Trang chủ » Điểm nóng » Biết người, biết ta khi Trung Quốc trúng thầu

Biết người, biết ta khi Trung Quốc trúng thầu

Tác giả:

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, trao đổi với PV.VNR500 xung quanh chuyện Trung Quốc trúng thầu nhiều công trình trọng yếu tại Việt Nam.

Khi chúng ta không hiểu “đối tác” Trung Quốc

PV: Thưa ông, khi Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam thì đến cả công nhân dọn dẹp, cũng là của Trung Quốc sang làm. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

– Điều đó chẳng có gì là lạ! Bởi vì, chính sách của Trung Quốc là như vậy: thông qua việc nhận thầu ở nước ngoài, Trung Quốc xuất khẩu cả lao động, xuất khẩu cả vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc…

Và chính phủ Trung Quốc có hẳn một chương trình hậu thuẫn rất mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đi ra nước ngoài nhận thầu.

Nước họ qui định rõ ràng, nếu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị Trung Quốc đưa vào dự án bằng 15% tổng giá trị dự án đó trở lên thì các nhà thầu được vay vốn với lãi suất rất thấp, được giảm nhiều thứ thuế và thậm chí, có loại còn được miễn thuế.

Cho nên, khi sang Việt Nam, ngoại trừ cát, đá sỏi thôi, còn lại xi măng, sắt thép, thậm chí là vật liệu trang trí… là của Trung Quốc.

Mô tả ảnh.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN (ảnh: Phạm Huyền)

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn lập quĩ bảo hiểm rủi ro, nếu rủi ro khi nhận thầu ở nước ngoài thì Quỹ ấy chi tiền hỗ trợ.

Họ còn dùng cả công cụ viện trợ chính thức như nhiều nước vẫn dùng. Ví dụ, Nhật Bản cung cấp ODA cho ta, có kèm điều kiện nhà thầu Nhật Bản, thiết kế, thi công của Nhật. Cái đó là dễ hiểu. Tôi viện trợ cho anh, thì tôi phải được lợi gì? Trung Quốc cũng thế.

Mà bây giờ, Trung Quốc còn có thêm một công cụ nhiều nước khác cũng dùng với Việt Nam. Đó là nếu DN nước tôi trúng thầu thì tôi còn có thể cho nước anh vay vốn thương mại dành cho công trình đó với lãi suất thấp hơn. Nhiều dự án điện của ta là thế, vay vốn ngân hang Eximbank China.

Họ kết hợp được nhiều hậu thuẫn rất tốt để các nhà thầu đi ra nước ngoài. Không như nước khác tới đây, họ làm kinh doanh bình thường.

Riêng về lao động, họ không xuất khẩu lao động trực tiếp như ta, mà họ xuất khẩu xây dựng và thông qua đó, họ đưa lao động ra nước ngoài. Hiện nay, khoảng nửa triệu công nhân Trung Quốc đang ở nước ngoài và càng ngày càng đông lên.

Tôi đã đến thủ đô Angiêri, nơi Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường nhà ở hàng chục triệu USD và thấy, công nhân, bếp núc… ở công trường cũng 100% là người Trung Quốc. Thậm chí, người Angieri muốn vào công trường đó cũng khó, phải có công chuyện mới vào.

Họ nhận làm như vậy thì họ không vướng mắc gì về ngoại ngữ, người Trung Quốc chỉ huy người Trung Quốc thôi.

Cho nên, công nhân xây dựng Trung Quốc sang Việt Nam đông, chuyện dự án toàn máy móc thiết bị vật liệu là của Trung Quốc thì chẳng có gì là lạ cả.

PV: Chúng ta lại quá lúng túng trước sự lớn mạnh và thống lĩnh thị trường đấu thầu của Trung Quốc! Ông có chia sẻ thế nào về điều này?

– Rõ ràng, chính sách đó của Trung Quốc là rất hay, nhưng nó không phù hợp với Việt Nam.

Nếu chúng ta đã là một nước phát triển thì khác, có lẽ, khi đó, ta không cần quan tâm xem lao động công trường là ở đâu. Nhưng ở đây, nước mình còn nghèo, tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Thế thì, khi đầu tư, vừa để phát triển đất nước, còn phải kiếm thêm công ăn việc làm cho dân mình nữa.

