Trang chủ » Kinh doanh » Làm giàu khoa học: Thú vị, hấp dẫn và hiệu quả

Làm giàu khoa học: Thú vị, hấp dẫn và hiệu quả

Tác giả:

Người Việt Nam từ xưa đến nay thường quan niệm: giàu có là chuyện của số phận, cần phải có “căn” về kinh doanh. Mọi người có thể đi học rất nhiều thứ, nhưng hầu như chưa có người Việt nào nghĩ đến chuyện học làm giàu.

Buổi giao lưu trực tuyến: “Làm giàu có thể học được”, diễn ra tại Báo VietNamNet chiều 13/10 – đúng vào ngày tôn vinh các Doanh nhân Việt Nam – những người đang nỗ lực lao động, sáng tạo, không chỉ làm giàu cho mình mà qua đó, làm giàu cho đất nước – buổi giao lưu trực tuyến mong muốn khơi gợi lòng ham muốn học làm giàu ở các bạn trẻ, những doanh nhân tương lai.

Độc giả cùng trò chuyện với chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Quang A; ông Nguyễn Duy Cương – diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực khai phá khả năng tiềm ẩn con người; TS Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty IDT International; ông Quách Tuấn Khanh – chuyên gia về thành công và làm giàu, Giám đốc Công ty truyền thông Starlit Communications, Chủ tịch Power UP Group.

Chuyên gia kinh tế, các diễn giả đang giao lưu trực tuyến về Làm giàu có thể học (ảnh Lê Anh Dũng)

Làm giàu, tạo ra nhiều của cải vật chất, đem lại sự thịnh vượng cho bản thân và cho xã hội là khát vọng hàng ngàn đời nay của loài người. Tuy nhiên, từ khát vọng đến thực tế là một hành trình rất dài, không phải ai cũng đi đến đích.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Hiểu với nghĩa rộng, con cái thường nối nghiệp của cha mẹ và kinh doanh cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Chính vì vậy có một thực tế rằng ai cũng muốn nâng cao đời sống vật chất của mình, ai cũng biết “phi thương bất phú”, nhưng hầu như chỉ có những người có bố mẹ, ông bà đã từng buôn bán, đã từng kinh doanh mới trở thành những doanh nhân.

Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Tại sao con cái lại thường nối nghiệp cha mẹ không? Hay coi đó là một việc hiển nhiên?

Giờ đây, kinh doanh cũng chỉ là một nghề nghiệp – không phải là đặc thù, đặc quyền, đặc lợi của một ai đó, của một dòng họ nào đó. Nó đã trở thành kiến thức chung của toàn nhân loại.

Thực tế, khoa học học làm giàu không còn xa lạ ở phương Tây với những diễn giả có tầm ảnh hưởng lớn như Donald Trump, Anthony Robbins, T. Harv Eker, Robert T. Kiyosaki, Adam Khoo…

Đồng thời, họ còn là tác giả của nhiều cuốn sách bestsaller về đề tài này như Cha giàu cha nghèo (Robert T. Kiyosaki), Bí quyết tư duy thịnh vượng (T. Harv Eker), Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ (Adam Khoo)…

Đã có rất nhiều người, nước ngoài cũng như Việt Nam, nhờ đọc và học những khóa học của các diễn giả đó đã thay đổi tư duy, từ đó dẫn đến thay đổi cuộc đời của chính mình, trở nên thành công hơn, hạnh phúc hơn và giàu có hơn.

Trong khi đó, khoa học làm giàu mới bắt đầu manh nha xuất hiện ở Việt Nam, trong sự đón nhận đầy nghi ngờ của người Việt.

Vậy, thực hư câu chuyện này thế nào? Làm giàu có thể học được không? Nếu học được thì học những gì? Phương pháp học ra sao? Sự học đó có gì khác với những môn học thông thường?

Nội dung giao lưu trực tuyến:

Bạn đọc Hoàng Thu Thuỷ, 30 tuổi, Nam Định:

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Diễn đàn VNR500 chọn đề tài này để làm giao lưu trực tuyến rất hợp lý. Tuy nhiên, các doanh nhân ở Việt Nam hiện nay đã được tôn vinh thực sự chưa? vai trò của khu vực làm giàu cho đất nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, dân doanh, đã được đề cập rõ ràng, nổi bật trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn tới chưa? Làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, chứ không phải chỉ là lời kêu gọi, động viên chung chung? Câu hỏi này xin dành cho TS. Nguyễn Quang A. Xin cảm ơn ông.

TS. Nguyễn Quang A (ảnh L.A.D)

TS Nguyễn Quang A: Nếu vài chục năm về trước, DN tư nhân còn bị cấm đoán, không coi trọng nhưng đến nay dư luận và Nhà nước đã có bước tiến tốt. Chúng ta đã có ngày doanh nhân, theo tôi biết, thì hầu như không có nước nào có ngày đặc biệt như vậy. Tất nhiên việc tôn vinh linh đình như thế chắc có lẽ giới doanh nhân không cần sự hào nhoáng như thế mà cái người ta cần là sự tôn trọng thực sự trong hoạt động hàng ngày.

Đó là làm sao các quan chức nhà nước đối xử với họ tử tế, để họ làm ăn minh bạch đường đường chính chính để họ bớt phải tốn thời gian công sức vào những việc vô bổ khác. Làm sao để hoạt động cho có hiệu quả nhất cho chính họ, cho nhân viên của họ. Thực sự đó phải là sự ứng xử hằng ngày, không có sự phân biệt.

Mỗi một năm có một ngày để tung hô nhau lên thì không dở nhưng đó cần được thực hiện hằng ngày.

Phải cố gắng những người kinh doanh càng trung thực càng giỏi, càng thẳng thắn càng phát triển. Còn trong một moi trường bị méo mó, họ phải luồn lách để kiếm dự án thì sự giàu có đó không phải là bền lâu.

Liên quan đến Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, đã  có sự đề cao đánh giá tôn trọng nhất định với khu vực tư nhân, tuy nhiên, vẫn chưa đánh giá hết vai trò to lớn của khu vực này, thậm chí vẫn còn có đường lối gây ra sự phân biệt, đối xử, có thể cản trở đến sự phát triển của khu vực tư nhân và cũng có hại đến sự phát triển chung cho đất nước.

Đó là nhấn mạnh lại vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò nền tảng của sở hữu công và sở hữu tập thể. Hai điểm này không những không có sự tiến bộ so với các văn kiện đại hội trước mà có vẻ như còn là một bước thụt lùi.

Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh và cũng là tôn trọng họ nhất là tạo cho họ một sân chơi thực sự bình đẳng chứ không phải chỉ là bình đẳng trên giấy, và thậm chí ngay cả trên giấy hiện nay cũng không bình đẳng.

Bạn đọc Nguyễn Xuân Phúc, 21 tuổi, Gia Bình – Bắc Ninh: Làm giàu là khát vọng của không chỉ một mà rất nhiều người nhưng không phải ai cũng thành công. Và dường như nhưng điều mà em nghe nhiều, đọc nhiều về những câu chuyện làm giàu cũng thấy khó. Các cụ có câu: “Cái khó bó cái khôn”. Bắt đầu từ con số 0 như thế nào? Và nên đầu tư vào lĩnh vực nào khi em mới là sinh viên vừa ra trường?

Ông Quách Tuấn Khanh: Đầu tiên xin khẳng định với bạn, bạn không phải là con số 0. Vì bạn đã sống hơn 20 năm trên đời, nên bạn đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm các bài học, các quan hệ. Vấn đề là bạn tích luỹ đủ mức để bạn tự tin bước vào kinh doanh. Vậy, chuyện mà bạn cần tập trung lúc này là nâng cao năng lực và giá trị bản thân, chuẩn bị cái đích trở thành một doanh nhân thành công.

Bạn đọc Nguyễn Văn Nam, 35 tuổi, Long Biên, Hà Nội: Trong số 20 DN tư nhân nộp thuế nhiều nhất Việt Nam trong bảng V1000 do công ty Vietnam Report và Báo VietNamNet thực hiện, có đến 18 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. TS. Nguyễn Quang A có thể cắt nghĩa giúp tài sao không? Có phải như vậy là họ đang rất giàu, kiếm tiền dễ và những bạn trẻ nên thi vào ngành tài chính ngân hàng hoặc chuyển sang làm ngân hàng không? Xin cảm ơn ông.

TS. Nguyễn Quang A: Ngân hàng có đặc điểm các quy định của nó khá nghiêm ngặt và về mức độ minh bạch thì hơn các doanh nghiệp khác, nhưng về mức độ phát triển thì ngân hàng có khả năng lợi nhuận tốt, rủi ro nó cao và các ngân hàng nói chung vốn của nó tương đối lớn nên số thuế nó nộp là nhiều.

