Trang chủ » Tranh luận » Giữ người tài bằng cơ hội thăng tiến nghề nghiệp

Giữ người tài bằng cơ hội thăng tiến nghề nghiệp

Tác giả:

Cuộc khảo sát nhanh đối với các giám đốc nhân sự và CEO của các DN lớn để tìm hiểu suy nghĩ của các “ông lớn” Việt Nam trong vấn đề hoạch định và thực thi chiến lược nhân sự cho bối cảnh mới, diễn ra bên lề hội thảo Hội thảo do Vietnam Report phối hợp với Báo VietnamNet tổ chức đầu tháng 8/2010.

Mô tả ảnh.
Rất nhiều chuyên gia quốc tế danh tiếng đã tham dự hội thảo chiến lược nhân sự do VietNamNet tổ chức mới đây. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Điều chỉnh chiến lược nhân sự sau khủng hoảng

Lãnh đạo và quản lý nhân sự của các doanh nghiệp lớn Việt Nam đều thống nhất rằng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhân sự sẽ được xem là hoạt động nhân sự quan trọng nhất để tận dụng cơ hội sau khủng hoảng.

Kết quả khảo sát tại hội thảo cho thấy, có 34% lãnh đạo doanh nghiệp chọn công tác điều chỉnh chiến lược/chính sách nhân sự làm hoạt động ưu tiên hàng đầu cần phải thực hiện để củng cố từng bước hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tái cấu trúc mô hình quản lý nhân sự là hoạt động thứ hai thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý (tỷ lệ chọn 27%). Một số hoạt động khác như điều chỉnh chế độ lương bổng, đãi ngộ; công tác tuyển dụng; sự hợp tác giữa bộ phận quản lý nhân sự (HR) và các bộ phận khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Hầu hết lãnh đạo các DN đều thống nhất rằng, cần phải chú trọng nhiều hơn đến công tác điều chỉnh chính sách nhân sự trong bối cảnh mới. Mặc dù thực tế còn nhiều doanh nghiệp chưa phát triển được một chiến lược nhân sự đúng về khái niệm và thực tiễn tuy nhiên, chính sách nhân sự thì hầu như doanh nghiệp nào cũng đã ban hành và áp dụng.

Trong chiến lược nhân sự đó, xét về mặt dài hạn, đa số lãnh đạo và quản lý nhân sự của doanh nghiệp chọn các khoản mục Chính sách về đào tạo và phát triển (tỷ lệ 26%); Quản lý nhân sự tài năng (18%) và Xây dựng văn hoá doanh nghiệp (18%) làm 3 khoản mục chính cần tập trung nhiều nhất trong chiến lược/chính sách nhân sự của doanh nghiệp mình về dài hạn.

Như vậy, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp lớn Việt Nam rất coi trọng công tác đào tạo và phát triển nhằm xây dựng một đội ngũ nhân sự thực sự chất lượng để tận dụng tốt các cơ hội trong bối cảnh kinh tế đang hồi phục. Bên cạnh đó, việc tạo dựng văn hoá doanh nghiệp điển hình cũng như quản lý đội ngũ nhân sự tài năng cũng thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Mô tả ảnh.
Quản lý nhân sự là vấn đề luôn được các doanh nghiệp quan tâm trong chiến lược phát triển. Trong ảnh, bà Jessica Lu, chuyên gia về quản lý nhân sự, đang chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo do báo VietNamNet tổ chức. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Làm thế nào để giữ chân nhân tài?

Hầu hết các DN đều cho hay, quản lý cấp cao, quản lý cấp trung và chuyên gia kinh doanh marketing là những lĩnh vực khó tuyển nhân sự tài năng nhất.

Tuyển dụng được nhân sự tài năng đã khó, việc giữ chân đội ngũ nhân sự tài năng này càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ có các chính sách đãi ngộ xứng đáng mà còn phải có các phương pháp tiếp cận phù hợp.

Đáng chú ý, cuộc survey ngắn chỉ ra rằng biện pháp liên quan đến lương thưởng và các phúc lợi chưa hẳn là giải pháp tối ưu để giữ chân nhân tài.

Trong mô hình về cấp bậc nhu cầu của Maslow, nhu cầu tự khẳng định là nhu cầu cao nhất trong cấp bậc nhu cầu. Từ mô hình này có thể thấy một điều rằng, đối với nhân sự tài năng, lương thưởng và phúc lợi chỉ là điều kiện cần, là cái được xem là “mặc định”, điều có lẽ cần thiết hơn với họ chính là được tự khẳng định mình.

Do vậy, có đến 35% các ý kiến cho rằng sử dụng các biện pháp liên quan đến cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và 24% cho rằng sử dụng các biện pháp liên quan đến ghi nhận và tôn vinh đóng góp của nhân sự tài năng sẽ là hiệu quả hơn để giữ chân nhân tài so với các biện pháp liên quan đến lương thưởng và đãi ngộ.

Mô tả ảnh.
Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, cơ hội thăng tiến là một trong những chọn lựa hàng đầu để giữ chân nhân tài. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Sử dụng nhân tài đúng vị trí

Khi tuyển dụng được nhân sự tài năng vào bộ máy của doanh nghiệp, để đảm bảo phát huy tối đa kiến thức và kinh nghiệm của người tài, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải biết làm thế nào để sử dụng nhân tài đúng vị trí. Việc sử dụng “đúng người, đúng việc” còn giúp các nhân sự tài năng cảm thấy được “đối xử” tôn trọng và cảm thấy yêu thích công việc hơn nhiều, và đây cũng là một biện pháp giúp họ gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn bên cạnh các biện pháp giữ chân nhân tài khác.

Vậy làm thế nào để sử dụng nhân tài đúng vị trí? Thống kê từ kết quả điều tra của Vietnam Report cho thấy, cần phải xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả công việc chiếm tỷ lệ nhiều nhất (35%), tiếp đến là cần thiết kế và thực hiện chương trình riêng về quản lý nhân sự tài năng (24%).

Các DN lớn trong VNR500 đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của chiến lược nhân sự nói chung và quản lý nhân sự tài năng nói riêng. Chỉ có xây dựng được một chiến lược nhân sự theo đúng nghĩa, doanh nghiệp mới có thể khơi dậy được tiềm năng sáng tạo của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, cũng như tuyển dụng và giữ chân được nhân tài./.

Kết quả khảo sát trên có phản ảnh đúng tình hình của doanh nghiệp của bạn? Hãy đóng góp ý kiến và giải pháp về tuyển dụng và giữ chân nhân tài tại các DN Việt Nam hiện nay qua [email protected].