Trang chủ » Tranh luận » Tỏa sáng thương hiệu bằng lòng hảo tâm

Tỏa sáng thương hiệu bằng lòng hảo tâm

Tác giả:

TIN LIÊN QUAN

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ở Việt Nam, một trong những thể hiện nhân cách đạo đức doanh nhân là làm từ thiện, vậy ở Mỹ các doanh nghiệp làm từ thiện như thế nào? Số phần trăm các doanh nghiệp làm từ nhiện có nhiều không, thưa ông?

Ông Peter Handal: Đầu tiên phải đề cập tới khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cách thức mà các doanh nghiệp Mỹ nhìn nhận về điều đó. Điều này rất quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất nó giúp mọi người, rõ ràng là tốt cho tất cả mọi người. Thứ hai là lợi ích đối với kinh doanh, tạo ra hình ảnh tốt cho doanh nghiệp.

 

Mô tả ảnh.
Phát triển thương hiệu có thể dựa trên nền tảng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Khi người dân thích doanh nghiệp vì họ làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng, người dân sẽ cảm thấy thân thiện hơn với thương hiệu của doanh nghiệp. Như vậy là một mũi tên bắn trúng hai đích, phục vụ cộng đồng nhưng đồng thời cũng tạo dựng thương hiệu tốt hơn để mang lại nhiều lợi ích tài chính hơn.

Thứ hai, tôi không nắm rõ bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp làm các kiểu từ thiện. Tôi chỉ có cảm nhận rằng con số này rất đáng kể, đặc biệt là đối với các tập đoàn lớn, từ thiện là một phần cần thiết trong công việc và mô hình kinh doanh của họ.

Tôi lấy ví dụ những nhà bán lẻ như Target, WallMart, họ phân bổ riêng một phần doanh thu bán hàng trong từng khu vực hoạt động để dành riêng cho các hoạt động từ thiện địa phương. Họ coi đó là một phần công việc và việc này được quảng bá rất rộng rãi để mọi người cùng biết.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, cấu trúc ở Mỹ là như sau, nếu các công ty nhỏ là sở hữu của một gia đình thì rất khó phân định liệu ai là chủ thể làm từ thiện, doanh nghiệp hay cá nhân. Tôi biết rằng doanh nghiệp Mỹ làm từ thiện vào loại nhất ở phương Tây, và hiến tặng tài sản cho các tổ chức từ thiện đã trở thành một nét văn hóa. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ thì không dễ vẽ đường ranh giới giữa từ thiện doanh nghiệp và từ thiện cá nhân.

Đối với các doanh nghiệp vừa, một số làm từ thiện, số khác thì không. Điều này hơi khác với các doanh nghiệp lớn khi đa số đều làm từ thiện.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vậy họ làm từ thiện theo hình thức nào thưa ông?

Ông Peter Handal: Hình thức từ thiện cũng rất đa dạng. Các công ty bán lẻ có xu hướng góp tiền cho các hoạt động từ thiện địa phương bởi địa bàn hoạt động của họ trải dài ở nhiều vùng trên khắp Hoa Kỳ, nếu họ có chi nhánh ở Chicago, họ sẽ làm từ thiện ở Chicago. Hoặc họ đang hoạt động ở Vịnh Mexico nơi xảy ra vụ tràn dầu, họ sẽ đóng góp để dọn sạch những bãi biển có thể bị ảnh hưởng bởi vụ việc.

Một số công ty khác lại làm từ thiện liên quan tới lĩnh vực kinh doanh của họ. Ví dụ các công ty dược phẩm tạo ra rất nhiều loại thuốc đắt tiền, họ có thể tài trợ rất nhiều tiền bạc cho những tổ chức hỗ trợ người bệnh nghèo không đủ tiền mua thuốc.

Nếu để chỉ ra 1 lĩnh vực từ thiện đang là mối ưu tiên hàng đầu hiện nay, tôi có thể nói đó là môi trường. Đây là lĩnh vực từ thiện phổ biến nhất và được đóng góp nhiều nhất. Những người trẻ tuổi cũng tham gia rất nhiều và rất hào hứng với việc cải thiện môi trường. Các nhà doanh nghiệp đóng góp lớn vào lĩnh vực này bởi mọi người quan tâm tới chúng.