Tôi không nghĩ nó rất là giàu như ý bạn hỏi, có nhiều doanh nghiệp họ có thể giàu hơn nhiều nhưng việc phải báo cáo, phải giám sát, phải thanh tra không gắt gao như ngân hàng cho nên có thể họ chưa đóng nhiều thuế như ngân hàng thôi.

TS Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty IDT International (ảnh Lê Anh Dũng)

Về mặt sổ sách của các DN tư nhân có thể chưa nghiêm túc lắm, đại bộ phận các DN tư nhân phần lớn là vừa và nhỏ và ở quy mô nhỏ thì số thuế đóng có thể không nhiều, nên không lọt được vào danh mục đó thôi.

Nói như thế để thấy không phải DN chưa có trong danh sách đó là không đáng tôn vinh.

Bạn đọc Trần Đông Hạ, 32 tuổi, TP.HCM: Xin quý báo cho biết: 1. Cách tìm kiếm cơ hội để làm giàu ? 2. Trong thời buổi hiện nay kinh doanh nghành gì với số vốn khoảng 100 triệu đồng? 3. Cách tìm kiếm khách hàng cho dịch vụ tư vấn về tài chính kế toán.

Ông Quách Tuấn Khanh: Cơ hội không cần tìm kiếm, bởi vì nó có sẵn. Đặc biệt là với một nền kinh tế còn non trẻ và một dân tộc đang phát triển như Vn chúng ta. Điều bạn cần tìm kiếm chính là nâng cao năng lực nhận biết cơ hội và biến cơ hội thành thắng lợ cho bản thân mình, thì bạn sẽ làm giàu được.

100 triệu không phải là con số lớn cho nên, bạn có thể chọn những ngành dịch vụ, thông thường ngành này không cần vốn tài chính ngay từ đầu, mà chỉ trông cậy vào năng lực quan hệ và chuyên một của người lập doanh nghiệp.

Nguyên lý cơ bản nhất để tìm khách hàng cho các dịch vụ tư vấn là thông qua giới thiệu của khách hàng cũ, tạo lập quan hệ thông qua các hiệp hội (networking) khẳng định chuyên môn bằng các dịp nói trước công chúng: hội thảo, viết báo, hoặc viết sách. Ngoài ra, các công cụ để tiếp thị đều có thể được sử dụng, nhưng cần điều chỉnh cho phù hợp với ngành này.

Bạn đọc Vũ Thị Đào, 19 tuổi, Hà Nội: Ngoài kiến thức học trong trường đại học cần phải rèn luyện những kĩ năng nào khác để làm việc có hiệu quả và thành công trong công việc?

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Để thành công thì con người văn minh cần có 3 yếu tố: kiến thức – tư duy – kỹ năng (K – A – S). Trường đại học chỉ trang bị cho bạn kiến thức về chuyên môn – phương tiện để kiếm tiền. Muốn làm giàu bạn cần tìm hiểu và rèn luyện cho mình tư duy của người giàu. Và sau đó là trang bị cho mình những kỹ năng của một doanh nhân, chủ yếu là những kỹ năng làm việc với người khác như: kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, đàm phán, thương lượng, kỹ năng quản trị,… Nhưng trước hết, bạn hãy chú ý đến cách tư duy của mình có phải là tư duy của một người giàu hay chưa. Hiện nay đã có những khoá học về tư duy như vậy.

Chuyên gia Quách Tuấn Khanh (ảnh Lê Anh Dũng)

Bạn đọc Đặng Đình Quang, 28 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia: Ở Việt Nam muốn tạo dựng sự nghiệp thường phải có quan hệ tốt, có bố làm quan chức…Những người mà đi lên từ sự lỗ lực của bản thân rất ít. Tôi xin hỏi: nếu tôi trang bị đầy đủ kiến thức, lòng đam mê nhưng vốn không có thì tôi nên khởi nghiệp thế nào?

Ông Quách Tuấn Khanh: Quan hệ không tự nhiên mà có, quan hệ phải xây mới có. Điều thứ 2 là, bản thân nghệ thuật quan hệ đã bị bóp méo ý nghĩa trong cách nghĩ của nhiều người Việt Nam. Bản thân bạn muốn một người yêu quí bạn thì phải biết cách xây dựng quan hệ với người đó. Trong tình huống này, từ “quan hệ” chẳng liên quan gì đến ý nghĩa “con ông cháu cha” mà bạn đang nghĩ.

Điều tôi khuyên bạn là, hãy thay đổi cách nghĩ, trong đầu bạn, hãy đi tìm những người thành công mà không nhờ quan hệ cháu cha. Chúc bạn rèn được những kỹ năng quan hệ cần thiết để thành công trong đời, vì không ai chọn được cha mẹ sinh ra mình cả.

Bạn đọc Phạm Tấn Đạt, 25 tuổi, 214 Đặng Văn Bi, Thủ Đức, TP.HCM: Kính gửi TS. Nguyễn Quang A. Cho tôi được hỏi về quan niệm làm giàu cho bản thân và làm giàu cho xã hội có khác nhau không? Hay là bản thân giàu thì xã hội sẽ giàu theo?  Xét trong phạm vi câu “phi thương bất phú” thì việc làm giàu từ việc mua đi bán lại hưởng chênh lệch được xếp vào loại nào?

TS Nguyễn Quang A: Thực sự làm giàu cho bản thân là làm giàu cho xã hội rồi, vì mỗi người bát kể là người nào mà người đó giàu lên thì xã hội giàu lên một chút, và không hề có sự mâu thuẫn nào về sự làm giàu cho cá nhân và làm giàu cho xã hội cả.

Làm giàu thì có muôn vàn con đường cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp, và sự giàu sang của xã hội không chỉ là sự giàu sang về của cải, tiền bạc, đó chỉ là một nhân tố, tất nhiên sự làm giàu bằng mọi giá cho cá nhân mà làm tổn hại đến người khác hoặc xã hội thì không phải là cách làm giàu chân chính, lâu bền.

Thương mại hay hay việc buôn bán là một khâu vô cùng quan trọng trong chu trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dịch vụ. Sản xuất ra mà không bán được hàng thì vô nghĩa, cho nên thái độ của người VN coi khinh thương nghiệp, gọi những người buôn bán là “con buôn”, là “con phe”, nó chứng tỏ một cách hiểu hoàn toàn sai về thương mại.

Những bà bán rau hàng đêm đến chợ Long Biên đi mua rau về bán lẻ đến từng góc phố, cho đến các nhà bán lẻ có nhiều chuỗi cửa hàng siêu thị, là những người có đóng góp lớn cho sự vận hành phát triển của xã hội, những người thu gom lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu long làm công việc quan trọng, họ không phải là người mua đi bán lại để hưởng chênh lệch như người ta thường hiểu, cách hiểu như thế là chưa đúng bản chất kinh tế, chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ này từ trong nhà trường ra đến xã hội.

Diễn giả Nguyễn Duy Cương (ảnh Lê Anh Dũng)

Họ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực hết sức quan trọng của nền kinh tế mà chúng ta đang hướng phát triển để chiếm một tỉ lệ nhiều hơn nữa trong nền kinh tế. Quan niệm sai lệch coi khinh thương mại là một quan niệm của thời tự cung tự cấp xa xưa, không phải trong thời sản xuất hàng hóa và nó là một dấu vết còn sót lại của cách tư duy chỉ coi trọng sản xuất vật chất mà thôi.

Bạn đọc Lâm Vũ, 30 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội: Xin trân trọng cảm ơn Diễn đàn VNR500 đã đưa ra chủ đề vô cùng quan trọng và hấp dẫn này: “Bao nhiêu người Việt đã nghĩ đến học làm giàu?”, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam lần thứ 6 (2004-2010).   Chúng ta nghĩ gì khi người ta có bỏ ra một khoản tiền 3 tỷ đồng (tương đương với 1.500 tháng lương, hay là 125 năm lương, của một giáo viên tiểu học) để mua một SIM số đẹp? Đã có thống kê nào (dù là sơ bộ) để chỉ ra sự lãng phí trong tiêu dùng của nhóm giàu trong xã hội Việt Nam đương đại chưa? Họ chi tiêu bao nhiêu cho các casino trong những kỳ du lịch trong và nước ngoài? cho rượu Tây, thuốc lá ngoại và các chất kích thích khác? Mỗi năm họ đốt bao nhiêu tỷ đồng tiền vàng mã? Họ đã “mở rộng hầu bao” cho các hoạt động mê tín dị đoan như thế nào? v.v… và v.v…  Đến bao giờ chúng ta mới hình thành được một tầng lớp doanh nhân có thể nghĩ lớn và làm lớn như Bill Gates hay Warren Buffet (hiến tặng gần như toàn bộ tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện).

