Trang chủ » Tranh luận » Đạo đức kinh doanh cũng bình thường như… hít khí trời

Đạo đức kinh doanh cũng bình thường như… hít khí trời

Tác giả:

Mời bạn đọc theo dõi phần 1 nội dung cuộc bàn tròn và cùng tham gia tranh luận về chủ đề này với VNR500. Email xin gửi về [email protected]

 

Mô tả ảnh.
Ông Peter Handal và nhà báo Nguyễn Quang Thiều tại bàn tròn trực tuyến với VNR500 tại VietNamNet. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi hân hạnh mời đến bàn tròn VNR500  hôm nay một người đặc biệt, ngài Peter Handal, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie & Associates, một tổ chức tư vấn, đào tạo và huấn luyện quản trị kinh doanh lâu đời và uy tín.

Đa số chúng ta đều đã biết tới cuốn sách Đắc Nhân Tâm và Dale Carnegie. Do vậy, khi biết được có cuộc bàn tròn này, rất nhiều độc giả đã gửi thư cho chúng tôi hỏi về vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Xin ông cho biết tình hình đạo đức kinh doanh ở Mỹ hiện tại như thế nào, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu?

Ông Peter Handal: Trước hết rất cảm ơn VNR500 bởi đây là lần đầu tiên tôi tham gia một bàn tròn trực tuyến như thế này, tôi rất chờ đợi một sự trải nghiệm như vậy. Đầu tiên tôi muốn chia sẻ rằng, tổ chức Dale Carnegie đang kỷ niệm năm thứ 3 có mặt tại Việt Nam.

 

“Mối quan hệ nhân văn giữa người và người là yếu tố cốt lõi trong lãnh đạo doanh nghiệp. Chúng ta cần biết sắp xếp công việc, chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ cấp dưới hoàn thành mục tiêu đề ra. Trò chuyện với nhân viên bằng trái tim chân thành để họ sẵn lòng tình nguyện cống hiến cho thành công của doanh nghiệp. Và nhà lãnh đạo cần học cách lắng nghe, thấu hiểu. Khi lắng nghe, đừng vội suy tính phải đối đáp gì. Khi trò chuyện, đừng lập tức phê phán, chỉ trích, mà nên mở đầu tích cực với thái độ chân thành, thấu hiểu những giá trị của đối phương”.

Và chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn ở đây trong những năm tới, bởi ngay từ bước khởi đầu, chúng tôi đã có mối quan hệ rất tốt với các công ty ở đây, nhu cầu với các dịch vụ chúng tôi cung cấp đang rất mạnh. Vì thế, tôi rất vui được có mặt ở đây hôm nay và hi vọng sẽ còn trở lại những lần sau nữa.

Bây giờ, tôi xin trả lời trực tiếp vào câu hỏi của các bạn đọc liên quan tới đạo đức và giá trị trong môi trường kinh doanh ở Mỹ, đây là vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng hơn theo thời gian, đây không phải là một vấn đề đột ngột hay ngẫu nhiên trở nên đáng quan tâm, mà người ta ngày càng chú trọng tới nó hơn.

Từ quan điểm kinh doanh, các cách tiếp cận chuẩn mực mà các doanh nghiệp Mỹ đang tiến hành là họ đưa ra một hệ giá trị như một kim chỉ nam cho công ty của họ. Ví dụ như trong công ty Dale Carnegie chúng tôi, chúng tôi phải sống theo những nguyên tắc mà Dale Carnegie đã đề cập. Đó là sự trung thực, chân thành, theo các chuẩn đạo đức cao.

Mỗi công ty đều có một hệ giá trị như vậy, họ viết ra cụ thể thành một cuốn cẩm nang cho nhân viên và phát cho tất cả mọi người. Khi có ai đó gia nhập công ty, họ đưa ra và nói rằng đây chính là những giá trị của chúng tôi và là cách thức chúng ta cần phải tuân theo.

Quan trọng hơn là việc thực thi những giá trị này như thế nào. Trước nhất, CEO, lãnh đạo công ty phải là những tấm gương tốt nhất cho nhân viên bằng cách sống đúng với những giá trị đó.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thực tế ở Mỹ có hoàn hảo như vậy không thưa ông?

Ông Peter Handal: Tất nhiên, đó chỉ là mô hình lý tưởng. Trong hầu hết các tình huống, lý tưởng đó đúng trong thực tiễn. Nó như một đường vòng cung, những người ở giữa vòng cung đó thực hiện tốt các nguyên tắc giá trị, nhưng cũng có những người khác muốn đi tắt, đi nhanh bằng cách làm những việc sai trái.

Một trường hợp tiêu cực vài năm trước mà nước Mỹ đã gặp phải là trường hợp CEO của công ty Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Ông này đã có quan hệ tình ái với một người phụ nữ làm cùng công ty Boeing. Ban lãnh đạo Boeing đã sa thải nhân vật này, ngay khi vụ bê bối bị phanh phui.

