Trang chủ » Điểm nóng » Nhân tài và xã hội: Có cung ắt có cầu

Nhân tài và xã hội: Có cung ắt có cầu

Tác giả:

Trần Sĩ Chương

"Nhân tài" thời nào, ở đâu cũng có. Ở thời đại này, nhân tài không cần phải đợi có minh quân mới có đất dụng võ. Nhu cầu của xã hội chính là động cơ thúc đẩy đào tạo, cung cấp người có tài hữu dụng, ở mọi cấp, mọi ngành.

TIN LIÊN QUAN

Từ cổ chí kim, thời nào cũng có người tài. Họ là những người sống trong cộng đồng dân tộc xuất hiện khi thời thế cần đến họ và không phải là sản phẩm của một chủ trương hay một chương trình đào tạo đặc biệt nào của Nhà nước. Người tài không bao giờ thiếu, trong thời chiến cũng như thời bình.

Mô tả ảnh.
Hội nghị thường niên của VNR500 về vấn đề nhân sự thu hút nhiều diễn giả nổi tiếng và doanh nhân tham dự. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Khoảng mười năm qua, theo đà phát triển của đất nước, một lượng lớn chuyên viên đủ các ngành nghề đã được đào tạo thành tài, cả ở trong lẫn ngoài nước. Những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam mà tôi được biết đều thán phục tính năng động, hiếu học, cầu tiến và độ thích nghi cao của người Việt Nam.

Họ cũng rất ngạc nhiên trước mức độ phát triển của nguồn nhân lực trong nước. Đa số các công ty ở nước ngoài đã thành công trong chương trình Việt Nam hóa đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và cả ở cấp quản lý cao cấp trong một thời gian tương đối ngắn.

Người có tài cũng là một loại sản phẩm như các sản phẩm khác của xã hội mà thôi. Khi có cầu tất sẽ có cung. Cầu tăng thì cung cũng sẽ tăng theo về cả phẩm lẫn lượng. Phẩm và lượng của cung chỉ còn tùy thuộc vào cái giá thích hợp để cung và cầu có thể gặp nhau ở một điểm tối ưu.

Cái giá ở đây là tất cả những giá trị mà cầu phải thỏa mãn cho cung bao gồm cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Thị trường tư nhân trong nước gần đây đã tự vận hành để thoả mãn nhu cầu nhân sự trong điều kiện chật hẹp của họ.

Các doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự ở bất cứ nơi đâu cũng có thể được thỏa mãn với mức giá phải trả tương xứng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn dùng cả chuyên gia nước ngoài khi có nhu cầu. Công ty bánh ngọt Kinh Đô tu may nam truoc đã trả cho một chuyên gia nước ngoài hơn 30.000 USD một tuần tư vấn chiến lược sau khi Kinh Đô mua lại doanh nghiệp kem Wall’s của Unilever. Nguồn nhân sự không còn bị hạn chế bởi biên giới nữa mà đã được toàn cầu hóa như những mặt hàng khác.

Như vậy điều kiện còn lại để người tài có đất dụng võ là khả năng mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, kể cả đầu tư vào con người (là một đầu tư có tỷ lệ sinh lợi cao hơn cả đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay máy móc thiết bị). Nghĩa là làm sao để doanh nghiệp thấy được cơ hội sinh lợi trên đầu tư của họ trong một môi trường đầu tư mà mức độ rủi ro có thể định được trước.

Đó là trách nhiệm chính của Nhà nước và cũng là điều kiện đủ cho việc đào tạo và sử dụng nhân tài. Trách nhiệm này có thể tác động và làm thay đổi quan niệm của Nhà nước về việc đào tạo và sử dụng cán bộ trong lĩnh vực công, trong công tác xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế và xã hội.

Đây là một thách thức lớn đối với bất cứ một Nhà nước nào, ở bất cứ một xã hội nào, đặc biệt trong giai đoạn đang phát triển, lúc mà tư duy theo kiểu "cái khó nó bó cái khôn" còn là một ám ảnh và rào cản cho những nỗ lực đột phá.

Trong hoạt động Nhà nước, người có khả năng, có tài, có tâm huyết cũng không thoát khỏi sự chi phối của luật cung cầu và giá trị thị trường của họ. Để có được người tài và giữ cho họ trong sạch, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã chủ trương là cán bộ Nhà nước phải được bồi dưỡng tương xứng với khả năng và trách nhiệm của họ.

Nếu không như thế thì rõ ràng Nhà nước thiếu trung thực với dân và người dân cũng không sòng phẳng với Nhà nước (đòi hỏi dịch vụ tốt mà chỉ trả giá bèo). Từ đó sinh ra những điều kiện tiêu cực mà rồi chính người dân sẽ phải trả giá cho những tiêu cực đó.

Các bộ trưởng của Singapore có mức lương gấp đôi và Thủ tướng Singapore lương gấp bốn lần lương Tổng thống Mỹ! Singapore cũng không ngần ngại dùng người nước ngoài trong các chức vụ quan trọng của bộ máy nhà nước. Tổng giám đốc Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã có lúc là một chuyên gia nước ngoài.

Có thể nói việc đào tạo và sử dụng nhân tài có hiệu quả tùy thuộc vào môi trường kinh tế – xã hội. Một môi trường tốt sẽ đòi hỏi nhu cầu đào tạo cao, là sân chơi hấp dẫn cho nhân tài và có điều kiện bồi dưỡng xứng đáng cho họ.

Trách nhiệm của Nhà nước không phải là đặt chỉ tiêu, chủ trương đường lối, chính sách đào tạo sử dụng nhân tài mà là tích cực xây dựng một hạ tầng cơ sở tốt cho môi trường phát triển kinh tế – xã hội, để từ đó người dân có điều kiện tự phát triển và đóng góp cho xã hội trong khả năng của họ.