Ông Quách Tuấn Khanh: Tôi nghĩ người đầu tiên, phải trả lời câu hỏi bao giờ Việt Nam có một thế hệ doanh nhân tích cực làm giàu cho bản thân, cho xã hội, chính là Bạn. Một lời khuyên chân thành dành cho bạn là, đừng quá bận tâm những việc ngoài tầm kiểm soát của bạn. Cách một người kiếm tiền sẽ dẫn tới cách họ xài tiền. Nếu họ kiếm tiền không bằng trí tuệ, công sức mồ hôi và nước mắt, thì họ sẽ xài tiền theo cách mà bạn đang mô tả.

Tôi không muốn bình luận gì thêm, vì có quá nhiều người than phiền, chỉ trích, la lối về điều này. Tôi chỉ muốn trích một câu nói của Ghandi: Bạn muốn thế giới thay đổi như thế nào, thì bạn hãy là người thay đổi trước.

Bạn đọc Nguyễn Hùng, 25 tuổi, Đà Nẵng: Những người có tố chất như thế nào thì có thể “học làm giàu”?

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Ngoài các tố chất để sinh tồn như thể lực, trí tuệ, tinh thần, để phát triển con người cần thêm ba yếu tố nữa. Đó là kiến thức, tư duy và kỹ năng. Nếu bạn đã có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực bạn muốn kinh doanh (điều này có thể học), bạn cần có tư duy của một doanh chủ. Những kỹ năng bạn cũng có thể trau dồi…

Bạn nên biết, người giàu là người luôn xác định rõ ràng hoài bão, sứ mệnh và mục tiêu trong hành trình sống của mình. Bạn đã có chưa những điều đó? Nếu mọi thứ đã rõ ràng hãy trở thành như bạn hằng mong muốn.

Bạn đọc Lê Quang Tân, 31 tuổi, 26/3 ấp 2, An Phú, Thuận An, Bình Dương:Tôi đang là giám đốc một công ty, với mong ước trở thành tập đoàn kinh tế trong 20 năm nữa. Nhưng hiện giờ tôi thấy có những khó khăn để thực thực hiện ước mơ, hoài bảo của mình. Do đó, tôi muốn hỏi: Làm thế nào để đạt được điều đó khi khả năng tài chính để đầu tư làm ăn rất ít; kế hoạch định hướng phát triển trong 20 năm tới. Tôi cần chuẩn bị những gì? Ngành nghề chính của công ty tôi là: Cung cấp hóa chất xây dựng, vật tư cho ngành cơ khí, sản xuất các sản phẩm từ vật liệu nhựa composite(FRP). Vốn hiện có  500 triệu đồng.

Ông Quách Tuấn Khanh: Thưa anh, Google là một Tập đoàn trị giá hàng ngàn tỷ USD hiện nay thì ở thuở ban đầu, chỉ là vài máy tính trong một cái gara xe. Facebook vừa được bán với giá hàng tỷ USD thì người chủ của nó cũng khởi sự từ hai bàn tay trắng. Điều biến từ zezo đồng thành hàng tỷ USD, điều khiến các nguồn lực tài chính đổ vào doanh nghiệp của anh, chính là người chủ doanh nghiệp có hoài bão, có lòng quả cảm, có trí tuệ, và đủ sự khôn ngoan.

Khi anh tìm được đáp án, cho những phẩm chất mà tôi vừa nêu, thì tôi tin rằng, không phải 20 năm, mà có thể là 5-7 năm, doanh nghiệp của anh sẽ trở thành một Tập đoàn kinh tế lớn.

Bạn đọc Hương Lam, 33 tuổi, Quảng Bình: Xin hỏi TS. Nguyễn Quang A, đối với cá nhân muốn làm giàu, Nhà nước hỗ trợ như thế nào. Tôi thấy Chính phủ lâu nay chỉ tập trung phân bổ nguồn lực cho các DNNN, các tập đoàn lớn, còn những cá nhân nhỏ lẻ như tôi cũng kinh doanh, làm giàu cho xã hội (nộp thuế, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động), thì ít khi được hỗ trợ gì? Liệu có nên duy trì sự bất bình đẳng này?

TS Nguyễn Quang A: Tự mình làm giàu mới là cách làm giàu bền vững, không nên quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong những ngành nghề mà Nhà nước muốn tạo điều kiện cho nó phát triển nhưng đáng tiếc Nhà nước làm việc đó chưa được minh bạch, chưa thực sự công bằng. Lẽ ra nếu có sự hỗ trợ thì phải là sự hỗ trợ cho tất cả các DN đủ tiêu chuẩn và đáng được hỗ trợ.

Còn hiện nay, sự ưu ái quá đáng cho các DNNN chỉ làm cho các doanh nghiệp này sinh ra hư hỏng và đối với các DN tư nhân, điều quan trọng nhất là họ có sân chơi bình đẳng, có môi trường pháp lý ổn định và minh bạch, không phân biệt đối xử và tạo điều kiện ngang nhau cho tất cả để có cơ hội phát triển.

Nếu DN tư nhân cố để đạt được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước thì DN đó cũng có thể sinh “hư” như DNNN mà thôi. Và đó chắc không phải là hướng phát triển lâu dài của các DN tư nhân.

Doanh nghiệp bạn làm được như thế và sự đóng góp cho xã hội như vậy là rất đáng ghi nhận và cũng nên đấu tranh để cho việc phân bổ nguồn lực (đất đai, tín dụng… ) được sòng phẳng.

Bạn đọc Bùi Văn Mạnh, 26 tuổi, 131 Hoàng Ngân, Trung Hoà, Cầu Giấy, HN: Thưa các chuyên gia, học làm giàu ở đâu? Ai sẽ là người dạy làm giàu? Người dạy làm giàu ấy có giàu không? Có đủ kinh nghiệm, sự thành công dể dạy người khác làm giàu?

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Bạn thân mến, có hai thứ làm nên giá trị con người bạn: những cuốn sách mà bạn đọc và những người mà bạn gặp. Theo thuyết tiến hoá, môi. trường tạo nên cá thể, bạn cần có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực bạn muốn kinh doanh. Tuy nhiên, cần có một môi trường để bạn hoàn thiện và phát triển. Hãy tiếp xúc và xâm nhập vào môi trường doanh nhân, đặc biệt là những người giàu nếu bạn mong muốn trở nên giàu có.

Người giúp bạn những cách suy nghĩ hay những kỹ năng cần thiết cho việc giàu có không nhất thiết phải là người giàu. Cũng như những thầy cô giáo dạy cho bạn những kiến thức ở bậc phổ thông không nhất thiết phải là người có học vấn cao như bạn sau này. Nhưng bạn vẫn cần có họ để làm cầu nối và chắp cánh cho bạn tới tương lai.

Tuy nhiên, việc thiết lập, xây dựng những mối quan hệ đối tác và học hỏi những người thành công về tài chính là điều vô cùng cần thiết cho kế hoạch làm giàu của bạn. Tóm lại, bạn cần một khuôn mẫu cho sự thành công. Điều này ngoài kinh nghiệm đúc rút, bạn có thể học được từ người giàu. Tôi muốn nói với bạn rằng có hai loại người xứng đáng được tôn vinh: “người thành đạt và người khát khao mong muốn được như vậy”. Học + Làm = Giàu.

Bạn đọc Trần Tiến, Nam, 30 tuổi, Bắc Ninh: Tôi là người cũng thường xuyên có những ý tưởng/cơ hội để kiếm tiền. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn khó khăn nhiều khi làm tôi “lười” suy nghĩ/vận động để có ý tưởng/cơ hội kiếm tiền. Xin hãy chỉ cho tôi cách tháo gỡ: về cả cách tư duy và cách tìm kiếm nguồn vốn? Xin trân trọng cảm ơn!

Ông Quách Tuấn Khanh: Thưa bạn, để thành công trong kinh doanh, vốn chỉ là một trong nhiều nguồn lực cần thiết. Nhưng vốn không phải là nguồn lực quyết định. Nguồn lực quyết định chính là bản thân người kinh doanh. Hiện nay, tiền bạc có đấy rẫy ở bên ngoài và có rất nhiều người có tiền, muốn tìm được cơ hội đi đầu tư. Nếu bạn tin rằng, ý tưởng kinh doanh của bạn và bản thân bạn là một người đáng được người khác đầu tư, thì bạn sẽ tìm được nguồn vốn.

