Trang chủ » Thế giới » Trung Quốc: Mô hình nhân công giá rẻ đang rạn vỡ

Trung Quốc: Mô hình nhân công giá rẻ đang rạn vỡ

Tác giả:

“Thế là sắp hết rồi”, một chủ nhà máy may tôi gặp tại Chu Hải, thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, nói. Như nhiều người trong hoàn cảnh kinh doanh tương tự, ông đã bắt đầu tạm ngừng sản xuất. Hai thập niên trước, bị hấp dẫn bởi lao động dồi dào và giá rẻ, các nhà đầu tư đua nhau đổ xô tới Chu Hải. Có vẻ như đã qua đi cái thời hoàng kim của áo sơ mi, đồ chơi, hoa nhựa, mũ, lưỡi câu, lò xo, và những thứ đại loại như thế. Ngày nay, chi phí sản xuất những vật dụng tương tự ở những nước như Bangladesh và Việt Nam đã thấp hơn nhiều so với ở Quảng Đông.

Khi chi phí nhân công còn tiếp tục leo thang, liệu Trung Quốc có để tuột mất niềm khao khát bấy lâu là trở thành công xưởng của thế giới hay không?

Giá lao động tăng là điều không thể tránh khỏi. Năm 2008 chính phủ Trung Quốc đã ban hành bộ luật lao động cứng rắn và quy định mức lương tối thiểu. Các chính sách mới đây nhằm cải thiện điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn đã làm chậm lại dòng lao động di cư ra thành phố. Công nhân thì đang đòi được nhận mức thù lao tốt hơn để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở các thành phố của Trung Quốc, mà tiêu biểu là cuộc đình công liên tục và cao độ của công nhân tại nhà máy Honda Quảng Đông.

Lương là điểm mâu thuẫn cơ bản.

 

Công nhân Trung Quốc ngày càng có ý thức đòi quyền lợi cho họ (Ảnh: newshopper.sulekha.com)

Công nhân đình công đòi tăng lương từ mức hiện tại 1.500 NDT (234 USD) lên 2000 – 2.500 NDT (373,13 USD) một tháng. Rõ ràng, các công ty Trung Quốc sẽ không còn có thể chào bán sản phảm với giá quá thấp được nữa.

Sản xuất hàng may mặc là ví dụ điển hình cho thấy Trung Quốc đang mất dần đi tính cạnh tranh trên thị trường do trước đây quá phụ thuộc vào giá lao động thấp. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Mỹ Jassin O’Rourke, giá nhân công tại Trung Quốc đang cao hơn so với 7 quốc gia châu Á khác.

Chi phí trung bình để thuê một lao động tại các tỉnh duyên hải Trung Quốc là 1,8 USD/giờ và 0,55 – 0,80 USD/giờ tại các tỉnh trong nội địa. Ấn Độ đứng thứ bảy, với chi phí 0,51 USD mỗi giờ. Giá nhân công tại Bangladesh thấp nhất, chỉ bằng 1/5 mức giá tại những nơi như Thượng Hải và Tô Châu.

Thêm vào những khó khăn do vấn đề giá thuê lao động của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính trong hai năm qua cũng ảnh hưởng rất xấu đến cầu quốc tế. Năm 2009, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm 16% so với năm 2008. Đặc biệt, những ngành sử dụng nhiều lao động đều bị tác động mạnh. Trong ngành dệt may năm 2008, lợi nhuận đã giảm lần đầu tiên kể từ 10 năm trước đó. Tháng 3/2009, xuất khẩu hàng điện tử và công nghệ thông tin cũng giảm gần 25% so với giai đoạn trước.

Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi trong năm 2010, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn hiện hữu. Tháng 1/2010, giá trị xuất khẩu đã trở lại mức cùng kỳ năm 2008. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã phá sản.

Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, xu hướng chi phí tăng trong dài hạn cộng với xuất khẩu giảm trong ngắn hạn là những thách thức chưa từng có. Nhưng may mắn với Trung Quốc là chính phủ và các doanh nghiệp không phải chỉ biết ngồi im để mặc cho lợi thế cạnh tranh mất đi. Những điều kiện bất lợi này tình cờ dẫn tới việc tái cơ cấu những ngành tốn nhiều lao động vốn bị trì hoãn từ lâu.

Vì chi phí tăng, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm kiếm giá trị cao hơn, những thị trường ngách mới, và tăng cường ảnh hưởng đối với quá trình hoạch định chính sách.

Dọc vành đai duyên hải năng động của Trung Quốc, các chính quyền địa phương đang soạn thảo những chương trình kinh tế mới để nâng các doanh nghiệp của mình lên cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng. Hãy xem trường hợp của trung tâm sản xuất hàng dệt may tại tỉnh Giang Tô, nơi vốn được mệnh danh là “kinh đô tơ lụa” của Trung Quốc. Trước đây, ¾ GDP của thành phố phụ thuộc vào sản xuất hàng may mặc.

