Trang chủ » Thế giới » Artketing – xu hướng mới của marketing ở Trung Quốc

Artketing – xu hướng mới của marketing ở Trung Quốc

Tác giả:

Các thương hiệu lớn đang tận dụng những nghệ sỹ để sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo nhằm khuyếch trương thương hiệu hàng xa xỉ của họ trên thị trường Trung Quốc, người ta gọi xu thế mới này là artketing.

Cần mẫn ngồi chắp nối lại những mảnh gốm vỡ tìm thấy được từ những di tích khảo cổ, Li Xiaofeng đang tạo ra “những bộ quần áo gốm” độc đáo chưa từng ai mặc. Ít ra là cho đến bây giờ. Một số sản phẩm của nghệ sỹ này đã thu hút sự chú ý của John Storey, giám đốc quan hệ công chúng toàn cầu của hãng Lacoste. Khi John Storey nhìn thấy một số tác phẩm trưng bày vào tháng 11 năm ngoái tại khách sạn hiện đại The Opposite House ở Bắc Kinh, nhà PR chuyên nghiệp này đã nhận ngay ra đây là một cơ hội tiếp thị siêu tốt, và đề nghị nghệ sỹ đầy triển vọng Le Xianfeng tạo ra 2 sản phẩm nghệ thuật mang tính tượng hình.

Lần đầu tiên, Li áp dụng những kỹ thuật của mình để tạo ra một chiếc áo phông Lacoste từ những mảnh gốm vỡ, đi kèm với cả một logo cá sấu quen thuộc. Và nghệ sỹ này còn tiếp tục sáng tạo ra mẫu thiết kế của môt mẫu áo phông giới hạn cho 20.000 chiếc, mang hình ảnh của những mảnh gốm xanh và trắng.

Thực ra sự phối kết hợp giữa các thương hiệu quốc tế và nghệ sỹ đã diễn ra ít nhiều từ năm những năm 1930, khi Ferrangamo yêu cầu nhà họa sỹ theo chủ nghĩa vị lai Lucio Vena sáng tạo chiến dịch quảng bá đầu tiên.

Vào năm 2008, Christian Dior là đơn vị đầu tiên hợp tác với những nghệ sỹ Trung Quốc đương đại, mời 22 người trong số họ sáng tác về những thương hiệu thời trang. Kết quả được trưng bày ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Ullens ở Bắc Kinh đã tạo ra xúc động mạnh trong cả giới thời trang lẫn giới nghệ sỹ.

Lấy cảm hứng từ chiếc túi Lady Dior, Li Songsong đã tạo ra một hình tượng chiếc túi khổng lồ làm bằng các ống đèn huỳnh quang. Zhang Dali vẽ chân dung của John Galliano với chiếc logo AK-47 rất dễ nhận ra. Năm ngoái, hãng Ferrari ký hợp đồng với nghệ sỹ Lu Hao để trang trí chiếc xe Ferrari 599 GTB Fiorano phiên bản giới hạn cho Trung Quốc bằng những mảnh gốm vỡ cổ xưa (chiếc xe này bán đấu giá được 2 triệu đô la Mỹ).

Tác phẩm Cherries của Takashi Murakami trong một triển lãm ở HongKong (Ảnh: Reuters)

Thuê một nghệ sỹ thiết kế một loạt các phiên bản giới hạn của sản phẩm hiện đang phát triển mạnh hơn ở Trung Quốc. Gauthier Boche, giám đốc chiến lược FutureBrand Paris, gọi xu hướng mới này là “artketing”, sự kết hợp giữa làm thương hiệu và làm các sản phẩm mang tính nghệ thuật có giới hạn.

Ví dụ tiêu biểu nhất có thể nói là sự hợp tác giữa hãng Luis Vuitton và Takashi Murakami, nghệ sỹ đã sáng tạo những chiếc túi mới và các sản phẩm phụ khác từ năm 2003.

“Nghệ thuật là cách thức lạ thường để tái kết nối với những cảm xúc, vấn đề và hình ảnh đương đại, và đó là lý do giải thích tại sao những góc nhìn của nghệ sỹ lại hết sức quan trọng đối với các thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu hàng xa xỉ,” Boche nói.

Thực chất, rất nhiều công ty đam mê kết nối với các khách hàng Trung Quốc, đặc biệt khi quốc gia này đã chứng tỏ vẫn giữ được đà tiêu dùng hàng xa xỉ trong suốt cuộc suy thoái.

Khi Comme des Garcon chuyển cửa hàng tới một vị trí mới ở Hong Kong vào cuối năm ngoái, công ty này đã yêu cầu một trong số những nghệ sỹ gây tranh cãi nhất Trung Quốc, Ai Weiwei, thiết kế một phiên bản áo phông đặc biệt. Vào tháng năm, Ferragamo công bố hợp tác với nghệ sỹ nhạc pop có khuynh hướng chính trị Xue Song để sáng tạo những dòng túi có số lượng giới hạn, những sản phẩm da, và áo phông có vẽ hình hai con hổ hung tợn.

“Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi rất cam kết sẽ bán nhiều sản phẩm hơn, chúng tôi quan tâm tới cả văn hóa và nghề thủ công nói chung nữa,” Paul Cadman, giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của hãng Ferragamo nói.

Artketing mang đến lợi ích rõ ràng cho các nghệ sỹ Trung Quốc. nó giúp mở rộng ảnh hưởng và sức hấp dẫn của họ, đặc biệt trong giới khách hàng có điều kiện tài chính tốt để mua những tác phẩm đắt tiền.

“Trong một môi trường nghệ thuật thiếu đi những trọng tài đáng tin cậy, làm việc trực tiếp với các thương hiệu cho tôi một dạng như triển lãm rộng rãi được tổ chức ở đâu đó,” Philip Tinari, một nghệ sỹ nổi tiếng ở Bắc Kinh cho biết.

Boche tin rằng các thương hiệu hàng xa xỉ đã đi đầu trong artketing, nhưng các thương hiệu khác sẽ sớm đi theo. Và viễn cảnh nghệ thuật đem lại lợi ích rộng rãi hơn có thể nhìn thấy rõ.

Trang Thư dịch từ
Newsweek