 

Bạn đọc Ngô Lê Minh Bảo, 36 tuổi, Vũng Tàu: Với số vốn ít. Tôi muốn làm chủ một chuổi quán cafe thành công. Cho hỏi tôi cần những bước chuẩn bị nào? Cám ơn chương trình!

Ông Quách Tuấn Khanh: Cái quyết định thành công cho chuỗi cafe của bạn, chính là ý tưởng kinh doanh. Bạn phải trả lời, câu hỏi vì sao khách phải đến quán của bạn, phải thích quán của bạn, phải quay lại quán của bạn, phải tôn sùng quán của bạn, đến mức bất cứ nơi nào có thương hiệu quả bạn, người ta phải vào. Bạn có thể tìm hiểu một số chuỗi cafe thành công trên thế giới như Starbucks, Republic… Xin nhấn mạnh, vốn không phải yếu tố quyết định.

Bạn đọc Thanh Nhàn, 25 tuổi, Lào Cai: Tôi là người làm việc chuyên môn. Yêu thích công việc của mình và không muốn bỏ nó để đi làm kinh doanh, nhưng vẫn muốn …giàu. Liệu trong môn khoa học làm giàu có thể giúp ích cho những người như tôi không?

Ông Quách Tuấn Khanh: Thực ra, không phải mọi người giàu đều là doanh nhân. Nếu bạn hiểu làm giàu tức là đạt được một mục tiêu tài chính cho bản thân, thì điều bạn cần chỉ là một kế hoạch và theo đuổi nó.

Bạn đọc Bùi Quang Nghi, 30 tuổi, 115 Nguyễn Huệ, TP.HCM: Theo ông, điều gì ở Việt Nam đang cản trở người Việt Nam làm giàu? VD như: cơ chế chính sách…

TS. Nguyễn Quang A: Những cản trở lớn nhất là chính ở trong đầu của người Việt Nam.

Đầu tiên là ở trong đầu của những người lãnh đạo vì chúng ta chưa thực sự tôn trọng các quy luật rất khách quan của cuộc sống nên nhiều khi chính tư duy về luật pháp, về phát triển chưa được thông thoáng, chưa tạo được môi trường thật thuận lợi cho người dân làm giàu.

Muốn làm giàu thì luật pháp phải nghiêm minh, phải bảo vệ các thỏa thuận tư giữa các cá nhân trong xã hội cũng như giữa các doanh nghiệp trong xã hội, phải tạo được niềm tin giữa các đối tác với nhau vì trong môi trường như thế thì chi phí giao dịch, chi phí tìm kiến bạn hàng, chi phí kiện tụng nếu có tranh chấp sẽ ít đi.. ., như thế lợi nhuận sẽ tăng cao.

Cho nên môi trường kinh doanh, niềm tin trong xã hội vào nhà nước, vào pháp luật, vào khách hàng cũng như bạn hàng là vô cùng quan trọng cho việc làm giàu. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta chưa có được môi trường như vậy. Việc giải quyết kiện tụng dân sự trước tòa án quá là rắc rối, đó là một dấu hiệu của chuyện chưa làm tốt chức năng của nhà nước buộc các bên tư nhân phải thực thi các thỏa thuận của mình.

Việc tạo môi trường như thế này là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của nhà nước. Hiện nay Nhà nước còn làm quá nhiều việc không phải là việc của mình, còn những việc chính như trên thì lại sao nhãng và làm chưa tốt.

Khó khăn tiếp là ở trong đầu của các doanh nhân, họ vẫn chưa trang bị đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhiều khi còn làm ăn chụp giật (tất nhiên sự méo mó của môi trường kinh doanh cũng khuyến khích họ hành động theo kiểu chụp giật như vậy). Bản thân các doanh nhân cũng phải học qua cuộc sống, qua trường, để nâng cao các hiểu biết của mình.

Khó khăn cũng ở trong đầu của người dân nói chung, đó là tâm lý ghen ghét người giàu, họ khinh công việc kinh doanh, không dám làm giàu. Làm giàu cũng gắn với những rủi ro và không có tinh thần năng động, dám chịu rủi ro chính là những cản trở việc làm giàu cho chính mình.

Bạn đọc Phạm Dũng, 35 tuổi, [email protected]: Xin nói ngay tôi là một người luôn thất bại. Có thể nói tôi chưa từng ra được một kế hoạch, một quyết đinh đúng đắn trên con đường kinh doanh của mình. Giờ đây, tôi gần như chỉ còn hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, tôi lại có được những kinh nghiệm, bài học xương máu từ chính bản thân tôi mà tôi rất muốn chia sẻ lại cho những người khác. Với mong muốn những bài học ấy có thể giúp cho ai đó không vấp phải những thất bại mà tôi đã từng trải qua. Vậy tôi có thể chia sẻ những bài học, kinh nghiệm ấy ở đâu? Các chuyên gia có thể chỉ dùm tôi được không? Xin trân trọng cảm ơn.

Ông Quách Tuấn Khanh: Kinh doanh là bạn có một cái gì đó để bán và có người muốn mua, vì thấy ích lợi. Vậy, bạn đã có hàng loạt những kinh nghiệm quí báu, những sai lầm, mà nhiều người kinh doanh nên tránh. Bạn có thể bán những thứ đó thông qua nhiều hình thức như đi diễn thuyết giống như tôi, viết sách, làm một website, chủ đề “Những điều chắc chắn khiến bạn nghèo!” và bạn sẽ nhận đựoc tiền.

Tôi biết một nữ diễn giả trên thế giới, sau 4 lần ly dị, đã đi chia sẻ về đề tài “Những người đàn ông cần tránh trên đời”. Hai nhà đầu tư giỏi, phạm sai lầm và vào tù, sau đó, khi ra tù, họ trở thành những diễn giả, chia sẻ những bài học quí báu. Thất bại và thành công, đều có giá trị riêng của nó. Và thất bại, vẫn giúp cho bạn có tiền, nếu bạn biết kinh doanh những thất bại của mình. Bạn có thể liên hệ với tôi theo địa chỉ emai: [email protected].

Bạn đọc Trương Văn Tân, 24 tuổi, Thăng Bình Quảng Nam: Làm gì để có thể thay đổi được tư duy của một con người? Để có cách nhìn vào giá trị thực và khả năng sáng tạo của chính mình? Làm cách nào để sau thất bại ta rút ra được nhiều bài học quý? Xin cảm ơn!

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Sau thất bại thì đươing nhiên được nhiều hơn cả tiền bạc, đó là những cái nghiệm lại thấy mà kinh, người ta gọi là kinh nghiệm. Chắc bạn không muốn được nhiều những điều đó?

Không có gì là bất biến, mọi thứ luôn đổi thay. Bạn cũng đang thay đổi để tốt hơn hoặc xấu đi. Chúng ta đều có thể trở thành những đứa con hiếu thảo hơn, chúng ta có thể đem lại cho những người thân yêu cuộc sống xứng đáng hơn…. Cũng như sức khoẻ của bạn cũng có thể tốt hơn, học vấn cũng có thể cao hơn, khả năng ngoại ngữ cũng có thể tốt hơn. Tài sản cũng vậy, bạn có thể giàu có hơn nếu đó là điều bạn muốn.

Bạn có thể thay đổi sự việc nếu bạn thay đổi cách suy nghĩ. Bạn có thể tham dự những khoá học về thay đổi, tại đó các chuyên gia sẽ ứng dụng những công nghệ đẩy bạn tới việc ra quyết định thay đổi theo chiều hướng tích cực và hiệu quả trong thời gian rất ngắn như việc cài đặt lại hệ điều hành cho máy tính vậy. Hãy thay đổi nếu bạn khát khao thay đổi. Hãy sống như bạn hằng mong muốn.

Bạn đọc Phạm Diệu Thu, 35 tuổi, Hà Nội: Gửi anh Phạm Thanh Hải. Từ xưa người ta nói “Làm Giàu” chứ ít ai nói “Học Làm Giàu”, Điều gì làm anh xây dựng lên ý tưởng đó? Và anh có thể chia sẻ bài học quý giá nhất của bản thân anh trong con đường Học Làm Giàu của mình cho độc giả VNR500 được không?

Ông Phạm Thanh Hải: Tôi đến với kinh doanh một cách tình cờ, thời trẻ tôi là một người say mê khoa học và không hề đặt ra cho mình mục tiêu trở thành người giàu, ngược lại tôi có ý coi thường những người quá quan tâm đến tiền bạc. Nhưng, trong quá trình tham gia kinh doanh với nhiều thành công và không ít thất bại, tôi nhận thấy rằng, những người đam mê kinh doanh, làm giàu có rất nhiều đức tính đáng để học tập. Làm giàu thực ra là một môn khoa học đã có lịch sử hàng ngàn năm và ngày càng phát triển.