Một lĩnh vực khác cũng thu hút được nhiều tài trợ từ các doanh nghiệp hảo tâm là giáo dục. Ở New York, có nhiều trường tốt và nhiều trường không được như thế. Các tập đoàn cho rất nhiều tiền để phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học để sau này họ có thể trở thành những nhân viên tốt. Từ thiện như vậy vừa giúp người khác đồng thời cũng giúp chính bản thân mình.

Hình thức từ thiện cuối cùng cũng rất phổ biến đối với các công ty là từ thiện khi có thảm hoạ. Ví dụ Haiti gặp một trận động đất và phải chịu huỷ hoại rất lớn, doanh nghiệp Mỹ đã tài trợ hàng triệu triệu đôla để giúp đỡ các nạn nhân động đất ở Haiti. Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Mỹ là rất ấn tượng.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Một doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền làm từ thiện nhưng lại bóc lột tài tệ nhân công, hủy hoại tài nguyên đất nước, tàn phá môi trường. Vậy chúng ta nên nhìn nhận và giải quyết việc từ thiện ấy như thế nào? Ở Mỹ có xảy ra chuyện đó không thưa ông?

Ông Peter Handal: Tôi không nghĩ ra một trường hợp nào tương tự như vậy ở Mỹ. Tôi nói rất thẳng thật rằng các công ty Mỹ đối xử với nhân viên rất tốt. Chúng tôi cũng chưa phải một xã hội hoàn hảo nhưng không có chuyện bóc lột nhân công, chúng tôi muốn giữ nhân viên và khích lệ họ.

 

Mô tả ảnh.
“Bản chất con người không đổi nên cuộc sống hay kinh doanh cũng như nhau, đơn giản là mối quan hệ giữa con người với con người”, ông Peter Handal chia sẻ. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Một trong những lời dạy của Dale Carnegie là phải giúp nhân viên gắn bó với công ty, và chúng tôi có những chương trình toàn cầu đào tạo cách giúp các công ty giữ chân nhân viên. Bóc lột nhân viên đã không còn ở Mỹ, có thể 50, 100 năm trước có tình trạng như vậy nhưng không phải ở thời điểm này.

Nếu có trường hợp đó, nếu có công ty nào lại vừa làm từ thiện nhưng đồng thời vẫn bóc lột nhân công để đánh lạc hướng dư luận. Họ muốn nói với người khác rằng: Đừng soi xét tôi như thế, tôi đang làm rất nhiều từ thiện tốt đẹp này. Tôi nghĩ tư duy đó hoàn toàn sai và hết sức tồi tệ. Tôi không cho rằng các công ty được phép làm như thế.

Giải pháp ở đây là cứ để họ làm từ thiện nhưng phải làm sao để khiến họ xấu hổ và thay đổi cách hành xử của họ.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi rất khâm phục những người đã nỗ lực làm giàu và thực sự trở nên giàu có. Tuy vậy, sau khi đã thành triệu phú, tỉ phú, cũng có những doanh nhân không làm từ thiện mà lại muốn vơ vét nhiều hơn nữa, ích kỷ với cộng đồng xung quanh, trở thành những trọc phú tiêu tiền một cách ngạo mạn. Ở Mỹ vào thời kỳ đầu phát triển có hiện tượng đó không và bây giờ ra sao?

Ông Peter Handal: Những kiểu người như vậy vẫn tồn tại ở Mỹ ngay cả cho tới ngày nay. Một ai đó có nhiều tiền và bắt đầu chi tiêu một cách phô trương chỉ để mọi người thấy. Họ là những trọc phú chỉ muốn thể hiện cho người khác thấy sự giàu sang của mình.

