Trang chủ » Kinh doanh » Nhiều dự án bất động sản sẽ được “giải thoát” vào 10/2010

Nhiều dự án bất động sản sẽ được “giải thoát” vào 10/2010

Tác giả:

Cùng với việc bản Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội dự kiến được phê duyệt vào tháng 10-2010, sẽ có khoảng 800 dự án đầu tư và hơn 200 dự án nhà cao tầng đang bị tạm dừng, được “giải thoát”, tạo ra nguồn cung rất lớn cho thị trường bất động sản Hà Nội.

Đầu cơ chiếm lĩnh thị trường

Điều tra của các cơ quan nghiên cứu thị trường tại Hà Nội vừa công bố cho biết, đa số người mua bất động sản phục vụ mục đích đầu tư, chiếm tỷ lệ lên đến 61,9% và chỉ có 38,1% mua để phục vụ nhu cầu ở và sinh hoạt của gia đình.

Trong số những nhà đầu tư mua để phục vụ mục đích đầu tư, có 47,7% dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng kiếm lời và có 52,3% phục vụ mục đích đầu tư dài hạn và cho thuê. Nguồn vốn chủ yếu các nhà đầu tư sử dụng vào thị trường bất động sản là vốn tự có (chiếm tỷ lệ 44%), tiếp đến là vốn vay từ bạn bè, người thân (35%) và chỉ có 20% nhà đầu tư trong tổng số mẫu điều tra cho rằng sẽ sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư bất động sản.

Chứng thực tình trạng trên, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Tho nhìn nhận, giao dịch phần lớn là mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau. Trong đó, có những mảnh đất trong một thời gian ngắn đã thực hiện giao dịch nhiều lần. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao, nhất là tại các khu vực huyện Thạch Thất, Ba Vì…

Nhiều dự án bất động sản sẽ được “giải thoát” vào 10/2010

Cùng quan điểm, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, nửa cuối quý I và đầu quý II/2010, giá cả bất động sản được đẩy lên quá cao, tăng bình quân 30%, có khu vực tăng hơn 40% so với quý IV/2009. Tuy vậy, biến động về lượng giao dịch và việc tăng giá có sự không đồng đều giữa các khu vực.

Khu vực phía tây, giá bất động sản tăng đều đặn và có thời điểm tăng cao, giá ảo, các khu vực phía bắc, phía nam và phía đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý I/2010.

Theo ông Vũ Xuân Thiện, biến động mạnh của thị trường tại các địa điểm đang xem xét quy hoạch thủ đô có nguyên nhân do nguồn cung trên thị trường không đủ.

Song, tình trạng đầu cơ, kích giá, “làm giá” ảo của giới đầu cơ để kiếm lời, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” của các nhà đầu tư ngắn hạn cũng là nguyên nhân để đẩy giá bất động sản lên cao.

“Cởi trói” 800 dự án

Phân tích về nguyên nhân khiến thị trường thiếu ổn định, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam băn khoăn về tình trạng chậm tiến độ của các dự án khiến nguồn cung cho thị trường trở nên khan hiếm. Chính điều này đã dẫn tới thực trạng thị trường nằm trong tay người bán.

Ông nói: “Hầu như 100% các dự án nhà ở, khu đô thị đều chậm tiến độ so với yêu cầu. Sau khi thủ đô mở rộng, việc rà soát hơn 800 dự án, đồ án quy hoạch cũng thực hiện rất chậm. Hiện nay, thành phố mới chỉ công bố kết quả rà soát giai đoạn một. Có dự án đã cấp phép từ 3-4 năm nay nhưng vẫn phải “đắp chiếu”.

Tuy vậy,  Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, trấn an, thời gian tới, Thủ tướng sẽ phê duyệt quy hoạch thủ đô, trong đó sẽ “giải thoát” cho 800 dự án đang bị dừng vì Hà Nội mở rộng và hơn 200 dự án nhà cao tầng.

Đây sẽ là nguồn cung mạnh mẽ cho thị trường Hà Nội trong thời gian tới, góp phần làm giảm nhiệt cho thị trường này. Tuy nhiên, về lâu dài, phải định hướng được cho doanh nghiệp, nhận thức được đúng đắn và đầy đủ hơn về loại hàng hóa có tính phức tạp này, làm minh bạch và trong sáng hơn thị trường bất động sản.

Có mối quan tâm tương tự, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, không để các dự án trong tình trạng tù mù về thông tin như hiện nay. Ngay khi Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, cần công bố công khai về lộ trình, bước đi cụ thể tổ chức triển khai thực hiện để người dân, nhà đầu tư biết.

Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thành phố cần có cơ chế công tác phát triển quỹ đất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất “sạch” sẵn có để kêu gọi đầu tư và điều tiết thị trường khi cần thiết.

Về lý thuyết, thị trường sẽ ê hề hàng hóa dịp cuối năm và như thế khả năng đột biến về giá là rất thấp. Thế nhưng, các chuyên gia cũng cảnh báo, sẽ không thừa nếu nhìn lại bài học sốt đất cuối năm 2009. Khi đó, cơn sốt đã bùng phát ngay sau khi Hà Nội công bố danh mục 240 dự án đầu tư, đồ án quy hoạch (trong đó, đa phần là dự án bất động sản) từ vành đai 4 trở vào được tiếp tục triển khai. Chỉ có thể giải thích sự vô lý này là người ta đã cố ghìm nguồn cung, không chịu bung hàng ra thị trường.

Sau hơn một năm đình đốn vì đa số nằm trong diện dự án, đồ án phải được rà soát, đáng lý, lượng hàng mới cho thị trường phải được tung ra ồ ạt ngay sau khi 240 dự án được thành phố Hà Nội “cởi trói”, giúp hạ “cơn khát” và bình ổn giá.

Thực tế lại diễn ra ngược lại. Càng nhiều dự án thoát “cửa” rà soát, hàng càng được đưa ra theo kiểu nhỏ giọt và giá leo thang từng ngày. Rõ ràng có hiện tượng “găm” hàng, tạo khan hiếm ảo. Có lợi nhiều nhất trong những cơn sốt đất như thế, không ai khác, chính là những chủ đầu tư các khu đô thị, những người nắm giữ nhiều đất đai nhất và có quyền lực chi phối thị trường ở phía tây thành phố Hà Nội.