Có một nghịch lý là: khi chúng ta muốn trở thành bác sỹ, kỹ sư, giáo viên… chúng ta đều nhận thức cần tìm những người thầy hoặc các hệ thống và tổ chức đào tạo để học tập, trong khi đó, một người muốn làm giàu thường tự mình mày mò, thử và sai… sau rất nhiều thất bại mới đạt được thành công. Chính vì vậy, một người giàu có thường phải trả một cái giá rất lớn như thời gian, sức khoẻ… Những người thành công như vậy có thể là tấm gương cho một số người, nhưng đối với số đông hiện nay thì đó là cái giá không dễ dàng chấp nhận.

Cá nhân tôi, sau những trải nghiệm, quan sát và học tập, nhận thấy: làm giàu một cách khoa học là một con đường đầy niềm vui, thú vị, hấp dẫn và hiệu quả, khác hẳn cách làm mò mẫm, thử và sai với những hậu quả đôi khi không thể sửa chữa được.

Bạn đọc Nguyễn Mạnh Nam, 21 tuổi, ĐH Kinh tế Quốc dân: Xin chào các chuyên gia, cho phép em được hỏi 1 câu là con người chúng ta luôn khát khao có được sự giàu có, làm rất nhiều việc để mong muốn mình sẽ giàu lên, nhưng như thế nào thì được gọi là giàu có? Và đó có phải là mục đích cuối cùng của cuộc sống không? Đến người giàu nhất thế giới như Bill Gates thì cũng không thể độc tôn mãi được, vậy giàu có để làm gì khi rồi nó cũng trở thành hư vô? Em rất sợ chúng ta theo đuổi một thứ mà thứ đó lại không đem lại kết quả gì? Rất mong các chuyên gia cho em câu trả lời để thấy đâu là mục đích sống của cuộc đời.

Ông Quách Tuấn Khanh: Thưa bạn, bản thân chữ “giàu có” không chỉ có nghĩa là nhiều tiền. Ngày nay trên thế giới, người ta bắt đầu xem giàu có là một sự phong phú về đời sống. Các bạn giàu có về trí tuệ, sức khoẻ, giàu có về quan hệ, đời sống tinh thần, giàu có về niềm vui và đặc biệt là giàu có về tài chính. Thật ra, những người giàu đích thực như Bill Gates, ông ta chẳng quan tâm thứ hạng của mình trên thế giới mà chẳng qua là thiên hạ xếp hạng thôi. Vì thế, ông ta chẳng lo ngại khi không còn xếp thứ đầu.

Điều mà những người giàu đích thực quan tâm là làm công việc yêu thích, cung cấp nhiều giá trị cho cuộc sống, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, và bình yên nội tâm. Vì vậy, bạn cứ việc định nghĩa giàu có theo cách của bạn và theo đuổi nó. Nếu lúc nào đó, bạn thấy mình mở mắt ra hơn thì cứ thay đổi mục tiêu, không bao giờ là muộn cả. Vấn đề là mọi lúc, mọi nơi, dù làm việc gì, dù tìm kiếm điều gì thì bạn vẫn phải luôn có cảm nhận, mình có ích trong cuộc sống này.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hà, 23 tuổi, 95A Hồng Lạc P.10 Q.Tân Bình TP.HCM: Kính gửi chuyên gia Nguyễn Duy Cương. Cho tôi hỏi làm giàu đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp có nhất thiết là phải tạo dựng một doanh nghiệp ngay không? Hay là đi làm rồi tích lũy vài năm kinh nghiệm + các mối quan hệ rồi sau đó mới tạo dựng doanh nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Bạn Hà thân mến, không nhất thiết phải tạo dựng một doanh nghiệp nếu chưa đủ điều kiện. Hãy đi làm và đúc kết kinh nghiệm, xây dựng các mối quan hệ như bạn nói. Thêm nữa là tích luỹ thông tin nhưng hãy hướng đến lĩnh vực mà bạn muốn thành công trong tương lai. Tôi hoàn toàn đồng ý và khích lệ bạn đi theo hướng đó. Trước 30 tuổi và sau này cũng vậy, cần hơn cả tiền bạc, chúng ta cần học hỏi và xây dựng cho mình một khuôn mẫu thành công.

Bạn đọc Anh Tro, 26 tuổi, Da Nang: Xin hỏi các anh về vấn đề này: bây giờ đang rộ lên chuyện kinh doanh, kiếm tiền online… nhất là sau khi báo chí đưa tin về một chị thất nghiệp ở nhà mà kiếm được 120 triệu đồng/tháng bằng cách trả lời các cuộc khảo sát của 1 trang web. Nhưng mọi thông tin dường như không có thật. Tôi không tin điều đó, mà nghĩ chuyện kiếm tiền online thì có thật, nhưng nó không “khủng” như vậy.

Tôi rất muốn kinh doanh online, cũng đã làm vài lần nhưng không thành công lắm. Nhưng vẫn muốn tiếp tục thử sức, mong được tư vấn của các anh về định hướng và phương thức thực hiện như thế nào? Xin chân thành cảm ơn.

Ông Quách Tuấn Khanh: Bạn cứ hình dung, internet là một nơi mà bạn có thể kiếm tiền, như là một thị trường bên ngoài. Bạn không kiếm được đồng nào, hoặc bạn kiếm được ít, hoặc bạn kiếm được tỷ đô là do cách bạn kinh doanh.

Rất nhiều người kiếm được khoản thu nhập tốt từ kinh doanh trên mạng, ở nước ngoài. Rất nhiều người xây dựng được đế chế kinh doanh củamình trên internet như Google, Amazon, Ebay… Vậy, vấn đề là bạn có được ý  tưởngkinh doanh, có được phương thức kinh doanh, tìm kiếm khách hàng và chăm sóc khách hàng, phù hợp với môi trường kinh doanh internet thì bạn sẽ thành công.

 

Bạn đọc Nguyễn Tươi, 28 tuổi, Cầu Diễn – Từ Liêm – Hà Nội: Doanh chủ họ tư duy như thế nào trước cơ hội và khó khăn. Làm thế nào để phát hiện được những “khoảng trống” của thị trường?

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Người giàu luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, người nghèo chỉ nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Đó là sự khác biệt. Khoảng trống thị trường thì có nhiều. Nhưng đây là vấn đề kỹ thuật, hiện nay đã có nhiều hội thảo bàn về vấn đề này và có cả cuốn sách về Chiến lược đại dương xanh.

Bạn đọc Võ Hùng, 30 tuổi, Hải Phòng: Khái niệm giàu có, mỗi người hiểu mỗi khác, muốn học làm giàu thì trước hết phải định nghĩa chính xác khái niệm này. Xin VNN cho biết trong câu Làm giàu có thể học được này, thì GIÀU nghĩa là gì?

Ông Phạm Thanh Hải: Giàu có thường được hiểu đơn giản là có nhiều tiền hoặc tài sản. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng thấy có nhiều người có nhiều tiền mà vẫn không được gọi là người giàu, ví dụ như trọc phú…

Theo quan niệm của tôi, một người giàu cần phải có đầy đủ những yếu tố sau:
1. Về cảm xúc, bản thân người đó phải cảm thấy mình đầy đủ, có thể chia sẻ cho người khác.
2. Có hiểu biết, kỹ năng để làm giàu, tạo tài sản.
3. Thực tế là người sở hữu tiền bạc, tài sản để có một cuộc sống như mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc.

Bạn đọc Hà Thị Vân Huyền, 32 tuổi, Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương: Phi thương bất phú! Công chức nhà nước thuộc khối quản lý Nhà nước tại Việt Nam hiện tại không được tham gia kinh doanh, không được tư vấn, là cổ đông… trong doanh nghiệp. Trong khi đó, lương cơ bản đối với công chức là rất thấp so với mức sống hiện tại. Vậy ông có giải pháp nào giúp công chức Nhà nước có thu nhập tốt hơn? Câu hỏi dành cho TS. Nguyễn Quang A. Xin cảm ơn ông.

TS Nguyễn Quang A: Theo tôi biết thì công chức vẫn có thể đầu tư để làm cổ đông của một doanh nghiệp nào đó, điều này không bị cấm, còn để cho công chức có thu nhập tốt hơn thì đầu tiên Nhà nước nên xem và từ bỏ những việc không phải là công việc của Nhà nước (vì hiện nay Nhà nước làm quá nhiều việc không phải của mình). Khi đó có thể giảm được số lượng công chức đi rất đáng kể. Nguyên việc này với quỹ lương hiện tại đã có thể tăng ít nhất gấp đôi lương cho công chức.