So với 10, 20 hay 30 năm trước đây, tôi không thấy có sự thay đổi nhiều lắm, vẫn có một số nhất định những cá nhân như vậy bởi cá tính con người của họ thích thể hiện như vậy. Nhưng tôi cũng không nghĩ đây là vấn đề lớn của nước Mỹ trong hiện tại cũng như tương lai.

Cũng có nhiều người mà tôi biết ở Mỹ đã chi tiêu rất phô trương, họ thường đến từ những ngành kinh doanh có thu nhập cao ngoài sức tưởng tượng như dịch vụ tài chính, ngân hàng đầu tư. Nhưng chi tiêu xa hoa không có nghĩa là do họ bóc lột nhân viên, họ đơn giản chỉ kiếm được nhiều tiền.

Dale Carnegie luôn dạy con người là nên có tầm nhìn dài hạn. sẽ rất ngắn hạn nếu bạn đối xử tệ hay bóc lột nhân viên trong khi lại sống trong những ngôi nhà lớn và xe hơi sang trọng. Những ông chủ như vậy có thể tồn tại được vài năm nhưng không có một tương lai dài hạn nào cả. Dale Carnegie luôn khuyên mọi người nhìn về phía trước và có những chiến lược dài hơi.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Một câu hỏi từ bạn đọc, có những tập đoàn Mỹ hành xử rất tốt ở nước Mỹ nhưng lại trả lương thấp ở nước ngoài, khai thác tài nguyên nước ngoài, tàn pá môi trường nước ngoài mà họ có hoạt động kinh doanh ở đó. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Ông Peter Handal: Tôi nghĩ phải có tiêu chuẩn chung cho mọi hành vi ở bất kỳ nơi đâu. Doanh nhân cần phải hành động đạo đức và theo luật ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Hoàn toàn sai nếu như họ hành xử như trong câu hỏi.

Tiêu chuẩn này đang có sự phát triển ở nước Mỹ. 20 năm trước, không ai nghĩ nhiều về vấn đề này. Họ nghĩ rằng họ tuân thủ luật pháp Mỹ thôi còn ra nước ngoài lại là một quy chuẩn khác. Giờ đây mọi việc đã thay đổi khá nhiều, đặc biệt với các tập đoàn lớn, họ muốn có được danh tiếng là một công ty tốt ở những nơi họ đặt chi nhánh.

Tôi có mang theo trong chuyến đi này một chiếc áo sơmi Made in Vietnam. WalMart, một khách hàng lớn của chúng tôi, nhập rất nhiều hàng may mặc từ khắp nơi trên thế giới, họ có một hệ thống rất chặt chẽ, điều tra tất cả các nhà máy sản xuất quần áo cho họ để đảm bảo rằng công nhân đang được đối xử tốt.

Chi phí đương nhiên sẽ bị đội lên nhưng họ muốn đảm bảo rằng công nhân ở nước ngoài cũng phải có đủ thức ăn, nơi ở, chỗ làm tử tế. Như vậy, WalMart đã đảm bảo một tiêu chuẩn tương đối công bằng và tập đoàn này đang là một mẫu hình tiêu biểu cho các tập đoàn Mỹ. Họ không làm vậy 20 năm trước nhưng giờ đây tất cả đã khác rồi, những khái niệm đó đã phát triển và trở nên phổ biến trong giới kinh doanh Mỹ.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vậy trong 5 năm tới, khát vọng của Dale Carnegie ở Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?

Ông Peter Handal: Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới những giá trị để chia sẻ với cộng đồng. Khát vọng của Dale Carnegie Việt Nam là làm sao trong vòng 10 năm có thể khơi gợi, xây dựng, thúc đẩy một văn hóa Đắc nhân tâm cho môi trường kinh doanh và cuộc sống ở Việt Nam.

Bản chất con người không đổi nên cuộc sống hay kinh doanh cũng như nhau, đơn giản là mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là điều Dale Carnegie Việt Nam hướng đến về mặt xã hội, và nếu điều đó thành công, đó cũng là cơ hội để Dale Carnegie đóng góp một phần vào nền giáo dục của Việt Nam. Đó là bức tranh đẹp nhất.