Mô tả ảnh.
Công nhân Trung Quốc có mặt ở nhiều công trường Việt Nam

Mấu chốt ở đây là chúng ta không hiểu đối tác. Chúng ta đưa nhiều nhà thầu Trung Quốc vào, nhưng chúng ta lại không hiểu chính sách xuất khẩu xây dựng của họ.

Chúng ta coi doanh nghiệp Trung Quốc, hay châu Âu, Úc cũng như nhau, chúng ta đối đãi với nhà thầu Trung Quốc cũng y như đối với nhà thầu Nhật Bản… nên khi họ đưa công nhân, máy móc vào, không như nước khác nên chúng ta thấy lạ. Rồi, chúng ta kêu lên, phê phán họ vào nhiều.

Không phải đối tác nước ngoài nào vào làm ăn ở Việt Nam cũng nên “coi” như giống nhau.

Chủ đầu tư đã không làm tròn trách nhiệm

PV: Đó là một cuộc chơi cạnh tranh gay gắt. Trước chính sách xuất khẩu xây dựng đầy khôn khéo đó của Trung Quốc, Việt Nam cần có đối sách thế nào?

– Ai đã vào đây là phải theo chính sách của tôi. Chính sách của anh tuy hay, nhưng chỉ áp dụng ở chỗ anh, còn vào đây, nếu không phù hợp với tôi, thì không được tham gia.

Thế nhưng, thực tế ở ta thì sao? Tại sao ta lại để cho nhà thầu nước ngòai mang quá nhiều lao động của họ sang? Tại sao ta vi phạm hợp đồng thì bị kiện và thua kiện nhiều vụ rất lớn nhưng khi họ vi phạm hợp đồng thì tòan thấy là thông cảm, không có xét xử gì?

Khi đấu thầu, chúng ta phải nói rõ với họ chính sách của mình, và qui định hẳn hoi là anh phải dùng lao động của Việt Nam.

Chúng ta cũng phải nói rõ rằng, ta có rất nhiều những nhà thầu nhỏ mà chúng ta phải nâng họ lên dần, nhận thầu những công trình lớn. Do đó, những công trình lớn thì anh nào dùng càng nhiều thầu phụ người Việt Nam thì ta đánh giá điểm cao và ưu tiên cho anh. Làm vậy, có phải ép họ thiên vị cho Việt Nam không, chắc chắn là không phải. Chúng ta là từ nước nhỏ đi lên, phải cho các nhà thầu Việt Nam cơ hội học tập, đi lên chứ.

Nhiều nước, họ đứng ra lo kỹ thuật, lo vốn, còn thầu phụ, họ dung của Việt Nam rất nhiều và nhờ đó, ta trưởng thành . Ví dụ như cầu dây văng, chúng ta làm cầu Mỹ Thuận là Úc nhận thầu, cầu Bãi Cháy là Nhật nhận thầu và đều có thầu phụ là Việt Nam. Sau này, ta đã tự thiết kế cầu dây văng ở nhiều nơi. Nhưng Trung Quốc làm tổng thầu thì thầu phụ của ta không dùng.

Cho nên, giải quyết vấn đề này đầu tiên phải ở chỗ anh chủ đầu tư, khi tổ chức đấu thầu, phải nói rõ mọi chính sách.

Tuy nhiên, tôi thấy, có những điều chúng ta có qui định đấy, như chuyện lao động chẳng hạn, nhưng có khi không ai giám sát, không ai quản chế tài.

Nếu thế, chủ đầu tư không làm tròn nhiệm vụ. Trong khi dự án lớn thế này đều là vốn của Nhà nước, là đầu tư công cả.

Chỉ nên có 3 trung tâm đấu thấu

PV: Còn một yếu tố khác quyết định sự thắng thua trong cạnh tranh, đó là năng lực nhà thầu Việt Nam, ông có suy nghĩ gì?

– Ông Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc có lần nói, nhiều nhà đầu tư nước ngòai đến đây tìm không ra nhà thầu để xây dựng nhà máy cho họ. Nghĩa là chúng ta thiếu lực lượng chứ không phải là thừa.