Đồng thời với việc ấy, Nhà nước buộc công chức phải làm việc một cách hiệu quả, đánh giá thành tích của công chức, cất nhắc cũng chỉ dựa trên hiệu quả công việc và bằng cách như thế, vẫn phải tiếp tục tăng lương cho công chức một cách thỏa đáng.

Việc tuyển dụng, đào tạo, cất nhắc và sa thải công chức như kiểu làm ở các doanh nghiệp thì bộ máy nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả và công chức sẽ có thu nhập xứng đáng. Ngoài cách đó ra tôi nghĩ không có cách nào khác.

Có ý kiến cho rằng hiện nay có nhiều công chức không thực sự làm hết phận sự của mình, và lương hiện nay cho hiệu quả như thế là quá cao. Phải rà soát lại bộ máy nhà nước, rà soát lại công việc của công chức và trả lương họ một cách xứng đáng. Việc này là có thể làm được mà không cần tăng quá nhiều chi phí lương từ ngân sách.

Bạn đọc Lê Anh Kim, 24 tuổi, P.Linh Trung – Q.Thủ Đức – TP.HCM: Suy nghĩ và mơ ước làm giàu đã luôn thường trực từ khi tôi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đôi lúc có nhứng ý tưởng kinh doanh thoáng qua trong đầu tôi và tôi suy nghĩ về nó. Nhưng sau đó ý tưởng đó mau chóng bị vụt tắt vì sự bế tắc trong phương pháp và e ngại khi thực hiện.

Vì vậy, xin các chuyên gia vui lòng tư vấn giúp tôi là: Kể từ khi có ý tưởng kinh doanh thì tôi cần những gì và làm như thế nào để có thể biến ý tưởng thành hiện thực và tìm kiếm cho mình con đường đi đến sự thành công và giàu có, Chúc các chuyên gia sức khoẻ và thành công!

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Nếu bạn muốn giàu có hay làm được một việc gì đó lớn lao, bí quyết đơn giản là hãy suy nghĩ về nó, học hỏi nó và làm nó: “think it – learn it  – do it”.

Bạn thân mến, có công thức là: “Ý tưởng -> khái niệm -> sự thừa nhận -> giá trị”. Điều này có nghĩa là: mọi thứ đều bắt đầu từ Ý tưởng và người ta tạo ra một Khái niệm. Khi khái niệm đó được Sự thừa nhận của nhiều người thì Ý tưởng đó đạt Giá trị.

Bài toán của các doanh nghiệp nói chung là đi tìm sự thừa nhận của số đông người cho sản phẩm và dịch vụ cũng như thương hiệu của mình. Chúc ý tưởng của bạn sớm thành hiện thực!

Bạn đọc Nguyễn Văn Khánh, 30 tuổi, số 4+6 Ngõ 117 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội: Để làm giàu thì rất cần tư duy đổi mới, đối với những người mà không nối nghiệp theo con đường của cha mẹ thì theo các chuyên gia chúng tôi phải làm thế nào để có thể thuyết phục được thế hệ trước?

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Vấn đề cốt lõi là cha mẹ bạn phải có quan niệm về con cái như sau: mỗi người có cuộc đời riêng và con của mìnhcũng vậy. Cha mẹ sinh ra con cái, và giúp con cái ăn học, trở thành người có ích cho xã hội chứ không làm chủ sở hữu suy nghĩ hành động và lựa chọn của con.

Nếu bạn lâm vào tình cảnh con đường bạn chọn cho đời mình không phải là con đường cha mẹ bạn mong muốn thì bạn phải nhẫn nại chứng minh những kết quả ban đầu, để giúp cha mẹ bạn tin cậy bạn. Và dĩ nhiên, bạn phải có đủ lòng dũng cảm, để theo đuổi những gì mình chọn. Vì đôi khi cha mẹ Việt Nam sẽ dùng biện pháp trừng phạt tài chính nhằm mục đích duy  nhất để buộc con nghe lời.

Theo tôi, đây là thời điểm phù hợp để bạn chứng minh khả năng tự lập của mình, nhưng vẫn phải hiểu bố mẹ: đó là cách bố mẹ thể hiện tình thương với bạn, chứ không phải là căm ghét bạn. Một con người thành công ngoài mạnh mẽ, còn phải giàu lòng nhân ái và biết tha thư. Nếu bạn muốn biết thêm kinh nghiệm, bạn có thể tìm hiểu những tiểu sử và những câu chuyện liên quan đến tôi, bởi vì, chính tôi cũng từng trải qua những câu chuyện như bạn.

Bạn đọc Nguyễn Đức Chính, 34 tuổi, Huế: Thưa TS. Nguyễn Quang A,nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, anh giám đốc DNNN cần phân biệt rõ ràng lợi ích CÔNG, TƯ, đừng cố giữ chức, ra các quyết định kinh doanh vì lợi ích nhóm mà không biết hiệu quả như thế nào. Còn ông chủ DN tư nhân, rõ ràng ông cũng đang tận dụng các mối quan hệ để đem lại nguồn lợi tư hữu, vậy tại sao lại khuyến khích mọi người làm giàu? Trách nhiệm họ đóng góp cho đất nước như thế nào, ngoài khoản thuế?

TS. Nguyễn Quang A: Khuyến khích tất cả người dân làm giàu một cách chính đáng thì dân mới giàu được và nước mới mạnh được. Giám đốc của DN bất luận là nhà nước hay tư nhân cũng phải điều hành doanh nghiệp sao cho dn hoạt động hiệu quả nhất và chủ doanh nghiệp (tư nhân hay nhà nước) sẽ trả thù lao xứng đáng cho giám đốc và như thế thì chủ doanh nghiệp, giám đốc, các nhân viên của doanh nghiệp cũng giàu lên và họ giàu lên thì xã hội cũng giàu vì họ sẽ là khách hàng của các doanh nghiệp, tổ chức khác.

Các DN có lợi nhuận đóng thuế thu nhập cho nhà nước là một việc quan trọng, nhưng ngoài việc đó, DN còn tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ góp phần làm giàu cho nhiều người khác và cho đất nước.

Quan hệ là rất quan trọng trong kinh doanh và các lãnh đạo doanh nghiệp tận dụng mọi quan hệ để thúc đẩy kinh doanh, đó là chuyện bình thường không có gì đáng trách cả. Điều đáng trách là người ta lợi dụng các mối quan hệ để tạo ra thu nhập bất chính, đó là việc làm phi pháp và phải được ngăn chặn.
Việc khuyến khích mọi người làm giàu không mâu thuẫn gì với việc đấu tranh chống những tiêu cực như vậy.

Bạn đọc Hoàng Thành, 24 tuổi, Thanh Xuân: Cách làm giàu từ 2 bàn tay trắng của các doanh nhân nổi tiếng thế giới như thế nào?

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Có lẽ bạn quá ít đọc sách. Bởi vì những câu chuyện về các doanh nhân thành công từ hai bàn tay trắng, được sách vở viết rất nhiều. Ví dụ như cuốn “Gương kiên nhẫn”, “Gương thành công” của Nguyễn Lê đã ra đời từ rất lâu. Hầu hết, các doanh nhân thành công trên thế giới đều có tự truyện, hoặc, có người viết tiểu sử của họ, bạn có thể tìm đọc các cuốn sách đã dịch ra tiếng Việt Nam.

Bạn đọc Nguyễn Thanh, 28 tuổi, Đồng Nai: Có nhiều người không học làm giàu mà vẫn giàu, tại sao?

Ông Phạm Thanh Hải: Có một số nguyên nhân để một người trở thành giàu có:  Do thừa kế (cả về tài sản cũng như những nền tảng quan trọng khác của gia đình như kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ,…); Do may mắn; Do nỗ lực phấn đấu, trải qua quá trình thử – sai – sửa từ chính thực tiễn, học tập từ sách vở, từ chính những bài học thành công hay thất bại của bản thân hay những người xung quanh.

Không thể nói là những người này không học mà vẫn giàu. Theo quan điểm của tôi, đây cũng là một cách học nhưng nếu những người này được đào tạo một cách bài bản hơn thì họ sẽ thành công nhanh chóng, bền vững và lớn hơn rất nhiều.

Bạn đọc Lê Đức Hân, 56 tuổi, [email protected]: Tôi cũng đang đi tìm, khao khá làm giàu, cũng đọc nhiều sách về lĩnh vực này. Nhưng tôi băn khăn: Thứ nhất: những yếu tố gì quyết định đền việc làm giàu? Thứ hai: nên làm gì và không nên làm gì? Cần trang bị những gì? và học hỏi ở đâu? Đơn vị nào tạo cơ hội cho mình học hỏi…. Thứ ba: Để kinh doanh thì yếu tố vốn vẫn là yếu tố quyết định. Thứ tư: Theo tôi nghĩ, là mở ra một công ty, hay một của hàng yếu tố quan hệ là rất quan trọng trong việc thành công của doanh nghiệp. Vậy việc mở rộng và duy trì mối quan hệ ở VN có những đặc thù gì cần lưu ý? Xin cảm ơn!

