ngày hả hê với 71.000 USD sử dụng để chi tiêu cho dự án “khỉ hít cocaine”). Nhưng liệu có phải tất cả các chương trình trong danh sách này đều lãng phí như thế? Chúng ta sẽ xem 5 dự án đầu tiên trong báo cáo và đi sâu hơn vào câu chuyện đằng sau các gói kích thích.

1. Thay thế các cửa sổ ở một trung tâm hỗ trợ thông tin đã đóng cửa (Amboy, Washington)

CHI PHÍ: 554.763 USD

BÁO CÁO VIẾT: “Mặc dù không có kết hoạch mở cửa lại trung tâm hỗ trợ thông tin đã đóng cửa tại núi St. Helens ở bang Washington, nhưng Sở đặc trách Lâm nghiệp Mỹ vẫn tính chi hơn 554.000 USD để thay thế các cửa sổ ở đây”.

LỜI GIẢI THÍCH: Trong khi trung tâm thông tin này đã đóng cửa từ năm 2007, thì Sở đặc trách Lâm nghiệp nói rằng sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng cơ sở này khi đang đánh giá những đề xuất quan hệ đối tác với các công ty tư nhân. Một số ý tưởng được xem xét bao gồm việc chuyển địa điểm này thành một “công trình khoa học, trung tâm giáo dục, hay thậm chí là khu trọ qua đêm”. Một quan chức chính quyền được dẫn lời trong báo cáo đã so sánh chi phí sửa sang này với việc “giữ nhà bỏ trống trong tình trạng tốt”.

ĐÁNH GIÁ:  Theo đuổi một quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân gần như không khác gì việc để tòa nhà mất đi giá trị – còn nếu muốn thu hút một đối tác lý tưởng thì Sở đặc trách Lâm nghiệp Mỹ sẽ phải làm một số công việc bảo dưỡng cơ bản đã.

2. Phát triển phần mềm khiêu vũ tương tác (Charlotte, North Carolina)

CHI PHÍ: 762.372 USD

BÁO CÁO VIẾT: “Đại học North Carolina tại Charlotte đã nhận được một khoản quỹ kích thích kinh tế hơn 750.000 USD nhằm giúp phát triển chương trình nhảy ứng tác (choreography) trên máy tính mà nhà sáng tạo tin rằng có thể đưa tới một ứng dụng online ‘Dance Tube’ kiểu giống như trang YouTube… Tuy nhiên, chi phí hành chính cho dự án lại cao một cách bất thường. Nhà nghiên cứu đứng đầu dự án lưu ý rằng, trường sẽ cắt 44% để bù vào ‘chi phí quản lý’”.

LỜI GIẢI THÍCH: Đại học North Carolina tại Charlotte nói rằng tiền được cấp đang “chảy thẳng vào nền kinh tế theo nhiều cách”, bằng tài trợ cho các trang thiết bị và chi phí đi lại. Quỹ này cũng đã trả lương hè cho 3 giảng viên, tạo việc làm bán thời gian cho 3 nhân công là sinh viên, và đi vào quỹ lương của vũ công và một số hợp đồng với các nhà nghiên cứu và “người hóa trang”.

ĐÁNH GIÁ:  Chi phí hành chính dường như khá lớn. Chỉ khoảng một nửa trong tổng quỹ được sử dụng cho những mục đích kể trên. 44% khác của số tiền – 335.000 USD – đang đi về phía “chi phí quản lý”, điều mà theo nhà quản trị của trường Stephen Moiser, bao gồm, “kế toán, nhân sự, khấu hao các cơ sở nghiên cứu, hệ thống phụ trợ, thư viện… và còn nhiều nữa”. Nếu bạn nghĩ rằng chính quyền liên bang quản lý tiền tệ tồi thì giới học viện có vẻ cũng không khá hơn mấy.

3. Kết nối North Shore với sân vận động thể thao, sòng bạc chuyên nghiệp (Pittsburgh)

CHI PHÍ: 62,5 triệu USD

BÁO CÁO VIẾT: Hơn 62 triệu USD bơm vào trong gói kích thích, dự án mở rộng hệ thống đường đô thị với một khu thương mại đang phát triển đã được cấp cứu kịp thời. Nhưng liệu nó có đem lại lợi ích thực sự cho thành phố hay không thì cũng là vấn đề còn tranh cãi, nếu về cơ bản nó chỉ phục vụ đưa khách tới các sự kiện thể thao và một sòng bạc”.

LỜI GIẢI THÍCH: Jim Ritchie, đại diện Cơ quan quản lý cảng của thành phố nói với tờ Pittsburgh Post-Gazette rằng việc kết nối đường đô thị sẽ còn hơn cả cải thiện viêc đi lại cho các tay chơi cờ bạc và người hâm mộ thể thao. Khu vực đang được nói đến, ông nói, “đã trở thành một trong những khu vực bùng nổ nhất ở vùng Pittsburgh”, và tuyến đường kết nối mới mới sẽ phục vụ một trường đại học, một trung tâm khoa học, bảo tàng và một số khách sạn, nhà hàng, hai trung tâm doanh nghiệp với hơn 1.000 nhân viên.

Ông cũng bác bỏ kết luận của báo cáo rằng dự án đã “vượt quá chi phí dự tính ở một mức độ đáng báo động”, đổ lỗi cho những khó khăn về ngân sách là do thiếu hiệu quả, chứ không phải vì mức giá kịch trời của nguyên vật liệu xây dựng.