Tuy nhiên, năm ngoái, xuất khẩu cũng đã giảm khoảng 15%. Đối với các nhà hoạch định địa phương, cú sốc xuất khẩu chính là hồi chuông cảnh tỉnh rằng đã đến lúc họ phải tiến hành những thay đổi.

 

Từ bỏ lợi thế giá rẻ, Trung Quốc phải tái cấu trúc để phát triển theo chiều sâu (Ảnh: Chinadigitaltimes.net)

Kết quả là, các quan chức Giang Tô đã không còn bằng lòng với việc may vá quần áo nữa. Kết hợp giữa hướng dẫn hành chính và ưu đãi tiền tệ, chính quyền thành phố dự định sẽ giảm tỷ trọng hàng may mặc trong tổng sản lượng hàng dệt may xuống 25% trong vòng 3 năm và tăng ứng dụng công nghiệp đối với sợi hóa học, sản phẩm hứa hẹn sẽ mạng lại doanh thu cao hơn so với sản xuất quần áo.

Theo các quan chức địa phương, nhiều nhà máy của thành phố đã có khả năng sản xuất hàng loạt các loại sợi siêu mỏng trước đây chỉ được thiết kế ở Nhật.

Thực tế, suy thoái kinh tế toàn cầu hóa ra lại là một vận may bất ngờ để Trung Quốc tự “nâng cấp” các công nghiệp. Đơn đặt hàng giảm đã hủy hoại các nhà sản xuất sản phẩm cấp thấp khi họ không thể vận hành với lợi nhuận quá mỏng. Một nửa số công ty đồ chơi Trung Quốc vỡ nợ.

Mặc dù đây là điều đáng báo động trong ngắn hạn, nhưng sự xóa sổ các nhà sản xuất nhỏ lại là tin tốt với những công ty vượt qua được khủng hoảng. Khi các doanh nghiệp củng cố thị phần, họ thu được tăng trưởng nhờ quy mô.

Những công ty lớn hơn có thể tập trung tốt hơn các nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển; và đây chính là chìa khóa để khát vọng của Trung Quốc vươn cao hơn trên nấc thang giá trị.

Các ngành ít nhỏ lẻ hơn cũng có nghĩa là vận động hành lang tốt hơn. Trước đây, các nhà sản xuất tại Trung Quốc nằm rải rác và phải cạnh tranh khốc liệt. Họ hầu như không có tiếng nói nào với mỗi quy định trong nước cũng như quốc tế được đưa ra.

Đơn cử, các nhà sản xuất tại Giang Tô, buộc phải “thích nghi” liên tục với các tiêu chuẩn an toàn và môi trường tại các thị trường xuất khẩu. So với các nhà sản xuất ở Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp ở Trung Quốc được tổ chức kém và rất thụ động.

Điều này có thể thay đổi. Khi vượt qua được và tăng quy mô, doanh nghiệp Trung Quốc có thể có cơ sở thương lượng vững chắc hơn với chính phủ Trung Quốc và các công ty nước ngoài. Có được tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề chính trị trong và ngoài nước cũng có nghĩa là sẽ giảm được nhiều bất ổn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Có thể thấy được điều này qua chiến lược của Lenovo, nhà sản xuất máy tính lớn nhất của Trung Quốc, khi thuê hẳn một chuyên gia vận động hành lang tại Washington D.C.

Trong những thập niên tới, Trung Quốc có thể không còn duy trì được ưu thế chi phí, yếu tố từng quyết định thành công ban đầu cho xuất khẩu của nước này. Nhưng sẽ không hợp lý nếu cho rằng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sẽ còn ảm đạm hơn nữa.

So với nhiều quốc gia đang phát triển, chính phủ Trung Quốc vẫn ổn định và luôn khuyến khích đầu tư nước ngoài. Các cụm công nghiệp được thành lập ở nhiều vùng, nơi khả năng kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp có thể bù đắp cho chi phí leo thang.

Tiêu dùng trong nước cũng đang tăng. Hơn thế nữa, khi các công việc cấp thấp và chi phí thấp chuyển thành công việc cấp cao hơn và chi phí cao hơn, Trung Quốc sẽ không chỉ đạt được những sản phẩm giá trị cao hơn, mà còn phát triển cả các ngành dịch vụ như thiết kế. Sự thay đổi này cũng sẽ tạo ra một thách thức cạnh tranh mới cho Mỹ.

Khi các ngành sử dụng nhiều lao động của Trung Quốc chuyển mình, chúng ta hãy chờ xem sự xuất hiện của các công ty lớn hơn, đầu tư nhiều vào cải tiến và thiết kế sản phẩm hơn, có nhiều ảnh hưởng hơn đối với các chính sách kinh doanh và thương mại. Vì thế sản phẩm “Made in China” sẽ không mất đi ưu thế toàn cầu. Ưu thế ấy chỉ đơn giản chuyển đang sang một hình thế mới – và có thể là đáng nể hơn.

Đình Ngân dịch từ Project Syndicate