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Xin mời bạn đọc những câu trả lời trước của tôi cho các bạn đọc, là đã đủ giải đáp cho các câu hỏi của bạn.

Bạn đọc Nguyễn Mai, 35 tuổi, HP: Xin các diễn giả cho biết một số khóa học làm giàu nổi tiếng trên thế giới.

Ông Phạm Thanh Hải: Hiện nay trên thế giới, ngoài các trường đào tạo chuyên về kinh doanh thì còn có rất nhiều trung tâm, hệ thống, các câu lạc bộ phổ biến kiến thức làm giàu dành cho đại chúng. Điển hình như: hệ thống dạy làm giàu của Robert Kiyosaky (tác giả của bộ sách Dạy con làm giàu), các chương trình đào tạo tư duy triệu phú, tư duy kinh doanh của T. Harv Eker, Anthony Robbins, Adam Khoo…

Bạn đọc Nguyễn Hoàng, 24 tuổi, Cầu Giấy, HN: Chào bác Nguyễn Quang A cùng các chuyên gia. Cháu đang điều hành 1 doanh nghiệp nhỏ về CNTT, do tự cháu thành lập cùng vài người bạn. Chúng cháu có khả năng, đầu óc, và sự sáng tạo, không thiếu những ý tưởng và kế hoạch kinh doanh. Bước đầu công ty cũng đã có thành công nhất định. Tuy nhiên, vì khởi nghiệp bắt đầu từ số 0 nên việc duy trì hoạt động của DN rất khó khăn, có những lúc phải lo từng ngày. Thời gian tới, có thể số lượng công việc nhiều hơn, nhưng yêu cầu phải mở rộng kinh doanh, tăng nhân sự.  Mà cứ xoay vòng vốn thì không thể mở rộng được. Vậy nhờ bác Quang A và các chuyên gia tư vấn giúp chúng cháu nên như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Đầu tiên tôi chúc các bạn đã hoạt động thành công như vậy. Khó khăn của các bạn cũng là khó khăn của hàng ngàn doanh nghiệp lúc mới khởi nghiệp. Có hoài bão lớn và tham vọng lớn là rất tốt nhưng cũng cần phải liệu cơm gắp mắm và cẩn trọng với sự phát triển nhanh của mình.

Nếu các bạn dùng vốn vay thì có thể lợi dụng được đòn bẩy tài chính để phát triển nhanh hơn nhưng cũng có nguy cơ đẩy các bạn sập tiệm rất nhanh chóng.

Tốt nhất là dùng sức mình là chính, nếu các bạn có khách hàng và các dự án tốt, không có bất động sản làm tài sản thế chấp nhưng khách hàng của bạn, sản phẩm của bạn, kế hoạch của bạn… chính là tài sản thế chấp và ngân hàng có thể xem xét cho vay (tín chấp). Ngân hàng sẽ thẩm định dự án của bạn, khách hàng của bạn, khả năng thành công của dự án và việc làm “khó dễ” đó của ngân hàng chỉ là để bảo vệ bạn bớt rủi ro.

Các bạn nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa cũng có thể tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm để họ tài trợ.

Bạn đọc Hoàng Nam, 24 tuổi, Xuân Thuỷ – Cầu Giấy: Nhiều khi em tự hỏi, trên thế giới có mấy ai như Robert Kyosaky, Henrry Ford? Học nhưng có nghị lực để làm giàu… còn chúng ta chỉ là những người bình thường. Liệu học làm giàu có thể học được trong khi trường học chỉ cung cấp cho ta tri thức, tri thức để kiếm một công việc, để làm thuê…. Còn muốn giàu học ở đâu? Vốn ở đâu? Nhờ các diễn giả tư vấn cách huy động vốn để thực hiện dự án?

Ông Phạm Thanh Hải: Trước khi Robert Kiyosaki, Henry Ford thành công và nổi tiếng thì họ cũng có xuất phát điểm không khác bạn. Nhà trường đã cung cấp tri thức giúp ta kiếm được một công việc, đó cũng là một nền tảng tốt để bạn bắt đầu làm giàu. Bạn cần học thêm các kiến thức về làm giàu thông qua sách vở, tham gia các khoá huấn luyện (tại Việt Nam hiện nay có những chương trình khá chất lượng như khoá học Bí mật Tư duy triệu phú).

Còn về vấn đề vốn, bạn không nên giới hạn quan niệm vốn là tiền. Vốn có thể là tri thức, kinh nghiệm chuyên môn, ý tưởng, các mối quan hệ,…. Nếu bạn có một ý tưởng và dự án hay, bạn hãy học cách trình bày ý tưởng (kỹ năng thuyết trình, thuyết phục), bạn sẽ dễ dàng tìm được các nhà đầu tư.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hà, 23 tuổi, 95A Hồng Lạc P.10 Q.Tân Bình TP.HCM: Thưa chuyên gia Nguyễn Duy Cương. Khoa học làm giàu là một môn khoa học đang còn khá mới mẻ đối với đất nước chúng ta. Vậy đến khi nào thì môn khoa học làm giàu mới thực sự được giảng dạy trong nhà trường. Để một đất nước phát triển vươn vai lên tầm thế giới thì cần sớm đẩy mạnh bộ môn khoa học này.

Như Singapore là một đất nước giàu có mà họ rất quan tâm đến các buổi huấn luyện kỹ năng. Họ đầu tư mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về đào tạo cho công dân của họ. Xin cảm ơn ông.

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Tôi đã nói công thức để thành công là: K A S (Knowlegde Attitude Skills). Hiện nay nhà trường mới chỉ đáp ứng được kiến thức (K – Knowlegle). Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào đạo đã thông qua một dự án trang bị thêm cho học sinh sinh viên về chữ A và S, cụ thể là kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Hiện nay một số trường đại học lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương… đã quan tâm tới chủ đề này. Mới đây nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức cho sinh viên cuối khoá chương trình “Thắp sáng ước mơ doanh nhân”.

Điều này tạo nên tiền đề cho những người có khát vọng thành công và đặc biệt là làm giàu sau này. Tuy nhiên kiến thức mà nhà trường trang bị cho bạn như chiếc cần câu vậy. Muốn giàu có, bạn cần khai mở được tư duy của doanh chủ và kích hoạt được khả năng hấp dẫn tiền bạc.

Tôi cho rằng, trước hết mỗi người nên tự có ý thức học tập trau dồi để hoàn thiện mình hơn, bởi “Chúng ta đang sống trong lúc này chứ không phải trong ngày mai đang tới, vì vậy hãy tận dụng lợi thế của các phương tiện và cách thức của ngày hôm nay để hoàn thiện và tạo lập sự nghiệp của riêng mình”.

Bạn đọc Ngô Tấn Hiền, 46 tuổi, Đà Nẵng: Khi có được một số vốn tôi đã lao vào kinh doanh vàng qua sàn thời điểm 6/2009 và chỉ trong có 4 tháng tôi đã mất hết vốn và thâm thêm nợ gần 1 tỷ đồng. Bây giờ thật sự sự khó khăn, tôi có thể làm giàu được không khi mà xuất phát điểm của tôi đang là con số ÂM. Xin chân thành cảm ơn.

Ông Phạm Thanh Hải: Rất nhiều người trong quá trình làm giàu gặp phải các tình huống thất bại, kể cả khi tổng tài sản là âm (nợ những khoản tiền lớn), điển hình như Donald Trumph đã có lúc phá sản với khoản nợ lên tới hàng tỷ USD nhưng chỉ vài năm sau, ông đã gây dựng lại đế chế của mình với số tài sản lớn hơn gấp nhiều lần. Mấu chốt vấn đề ở đây là bạn phải tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp, đôi khi áp lực phải giải quyết một bài toán lớn giúp bạn tìm ra các giải pháp mạnh.

Trong trường hợp của bạn, việc thất bại trong đầu tư có ý nghĩa tích cực thúc đẩy bạn tìm hiểu nhiều hơn về các giải pháp, chỉ cần bạn không nản chí, bỏ cuộc.

Bạn đọc Quang Huy, 28 tuổi, Huế: Xin hỏi các vị khách mời là: Trong quá trình đi đến sự thành công của các anh, những khó khăn nào khiến các anh có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc. Những lúc đó các anh sẽ xử lý như thế nào?