ĐÁNH GIÁ:  Ngay cả báo cáo của các thượng nghị sĩ cũng thừa nhận rằng nếu không có số tiền kích thích thêm, dự án có thể đã sụp đổ. Và căn cứ vào dòng khách hàng mà nó có thể đưa tới khu thương mại đang phát triển (chưa nói tới thực tế chính quyền liên bang vốn đã đổ 350 triệu USD vào dự án), hoàn thành công việc ấy gần như không hề là vô trách nhiệm.

4. Cơ quan cấp cứu liên bang FEMA chậm trễ xây trạm cứu hỏa Texas

CHI PHÍ: 7,3 triệu USD

BÁO CÁO VIẾT: “FEMA đã trao 7,3 triệu USD cho thành phố để xây dựng trạm cứu hỏa số 50 và 51, nhưng các dự án đã trở nên vướng mắc bởi tình trạng quan liêu đến mức không rõ tới khi nào chúng mới được xây dựng”.

“Trước khi có gói kích thích, San Antonio đã sẵn sàng tài trợ hoàn toàn cho hai trạm mới với số tiền của chính thành phố, và còn đã tính tới chuyện thuê một nhà thầu tư nhân, Bartlett Cocke. Tuy nhiên sau khi có gói kích thích, chính thành phố lại mắc phải vấn đề cần phải được thông qua những quy định liên bang phức tạp và đắt đỏ ngoài mong đợi, đòi hỏi vào tính toán đến những yếu tố môi trường và lịch sử – tất cả đã làm trì hoãn dự án khá lâu. Kết quả là, chi phí xây dựng hai trạm này đã tăng lên khoảng 2,2 triệu USD, Bartlett Cocke thua thầu và sau đó phải cho lao động tạm nghỉ việc”.

LỜI GIẢI THÍCH: FEMA nói báo cáo đã phóng đại thời gian cần thiết để hoàn thành hai trạm cứu hỏa. Theo một báo cáo của cơ quan này, “một trong các trạm cứu hỏa của San Antonio đã hoàn thành xong quá trình đánh giá môi trường và lịch sử, và thành phố đã cấp phép khởi công xây dựng, và trạm còn lại cũng đã hoàn thành quá trình công báo và việc xây dựng sẽ bắt đầu sớm”.

ĐÁNH GIÁ:  Không có gì đáng băn khoăn về vấn đề liệu các trạm cứu hỏa có phải là nơi đáng tài trợ hay không, đặc biệt là tại một thành phố phát triển nhanh như San Antonio, nơi FEMA nói ứng phó khẩn cấp là nhu cầu đáng lưu tâm. Nhưng bạn phải tự hỏi tại sao chính quyền liên bang lại phải trả cho một dự án vốn đã được cấp vốn ở cấp địa phương.

5. Nhà ga xe lửa bỏ hoang được cải tạo thành bảo tàng (Glassboro, New Jersey)

CHI PHÍ: 1,2 triệu USD

BÁO CÁO VIẾT: “Người đóng thuế có thể thấy không hài lòng khi nhận ra rằng họ đang phải đóng tiền hai lần cho một trạm xe lửa đã không còn sử dụng được nữa. Nhà ga Glassboro được xây dựng năm 1860 và đóng cửa năm 1971. Đã không được sử dụng gần 40 năm, nhà ga giờ loang nổ những hình vẽ đầy ngẫu hứng. Năm 2002, thành phố Glassboro, New Jersey, nhận được gần 25 triệu USD từ Bộ Giao thông Mỹ để mua lại nhà ga… nhập vào hệ thống vận chuyển khu vực của New Jersey…

Sau 8 năm không thành… quan chức địa phương đã vận động mạnh mẽ đòi thêm tiền hỗ trợ. Họ dự định chi hơn 1 triệu USD cho dự án “giải mã lịch sử địa phương theo đúng cách sắp đặt và biến nó trở thành một bảo tàng, một không gian hội họp công cộng và trung tâm tổ chức các sự kiện chào mừng”.

LỜI GIẢI THÍCH: Quan chức thành phố Glassboro, Randi Woerner, giải thích rằng việc khôi phục lại sẽ kích thích nền kinh tế bởi nó tạo ra việc làm cho các nhà thầu địa phương và tăng giá trị nhà đất ở thành phố. (Nhà ga trở thành thứ khiến người ta chướng mắt). Bà cũng trả lời vấn đề liên quan tới việc người đóng thuế đáng phải đóng thuế hai lần cho dự án vì sự thiếu hiệu quả của thành phố. Thực tế,  Woerner giải thích, thành phố đã sử dụng số tiền được cấp lần đầu để mua tài sản và đưa những sáng kiến đề nghị được thông qua, trong khi lần cấp thứ hai sẽ trả cho việc khôi phục trên thức tế của di tích lịch sử này.

ĐÁNH GIÁ: Chắc chắn, nạn quan liêu xung quanh các di tích lịch sử đã khiến nhiều nhà quy hoạch thành phố phải bực dọc, nhưng Woerner đã đúng bởi dự án này sẽ tạo ra việc làm.

Đình Ngân (dịch từ Newsweek)

http://www.newsweek.com/2010/08/05/how-wasteful-is-the-stimulus-spending-really.html