Mô tả ảnh.
Nhà máy nhiệt điện Sơn Động cũng do Trung Quốc thi công

Trong khi đó, lực lượng của ta làm gì? Đi chuyển sang kinh doanh bất động sản. Lilama cũng đi sang bất động sản, Tổng công ty Sông Đà, Vinaconex cũng đi làm bất động sản cả. Ông nào cũng đi làm bất động sản, còn việc chính của mình là việc xây dựng thì càng ngày càng èo uột.

Tôi không phản đối họ kinh doanh bất động sản, nhưng điều đó là một triệu chứng không tốt. Chúng ta đã có bài học Vinashin rồi. Bất động sản là ngành dịch vụ, xây dựng là sản xuất, phân loại ngành nghề khác nhau. Đâu phải, tôi biết xây là tôi làm được cả bất động sản. Rồi đến lúc, chúng ta sẽ có bài học đắt giá về việc này.

Giờ tưởng tượng, anh làm bất động sản, phá sản thì bộ phận xây dựng của anh cũng phá sản theo. Thế thì, việc xây dựng đất nước này phải giao cho nhà thầu nước ngòai, mang cả công nhân, máy móc thiết bị vật iệu vào. Phải tiên trách kỷ, tự trách mình trước.

PV: Còn về phía cơ chế, Luật Đấu thầu đang bị nhiều nơi kêu ca, ông có ý kiến gì về điều này?

– Tôi thấy rằng, cung cách nhận thầu như của nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam có cái mặt có cái lợi nhưng có cái lại là hạn chế cho ta. Cái lợi là Trung Quốc thì rõ rồi, công trình nào họ nhận thầu của ta cũng rẻ.

Nhưng luật đấu thầu hiện nay, ta lấy tiêu chí giá rẻ là hàng đầu thì không bao giờ ngăn chặn được gì cả.

Phải lấy tiêu chuẩn khác. Kỹ thuật hiển nhiên là phải đạt yêu cầu nhưng thông qua nhận thầu, anh phải giúp chúng tôi lớn lên, chúng tôi có nhiều công ăn việc làm hơn, nhà thầu chúng tôi lớn lên chứ không chỉ mỗi việc ai có kỹ thuật, có giá tốt hơn.

Tôi nói thẳng, hiện nay, ta chỉ đơn thuần căn cứ 2 điều đó thôi là không đúng.

Trung Quốc nhận thầu ở ta là để đưa cả vật liệu, thiết bị, lao động sang. Còn ta đấu thấu là để có thêm công ăn việc làm, tiêu thụ hết sắt thép xi măng đang ứ thừa ra đây và tăng cường năng lực công nghiệp chế tạo trang thiết bị.

Nhưng hiện nay, tư duy của luật đấu thầu chỉ là làm sao hội nhập quốc tế mà không đếm xỉa tình hình Việt Nam. Cái đó là không đúng.

Thế thì, để Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đấu thầu và chúng ta không chen chân vào được thì chẳng có gì lạ, nhưng phải rút kinh nghiêm ngay, phải chấn chỉnh ngay.

Không nên oán trách ai. Mọi việc người ta làm đúng pháp luật. Cái gì không đúng pháp luật thì ta nói, nhưng như việc đưa lao động vào, nhưng ta lại không nói.

PV: Theo ông, ta nên sửa cơ chế đấu thầu này như thế nào?

– Tôi đề nghị, những dự án công, vốn công chiếm chủ đạo, thì nên thành lập ba trung tâm đấu thầu của Nhà nước ở ba miền như ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM tổ chức việc đấu thầu, chứ không phải là chủ đầu tư. Coi như, đấu thầu là dịch vụ thị trường. Vì anh này là chuyên nghiệp, nắm sát chính sách của Chính phủ, có kinh nghiệm chọn thầu.

Còn ông chủ đầu tư, chỉ có mỗi dự án, có khi trước đó còn chưa có dự án nào. Làm sao mà anh chủ đầu tư mà đủ năng lực để đấu thầu được? Trong khi đó, ở hội đồng xét thầu, người ta đi cổng hậu thì ai biết?

Còn nếu có 3 trung tâm, Bộ Nội vụ kiểm tra chỉ 3 nơi cũng dễ hơn. Còn nếu kiểm tra đủ các dự án chủ đầu tư này kia thì Bộ Nội vụ làm sao kiểm soát được. Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh họ cũng có một trung tâm như vậy. Nhà nước không buông lỏng nhưng cũng không phải làm thay thị trường./.