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Mọi con đường đi lên thành công đều có những rào cản bạn phải vượt qua. Đặc biệt, thành công càng lớn thì rào cản càng cao. Những khó khăn có thể đến từ nội tại của bạn như là nản chí, mất lòng tin vào bản thân, chưa đủ kiến thức, thiếu khôn ngoan, không biết dùng người. Hoặc đến từ những yếu tố bên ngoài như là thị trường, khách hàng, người thân cản trở, pháp lý, đơn vị cạnh tranh cùng ngành kinh tế…

Nhưng, xin chia sẻ với bạn một bí quyết để không bao giờ bỏ cuộc: Đừng gọi tên thất bại. Hãy gọi nó là vấp váp để có thể đứng lên và rút ra bài học.

Bạn đọc Nguyễn Trần Lanh, 40 tuổi, Hồng Bàng, Hải Phòng: Tôi hiện là phó phòng trong một doanh nghiệp NN, lương không đủ sống, lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện làm giầu, nhưng tôi không biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu ? bỏ việc sang công ty khác ư, với lứa tuổi tôi phải đào tạo lại chuyên môn có quá muộn không ? làm thêm việc gì khác ? tôi hoang mang quá. Hãy cho tôi lời khuyên.

Chuyên gia Nguyễn Duy Cương: Anh biết đấy, ông chủ của KFC khởi sự ở độ tuổi 60. Hãy biết mình thực sự muốn gì! Không nhất thiết phải bỏ việc nhưng một công việc part time thì có thể nên đấy!

Tôi từng nhận được một lời khuyên từ 10 năm trước khi cũng đang trăn trở như anh: “làm thật tốt công việc đang làm, nghiên cứu một công việc bán thời gian để tăng thu nhập, học cách quản lý những gì mình có bởi vì cho đến khi chưa quản lý được tốt những gì mình có thì bạn không thể hướng đến quản lý một hạng mục lớn hơn” – đó là lời khuyên của tác giả cuốn sách Tư duy triệu phú cho bí quyết làm sao để có thể tăng 10 lần thu nhập.

Hãy học cách suy nghĩ như một triệu phú trước khi trở thành triệu phú!

Bạn đọc Lưu Cường, 30 tuổi, Lạc Long Quân, HN: Có rất nhiều lớp hướng nghiệp do các Trường tổ chức cho SV-HS tham dự. Nhưng đó chỉ là những buổi miễn phí và lượng người tham gia cũng rất ít. SV chỉ muốn lăn ra ngoài kiếm tiền chứ không muốn tiếp thu kiến thức nữa. Vậy các vị đã khảo sát trước khi mở ra buổi giao lưu này chưa và các vị nghĩ gì về vấn đề tôi nêu?

Diễn giả Quách Tuấn  Khanh: Những gì bạn nghĩ, bạn nêu đúng là thực trạng của sinh viên ngày nay, và đó cũng là lý do khiến sinh viên rời trường Đại học thiếu tự tin, thiếu nền tảng thiếu kiến thức thực tiễn. Điều mà các bạn sinh viên ngày nay cần định nghĩa trở lại: Thứ nhất, kiến thức là gì? Cần học những kiến thức gì để có thể thành công trong đời.

Thứ hai, tiền là gì? Và giữa tiền và thời gian, cái nào quý hơn? Thứ ba là miễn phí là gì? Giữa trả tiền và miễn phí, cái nào đắt hơn?

Người  phải đi tìm câu trả lời chính là bản thân các bạn sinh viên. Diễn đàn này mở ra nhằm giúp mọi người có một nhận thức đúng đắn về học, về làm  giàu, về kiến thức. Chỉ khi các bạn sinh viên đổi được nhận thức của mình thì tương lai các bạn lẫn tương lai đất nước mới có thể nhiều hứa hẹn.

Bạn đọc Bùi Văn Mạnh, 26 tuổi, 131 Hoàng Ngân, Trung Hoà, Cầu Giấy, HN: Có bao nhiêu cách để có thể làm giàu? Cách làm giàu nào giàu nhanh nhất? Phải mất bao nhiêu tiền thì có thể học làm giàu được? Học xong bao nhiêu lâu thì có thể giàu? Tôi không có vốn thì có thể làm giàu được không?

Ông Phạm Thanh Hải: Ở Việt Nam hiện nay, theo tôi những người làm việc trong lĩnh vực bất động sản có cơ hội giàu lên nhanh nhất. Bạn có thể bắt đầu từ việc làm thuê cho một công ty kinh doanh bất động sản, ở bất kể vị trí nào để tìm hiểu lĩnh vực này, sau đó có thể tham gia môi giới, tích luỹ vốn, xây dựng quan hệ, tiến đến đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Nếu bạn thực sự quyết tâm làm giàu, hãy dành ra khoảng 10% thu nhập của mình để đầu tư cho việc học các kiến thức liên quan đến việc làm giàu (học về tư duy người giàu, tài chính, đầu tư, kỹ năng xã hội,…). Khi nào bạn có thể giàu phụ thuộc vào nỗ lực của bạn. Tôi biết một số người tham gia các khoá học về làm giàu và đã tạo ra những thu nhập vượt trội, tăng gấp 5-10 lần thu nhập trước đó của họ chỉ sau 1-2 năm.

Bạn đọc Tran Cam, 34 tuổi, Hà Nội: Tôi là một độc giả thường xuyên của VietNamNet và Diễn đàn VNR500. Tôi hiện tại chỉ có 2 bàn tay trắng mặc dù đã ra trường hơn 2 năm. Tôi là kỹ sư IT, với mức lương tuy không cao lắm (hơn 10 tr/1thang) nhưng không đến nỗi quá thấp. Nhưng ý chí làm giàu, hay do tôi đọc quá nhiều sách về kinh doanh nên luôn như có ngọn lửa trong người, tôi bắt đầu cảm thấy mình không hợp với ngành IT nữa. Do đó tôi đã chuẩn bị và chuyển sang ngành kinh doanh, đó là về ăn uống và tôi đã nghỉ việc.

Nhưng gặp sự phản đối kịch liệt từ gia đình, bạn bè, dứt khoát không cho tôi làm vì cho rằng đó là bêu riếu vào mặt ba mẹ tôi với lý do: nuôi tôi ăn học để mong thăng tiến trong con đường học hành đã chọn. Cuối cùng, tôi phải nghe theo lời bố mẹ. Tôi học về chứng khoán và xin được vào làm MÔI GIỚI ở một công CK uy tín. Nhưng ở đây, tôi bị áp doanh số cao. Tôi còn trẻ lại xuất thân từ nông thôn ra nên không có nhiều mối quan hệ với những người có tiền để chơi CK nên khó có thể trụ nổi. Trong tôi vẫn luôn nhen nhóm niềm đam mê kinh doanh, nhưng bây giờ tôi không còn 1 xu dính túi. Xin cho tôi một con lời khuyên để tôi có thể vượt qua cơn bế tắc này. Xin cảm ơn.

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Tôi không quan tâm đến phản ứng của gia đình bạn. Nói về quá khứ của bạn cũng không ích gì. Điều tôi muốn trao đổi với bạn lúc này là bạn cần làm gì cho tương lai?

– Khi bạn muốn kinh doanh, không chỉ bạn đam mê kinh doanh mà bạn còn phải đam mê và yêu thích ngành bạn kinh doanh. Vậy bạn hãy xét lại xem bạn có thực sự yêu mến ngành ăn uống hay không?

– Muốn kinh doanh thành công, bạn phải là một người bán hàng giỏi. Vì vâỵ, nếu bạn thất bại trong công vịêc môi giới chứng khoán thì tôi mong bạn, hãy xem xét đâu là những lý do thất bại đến từ bản thân bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới tiến bộ trong công việc bán hàng và giúp ích cho công vịêc kinh doanh tương lai.

– Bạn không nhất thiết phải bắt tay vào kinh doanh riêng ngay mà bạn có thể nuôi dưỡng, ấp ủ kinh doanh đó ngay từ những công vịêc bạn đang đi làm. Một quả ngọt chỉ đến khi bạn biết nuôi dưỡng nó khi trên cây.

Mong bạn suy nghĩ thấu đáo những gì tôi chia sẻ và tìm được con đường của riêng mình.

Thời gian dành cho buổi giao lưu trực tuyến ngày 13/10, chủ đề: Làm giàu có thể học được đã kết thúc. Ban Biên tập Diễn đàn VNR500 và Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự tham gia của các vị khách mời. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin chúc các doanh nhân sức khoẻ, bản lĩnh, may mắn và thành công. Chúc các bạn có khát vọng làm giàu sẽ học tập, tìm ra cách đi của mình và sớm trở thành những tỷ phú của Việt Nam và thế giới.

Diễn đàn VNR500