Hay như Giám đốc điều hành của HP Mark Hurd. Ông này cũng bị nghi có quan hệ với một nữ đối tác, một nhà thầu phụ của HP. Mặc dù điều đó không đúng, nhưng ông ta lại bị phát hiện đã chi cho người phụ nữ này 20.000 USD không phù hợp với quy tắc của HP. Và cuối cùng, ông ấy đã mất ghế CEO của HP.

Trong suốt 5 năm ông Hurd ở ghế lãnh đạo cao nhất của HP, giá cổ phiếu của hãng sản xuất máy tính cá nhân và máy in lớn nhất thế giới này đã tăng gấp đôi, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty thêm hơn 40 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, ông đã đưa HP trở thành hãng tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới vì doanh thu.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo HP vẫn sẵn sàng nói lời chia tay với Mark Hurd. Mark ra đi và ngay lập tức giá trị công ty này trên sàn chứng khoán sụt thê thảm, tôi không nhớ chính xác nhưng đâu đó vào khoảng 15% giá trị. Nhưng Hội đồng quản trị vẫn kiên quyết để làm gương cho những CEO khác.

Trong hầu hết các quốc gia khác, vấn đề đạo đức thường gặp phải là ăn hối lộ, hay tham nhũng… Nhưng những lý do này thường không phổ biến ở Mỹ. Vấn đề ở Mỹ thường là quan hệ với người khác giới, và đó có lẽ thuộc về bản chất con người.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là các công ty phải có bộ quy tắc được viết rõ ràng và mọi người phải tuân thủ.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có bạn đọc hỏi rằng những sai phạm của các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước bắt nguồn từ sự hư hỏng của chính phủ. Ở Mỹ thì thế nào thưa ông?

Ông Peter Handal: Tình huống này ở Mỹ không nghiêm trọng lắm, bạn biết rằng ở Mỹ cũng có các công ty do chính phủ quản lý do hệ quả của khủng hoảng kinh tế như CitiBank, GM. Nhưng đây là các trường hợp bất thường, hãn hữu.

Khi nhìn vào sự hư hỏng của nhà nước hay của doanh nghiệp, tôi chỉ nghĩ rằng đó là sự hư hỏng của cá nhân con người mà thôi. Tôi không nghĩ đến tình huống chính phủ ảnh hưởng tiêu cực lên doanh nghiệp hay ngược lại. Đó đơn giản là bản chất mỗi cá nhân.

Tôi chỉ thấy trong môi trường kinh doanh tư nhân, lỗi lầm đạo đức thường bị trừng phạt nhanh và nặng hơn, trong khu vực nhà nước, có vẻ như không phải lúc nào cũng thế.

 

Mô tả ảnh.
“Lãnh đạo công ty phải là những tấm gương tốt nhất cho nhân viên bằng cách sống đúng với những giá trị đó”, ông Peter Handal chia sẻ.  (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nếu ông làm CEO của các doanh nghiệp Việt Nam, 3 nguyên tắc cơ bản ông yêu cầu với toàn bộ doanh nghiệp sẽ là gì?

Ông Peter Handal: 3 điểm tôi sẽ tập trung vào. Thứ nhất là giá trị, là đạo đức, là những gì chúng ta đại diện với tư cách một con người. Điều đó rất quan trọng với bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào.

Thứ hai là chiến lược, mỗi công ty đều cần có một kế hoạch được xác định rõ ràng, chúng ta đang ở đâu thời điểm này, chúng ta muốn thành cái gì trong 5 năm tới, chúng ta làm thế nào để đi được tới đó. Một bản kế hoạch chiến lược có lý là điều rất quan trọng.

Thứ ba là con người. Tôi nghĩ rằng, vô cùng cần thiết khi luôn cần đối xử với nhân viên để họ gắn bó với doanh nghiệp. Không CEO nào muốn một nhân viên sáng đến tối về nhưng không để ý gì tới công việc họ đang làm, không ai muốn một người như thế, chúng ta muốn một người nhiệt tình với công việc, luôn coi công ty là nơi tuyệt vời để làm việc, những người nói họ muốn bán được nhiều hàng hơn, họ muốn thuyết phục mọi người rằng đây là nơi tốt để làm.

Trái tim và tâm hồn họ phải đặt vào công việc chứ không phải chỉ có cơ thể họ ở đó. Đạo đức, chiến lược và nhân sự là 3 yếu tố kết hợp sẽ khiến con người cảm thấy có thực sự thích công việc của họ hay không.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi sẵn sàng kêu gọi các cổ đông bầu cho ông giữ chức Tổng giám đốc công ty khi ông đã đặt vấn đề nhân văn lên đầu tiên, tôi nghĩ không có nền tảng nhân văn, CEO sẽ không vì lợi ích của ai cả mà chỉ vì lợi ích cá nhân, vậy ông đặt nguyên tắc đạo đức nhân văn lên đầu tiên vì lý do gì, vì ông cảm thấy các doanh nghiệp Việt Nam thiếu điều gì đó hay vì một lý do khác?

Ông Peter Handal: Tôi không nói cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam, tôi đặt đạo đức lên đầu vì tôi nghĩ đó là điều con người nên làm và những con người thuộc Dale Carnegie luôn làm, chúng tôi rất chặt chẽ và coi trọng điều này. Đó thực sự là những điều chúng tôi suy nghĩ.

Trong 11 năm tôi làm ở đây, đã có 3 cáo buộc vi phạm đạo đức, chúng tôi có những cán bộ chuyên trách về đạo đức, chúng tôi bầu chọn 3 người cán bộ đạo đức như vậy trong công ty. Nếu có bất kỳ ai trong công ty nói rằng có điều gì đó sai trái, họ sẽ đến gặp cán bộ đạo đức đó. Sự tin tưởng và bí mật là tuyệt đối, không ai biết được ai đã nói và nói cái gì.

Những cán bộ chuyên trách đạo đức đó thường là những lãnh đạo cao cấp, họ sẽ tiến hành điều tra xem thực sự điều gì đã diễn ra, chúng tôi tiến hành rất nghiêm túc để cho bất kỳ ai lo ngại về bất kỳ vấn đề đạo đức nào của bất kỳ ai kể cả tôi cũng có thể gọi điện cho cán bộ phụ trách đó. Đó cũng là một trong những điều đầu tiên tôi đã làm khi đến với Dale Carnegie.

Các công ty lớn ở Mỹ đều có cùng một hệ thống như vậy. Mọi người không nói nhiều về nó bởi nó cũng như hít thở khí trời vậy, rất bình thường. Vì thế nếu bạn nói với hầu hết các CEO Mỹ về vấn đề này, họ sẽ không nghĩ nhiều bởi nó quá bình thường như uống nước thôi.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Câu hỏi của một bạn đọc, thưa ông, ai cũng biết kinh doanh cần đạo đức nhưng nếu trong một môi trường cần sự phi đạo đức mới thành công, ông lý giải như thế nào và liệu có biện pháp nào không?

Ông Peter Handal: Tốt hơn hết là bạn nên từ bỏ môi trường đó. Đó là một thế giới khác với thế giới thực mà tôi sống và có lẽ tôi khó tưởng tưởng ra được một tình huống như vậy.

Tôi giả định rằng bạn đang phải sống trong một môi trường mafia hay tội phạm có tổ chức, bạn phải bán ma tuý, và điều đó gây ra nhiều tác hại cho xã hội, đó là việc làm phi đạo đức và tôi nghĩ rằng cũng không ai nhận được giá trị thật sự gì từ những cách kinh doanh như vậy. Có những con người chọn cách sống như vậy nhưng họ không bình thường, họ lập dị.

 

Tổ chức Dale Carnegie & Associates thành lập khởi nguồn từ 2 quyển sách nổi tiếng bán chạy nhất thế giới của Dale Carnegie: “How to win friends and influence people” (Đắc nhân tâm) và “How to stop worrying and start living” (Quẳng gánh lo đi mà vui sống).

Ông Peter Handal gia nhập tổ chức Dale Carnegie & Associates từ năm 1999 và được bầu làm Chủ tịch và Tổng giám đốc (President and CEO) vào năm 2000, sau đó Chủ tịch HĐQT từ năm 2005.
Ông Handal còn là CEO của J4P Associates, một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Baltimore, nơi Ông hoạt động như một nhà phát triển thị trường tích cực.

Trước đây ông là Chủ tịch của tổ chức Quốc tế COWI, một công ty quản lý, tư vấn làm việc với các công ty ở Hoa Kỳ và Đông Âu; CEO của một công ty may mặc và phụ kiện dành cho trẻ em, sản xuất sản phẩm tại 22 quốc gia và được biết đến với thương hiệu “Just 4 Kids”. Ông cũng từng làm việc tại Tập đoàn Exxon trong phòng Quản lý Tài sản và Đầu tư mới.

Trong 15 năm qua, Ông Handal đã và đang là thành viên HĐQT của nhiều công ty đại chúng và tư nhân ở Hoa Kỳ và châu Âu. Ông hiện là thành viên HĐQT của Wilsons The Leather Experts Inc. (NASDAQ) – công ty chuyên về da thuộc và Dale Carnegie & Associates.

Các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận mà Ông Handal tham gia đóng góp, hỗ trợ, và tư vấn bao gồm Tổ chức Phát triển Cộng đồng Lott, Khu dân cư Lott, Nhà thờ Thánh Vincent Ferrer và Tổ chức Cardinal Cooke Guild. Ông cũng là Chủ tịch của CLB Opera mang tên Metropolitan.

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của Ủy ban các Lãnh đạo ngành của Hiệp hội XNK (Hoa Kỳ), Ủy ban Cố vấn Thương mại trong lĩnh vực Dịch vụ Phân phối của chính phủ Hoa Kỳ.  Ông đã cố vấn và chứng nhận cho những vấn đề khác nhau liên quan đến thương mại trước Thượng Nghị viện của Hoa Kỳ.

Là một chuyên gia được đánh giá rất cao trong các vấn đề liên quan đến chiến lược điều hành lãnh đạo và quản lý công ty, ông Handal thường xuyên được nhắc đến trong các ấn phẩm của các tạp chí nổi tiếng hàng đầu như: The Wall Street Journal, The New York Times, The Financial Times và The International Herald Tribune. Ngoài ra, ông Handal còn chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm của mình với báo chí trong khu vực.